Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Kỳ 1: Vượt rừng vào "xã đói nhất của tỉnh nghèo nhất"

Kỳ 1: Vượt rừng vào "xã đói nhất của tỉnh nghèo nhất"
Copy từ http://vietbao.vn/Phong-su/Ky-1-Vuot-rung-vao-xa-doi-nhat-cua-tinh-ngheo-nhat/20743565/262/, bài đăng ngày 22-09-2013, mục Xã hội > Ký sự.
Trước khi vào Nậm Ban, tôi làm phép thử trên Google tìm "dân tộc Mảng", ra 101 trang tiếng Việt chỉ trong chưa đầy 0,03 giây. Nhưng phải mất tới 2 ngày trời đi từ thị trấn Pa Tần (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) mới tới được trung tâm xã. Hai lần ngả giá với cánh xe ôm ở Pa Tần, chỉ nhận được những cái lắc đầu, mặc dù giá đã lên tới 500 nghìn cho quãng đường chưa tới 20 km.
Bản làng "biến mất" trong mùa mưa
Dân tộc Mảng chỉ còn độ hơn 3.000 người, sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Đây là tộc người bản địa duy nhất ở Lai Châu mà không phải di cư từ vùng đất khác đến. Điều này lý giải lịch sử dân tộc Mảng có trước tất cả mọi tộc người khác trên đất Lai Châu.
 
Chúng tôi đi vào xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ), vùng đất tổ của dân tộc Mảng. Một tâm trạng khắc khoải tới nao lòng khi biết mình đang đi vào xã đói nhất của tỉnh nghèo nhất nước.
Vào tới bản ngoài cùng là Nậm Nó 2, Lò A Tiến, trưởng bản trẻ nhất của xã, nhăn mặt khi tôi hỏi đường vào tới trung tâm xã. Tiến nói thẳng: "Đi bộ thì phải hơn 2 ngày trời có khi chưa tới được bản trung tâm. Còn đi xe thì không thể tới được, trừ khi phải buộc xích vào bánh xe để tránh bùn trơn vào mùa mưa. Muốn mua xích thì phải xuống Pa Tần".
Mới chỉ dừng ở bản ngoài Nậm Nó 2 chưa đầy 30 phút, tôi phải quay lại Pa Tần mua 2 đôi xích, chằng xen vào nan hoa hai bánh xe máy mà cánh xe ôm ở đây gọi là “hỏa xa”.
Mờ sáng hôm sau, khi gà gáy lần hai còn chưa rõ tiếng trưởng bản đã giục dậy chuẩn bị hành lý và cơm nắm cho bữa trưa, dự định trong 1 ngày có thể tới Nậm Ban. Chằng được hai chiếc xích vào bánh thì cũng là lúc những cơn mưa rừng đổ xuống. Trời Tây Bắc vào thu thường chỉ có những cơn mưa nhẹ, hiu hắt nhưng rả rích suốt ngày đêm. Nhìn bằng mắt thường không rõ đường, chỉ thấy những vệt cây rừng uốn quanh núi đồi.
Ngồi sau tay lái của A Tiến, chỉ nghe tiếng chiếc xe gầm rú liên tục. Suốt cả chặng đường, Tiến chỉ đi bằng hai số 1 và 2. Chiếc xe ngả nghiêng, Tiến hét to át lại tiếng gió: “Cán bộ ngồi phải thẳng, sao cho trọng tâm không được lệch. Qua những khúc cua thì nghiêng người về hướng ngược lại để lấy thăng bằng cho xe!”. Nói thì nói vậy, nhưng chẳng mấy khi ngồi yên được để chỉnh lại tư thế, vì chiếc xe nẩy lên liên tục.
Con đường dân sinh dài 17 km nối từ quốc lộ vào trung tâm xã Nậm Ban được mở năm 2000. Nhưng chỉ đến năm 2001 thôi, người từ trung tâm xã Nậm Ban ra hay người từ ngoài vào đều phải mang theo cuốc xẻng. Có nghĩa là vừa đi vừa phải dùng cuốc, xẻng để san đường. Thực trạng đó diễn ra từ đó đến nay, theo cách gọi của người dân xã Nậm Ban đây là con đường “san tay”.
 
Cuối năm 2006, ông Lương Văn Thắng, một hộ kinh doanh ở Pa Tần đã tự bỏ tiền túi thuê nhân dân san đường để chở hàng hoá, nhu yếu phẩm vào buôn bán. Con đường cũng chỉ đi được thêm hai tháng nữa. Đến tháng 6, những trận mưa rừng đầu tiên trút xuống, lại sạt lở nhiều đoạn.
Cây cầu dây cáp trôi xuống suối theo dòng nước. Nậm Ban lại thọt lỏm giữa núi rừng và hoàn toàn biệt lập.
Bà Lý Thị Chướng, Phó Chủ tịch xã Nậm Ban chỉ tay về phía những vệt cây rừng ngoằn nghèo, nói: “Bản gần trung tâm nhất như Nậm Nó 2 cũng phải mất hơn 2 giờ đi xe trong thời tiết thuận lợi. Còn bản xa như Hua Pản thì sáng sớm đi, chiều tối có khi vẫn chưa tới”.
Có đường thì người Mảng mới giao thương được với bên ngoài để phát triển kinh tế. Con đường chính dẫn vào xã là quá nhỏ, chỉ quá cánh tay người, có đoạn chỉ vừa cho 2 người đi bộ. Vào mùa mưa, con đường như được dải lớp dầu trơn trên bề mặt khiến cho người và xe không thể qua lại được.
Đói đều, không tìm được hộ đói nhất!
Bản Nậm Nó 1 nằm chênh vênh bên suối Gium Bai. Toàn bản có hơn 40 hộ. Nhìn quanh chỉ thấy những ngôi nhà sàn xiêu vẹo, bốn bề thưng tre nứa đã mục, mốc thếch.
Cả bản không có lấy một cây cao, hay một khoanh đất nào để trồng rau. Đường đất nối nhà này với nhà kia đầy phân trâu bò, lợn gà bốc mùi hôi, tanh lợm sau cơn mưa đêm qua.
 
Tào A Yến rót nước vào chiếc bát cáu bẩn, sứt mẻ, mời khách. Nhà Yến có 5 nhân khẩu, sống trong cái lán làm bằng tre nứa diện tích khoảng 15 m2. Nhìn xung quanh nhà thấy chỉ có mấy chiếc nồi sứt mẻ, ở góc nhà là tấm cót đan làm giường cho cả nhà ngủ. Nhà làm ít ruộng nên mỗi vụ thu hoạch không đầy 50 cân thóc, chỉ đủ ăn trong hai tháng.
Người Mảng có tên gọi như Mảng Ư, Xà Lá vàng. Đồng bào Mảng sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, lúa, ngô, sắn là nguồn lương thực chính. Phương thức canh tác của đồng bào còn lạc hậu, công cụ sản xuất rất thô sơ như rìu, dao, gậy chọc lỗ.
Người Mảng nuôi lợn gà, chủ yếu dùng trong các dịp nghi lễ tín ngưỡng. Con trâu, bò, ngựa nuôi không đáng kể. Nghề thủ công gia đình tiêu biểu nhất là đan lát. Sản phẩm đan là cót, bem...để dùng và bán hoặc đổi lấy gạo và vải vóc.
Tháng 11 năm 2006, nhà Yến được 1,2 tạ thóc cứu đói của Nhà nước, cũng chỉ đủ ăn đến sau Tết là hết. Vợ Yến đang lên nương sắn đào lại xem còn sót củ nào để làm bữa tối cho cả gia đình.
Nhà Chỉn A Ờn thì có khá hơn một chút. Nhà Ờn có 5 người vẫn còn một gùi sắn mới lấy từ nương về. Vợ Ờn vừa lúi húi nướng sắn vừa địu trên lưng đứa con mới 5 tháng tuổi. Mấy đứa lớn hơn ăn sắn nướng và luộc mãi cũng chán, chúng bóc vỏ ăn sống sồn sột.
Nhà trưởng bản Chìn A Hới cũng đã hết gạo. Cả nhà cũng đang ăn sắn, ăn ngô cầm cự qua ngày. Trưởng bản nói chuyện với tôi không được mặn mà, vì ngại khách đến không có cái gì để tiếp.
Khi tôi hỏi số hộ thiếu ăn trong bản, Hới nói một danh sách các hộ dài dằng dặc. Bản Nậm Nó 1 có 40 hộ thì 33 hộ đang lâm vào tình trạng đói trầm trọng. “Bản ta hộ nào đói nhất?”. Hới trả lời: “Đói đều nhau thôi mà, không tìm được hộ đói nhất đâu”.
Bí thư xã Lý Mò Hừ cho biết: Xã Nậm Ban có 11 bản thì có 5 bản người Mảng là: Nậm Nó I, Nậm Nó II, Nậm Ô, Nậm Xảo 1 và Hua Pảng với hơn 800 khẩu. Chỉ có bản Nậm Xảo 1 gần trung tâm xã Pa Tần, tình trạng đói đỡ hơn. Bốn bản còn lại đều lâm vào tình trạng như bản Nậm Nó 1.
Thương nhất là các em học sinh. Theo thầy giáo Trần Nam San, giáo viên cắm ở bản Nậm Nó 1, nhiều hôm các em lên lớp đói quá lả đi, thầy lại phải mang miến, gạo dự trữ của mình ra nấu cho các em ăn.
 
Thỉnh thoảng, phải mang gạo xuống nhà học sinh cho vì sợ sáng mai các em lại bỏ học lên rừng tìm măng, đào củ mài. Hạt gạo vận chuyển vào được nơi này thì quý như vàng. Muốn mua phải ra Pa Tần cách hơn 30 cây số, thuê người gùi vào thì tiền công còn đắt hơn tiền gạo.
Chạng vạng tối, tôi và thầy San (giáo viên tiểu học cắm bản Nậm Nó 1) phải đi tìm rau rừng để chuẩn bị cho bữa tối. Quanh bản Nậm Nó 1 không thấy một loại cây gì có thể ăn được. Những loại rau rừng như: Rau dớn, rau tàu bay, rau má, rau dền hoang, ngọn cây vả rừng… đều bị bà con vặt trụi. Có nhà còn nhổ cả gốc cây rau dền đem rửa nấu ăn cho đỡ đói. Muốn tìm được rau thì phải đi xa vào rừng sâu.
Chiều ở bản Nậm Nó 1 buồn quay quắt. Những ngôi nhà sàn tre nứa quặt quẹo tưởng như sắp đổ. Mấy năm trước, diện tích đất canh tác ở ven suối Gium Bai còn nhiều thì tình trạng thiếu ăn đỡ hơn. Ngoài ra suối Gium Bai còn cung cấp rất nhiều tôm cá cho đời sống. Người Mảng có nhiều cách chế biến nhiều món ăn từ cá suối rất ngon như: Cá lam nướng, cá Pa Kính nướng, cá đồ….
Nhưng trận lũ năm ngoái đã cuối trôi hết nguồn thực phẩm dồi dào này ra sông Nậm Na. Bây giờ rêu đá còn khó kiếm. Còn tôm, cá thì bặt không thấy bóng.
Thông Thí - Thông Thiện

Không có nhận xét nào: