Hương sắc Việt Nam ở Paris
Vietsciences- Võ Quang Yến 23/01/2012
Copy từ http://vietsciences.free.fr/vietnam/phongtuctapquan/tetnhamthin/huongsacVN.htm
Tối hôm chủ nhật 25 tháng chín 2011, đoàn nghệ thuật Âu Cơ - Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nguyên là đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, đã lưu diễn ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam, quận 13 Paris. 14 nghệ sĩ đàn hát múa cùng ông đoàn trưởng nghệ sĩ Nguyễn Anh Tuấn qua Pháp từ 15 tháng chín đến 02 tháng mười. Được biết đoàn cũng đã trình diễn ở lễ báo Nhân Đạo tại La Courneuve (16-19 tháng chín) và ở buổi quảng cáo Passion Indochine của Vietnam Airline ở Parc floral tại Vincennes (30 tháng chín - 1 tháng 10), ngoại ô Paris. Chương trình gồm có những điệu múa Hương sắc Việt Nam, Lúa vàng nặng trỉu, Mùa xuân tình yêu, Chiều trong rừng thẳm, (dịch từ bản tiếng Pháp)..., và những màn độc tấu nhiều loại sáo (Văn Ngư), đàn bầu (Thái Bảo), đàn nhị (Xuân Anh), đàn trưng và đàn k'lông put (Tuyết Nhung), song tấu nhị sáo, hòa tấu đàn, sáo, trống, xen lẫn với những bản hát của nghệ sĩ ưu tú Thái Bảo.
Năm cô nghệ sĩ múa trẻ đẹp đã trình bày bốn điệu múa trong bốn y phục khác nhau : áo đỏ, quần trắng, nón lá rất thị thành trong màn thứ nhất ; áo trắng, yếm lục, váy đủ màu nhắc nhở áo tứ thân dân quê ở đồng lúa trong màn thứ nhì ; váy hồng, khăn san mỏng trông tựa các gô gái Chăm trong màn thứ ba ; váy đỏ, áo cụt lộ tay, hở bụng tưởng như các cô gái Thượng trong màn thứ tư. Các cô nhảy múa rất uyển chuyển dịu dàng, thật là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thêm vào đó, mặt mày duyên dáng, cơ thể nở nang, luôn một nụ cười né hở trên môi, cảnh tượng trông rất đẹp mắt và hấp dẩn, dễ bề lôi cuốn khán giả. Trái lại với số khán giả phần lớn người nước ngoài ở Parc floral, tỷ lệ khách Việt có nhiều hơn ở Trung tâm Văn hóa. Tuy vậy, theo tôi đang còn ít so với số Việt kiều ở Paris. Phải chăng thông tin chưa được rộng rãi hay đoàn nghệ sĩ không có tiếng bằng đoàn biểu diễn đêm Hoa sen cũng do Vietnam Airline đồng tố chức với Trung tâm Văn hóa ở Paris cách đây hai năm.
Được chọn lựa trong phái đoàn xuất ngoại, chắc chắn các cô không phải là những nghệ nhân mới vào nghề. Không có phát chương trình bằng tiếng Việt, không có lời giới thiệu tên các vũ nữ trên sân khấu nên khó lòng biết ai là ai. Trong chương trình bằng tiếng Pháp chỉ có tên các vũ nữ nhưng không có ảnh. Tuy nhiên, nhiều tên nghệ nhân ở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã từng được nghe nói đến và rất có thể một vài cô đã có mặt ở Paris : các vũ nữ Đài Trang, Kiều Anh, Kim Chung, Mai Linh, Phương Linh, nam diễn viên Thành Công và các ca sĩ Phương Thảo, Thái Bảo,...Một trong những bộ mặt duyên dáng nhất là Kiều Anh. Cô vừa là vũ nữ vừa là diễn viên truyền hình trong những bộ phim Phía trước là bầu trời, Người thừa của dòng họ. Cô bảo đóng phim không phải là sự nghiệp chính nhưng lăn lộn trong ngành nầy giúp cô hiểu biết hơn về năng khiếu, năng lực của cô. Ngoài phim truyện, cô còn đóng trong những phim quảng cáo, nhất là ngoại quốc, thù lao tương đối lớn hơn và, nhờ thời gian, công nghệ, tài chánh dồi dào nên phim được quay kỹ lưỡng hơn. Dù sao, bất cứ ở phim nào, diễn viên cũng phải cố gắng làm hết sức mình. Và cô mãn nguyện đã chọn lựa được cuộc sống của cô, cuộc sống sum vầy trong một gia đình yên ổn.
Kim Chung là một vũ nữ may mắn được bước chân vào nghề thật sớm trong đời. Quê gốc Thái Bình, vào năm 1972, lúc 9 tuổi, cô được cha mẹ đồng ý cho dự thi tuyển và đậu vào Trường múa Việt Nam, vượt trên 200 thí sinh. Sau đó, cô phải theo Trường múa sơ tán lên vùng Trung Hà trong thời kỳ giặc giã rồi trở về Mai Dịch tiếp tục học hành. Xa gia đình quá sớm, gian nan không thiếu, thử thách hằng ngày giúp cô rèn luyện một ý chí kiên cường. Lanh chóng tiếp thu được nhiều kiến thức, đạt đến nhiều thành tích tiêu biểu nên năm 15 tuổi cô đã được chọn đi trình diễn ở một số nước bạn tại Bắc Âu, ngay cả trước lúc tốt nghiệp Trường múa năm 1979. Từ ngày ấy, cô công tác ở Nhà hát Múa Ca Nhạc Việt Nam. Cô luôn kiếm cách phát huy khả năng chuyên môn của mình, nhất là trong môn độc diễn nên thường được chọn đóng vai chính trong các màn múa. Cô luôn rèn luyện không những để tự tạo một cách biểu diễn đặc sắc mà còn để sáng tạo các động tác, các tiết mục. Gần gũi với dân gian, cô là hình ảnh cô gái hiền thục, nhẹ nhàng, đậm nét Việt Nam. Trên sân khấu, cô nổi bật với chiếc áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ trong mục Gái làng, chiếc nón quai thao trong tiết Múa trống bồng, bay lượn với những nét trẻ trung, hồn nhiên trong các màn Vũ khúc đàn Tơ rưng, hay Mùa xuân trên bản Hơ Mông...Cô đã dàn dựng thành công nhiều chương trình biễu diễn, biên đạo nhiều tác phẩm chẳng hạn có tính cách sắc tộc như Cầu mưa (Tây Nguyên), Mùa hái quả (Thái) được đem trình bày ở ngoại quốc. Cô được trao tặng Giải thưởng A về tác phẩm Men tình. Cô tham gia mọi hoạt động của Nhà hát, từ những cuộc biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi biên giới, hải đảo xa xôi đến các cuộc trình diễn ở nước ngoài như ở Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển. Với tất cả những hoạt động nghệ thuật đa dạng, không ai lấy làm lạ thấy cô theo học và tốt nghiệp Đại học Chính quy Biên đạo múa Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 2002. Thật là văn vũ toàn tài. Mừng cho cô sống đầm ấm với gia đình, bên cạnh nghệ sĩ ưu tú Quang Vinh, một ông chồng đa tài, thông minh...
Ca sĩ độc nhất trong đoàn, Thái Bảo còn là một nghệ sĩ đàn bầu. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức văn hóa nghệ thuật ở Vinh, cô học đàn bầu 16 năm ở nhạc viện và vào công tác ở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Trong một cuộc liên hoan ba nước ở Viêng Chăn, cô ngẫu hứng ôm đàn ghi ta hát một bài Lào làm ngạc nhiên tất cả các thính giả. Không chắc là cùng bài hát, tôi may mắn được nghe cô hát một bài Lào hôm trình diễn Vietnam Airline ở Parc floral. Giọng hát của cô trầm khàn, đầy chất trữ tình, quyến rũ, đưa thính giả vào một cõi mơ màng, nhớ nhung. Có người bảo giọng hát của cô không quá trẻ mà cũng chẳng chịu già ; cô như người đứng giữa hai thế hệ để mang thông điệp tình yêu đến mọi người. Dù sao, cô thành công cả trong nhạc nhẹ lẫn dân ca. Nghe nói nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, người thầy của cô, bảo cô hát ta nghe được mà cả tây nghe cũng hay. Thì hôm trình diễn ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam, sau những bài Việt, cô cũng có hiến cho thính giả một bài hát Pháp làm anh giới thiệu chương trình không hết lời ca ngợi và tiên đoán cô sẽ thành công học lanh tiếng Pháp. Cũng tối hôm ấy, khi cô hát đến câu Khi anh đau khổ xin anh lại với tôi thì cả phòng náo động lên.
Vào năm 1984, nhân đi phục vụ bộ đội và nhân dân miền bắc, sau khi biểu diễn độc tấu đàn bầu, cô cũng ôm đàn ghi ta hát bài Vết chân tròn trên cát. Như cô kể lại, mới nghe cô hát câu đầu Vết chân tròn vẫn đi về trên con đườngmòn cát trắng quê tôi thì là các anh bộ đội hoan hô ầm lên. Hơn nữa, sau đó nhiều anh còn đi bộ cả chục cây số nơi cô ở để xin chép lại bài hát ! Theo lời cô, trước sự cổ vũ đó cô rất cảm động và quyết định lựa chọn con đường ca hát của mình.Những tập hát của cô Ru con mùa đông, Đàn bầu Việt Nam, dân ca quốc tế, Thăm bến Nhà Rồng, Nghe giọt nắng phôi phai, Màu hoa đỏ,... đã được đón nhận với nhiều cảm tình. Riêng phần tôi, dĩa Hoài Cảm được cô ký tặng là ấn tượng những phút mơ mộng êm đềm. Kỷ niệm từ xa xưa bổng ùa về hòa tan trong ta, kỷ niệm của một thời xót xa, kỷ niệm của một thời hoài cảm.
Thỉnh thoảng, một đoàn ca nhạc từ bên nhà qua, đem đến một hơi thở ấm cúng của đất nước cho những đứa con sống tha hương, âu là cũng một cách để họ luôn còn hướng lòng mình về quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét