Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT |
Copy từ http://tuoitre.vn/Giao-duc/561493/pho-chu-tich-nuoc-nguyen-thi-doan-de-nghi-bo-thi-tot-nghiep-thpt.html, đăng ngày 01/08/13, mục Giáo dục . |
TT - Đề nghị trên được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến nâng cao chất lượng giáo dục do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức ngày 31-7-13 tại Hà Nội. |
|
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Chúng ta đã buông lỏng ở khâu quản lý thi cử và cả buông lỏng ở quản lý chất lượng người thầy” - Ảnh: VIỆT DŨNG |
|
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng “mạnh dạn đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu để bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi nào cũng đỗ 99%, 100% thì cần gì phải thi nữa. Có một năm chúng ta thắt chặt thì có trường chỉ đỗ 20%, nhưng có thắt chặt mãi được không? Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học cách nhau gần quá, khổ cực cho người học, gia đình, nhà trường, địa phương”. Phó chủ tịch nước cũng “đề nghị Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN tổng hợp đầy đủ, chi tiết để gửi đến hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng sắp tới”. |
GS Hồ Ngọc Đại - viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục - cho rằng sự phân cấp và chương trình giáo dục hiện nay của VN đang tạo ra sức nặng không cần thiết cho trẻ nhỏ, “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ em mà không mang lại hiệu quả như mong muốn. “Tôi đề nghị áp dụng chương trình giáo dục 11 năm. Trong đó bậc tiểu học là sáu năm, sau đó bậc THCS chỉ cần ba năm để bổ sung một số tri thức kỹ năng cơ bản và THPT chỉ cần hai năm cho những ai muốn học lên đại học và cao đẳng” - GS Đại đề nghị. |
Học hết THPT để làm gì? Câu trả lời của tất cả các em là để thi vào một trường đại học nào đó. Vì sao vậy? Vì chương trình THPT hiện chỉ có một, và chỉ có một mục đích là vào đại học mà thôi. Theo tôi, đây là lệch lạc lớn nhất của mục tiêu đào tạo trong phổ thông” - GS Văn Như Cương lên tiếng. Để chấm dứt sự lệch lạc, GS Cương đề nghị cấu trúc cần thay đổi như sau: cấp tiểu học và THCS chỉ có một chương trình. Cấp THPT được phân thành hai nhánh: một nhánh tạm gọi như cũ là trường THPT và nhánh kia gọi là TH dạy nghề. Các trường THPT chiếm 40% học sinh nhằm đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học ở các trường đại học. Chương trình gồm năm môn bắt buộc: toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất; ngoài ra có các môn tự chọn lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ 2, 3. Bên cạnh đó, ông đề nghị thay đổi căn bản cách thi cử và đánh giá chất lượng. Không thể đánh giá kết quả một học sinh 12 năm trời chỉ trên một bài kiểm tra trong vài ba tiếng đồng đồ. Đồng thời với việc thay đổi nội dung, chương trình sách giáo khoa, cần trao quyền tự chủ cho các sở giáo dục lựa chọn chương trình giảng dạy trong khuôn khổ chuẩn quốc gia đã được quy định. |
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thay đổi sản phẩm giáo dục. Hiện nay sinh viên ra trường không làm được việc, phải đào tạo lại rất tốn kém. Phải thay đổi phương pháp giảng dạy, ngay cả các cháu ở bậc tiểu học hiện nay cũng không thích thầy cô độc thoại, các cháu thích học mà chơi, chơi mà học. Như vậy chúng ta phải thay đổi cơ bản. Chúng ta đã có lỗi rất nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo. Chúng ta đã buông lỏng ở khâu quản lý thi cử và cả buông lỏng ở quản lý chất lượng người thầy”. |
Phải tạo đột phá trong đổi mới giáo dục |
Hôm 31-7-13, tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. |
Trình bày dự thảo đề án, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết so với dự thảo đề án trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), dự thảo lần này đã chỉnh sửa, bổ sung và làm sáng tỏ nhiều nội dung. Cụ thể theo dự thảo, đề án đã thể hiện sự thẳng thắn hơn trong đánh giá thực trạng, nguyên nhân... Về nội dung của đổi mới căn bản, toàn diện, dự thảo đề án tập trung làm rõ: khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội; tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục; phấn đấu để giáo dục trở thành nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững đất nước. Về mục tiêu tổng quát, dự thảo đề án cụ thể hóa rõ hơn: đến năm 2030 giáo dục VN trở thành nền giáo dục mở, chất lượng cao, đạt trình độ giáo dục tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế. |
Để thực hiện những đổi mới được nêu trong nội dung dự thảo, đề án xác định những giải pháp then chốt là “đổi mới tư duy giáo dục”, “đổi mới quản lý giáo dục”, “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, trên cơ sở đổi mới tư duy, lấy “đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục” làm giải pháp đột phá. Dự thảo đề án cũng nêu một trong những kiến nghị là thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do một lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước phụ trách. |
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập đến tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo ngoại ngữ cũng như công nghệ thông tin trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng hơn. “Không có ngoại ngữ sẽ là rào cản lớn” - Phó thủ tướng nói. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng nhìn chung lao động của ta ngoại ngữ còn kém, trong khi đó cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng chia sẻ rằng một trong những bí quyết thành công của đất nước này là đưa tiếng Anh xuyên suốt các bậc học và đề cao tính thực tiễn của việc học. “Ngoại ngữ phải học từ cấp I, bằng A, bằng C thì chẳng vào đâu” - bà Tiến nói. |
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những thành tựu đạt được của đất nước đều có phần đóng góp tích cực của giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng nêu rõ Nghị quyết Đại hội XI đã xác định “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, cùng với đó là “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”. Thủ tướng nói giáo dục là câu chuyện được quan tâm của cả xã hội và trong từng gia đình, theo đó việc xây dựng dự thảo đề án cần bám chắc vào định hướng đã được Đại hội XI xác định. Theo Thủ tướng, qua thảo luận lần này, tổ biên tập cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án. |
Võ Văn Thành |
|
Lê Kiên |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét