Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Lễ trao giải các bài viết nghiên cứu xuất sắc về vấn đề Biển Đông

Lễ trao giải các bài viết nghiên cứu xuất sắc về vấn đề Biển Đông
Copy từ http://nghiencuubiendong.vn/component/content/article/176-hoc-bong-nghien-cuu-bien-dong/2885-l-trao-gii-cac-bai-vit-nghien-cu-xut-sc-v-vn--bin-ong,đăng ngà 31/08/12, 17 ảnh.
Ngày 28/08/2012, Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông đã tổ chức trao Chứng chỉ và giải thưởng cho 3 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc trong số gần 60 bài viết tham dự Chương trình.
Giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá chung về các bài viết tham dự.
Theo công bố của Chương trình, 10 bài viết xuất sắc, mỗi giải được nhận hỗ trợ 10.000.000 Đồng. Ba bài viết được giải đặc biệt, mỗi giải được nhận hỗ trợ 15.000.000 Đồng.
Tác giả của 03 bài viết được nhận giải đặc biệt gồm:
Nguyễn Ngọc Lan, sinh viên trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh.
Tên đề tài: Thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật biển 1982 và vấn đề Biển Đông.
Cao Huy Hiệp & Nguyễn Bá Phúc, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp. Hà Nội
Tên đề tài: Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay.
Hòa Thị Huyền, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh
Tên đề tài: Tìm hiểu quan điểm của Hoa Kỳ trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông kể từ năm 1991 đến nay.
Trong khuôn khổ của lễ trao giải, có sự tham gia của các học giả, các nhà nghiên cứu hàng đầu cả nước về Biển Đông và các tác gải trẻ đạt giải, đặc biệt là sự tham dự của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Trong bài phát biểu mở đầu mở đầu Chương trình, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, Giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an, đánh giá cao sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với các vấn đề trên Biển Đông. Các bài viết được thực hiện khoa học và công phu thể hiện thể hiện nhiệt huyết cao và trí tuệ của thế hệ trẻ trong và ngoài nước.
Cùng chia sẻ với Chương trình, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bày tỏ sự tin tưởng lớn vào thế hệ trẻ, và khen ngợi các bạn trẻ đã cố gắng học tập và nghiên cứu nhằm đóng góp trí tuệ để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Nguyên Phó Thủ tướng nhắc nhở các bạn trẻ không dừng ở lại giải thưởng mà hãy tiếp tục học tập mở rộng kiến thức, nâng cao tầm nhìn để góp công sức vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Nguyên Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Học viện Ngoại giao đã có sáng kiến tổ chức Chương trình mang một ý nghĩa rất thiết thực cho các nhà nghiên cứu trẻ. Đây là cơ hội để những chủ nhân tương lai của đất nước nhận thức rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền của của Tổ quốc nói chung, đồng thời góp phần củng cố và xây dựng cơ sở vững chắc trong việc khẳng định chủ quyền và lợi ích của ta trên Biển Đông nói riêng.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại buổi lễ trao giải
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, thế hệ đi trước cần có trách nhiệm tạo môi trường tốt để lớp trẻ có thể phát triển hơn nữa. Đồng thời khuyến khích Học viện Ngoại giao xây dựng cơ chế để trao hỗ trợ thường xuyên, và phổ biến rộng rãi hơn nữa phong trào viết bài về Biển Đông.
Thay cho lời kết của lễ trao giải, Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý đã đặt mục tiêu cho Chương trình sau này sẽ được phổ biển rộng rãi hơn. Số lượng và chất lượng của các bài viết tham gia Chương trình sẽ được nâng cao hơn nữa. Từ đó có thể đưa ra kiến nghị có giá trị nhằm phục vụ công tác bảo vệ, xây dựng chủ quyền và lợi ích của ta trên Biển Đông.
Một số hình ảnh của buổi lễ trao giải
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trao giải đặc biệt cho 2 tác giả Cao Huy Hiệp và Nguyễn Bá Phúc sinh viên trường ĐH KHXHNV Hà Nội.
Hòa Thị Huyền sinh viên trường ĐH KHXHNV Hồ Chí Minh.
10 gương mặt tiêu biểu nhận giải xuất sắc.
Giám đốc Học viện Ngoại giao TS. Đặng Đình Quý trao giải xuất sắc cho Nguyễn Thị Minh Phương - ĐH KHXHNV Hồ Chí Minh
Chu Đức Thùy - Trướng nhóm Hải Đăng, Học viện An ninh Nhân dân
Nguyễn Quang Minh - Học viện Ngoại giao
Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng nhóm CT group ĐH Giao thông Vận tải
Trần Họa My - ĐH Quốc gia Hà Nội
Phạm Thanh Bằng - Học viện Ngoại Giao
Nguyễn Thị Thu Hải - ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguyễn Thái Giang - ĐH Kobe Nhật Bản
Hoàng Thị Tuấn Oanh - Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Học viện công nghệ Nanyang Singapore
Bùi Thu Hà - Học viện Ngoại giao
Phần trình bày tham luận của các tác giả.
Cao Huy Hiệp & Nguyễn Bá Phúc trình bày đề tài nghiên cứu "Vấn đề giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ hiện nay"
Hòa Thị Huyền trình bày đề tài nghiên cứu " Tìm hiểu quan điểm của Hoa Kỳ trong tranh chấp biển Đông kể từ 1991 đến nay"
Hoàng Thị Tuấn Oanh trình bày đề tài nghiên cứu "Trung Quốc "tái hung hăng" - một phân tích dựa trên lý thuyết viễn cảnh "
Nguyen Tien Thinh - Học viện Ngoại giao

Trái nào là trái cấm?

Trái nào là trái cấm?
Copy từ http://sgtt.vn/Tieu-dung/178115/Trai-nao-la-trai-cam.html , đăng ngày 31/05/13, mục Tiêu dùng.
LTS. Với số liệu thống kê cho thấy Việt Nam dẫn đầu thế giới về một số bệnh ung thư, chưa bao giờ câu “bệnh tùng khẩu nhập” lại đúng như bây giờ, cũng chưa bao giờ thứ tự đệ nhất khoái của sự ăn uống lại sai như bây giờ. Từ yêu cầu của bạn đọc, từ số này chuyên trang An toàn thực phẩm được mở trên vị trí trang Khoẻ & Vui thứ sáu hàng tuần. Hy vọng với những thông tin được cập nhật từ chuyên trang này, bạn đọc sẽ biết phải tự bảo vệ thế nào trước một thị trường thực phẩm đã biến thái đến mức cần được định danh lại là “thị trường sản phẩm ướp tẩm hoá chất”.
Trái cây mua tận vườn liệu đã chắc ăn? Ảnh: Thế Ngọc
“Phù phép” sầu riêng
Trên diễn đàn về nông sản, một thành viên bộc bạch từ chỗ là “fan cuồng” của sầu riêng, người này đã tẩy chay loại trái cây này sau một lần về chơi miệt vườn và thấy “Họ pha các loại thuốc xử lý trái sầu riêng, một loại thuốc làm cho trái sầu riêng từ sống chuyển sang chín vàng hai ngày sau là trái chín ăn được ngay, thuốc dạng nước có tên là “trái chín”. Một loại thuốc làm cho trái sầu riêng không bị thối khi để lâu, dạng thuốc nước có tên là agrifos. Một loại thuốc bột màu vàng không có tên công dụng làm cho cơm trái sầu riêng từ trắng chuyển sang màu vàng, làm trái không bị sượng”. Các loại thuốc trên được pha chung trong xô nước, cho sầu riêng ngâm rồi lấy ra đóng thùng đem đi bán… Từ đó, thành viên này tự rút ra bài học: “Cứ lựa những trái sầu riêng to dài là những trái không phun thuốc” (?)
Những loại hoá chất làm trái chín nhanh lần lượt được liệt kê: ethrel, chipo florel, ethephon… Nhiều người khẳng định chất làm trái không thối là một loại thuốc trừ nấm cho cây trồng. Ngay cả thuốc trừ cỏ, theo đồn đoán của nhiều người, cũng được dùng để “tắm” cho trái cây và ăn phải sẽ gây ung thư!
Lợi thành hại do lạm dụng
Ông Dương Thanh Liêm, nguyên hiệu trưởng đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết các loại thuốc thúc trái cây chín sớm đều có nguồn gốc chung là 2,4D. Có nhiều dẫn xuất của 2,4D trong đó có nhóm thuốc làm vàng lá cây, làm rụng lá, thuốc diệt cỏ. Đây là những chất độc hại cho gen, làm tổn hại cho hệ tế bào cả thực vật lẫn động vật.
Ông Lê Thanh Hải, giảng viên khoa công nghệ sau thu hoạch đại học Hùng Vương, phân tích: “Các hoá chất như ethrel, xiclopropenclo... với người là độc nhưng với cây trồng thì có tác dụng lớn bao gồm kích thích trái chín nhanh. Một khi chín nhanh sẽ đi trước cơ chế phá vỡ của vỏ trái, vì vậy ngăn sự hư hỏng do vi nấm nên thường vỏ còn rất chắc chắn (đó là dấu hiệu nhận biết trái chín sớm do hoá chất). Tuy nhiên do người dân sử dụng quá mức và trực tiếp nên dễ gây nhiễm tiềm ẩn. Vấn đề là sự tích luỹ trong gan, nội tạng không phải tức thì mà 5 – 10 năm mới gây ngộ độc, thường là ung thư”.
Bất cứ hoá chất nông nghiệp nào nếu lạm dụng cũng độc cho con người. Ảnh: CTV
Là người có kinh nghiệm với công nghệ sau thu hoạch, TS Nguyễn Văn Phong, viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết hai vấn đề sau thu hoạch mà người ta thường làm trên trái sầu riêng là rấm chín và xử lý ngăn ngừa bệnh thối: “Để quá trình làm chín diễn ra nhanh, người ta phải làm chín nhân tạo, bằng cách xông với các tác nhân gây chín (khí ethylene hay acetylene) nhân tạo. Tuy nhiên hiệu quả rấm chín bằng phương pháp này không cao. Ngày nay, phương pháp sử dụng ethylene được ưa chuộng vì cho hiệu quả cao và cơ chế làm chín cũng giống quá trình làm chín tự nhiên, chỉ khác ở chỗ khí ethylene được bổ sung từ bên ngoài. Phương pháp này đã được viện Cây ăn quả miền Nam khảo sát và hiện đã giới thiệu phổ biến cho một số cá nhân/doanh nghiệp trong nước ứng dụng để rấm chín xoài, chuối…” Việc sử dụng dung dịch ethephon thúc đẩy quá trình chín và cải thiện màu sắc của rau quả được nhiều nước chấp nhận và cho phép trên một số loại rau quả và luôn luôn có sự giám sát. Việc áp dụng thường được thực hiện bằng cách nhúng hay phun. Vấn đề đáng xem xét là nguồn gốc của các dung dịch sử dụng, ngoài thành phần ethephon, còn có các thành phần khác – chất độn giúp nó ổn định – đó là những chất gì, có thực sự an toàn không. Ở một số nước như Mỹ, ethephon được sản xuất với tên thương mại là ethred chứa 10 – 20% ethephon và một số thành phần thuốc trừ nấm khác, và được đăng ký dùng cho giai đoạn trước thu hoạch giúp cải thiện màu sắc và chín đồng loạt…
Còn hình dạng của quả có thay đổi sau khi nhúng hoá chất hay không, theo các chuyên gia, quá trình canh tác chỉ có thể cải tiến phẩm chất giúp quả to hơn, màu sắc hay chất lượng bên trong tốt hơn, chứ không thể làm thay đổi hình dạng từ tròn thành dài hay ngược lại, ngoại trừ các trường hợp rối loạn sinh lý bởi các xử lý đặc biệt, hay các stress nào đó từ chế độ dinh dưỡng dẫn đến trái bị biến dạng, hay do nhà vườn tạo khung ép buộc quả trong quá trình sinh trưởng như trên dưa, bưởi… Sử dụng hoá chất phun làm thay đổi đồng loạt hình dạng của quả cũng chưa thấy.
Trung Dũng
Cần làm theo hướng dẫn của nhà khoa học
Thuốc làm cho trái chín là ethrel thì thế giới vẫn dùng trên chuối nên sử dụng cho sầu riêng cũng không sao. Chỉ có điều nếu nông dân tự “sáng tác” ra các công thức mà nồng độ quá cao thì không nên. Thuốc làm cho trái không bị thối là agriphos, có thể nhúng sầu riêng với agriphos để trái không bị bệnh sau thu hoạch. Tuy nhiên, nếu nông dân sử dụng nồng độ quá cao lại là chuyện khác, còn làm đúng theo hướng dẫn của các nhà khoa học thì không sao.
Nông dân nên để trái chín tự nhiên thì sẽ ngon hơn, ông bà mình ngày xưa cũng đâu dùng thuốc cho cây trái miệt vườn. Còn phía người tiêu dùng, nên lựa chọn những loại trái cây có bao bì nhãn mác rõ ràng, thông tin chi tiết và địa chỉ tin cậy.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu (viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam)

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Về An Phú Đông qua đò Vàm Thuật

Về An Phú Đông qua đò Vàm Thuật
Copy từ http://sgtt.vn/Thoi-su/182754/Ve-An-Phu-Dong-qua-do-Vam-Thuat.html, đăng ngày 30/08/13, mục Thời sự .
SGTT.VN - Chỉ cách trung tâm TP.HCM 7km đường chim bay, nhưng từ trung tâm thành phố, để đến được cù lao An Phú Đông (quận 12) thì phải luỵ một chuyến đò khách từ ngả Gò Vấp sang, hoặc phải đi một vòng đến cầu Bình Phước rồi chạy ngược về hướng Hóc Môn, hoặc phải đi vòng qua ngã tư Ga rồi ngược lại.
Cách các quận trung tâm TP.HCM một con sông nhỏ, An Phú Đông tuy gần mà xa. Ảnh: T.L
Nằm ở một địa giới đặc biệt như thế, nên An Phú Đông, địa danh quen thuộc đã vang lên trong những ca khúc hào hùng một thuở, khu căn cứ địa đóng vai trò bàn đạp ở cửa ngõ sông Sài Gòn trong những năm chiến tranh ác liệt, vào thời hoà bình lại có một nhịp chuyển chậm rãi, nhiều bối rối trước làn sóng đô thị hoá.
Đất máu lửa
Thời nhà Nguyễn mở cõi phương Nam (1698), An Phú Đông có tên ban đầu là làng An Cư. Nhưng trải qua lịch sử chiến tranh kéo dài, dân làng này chẳng mấy khi được thực sự sống đúng như tinh thần của tên làng.
An Phú Đông trở thành chiến khu của uỷ ban Kháng chiến Sài Gòn Gia Định chỉ một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (2.9.1945). Cuốn sử của vùng đất này đầy những trang đẫm máu. Trước năm 1975, ngôi làng ven sông phủ xanh bởi những đồng lúa, những rẫy mía, những vườn cây trái sum suê lại là nơi mà người dân lành sống trong cảnh ngày ra đồng chân lấm tay bùn, nhưng đêm phải tản cư sang Hóc Môn, Bình Triệu, Lái Thiêu để tránh rơi vào chảo lửa của những cuộc đụng độ.
Ông Tư Lý, tức Nguyễn Thanh Lý, 76 tuổi, người mà vào lúc 9 giờ 30 ngày 30.4.1975 từng leo lên nóc trụ sở hội đồng xã để treo lá cờ đỏ sao vàng lên, kể: “Ngày trước, chiến tranh ác liệt, người dân đi di tản hết, làng xóm thưa thớt lắm. Sau năm 1975, chính quyền mới kêu gọi người dân khắp nơi trở về làng sinh sống. Dân lúc đó chỉ chừng 2.000 người”. Bây giờ dân số An Phú Đông đã trên 30.000 người, trong đó, nhập cư chiếm 50%. Nhưng với những người già, ký ức chiến tranh hãy còn sâu đậm. Hình ảnh bi thảm ám ảnh bậc nhất trong những năm sau chiến tranh ở An Phú Đông mà nhiều người lớn tuổi thường nhắc lại, là chuyện chiếc “máy bay mồ côi” bị rơi ngoài đồng.
Đó là chiếc Galaxy C – 5A của không lực Hoa Kỳ được điều động chở 230 đứa trẻ mồ côi cùng khoảng 50 nhân viên quân sự và tình nguyện viên tháp tùng trẻ em, đến với những người đăng ký nhận con nuôi ở Mỹ do phía Mỹ chủ trương đã gặp trục trặc khi vừa cất cánh.
Trên đường bay trở về Tân Sơn Nhất, Galaxy C – 5A đã rơi xuống một nương mía ở An Phú Đông vào chiều ngày 4.4.1975. 78 trẻ em và nhiều nhân viên phục vụ đã thiệt mạng. Máu cùng xương thịt các nạn nhân nhuộm đỏ bùn lầy cả một cánh đồng. Nhiều người ở An Phú Đông cho đến hôm nay vẫn không rõ lý lịch của chiếc máy bay rơi cũng như chuyện gì đã xảy ra với số phận bọn trẻ. Nhưng với họ, mùi chết chóc từ chiếc “máy bay mồ côi” là một ký ức thê thảm vào hồi kết của cuộc chiến tranh.
Ông Tư Lý chỉ tôi đến căn nhà nằm trong đường hẻm trên đường Vườn Lài để tìm lại dấu tích chiếc “máy bay mồ côi” năm xưa. Trước cổng ngôi nhà, một miễu thờ nhỏ được dựng lên khi bà chủ nhà – Hai Lựu – còn sống. Điều đặc biệt là miễu thờ đơn sơ đó được xây ngay trên chính cây trục sắt từ chiếc Galaxy C – 5A cắm sâu vào lòng đất. “Thỉnh thoảng có mấy ông bà Tây về thăm viếng, thắp nhang. Mình dân đây, hết chiến tranh rồi, thấy có người chết oan là nhang đèn cho đỡ lạnh lẽo. Chắc cũng nghĩ vậy mà bà Hai Lựu xây miễu. Bả mất, hai ông con trai cùng xóm giềng vẫn thay nhau đến đặt dĩa hoa quả, cắm hương thường xuyên”, bà Hồ Thị Hỷ, 76 tuổi, nhà đối diện miễu nói.
Cảnh chiếc máy bay Galaxy C – 5A rơi vào năm 1975 tại An Phú Đông. Ảnh: T.L
Những cuộc chiến mới
Ám ảnh chiến tranh, chết chóc ở vùng chiến khu này chưa kịp tan đi trong tâm trí của những người lớn tuổi, thì cuộc chiến mới đã mở ra – cuộc chiến của mưu sinh khốc liệt trong sự chuyển dịch mô hình xã hội ở một vùng đất mà theo cán bộ phường diễn đạt là: “Tiếng thì thuộc thành phố, nhưng mọi thứ coi bộ vẫn còn quê rặt”.
Những năm sau chiến tranh, An Phú Đông vẫn là vùng đất trù phú với những đồng lúa, vườn cây ăn trái tươi tốt. Đặc biệt, phù sa sông Sài Gòn đã cho An Phú Đông những vườn hoa lài tươi tốt. Hương lài làm cho An Phú Đông nức danh cả Sài thành. “Khoảng từ năm 1980 – 1990, phường này có đến 200ha trồng lài. Thương lái vào ra hàng ngày, mở cả cơ sở thu gom để cung ứng cho vùng Chợ Lớn làm trà, thuốc. Lài có thể thu hoạch hàng ngày, vì thế, đời sống người dân rất thoải mái, thong dong. Nhưng đến cuối những năm 1990, sông Vàm Thuật, Sài Gòn và hệ thống kênh rạch nội điền bị ô nhiễm nặng, cây lài dần dần biến mất. “Bây giờ một số nhà chỉ trồng loài hoa này làm kiểng, người đeo nghề thì phải đi thuê đất ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương để trồng, một số khác chuyển sang trồng bonsai, mai ghép theo mô hình kinh tế hộ gia đình, nhưng thời tiết, giá cả vài năm gần đây cũng thất thường”, ông Nguyễn Đức Cường, phó chủ tịch đô thị phường An Phú Đông mở đầu câu chuyện bằng cảm xúc tiếc nuối.
Thật vậy, ngày trước, nhiều người làm giàu nhờ mảnh vườn, thửa đất. Nhưng nay, chỉ còn vài cái tên quen thuộc trong làng bonsai, mai ghép:
Tư Bay (Nguyễn Văn Bay), Phạm Ngọc Xuân, Dương Văn Thanh, hay Huỳnh Văn Tám. Mỗi hộ này, nếu được mùa, được giá, thì thu nhập hàng năm từ vườn kiểng chừng nửa tỉ đồng.
Tình trạng có đất nhưng để hoang chờ được giá là bán vì khó trồng trọt canh tác xem ra rất phổ biến ở An Phú Đông. Đã vậy, đường sá chỉ mới được đầu tư nâng cấp từ năm 2010, trước đó, giao thông trong vùng, ngoài con đường chính là Vườn Lài được trải nhựa, hầu hết là đường cấp phối, thêm cảnh thuỷ triều sông Sài Gòn gây ngập úng, người dân rất khó xoay xở. Ngoài ra, điều bà con vùng “quê trong phố” này “kêu” nhất là thiếu nước sạch. Hiện 60% thành phần cư dân An Phú Đông (tập trung ấp 2) vẫn chưa có nước máy đến nơi. “Họp hành phường kêu ca rã cổ họng mà mấy ổng làm như không nghe”, một người dân bức xúc.
Ông cán bộ phụ trách mảng đô thị nói: “Chuyện nước sạch đến nay phường cũng chưa chủ động được vì nó phụ thuộc vào công ty cấp nước, chỗ dân cư đông thì họ mới đầu tư đường ống dẫn nước đến. Dân bức xúc mà chúng tôi không biết phải giải quyết làm sao. Thấy dân tự khoan giếng khai thác nước ngầm, biết là không đúng luật, mà cũng phải để họ làm, nếu không thì lấy đâu nước để dùng. Sông rạch đều ô nhiễm hết rồi”.
Việc làm, với 10.000 lao động trong phường, nếu không mở tiệm buôn bán thì cũng chỉ biết trông nhờ vào nhu cầu tuyển dụng của một số cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn như: công ty liên doanh Vĩnh Hưng, May Đức Thành và liên doanh Sài Gòn We Wong. Diện tích đầm lầy hoang hoá tăng lên, diện tích đất canh tác, chăn nuôi bị xé lẻ, thu hẹp, điều kiện môi trường ngày càng xấu đi, hạ tầng giao thông đi lại còn hạn chế, quá trình đô thị hoá thiếu đồng bộ đang đặt ra một thách thức mới với một vùng cù lao trù phú có truyền thống nông nghiệp. Ông Tư Lý nói giọng buồn: “Giờ nhiều nhà có đất bỏ không, chờ có giá thì bán. Mía, tắc, chanh, lài và những vườn kiểng đang biến mất, nhường chỗ cho nhà cửa và cơ sở sản xuất, buôn bán”.
Trên bến đò An Phú Đông, ông Tám Hoà, một nhà giáo về hưu mỗi ngày đưa hàng ngàn lượt khách đi, về. Cách nhau một con sông Vàm Thuật chưa đầy 200m, mà bên này là Gò Vấp, phố xá nhà cửa nườm nượp, bên kia là vùng cù lao “an cư” đang dùng dằng nửa làng quê nửa phố thị.
Gần, mà hoá xa là vậy!
Nguyễn Nguyên Thảo

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Người Việt làm tàu ngầm Việt (?)

Người Việt làm tàu ngầm Việt (?)
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/566028/nguoi-viet-lam-tau-ngam-viet.html; đăng ngày 28/08/13, mục .
TTO - Một doanh nghiệp cơ khí tư nhân ở quê lúa Thái Bình sắp hoàn thành và cho thử nghiệm tàu ngầm mini tự chế mang tên Trường Sa 1.
1- Các kỹ sư, công nhân đang hoàn thiện phần thân tàu
 
2- Ảnh chụp từ trên cao tàu ngầm Trường Sa 1.
 
Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP Thái Bình) Nguyễn Quốc Hòa là tác giả thiết kế, chế tạo tàu ngầm với lý do "hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu nước, thích khám phá khoa học và bản thân".
Khi chế tạo thành công, tàu ngầm của ông Hòa sẽ có chiều dài 8,8m, độ cao 3m theo thiết kế, có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Tàu trang bị công nghệ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) có thể lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển hoặc nằm im dưới đáy biển đến 15 tiếng đồng hồ và có thể hoạt động 15 ngày liên tục trên biển. Con tàu có thể hoạt động trong bán kính 800km và vận tốc có thể đạt 20-25 hải lý/giờ (khoảng 40km/giờ)…
“Tôi đọc báo thấy ta chi nhiều triệu USD để mua tàu ngầm Kilo. Rồi người Trung Quốc cũng chế tạo được tàu ngầm. Vậy tại sao người VN mình lại không? Tại sao những kỹ sư cơ khí như mình không thể tự nghiên cứu, chế tạo? Hơn 15 năm học kỹ sư cơ khí chuyên ngành khuôn mẫu ở Đức rồi làm việc ở đấy (ông Hòa có cả bằng kỹ sư hóa học ở ĐH Bách khoa Hà Nội - PV) và hơn 20 năm lập xí nghiệp, công ty cơ khí trong nước, chẳng lẽ mình bó tay", ông Hòa nói.
Giám đốc Hòa tiết lộ ông lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu việc thiết kế, chế tạo tàu ngầm: "Tôi mất nhiều tháng lên mạng tra tài liệu của Nga, Mỹ, Đức, Hàn… để đọc, tính toán, thiết kế và tôi tin công việc của mình sẽ thành công. Chỉ có điều tàu ngầm liên quan đến tính mạng con người, an ninh quốc phòng nên phải cẩn trọng, tỉ mỉ hơn, rồi phải xin cấp phép, thủ tục này nọ…".
Ông Hòa đã nhập thép đặc chủng dày 15mm về để uốn gò làm thân tàu, mũi tàu cùng các thiết bị cảm biến, quan sát, kính tiềm vọng, hệ thống thông tin liên lạc khi con tàu hoạt động được dưới độ sâu. Suốt từ tháng 8-2012 đến nay, ông Hòa cùng đội ngũ 6 kỹ sư và hơn 30 công nhân cơ khí âm thầm thực hiện và đến khi con tàu thành hình hài, ông mới chụp vài tấm hình đưa lên trang web của công ty như đánh dấu kết quả làm việc.
Khi thông tin lọt ra ngoài, mọi người tìm đến, khen có, chê có, thậm chí có người bảo ông “viển vông”, có người nói ông đánh bóng tên tuổi, doanh nghiệp. Thậm chí có người lên mạng cho ông là “hoang tưởng”…
"Tôi chấp nhận bỏ tiền tỉ từ túi mình để tự chế tàu ngầm. Thất bại thì làm lại, thất bại cũng là tiền của mình. Còn nếu thành công, một ngày tàu ngầm Trường Sa 1 của tôi xuất hiện ở vùng biển đảo chủ quyền của mình thì khi đó mình còn chứng minh với thế giới rằng người Việt chẳng thua kém ai. Tôi đặt tên tàu là Trường Sa để có thêm động lực”, ông Hòa tâm sự.
Tình cờ trong buổi làm việc với Tuổi Trẻ ngày 27-8-13, ông Hòa cũng tiếp một đoàn khách là những chuyên gia về tàu thủy, tàu ngầm đến tham quan con tàu ngầm Trường Sa 1. Hàng loạt câu hỏi mang tính “chất vấn” được đặt ra: thiết kế thế nào, thực hiện ý tưởng ra sao, làm sao để tàu cân bằng động, cân bằng tĩnh, thiết bị quan sát, liên lạc, đặc biệt là công nghệ không khí tuần hoàn độc lập…
“Tôi không có thiết kế tổng thể, thiết kế chuẩn nhưng tôi cứ hình dung làm đến đâu tính đến đó. Từng hạng mục đã gần xong, chỉ chờ lắp 2 máy và các thiết bị vào là xong. Bể thử nghiệm tôi cũng xây gần xong và dự kiến cuối năm nay tôi sẽ thả tàu vào bể để xem nó nổ máy được bao lâu, chìm nổi thế nào… Khi đó cái gì khiếm khuyết, anh em chúng tôi tiếp tục suy nghĩ, bổ sung. Đây chỉ là con tàu thứ nhất chỉ dành riêng (sức chứa) cho một đến hai người, nếu thành công tôi sẽ đăng ký để thiết kế những con tàu to hơn, mang theo được nhiều vật dụng hơn”, ông Hòa chia sẻ.
Công ty cơ khí Quốc Hòa thành lập từ năm 1992, hiện có trên 40 công nhân, trong đó có sáu kỹ sư cơ khí. Những kỹ sư, công nhân cho biết dù kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cơ khí điêu đứng thì Quốc Hòa vẫn “làm không hết việc”. Một công nhân nhận xét: “Là ông chủ tư nhân, lãi lời ông Hòa dồn tiền cho cái tàu ngầm này. Cho đến bây giờ con tàu ngốn của ông chủ khoảng 600-700 triệu đồng, và không biết khi chạy được, nó còn ngốn thêm bao nhiêu tiền nữa”.
 
Đức Bình

Bệnh viện vu oan sản phụ nhiễm HIV

Bệnh viện vu oan sản phụ nhiễm HIV
Copy từ http://hcm.eva.vn/tin-tuc/benh-vien-vu-oan-san-phu-nhiem-hiv-c73a149680.html ; đăng ngày 28/08/13, mục Tin tức.
Dù mới nghi sản phụ nhiễm HIV nhưng nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa đã bàn tán khắp nơi khiến bệnh nhân suy sụp tinh thần, đòi tự sát
Ông Lê Tiến Toàn trao đổi với phóng viên
 
Sản phụ Lê Thị Oanh (SN 1992, ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa đến Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Thanh Hóa rạng sáng 23-8 để chờ sinh. Tại đây, các bác sĩ đã đưa chị đi khám, lấy các mẫu xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm máu. Khi chị vừa hạ sinh mẹ tròn con vuông thì gia đình nhận được kết quả xét nghiệm chị Oanh bị nghi nhiễm HIV.
Bác sĩ xa lánh sản phụ nghi nhiễm HIV
"Cầm kết quả trong tay, tôi không thể tin vào mắt mình, chân tay rụng rời, bủn rủn. Không hiểu sao con tôi lại bị chẩn đoán như vậy?" - bà Phạm Thị Hương, mẹ của sản phụ Lê Thị Oanh, nói.
Ông Lê Tiến Toàn trao đổi với phóng viên về trường hợp sản phụ Oanh bị chẩn đoán nhầm nhiễm HIV
 
Gia đình bà Hương không dám báo tin cho con gái biết vì sợ con mới sinh sẽ bị sốc. Trong khi đó, các y, bác sĩ lại bàn tán khắp nơi về trường hợp của sản phụ Oanh, khiến những người bệnh khác ở cùng phòng đều xa lánh, chuyển đi nơi khác vì sợ lây nhiễm.
"Lúc này, con gái tôi biết chuyện, cứ đòi cắn lưỡi tự tử. Tôi phải động viên, khuyên ngăn mãi cháu nó mới bình tâm" - bà Hương cho biết. Điều khiến gia đình sản phụ bất bình là các y, bác sĩ ở đây không hề động viên, khuyên nhủ chị Oanh mà còn xa lánh, ghẻ lạnh. Thậm chí, họ còn yêu cầu gia đình mang nhau thai của sản phụ Oanh về nhà chôn.
Trước tình trạng bệnh nhân có dấu hiệu ra nhiều máu, sức khỏe xấu đi, gia đình đã chuyển chị Oanh lên BV Phụ sản Thanh Hóa để được theo dõi, cách ly đồng thời lấy máu đi xét nghiệm lại. Ở BV Phụ sản Thanh Hóa, xét nghiệm bước đầu cho thấy bệnh nhân âm tính với HIV, bệnh viện này đã lấy mẫu máu thêm một lần nữa. Quá trình xét nghiệm lần hai cũng cho kết quả âm tính.
 
"Chỉ là sai sót nhỏ !"
Chiều 27-8-13, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Tiến Toàn, Giám đốc BV Đa khoa TP Thanh Hóa, cho rằng đây là sơ suất nhỏ đáng tiếc của BV. Theo nguyên tắc, khi chưa chắc chắn hoặc dù kết quả chính thức nhiễm HIV thì các y, bác sĩ không được cho người nhà hoặc nhiều người biết mà phải báo cáo cấp trên để có hướng xử lý. "Nếu người ta có bị nhiễm HIV đi chăng nữa cũng không được nói mà phải lựa thời điểm để thông báo cho hợp lý" - ông Toàn khẳng định.
Theo ông Toàn, nữ y tá Võ Anh Tú là người trực và làm xét nghiệm cho chị Oanh. Y tá này khẳng định không đưa kết quả cho người nhà mà người nhà bệnh nhân vào trong ngồi và nhìn thấy. Về việc này, ông Toàn cho hay do y tá Tú còn trẻ, mới vào làm ở BV nên thiếu kinh nghiệm, để xảy ra sự việc đáng tiếc. Bởi kết quả ban đầu vẫn có tỉ lệ sai sót, BV không có máy móc hiện đại nên những trường hợp như vậy phải báo cáo cấp trên hoặc gửi mẫu lên tuyến trên, khi nào có kết quả chính thức mới báo cho gia đình người bệnh. Đằng này y tá Tú lại tự ý đưa ngay kết quả cho gia đình người bệnh.
Sáng 27-8-13, ông Toàn đã yêu cầu Khoa Xét nghiệm, Khoa Sản làm bản báo cáo sự việc, sau đó sẽ họp và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan.
 
Theo Tuấn Minh (Người Lao Động)
Nhiều thai phụ tử vong
Tại tỉnh Thanh Hóa, tính từ đầu năm đến nay đã liên tiếp xảy ra 3 vụ sản phụ chết bất thường tại các BV. Gần đây nhất là vào ngày 19-8-13, tại BV Phụ sản Thanh Hóa, sản phụ Nguyễn Thị Hiếu (SN 1980, ngụ xã Định Hòa, huyện Yên Định) đã tử vong sau gần 5 giờ mổ thai lưu. Người nhà nạn nhân phản ánh rằng chị Hiếu được chuyển từ tuyến huyện lên trong tình trạng nguy kịch nhưng phải 1 giờ sau, sản phụ này mới được mổ.
Trước đó, ngày 22-7-13, sản phụ Nguyễn Thị Hoàn (SN 1973, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) cũng chết trên bàn sinh tại BV Đa khoa huyện Quảng Xương.
Vào ngày 16-7-13, thai phụ Thiều Thị Nga (SN 1979, ở Thạch Sơn, huyện Thạch Thành) cũng tử vong cùng với thai nhi sau 2 mũi tiêm của y tá trạm y tế xã Thạch Sơn.
 
Theo Tuấn Minh (Người Lao Động)

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Bạc Liêu: Con kênh chết có dấu hiệu phục hồi

Bạc liêu:
Con kênh chết có dấu hiệu phục hồi
Copy từ http://laodong.com.vn/Ban-doc/Con-kenh-chet-co-dau-hieu-phuc-hoi/134956.bld ; đăng ngày 27/08/13 , mục Bạn đọc.
Hơn một tháng sau (giữa tháng 8), PV Báo Lao Động trở lại khu vực kênh số 9 thuộc ấp 12 và nhận thấy con kênh chết ngày nào đã có dấu hiệu phục hồi.
Nhà máy tạm ngưng hoạt động, tôm, cá đã về lại dòng kênh số 9.
 
Ngày 5.7.13, UBND tỉnh Bạc Liêu buộc Cty TNHH Anh Tuấn (chuyên chế biến vỏ đầu tôm) tạm ngưng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng sau khi hàng trăm người nuôi tôm phản ứng quyết liệt (Trang ĐBSCL Báo Lao Động đã phản ánh).
Kênh số 9 thuộc ấp 12 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) là nơi cung cấp nước cho hàng ngàn ha nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Dưới kênh, người dân còn nuôi sò huyết. Sau khi nhà máy chế biến vỏ đầu tôm của Cty Anh Tuấn tạm thời ngưng hoạt động một tháng, con kênh chết đã có dấu hiệu hồi sinh.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - nhà gần đầu kênh - vui mừng: “Tôm, cua, cá ngoài tự nhiên đã về rồi! Trong đầm nuôi tôm thiên nhiên của tui tép bạc, cua sinh sôi nhiều lắm. Đã 3 năm nay giờ mới thấy tôm lớn nhanh như gần đây. Nhà nước kịp thời cho ngưng hoạt động cái nhà máy đó mới có tôm, cá như vầy nè”. Dười kênh, 2 bên bờ người dân đã thả sò huyết như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: “Con sò đã sống được rồi. Có thể do môi trường đã được cải thiện”. Theo người dân tại ấp 12 và ấp 15, lâu lắm rồi mới thấy tôm, cua tự nhiên sinh sống dưới dòng kênh chết này.
Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây tỏ ra tiếc rẻ: Phải chi nhà máy ngưng hoạt động sớm đời sống người dân đâu đến nỗi khó khăn như hiện nay. Ông Chỉnh tính toán: “Mỗi năm riêng thiệt hại do không nuôi được sò tại kênh đã mất trên 10 tỉ đồng. Đó là chưa kể những thiệt hại khác; trong đó con tôm thiệt hại lớn nhất”.
Theo người dân, việc nhà máy tạm ngưng hoạt động mới là thắng lợi bước đầu. Trên 1.000 hộ dân ở ấp 12, ấp 15 mong UBND tỉnh sớm dời nhà máy này ra khỏi khu vực quy hoạch nuôi tôm. Theo chúng tôi, mong muốn của người dân là hợp lý bởi theo quy hoạch của UNND tỉnh đây là vùng nuôi tôm.
 
(LĐ) - Số 197 - Thứ ba 27/08/2013

Hoang vắng ở biển Chăm

Hoang vắng ở biển Chăm
Copy từ http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/182645/Hoang-vang-o-bien-Cham.html , đăng ngày 26/08/13, mục Ẩm thực - Du lịch .
SGTT.VN - Trên con lộ đi từ Phan Rang ra hướng vịnh Vĩnh Hi, qua những ruộng muối Đầm Vua hữu tình, ngó bên trái, sẽ bắt gặp một làng chài xộc xệch, khiêm tốn. Hỏi người Chăm, kẻ bảo, “xưa ông bà ở đây”, kẻ khác lại chỉ lên trên một ngọn đồi nhoài ra phía biển: trên đó, có “đền cúng ông bà”.
Vùng biển lấn tạo nên cấu trúc sinh thái đặc biệt, làm nên vẻ đẹp hoang sơ.
Chúng tôi gửi xe ở quán nước cuối làng biển Khánh Nhơn (Nhơn Hải, Ninh Thuận) rồi theo lối mòn đi qua những rẫy ớt, tỏi, hành... là thổ sản có tiếng của vùng, những ngôi nhà hoang, giếng xây bằng gạch táplô cũ kỹ của người bản địa để lần lối lên đồi. Dưới chân là cát mịn, trên đầu là bóng thuỳ dương loà xoà. Đôi chỗ, có những giao thông hào là dấu tích của khu quân sự đã được dời đi.
Lên xuống đồi Chăm
Chinh phục con đường qua ngọn đồi chỉ dài chừng 2km đủ để vã mồ hôi dưới trưa gắt gỏng của xứ nắng. Lê Hưng Tiến, người đồng hành, một giảng viên âm nhạc của trường CĐSP Ninh Thuận nói, là dân địa phương, nhưng đây là lần đầu nghe đến và thật thú vị khi bị lôi kéo vào chuyến đi kỳ lạ này.
Băng qua khu đồi thuỳ dương, mở ra trước mắt chúng tôi là một ghềnh đá có kiến tạo kỳ lạ, cổ quái. Dường như trong cuộc biển lấn miệt mài ngàn năm, sự bào mòn không đều của sóng đã làm cho những thảm đá trên ghềnh có bề mặt sần sùi, nhám nhúa, đôi chỗ trơ ra những cạnh sắc như thách thức trùng khơi ầm ào. Những vỏ ốc, sò, san hô bị sóng dạt lên hãy còn vương vãi. Và mép nước, vẫn còn những bãi đá cuội, những cồn nhỏ trơ trọi trước sóng nước.
Bước lên phía đỉnh đồi, chúng tôi bắt gặp một ngôi đền thờ toạ lạc. Đền được xây từ 2003 theo lối kiến trúc Hồi giáo, không người canh giữ, nhưng bên trong đền có nhiều vật dụng là chén, dĩa, mâm cúng, áo lễ của người Chăm được xếp gọn gàng để phục vụ cúng tế. Đặc biệt, chung quanh ngôi đền, dưới những gốc cây là các khối đá lớn chạm những văn bản tiếng Chăm cổ. Về sau, khi hỏi một nhà nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, thì chữ Chăm cổ ngày nay không mấy người còn đọc được. Những khối đá được xếp dọc trong lùm cây, dưới những gốc cây và quấn xiêm áo như dáng hoá thạch của những ẩn sĩ toạ thiền, mặt hướng ra phía biển. Giữa chốn hoang vu, những phiến đá được quấn xiêm y đỏ, trắng trầm mặc trước những lư nhang tàn lạnh gợi cảm giác rờn rợn.
Dã ngoại ở vùng biển hoang sơ
Một đồng nghiệp người Chăm cho chúng tôi hay, hàng năm, vào dịp lễ tết Ramưwan (một “tiếp biến” của tháng chay Ramadan trong đạo Hồi, nhưng đã gạt bỏ bớt tinh thần khổ hạnh và chay tịnh), người Chăm theo đạo Bàni (Hồi giáo được bản địa hoá) vẫn đến đây cúng viếng, hành lễ tưởng nhớ tổ tiên.
Bỉnh Nghĩa, Mỹ Tường cũng là nơi vẫn còn giữ lễ cầu đảo sau tết Ramưwan. Nghi lễ cầu đảo, còn gọi là Yôn Yang, cầu xin thần Gió, thần Mây, thần Biển, thần Mưa... cho mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng để công việc nông, ngư thuận lợi, đời sống sung túc.
Đứng ở góc độ văn hoá học, nghi lễ cầu đảo của người Chăm ở những vùng cửa biển tại Ninh Thuận có giá trị đặc biệt, cho thấy dấu ấn của đời sống sinh hoạt biển dã vẫn còn lưu giữ trong tâm thức Chăm mặc dù trên thực tế, qua những biến cố lịch sử dân tộc, lớp hậu duệ đã không còn sinh sống bằng nghề biển như cha ông họ nữa.
Sóng biển hàng ngàn năm đã ăn lẹm vào ghềnh đá của ngọn đồi, tạo ra một vùng rất sâu, có màu xanh thẫm. Đây là nơi kỳ thú cho những chuyến dã ngoại, câu cá với những ai thích khung cảnh hoang sơ và bí ẩn; cũng là nơi lý tưởng cho những chuyến du khảo văn hoá với những ai theo đuổi cuộc tìm kiếm dấu tích biển trong văn hoá Chăm.
Nhưng với chúng tôi, những kẻ “cưỡi ngựa xem hoa” để săn tìm phong cảnh và có bề nuông chiều tâm hồn ăn uống, thì cũng được dự phần: chỉ cần xuống khỏi ngọn đồi, cất vào camera những góc nhìn hoài cổ, thì những quán biển với tôm cá tươi sống vừa từ ghe lên, đặc biệt là món dông cát nướng muối ớt ăn với lá dong... có sức cám dỗ đủ quên mất đường về.
bài và ảnh: Nguyễn Vinh
Làng biển Khánh Nhơn cách trung tâm TP Phan Rang về phía Đông, chừng 15km (trên đường đi vịnh Vĩnh Hi)
Đặc sản: Ớt, tỏi, hành, táo, dông cát, hải sản tươi sống.
Một số món ngon địa phương: bánh căn, bánh xèo tôm mực...

Bất ngờ hoa đào phố núi khoe sắc giữa hè

Bất ngờ hoa đào phố núi khoe sắc giữa hè
Copy từ http://laodong.com.vn/Ban-doc/Bat-ngo-hoa-dao-pho-nui-khoe-sac-giua-he/134791.bld ; đăng ngày 26/08/13, mục Bạn đọc.
Mới chưa hết tháng 7 âm lịch, nhưng những cây đào trên phố núi Pleiku (Gia Lai) đã nở rộ hoa rực rỡ. Điều này quá bất thường, bởi cái tiết se lạnh kèm mưa phùn của mùa xuân vẫn chưa về...
Trên đường Lê Quý Đôn, TP.Pleiku, trước hiên nhà bạn tôi, cây đào già đã ra hoa tự lúc nào. Cứ sáng sớm, tôi lại cùng bạn trưng ấm chén mà nhâm nhi tách trà thơm dưới gốc đào, rồi ngắm nhìn khi cánh đào mỏng tang rơi xuống...
Bạn tôi cho biết, cây đào này năm trước ra hoa sau Tết Trung thu, nhưng năm nay lại nở sớm hơn, có lẽ do khí hậu thay đổi nên hoa nở thất thường. Không chỉ riêng cây đào trước nhà bạn tôi, mà một số cây đào cảnh trên đường Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Văn Thụ của TP.Pleiku cũng đã bắt đầu đua nhau khoe sắc.
Một số hình ảnh hoa đào khoe sắc giữa tiết hè:
Ảnh 1
 
Ảnh 2
 
Ảnh 3
 
Ảnh 4
 
Ảnh 5
 
Ảnh 6
 
Ảnh 7
 
 
Theo laodong.com.vn

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Tàn giấc mơ tàu bay, tiêu giấc mơ tàu ngầm

Tàn giấc mơ tàu bay, tiêu giấc mơ tàu ngầm
Copy từ http://laodong.com.vn/Su-kien-binh-luan/Tan-giac-mo-tau-bay-tieu-giac-mo-tau-ngam/134669.bld ; đăng ngày 25/08/13, mục Sự kiện và Bình luận.
Chiếc tàu ngầm có tên Trường Sa 1 của ông Nguyễn Quốc Hòa.
 
Chiếc tàu ngầm có tên Trường Sa 1 do ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP.Thái Bình) chế tạo đã gây sự tò mò của nhiều người. Ái chà! Một người dân Việt Nam đơn thân độc mã chế được tàu ngầm.
Nói về mục đích chế tạo tàu ngầm, ông Hòa tự tin: “Bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch. Trong khi đất nước còn nghèo thì không có gì tốt hơn là mình tự làm để đạt được những mục đích đó”.
Mục đích mà ông Hòa đặt ra rất đáng trân trọng, nhưng thực tế không phải luôn đồng hành với mơ ước của cá nhân. Hoạt động chế tạo, sản xuất tàu ngầm của thế giới đã đạt tới những đỉnh cao, trong đó tập hợp nhiều đỉnh cao công nghệ mà ngay cả giới chuyên môn trong lĩnh vực này cũng chưa hiểu kịp.
Một chiếc tàu ngầm không phải là để “chìm” xuống nước, đi được trong nước mà còn cả một hệ thống kèm theo như rađa, định vị, liên lạc qua vệ tinh, vũ khí và tác chiến…
Một chiếc tàu ngầm sản xuất thủ công như của ông Hòa chẳng khác gì một thứ đồ chơi được làm đắt tiền, bởi vì ông Hòa đã bỏ ra 1 tỉ đồng để lắp ráp nó. Ai dám lên ngồi chiếc tàu ngầm đó mà tính đến chuyện đi đánh bắt hải sản, ai dám chui vào nó mà tính đến chuyện khai thác du lịch? Và với cái thùng sắt đồ chơi này, đánh đấm gì được ai mà bảo vệ chủ quyền?
Tương tự như chiếc tàu ngầm ở Thái Bình, ở Bình Dương cũng có một người bỏ nhiều năm làm một chiếc trực thăng. Tác giả của chiếc trực thăng này là ông Nguyễn Bùi Hiển, gây ồn ào dăm ba bữa vì chuyện chiếc trực thăng có bay lên một chút. Sau đó không còn ai nhắc tới.
Trước ông Nguyễn Bùi Hiển, người nông dân Trần Quốc Hải ở Tây Ninh gây xôn xao dư luận vì lắp ráp máy bay trực thăng. Tất nhiên là ông Hải cũng ráp lại một thứ có hình dạng giống chiếc trực thăng và cũng có thể tự nó nhấc lên được khỏi mặt đất.
Chiếc trực thăng do ông Hải và các cộng sự chế tạo đều được các cơ quan chuyên môn kết luận "không thể bay được". Ảnh: Vietnamnet
 
Nhưng các cơ quan chức năng không thể cho chiếc trực thăng đó bay. Cấm chiếc trực thăng tự chế đó bay là một quyết định vô cùng sáng suốt, đúng đắn, khoa học vì một lẽ đương nhiên là để bảo vệ mạng sống của “nhà sáng chế” cũng như tài sản, tính mạng của những người có thể bị chiếc trực thăng đồ chơi đó đâm vào.
Xin rất cảm phục quyết tâm và niềm say mê chế tạo của những người lắp ráp máy bay và tàu ngầm thủ công, nhưng cũng xin được nói rằng rất không ủng hộ. Ở đây không phải là phát minh sáng chế, bởi vì thiên hạ đã phát minh và sáng chế máy bay, tàu ngầm từ lâu.
Ở đây cũng không thể gọi là sản xuất hàng trong nước để có sản phẩm sử dụng thay thế hàng ngoại nhập. Chỉ chiếc ôtô đó thôi mà bao nhiêu năm, cả ngành công nghiệp ôtô cũng chỉ nội địa hóa được những linh kiện đơn giản, còn động cơ và thiết bị điện tử thì bó tay không sản xuất được.
Ông Trần Quốc Hải đã bỏ mộng chế máy bay để chuyển sang chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp như máy thổi lá caosu, máy bón phân tự động, máy giạt mủ caosu. Sự điều chỉnh này vừa với sức của ông Hải, vừa có tính khả thi khi áp dụng vào thực tế.
Ông Hòa cũng nên tính tới chuyện thay đổi như ông Hải, chế tạo những máy móc phục vụ cho sản xuất. Đừng làm cái tàu ngầm đồ chơi tiền tỉ vô ích đó.
 
Cận cảnh chiếc tàu ngầm mini tự chế mang tên Trường Sa 1
Mấy ngày gần đây, thông tin về một giám đốc Cty tại tỉnh Thái Bình chế tạo tàu ngầm khiến dư luận xôn xao, bán tín bán nghi. Sáng 24.8.13, chúng tôi đã có mặt tại Cty này và gặp người có dự án làm tàu ngầm "gây bão" trong dư luận tên là Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Cty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP. Thái Bình). Phóng viên đã ghi lại một số hình ảnh về chiếc tàu ngầm mini tự chế mang tên Trường Sa của doanh nhân này vào sáng nay (24.8.13).
 
Trường Sa 1 có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động của tàu là 800km, lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tầu có 2 động cơ 90Hp. Khi lặn, sử dụng công nghệ AIP (do Việt Nam thiết kế); thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ trung bình 40 km/h (20 hải lý/h).
 
Chiếc bể phục vụ cho việc thử nghiệm đang được xây dựng.
 
Ông Giám đốc Nguyễn Quốc Hòa.
Theo http://laodong.com.vn

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Trung Quốc: Ngoại giao “đá phản lưới nhà”

Trung Quốc: Ngoại giao “đá phản lưới nhà”
Copy từ http://sgtt.vn/Quoc-te/182629/Trung-Quoc-Ngoai-giao-“da-phan-luoi-nha”.html, đăng ngày 24/08/13, mục Quốc tế.
SGTT.VN - Chuyện đã xảy ra cách đây mấy tháng, là ngưòi theo dõi từ đầu đến cuối tiến trình đó, nhưng tôi chưa đưa ra công luận, vì không muốn mang tiếng là người “bới lông tìm vết” ông láng giềng lớn.
Nay được gợi ý từ bài viết “Ngoại giao sân vận động” - một thuật ngữ dùng để ám chỉ phương pháp mà Trung Quốc sử dụng khá phổ biến để thực hiện lợi ích chiến lược tại lục địa đen (tức châu Phi) đăng trên báo Thanh Niên số 231 ra ngày 19.8.2013, xin nêu ra để bạn đọc cùng thưởng thức.
Như chúng ta đã biết, tháng 6 vừa qua, hai nhà lãnh đạo cao nhất hai nước Trung - Mỹ đã có cuộc gặp mặt không chính thức tại bang California. Nội dung và kết quả cuộc gặp gỡ đó ra sao, không phải là chủ đề của bài viết này. Ở đây chỉ xin phép nói về một câu chuyện bên lề.
Những ai chú ý theo rõi tình hình quốc tế đều biết bà Bành Lệ Viện, phu nhân Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình là một ca sĩ xinh đẹp, giỏi tiếng Anh lại có tài giao tiếp. Từ khi trở thành đệ nhất phu nhân, bà đã từng tháp tùng đức lang quân trong các chuyến thăm Nga, mấy nuớc châu Phi, mấy nuớc Mỹ La tinh và ở đâu bà cũng “toả sáng” vì sở hữu những cái trời cho và tài năng khả ái nói trên, góp phần rõ rệt trong việc nâng cao vai trò của đức ông chồng. Chính vì vậy, trong chuyến thăm Mỹ lần này dù là không chính thức, ông Tập Cận Bình vẫn mang bà theo với mục đích không nói cũng rõ.
Thế nhưng câu nói nổi tiếng “cao nhân tất hữu cao nhân trị” của người Trung Quốc từ xa xưa lần này đã vận vào chính họ. Biết bà Obama khó địch nổi đối thủ, các nhà ngoại giao Mỹ sau nhiều năm tiếp xúc với nguời Trung Quốc đã “tương kế tựu kế” đưa ra lý do: vì bận rộn trong việc chăm sóc hai cô con gái yêu nhân dịp sắp kết thúc năm học nên bà không thể tới California dự cuộc gặp mặt.
Theo thông lệ ngoại giao thế là bà Bành Lệ Viện đã bị “tước vũ khí một cách rất lịch sự” bà không có đất để “diễn trò”. Hơn nữa để đối phương đỡ mất mặt, trong thư riêng gửi bà Bành Lệ Viện bà Obama ngoài đôi lời giải thích đã nói, sang năm khi sang thăm Trung Quốc bà sẽ mang một con gái đi cùng và thể nào cũng đến chào.
Sau khi rõ chuyện, một mạng chính thống của Trung Quốc đã cay đắng thừa nhận thất bại đó là “ngoại giao đá phản lưới nhà”, một thuật ngữ mà người viết bài này sau hơn nửa thế kỷ theo nghề mới lần đầu tiên nghe thấy và phải hỏi đi hỏi lại mấy bạn trẻ đương chức để xem mình có hiểu lầm không. Kết quả là hiểu đúng nghĩa, tra cứu từ mấy ngoại ngữ thông dụng khác cũng thấy như vậy.
Chính vì thế mới yên tâm kể lại chuyện này.
Dương Danh Dy

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Các ngày giỗ (3)

Các ngày giỗ (3)
Trong tháng 9 âm lịch có 3 ngày giỗ : Cậu hai của Trúc - Nguyễn Tấn Quan, tức Minh(06/09 Âm lịch, DL:2000), Ông bảy Chợ Lớn của Mẫn - Nguyễn Văn Huê (18/9 Mậu Thân 1968), ba cô 6 Đăng Phan Thiết - Ông Đoàn Định còn được gọi là ông Cả Bữu (29/9)-số ĐT bàn tiệm chụp hình của Tiến:0623 821 887- tháng 08/2013.
Trong tháng 10 âm lịch có 1 ngày giỗ : Dì Mười hai của Niên: bà Nguyễn thị Thanh, 17/10, mộ phần còn tại Pháp.
Trong tháng 11 âm lịch có 6 ngày giỗ : Cô Bảy thới của Mẫn - bà Nguyễn Thị Thơi, tức má anh Thưởng và chị Điệp, ngày 1/11 Âm lịch; Ba cậu Khanh của Trúc - ông Thái Văn Anh, ngày 1/11 Âm lịch; Ba ông Ng Tấn Hay,tức ông Nội của mẹ Trúc: Nguyễn văn Mạnh, tức ông giáo Mạnh, mất ngày 3/11 Đinh Hợi 1947; Ông nội của ông Nguyễn Tấn Hay: ông Nguyễn văn Dõng, mất ngày 5/11 Đinh Sữu 1937; Ba của bà ngoại Trúc, ngày 22/11; Ông Nội của cậu Khanh,tức ba ông Thái văn Anh, ngày 29/11; Má của bà ngoại Trúc, ngày 30/11 .
Trong tháng 12 âm lịch có 3 ngày giỗ : Dượng 8 Trí của Mẫn, tức ba của Cậu Téo: ông Nguyễn Hữu Trí, mất ngày 06/12 Canh Dần=CN 09/01/11; bác Tư Ên của Niên, tức ông Đoàn Aí, mất ngày 12/12 Đinh Sữu 1997; Ông Nội của Niên, tức ông Đoàn Lầu,mất ngày 16/12
 

Các ngày giỗ (2)

Các ngày giỗ (2)
Trong tháng 5 âm lịch có các ngày giỗ của: Cậu tám của Niên - Nguyễn văn Cống (09/05), bà nội của Mẫn - Phan thị Đậu (10/05), bà Chín ốm - Kiều thị Chín(11/05), cô hai Lái Thiêu của Niên - Đoàn thị Tôn(12/05), ông ngoại của Trúc - Nguyễn Tấn Hay(14/05),dượng Sáu Chiếm của Mẫn(16/05), Dượng 9 Nữa của Niên - Trần Văn Nữa,ba anh Đạt (18/05), Dì Hai của Mẫn- Nguyễn Thị Bá(22/05), Bác Hai Kỷ của Niên -Đoàn Kỷ(25/05), dượng sáu Châu Ngọc Tần,68 Lê Hồng Phong,Phan Thiết(26/05).
Trong tháng 6 âm lịch có các ngày giỗ của: Dượng hai Lái Thiêu của Niên - Nguyễn văn Kiệu(01/06), ba của Niên - Đoàn văn Hiển,tức Đoàn Thạnh (13/06), Bà Nội của cậu Khanh của Trúc(14/06).
Trong tháng 7 âm lịch có các ngày giỗ của: bà nội của Niên - Võ thị Sợi (10/07), con gái Út của cô hai Lái Thiêu (Chị Dễ)- Nguyễn Thị Kiều Nương (10/07=thứ sáu 16/08/13), Cậu Ba Đà Lạt của Niên - Nguyễn Cừ (26/07), Cô hai Cảnh Bến Tre của Mẫn - Nguyễn thị Cảnh (30/07), Má vợ chú Tân, tức bà Ngoại Kiệt,Châu (30/07).
Trong tháng 8 âm lịch có các ngày giỗ của: Ông Cậu của Niên- Võ Huyến (02/08 Đinh Sữu 1997)- Đường Tân Hóa,hẻm đối diện chùa Pháp Vân, Bà Nội của ông Ng Tấn Hay - Kiều thị Bộn (12/08), Má ông Ng văn Mạnh,tức bà nội ông Ng Tấn Hay: Bà Kiều Thị Lý (13/08 Giáp Thân,1944), Chồng cô 9 Hoa Lan,tức ba của Thùy Lan,Thúy Lan (đường Nơ Trang Long) - Âu văn Tứng(14/08), Chú Tư của Mẫn - Nguyễn Thành Bốn(28/08 Đinh Sữu,1997).
Trong tháng 9 âm lịch có 3 ngày giỗ : Cậu hai của Trúc - Nguyễn Tấn Quan, tức Minh(06/09 Âm lịch, DL:2000), Ông bảy Chợ Lớn của Mẫn - Nguyễn Văn Huê (18/9 Mậu Thân 1968), ba cô 6 Đăng Phan Thiết - Đoàn Định còn gọi là ông Cả Bữu (29/9)-số ĐT bàn tiệm chụp hình của Tiến:0623 821 887- tháng 08/2013.
 
Nhà cô Sáu Đăng: 68 đường Lê Hồng Phong,TP Phan Thiết, ảnh trên là trường THPT Phan Bội Châu, số 70 Lê Hồng Phong,
 
DVN2007

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Biết chia cho nông dân mới bền được

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở bưởi da xanh Hương Miền Tây
Biết chia cho nông dân mới bền được
Copy từ http://sgtt.vn/Loi-song/182489/Biet-chia-cho-nong-dan-moi-ben-duoc.html , đăng ngày 19/08/13, mục Lối sống .
LTS: Từ số này, xuất hiện luân phiên với mục Giá trị sống sẽ là những cuộc Trò chuyện đầu tuần vào mỗi thứ hai. Nhân vật của Trò chuyện đầu tuần sẽ trao đổi những suy nghĩ thời cuộc, bài học thương trường, kinh nghiệm làm ăn... gần gũi với đời thường hơn, nhưng cũng nhằm mục đích chia sẻ những trải nghiệm cá nhân hướng tới giá trị sống phổ quát của cộng đồng.
SGTT.VN - Chỉ cần giữ uy tín bằng việc chọn lọc trái đẹp, thật ngon, cộng với nhãn hiệu bưởi da xanh Bến Tre “Hương Miền Tây” được đăng ký bảo hộ độc quyền, chủ vựa trái cây Đàm Văn Hưng dư sức làm giàu. Thế nhưng, hơn chục tỉ đồng thay vì bỏ vào ngân hàng hưởng lãi, ông đổ vào đầu tư nhà máy xử lý và bảo quản bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GAP. Ông cho rằng mình không liều:
Tôi không mạo hiểm, không liều, mà đầu tư có suy tính và cho rằng mình phải dám cùng nông dân đi theo quy trình VietGAP, rồi GlobalGAP (dự kiến cuối năm nay đạt), đây là chiến lược lâu dài đối với bưởi da xanh. Trước đây, tôi kinh doanh cam sành, loại trái này tuy cũng được trồng nhiều ở Nam bộ nhưng khó phát triển mạnh vì chất lượng không ổn định, nông dân khó kiểm soát được sâu bệnh trên cây cam, một khi vùng trồng đã bị nhiễm bệnh hoặc cây bị già cỗi thì không thể trồng lại trên đất cũ. Cây bưởi da xanh “dễ tính” hơn. Khi phát hiện bưởi da xanh đặc biệt hạp với thổ nhưỡng Bến Tre, thấy bán được giá cao mà ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nông dân đã nhân rộng diện tích rất nhanh.
Quyết định chuyển qua kinh doanh bưởi da xanh, điều thuận lợi đầu tiên đối với tôi là chất lượng bưởi da xanh đã được khẳng định qua nhiều lần nhà vườn ở Bến Tre mang bưởi da xanh đi thi trái ngon và liên tục đoạt giải nhất, nhì. Một số nhà vườn đã có ý thức xây dựng thương hiệu bưởi da xanh của riêng họ, đó là nền tảng để vận động nhà vườn làm qui trình GAP. Song, nếu không có người chăm lo cho khâu tiêu thụ, để nhà vườn tự trồng, tự bán thì qui trình GAP không thể hoàn thiện khi ra thị trường bưởi trồng theo quy trình GAP hay không đều có giá như nhau.
Chúng tôi biết bưởi da xanh lần đầu tiên qua một hội chợ nông nghiệp do TP.HCM tổ chức cách đây khoảng mười năm. Lúc đó đã có vài nhà vườn làm thương hiệu cho bưởi da xanh do chính mình trồng, nhưng qua thời gian thì không còn thấy họ duy trì hình ảnh tốt nữa theo cả hai nghĩa quảng bá và chất lượng trái. Theo ông vì sao?
Thu mỗi năm không dưới 100 triệu đồng trên một công bưởi, chuyện tưởng khó tin nhưng nông dân đã làm được. Đúng là nhiều nhà vườn có vườn bưởi rất tốt, cho trái rất ngon, khi tiêu thụ được nhiều họ lại sinh chủ quan, trồng thêm bằng những cây giống không đạt chất lượng, nên mất uy tín. Không ít nhà vườn nổi tiếng nhờ chất lượng trái bưởi da xanh do mình trồng, từ đó họ nảy sinh làm cây giống, đăng ký thương hiệu cho cả cây giống bưởi da xanh. Đáng tiếc là nhà vườn ham lợi, làm cây giống không đúng tiêu chuẩn, rồi dán nhãn vô bán, khi bị phát hiện thì tiếng tăm nhà vườn mất luôn. Đó là những bài học “bán rẻ thương hiệu” rất đáng tiếc.
Tôi mong các trung tâm cây giống làm sao cung cấp giống tốt thật sự cho nông dân. Nếu không đặt tâm huyết từ cây giống thì ảnh hưởng trong tương lai rất lớn cho thương hiệu bưởi da xanh, nhất là ở Bến Tre. Cơ sở Hương Miền Tây hiện đang liên kết trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với một số tổ hợp tác ở Bến Tre, chúng tôi đặt nông dân trồng theo quy cách của mình để kiểm soát chất lượng bưởi có hương vị đều nhau, nên tôi rất quan tâm đến giống.
Động lực nào khiến ông đặt hết tâm huyết, say sưa với bưởi da xanh như thế?
Thật tình đầu tiên là vì kinh tế gia đình. Giờ đã vượt qua khó khăn, đến lúc góp phần cho xã hội chính là phát triển cả cho mình. Với hai giai đoạn đầu tư nhà máy vừa qua hết gần 17 tỉ đồng, nhẩm tính nếu gửi ngân hàng thì gia đình cũng có thu nhập dư sống. Khổ nỗi vô nghề kinh doanh bưởi da xanh rồi thấy thành cái nghiệp của đời mình, nghĩ người tiêu dùng đã tín nhiệm mua sản phẩm của mình, giúp mình làm giàu thì mình phải tôn trọng người ta. Tôi muốn truyền suy nghĩ này cho nông dân. Mặt khác, cũng cảm ơn nông dân vì nhờ họ trồng được trái ngon mà tôi giữ được uy tín với người tiêu dùng và có điều kiện nâng giá trị của trái bưởi. Hiện tôi chỉ đóng góp làm hài hoà quyền lợi giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Mình biết cách làm gia tăng giá trị sản phẩm của nông dân nhưng phải biết chia lại lợi nhuận cho nông dân mới bền được. Rất vui là tôi luôn nhận được sự ủng hộ của những người trong gia đình.
Tính toán thế nào mà ông dám xây dựng một nhà máy xử lý và bảo quản bưởi sạch theo tiêu chuẩn GAP với công suất thiết kế đến 60 tấn/ngày và còn dự định nâng lên 100 tấn/ngày vào năm 2015?
Bưởi da xanh đã thật sự mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nông dân ở Bến Tre, vì thế dự án phát triển 4.000ha bưởi da xanh của tỉnh thực hiện nhanh chóng. Thấy Bến Tre thu lợi lớn, nông dân ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, rồi nhà vườn ở các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng trồng. Với diện tích mở rộng như vậy thì vài năm nữa sản lượng bưởi da xanh rất lớn. Hiện nay mỗi ngày cơ sở Hương Miền Tây của tôi có thể xử lý 30 – 40 tấn bưởi/ngày. Nếu mình không tính toán trước công suất nhà máy và không lo trước thị trường, mà chờ sản lượng nhiều mới bắt đầu đi tìm thị trường, mới xây dựng nhà máy thì muộn. Nông dân hay mau nản, trồng ra mà thấy ế ẩm một năm là họ dao động liền, có người chặt cây ngay. Định ra công suất nhà máy đồng nghĩa với việc tôi đặt ra cho mình quyết tâm mở rộng thị trường cho bưởi da xanh. Tôi nghĩ mình đang làm tốt việc này khi vừa cùng nông dân xây dựng hình ảnh thương hiệu bưởi da xanh Bến Tre ở thị trường trong nước, vừa tạo nguồn tiêu thụ ở nước ngoài như Đức, Canada và một số nước châu Á.
Đến giờ, thử nhìn lại thị trường trái cây nhiệt đới ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều loại trái cây Việt Nam có chất lượng ngon, được ưa chuộng như xoài, sầu riêng, măng cụt, thanh long, chôm chôm… đang đối mặt với sự cạnh tranh khi một số nước cũng trồng được. Riêng bưởi da xanh thì hầu như nông dân một số địa bàn ở miền Tây Nam bộ, nhất là Bến Tre đang nắm lợi thế, theo tôi là nhờ thiên nhiên đã ban tặng cho họ vùng đất phù hợp nhất để có chất lượng bưởi ngon nhất. Thế nhưng, nếu nông dân cứ canh tác tự do, không định hướng lâu dài thì có lúc sẽ tự đánh mất lợi thế đó. Tiêu chuẩn không phải do doanh nghiệp đặt ra mà cũng không phải do Nhà nước đặt ra làm khó nông dân, mà do người tiêu dùng đặt ra. Người tiêu dùng trong nước cũng có yêu cầu cao không thua nước ngoài, tới giai đoạn ăn ngon mà mẫu mã phải đẹp, yên tâm an toàn sức khoẻ. Nếu không ý thức để cung vượt cầu, nhất là đối với trái cây trồng không theo tiêu chuẩn nào thì sẽ không tiêu thụ hết.
Tôi dự định đến năm 2016 có văn phòng đại diện ở Đức để có thể bán bưởi thẳng sang một số siêu thị, chứ không qua trung gian nữa.
Được biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về học nghề thợ máy. Vì sao ông lại đi bán trái cây?
Tôi thấy mình hạp với nghề kinh doanh trái cây. Nghề này đến như một cái duyên. Làm nghề khác không hứng thú, nhưng đi bán trái cây thì ngày càng đam mê. Khi bán dạo, cực mà đã vui rồi, chứ không phải đến lúc làm ăn khấm khá lên mới vui. Bán dạo mấy năm, có vốn, năm 1996 tôi mới đi trái cây, chủ yếu là cam sành từ Bến Tre lên Sài Gòn bỏ mối cho các vựa ở chợ Cầu Muối, còn vợ tôi ở quê chuyên lo gom hàng. Năm 1999, thấy thị trường Hà Nội ăn giá cao nhưng vì đường dài ít ai đi hàng, trong khi hàng lên Sài Gòn nhiều người làm quá, nên tôi quyết định chọn thị trường Hà Nội làm chính và tôi đã chọn không sai.
Việc tôi chuyển qua kinh doanh bưởi da xanh là mặt hàng chính cũng có kỷ niệm đáng nhớ. Hồi bỏ hàng, ở Sài Gòn chưa làm bưởi da xanh. Năm 2000 ở Sài Gòn cũng chưa nhiều người biết bưởi da xanh, nhưng khi thấy bưởi da xanh ai ăn rồi cũng thích, tôi đưa ra bán ở Hà Nội trước. Lô hàng đi đầu tiên là vào năm 2001, đưa bưởi ra chào cho tiểu thương chợ Long Biên bán, họ chê bưởi da xanh trông vẻ bề ngoài xấu xí. Không nản lòng, tôi cứ xẻ mời người ta ăn. Mời ăn riết rồi một nhóm người ở chợ Long Biên bắt đầu thích. Người đầu tiên nhận bưởi da xanh bán thử cũng bảo mang ra từ từ thôi, sợ họ không bán được thì tôi lỗ đứt vốn. Lúc đó bưởi da xanh rẻ, tôi nghĩ một lần chở ra vài bội cũng chẳng bao nhiêu tiền, coi như có lỗ thì lấy tiền lời cam bù qua. Thời đó bỏ hàng cho các vựa ở Sài Gòn hay Hà Nội gì họ cũng chỉ nhận bán ăn cò 5 – 10%, mình giao hàng cho giá, họ bán tới đâu mới trả tiền đến đó, bán không hết họ trả mình cũng phải lấy lại. Ba năm sau, Hà Nội ăn hàng mỗi ngày 3 – 4 tấn, rồi cứ thế tăng lên. Tôi biết vị trí trái bưởi da xanh trên thị trường đã có. Sau này tôi thay đổi cách giao hàng, phân loại bưởi rồi giao đứt bán đoạn theo từng giá, các vựa tự định giá bán ra. Giờ các đại lý bán bưởi da xanh đều theo hình thức “cắt giá” trước, không bán ăn cò nữa. Cũng chính nhờ vậy mà tôi chủ động được việc định trước giá mua bưởi cho nông dân.
Nhiều người nói người kinh doanh không có tình, cứ có lợi thì làm, nhưng với người nông dân thì tình làng nghĩa xóm rất quan trọng. Ông có bị đối nghịch giữa hai giá trị sống này?
Tôi nghĩ mình đã cố gắng hài hoà hai giá trị: giữ tình làng nghĩa xóm bằng cách làm sao vừa lợi cho mình vừa lợi cho bà con làm vườn, mình không chỉ lo mua để bán mà còn có trách nhiệm với họ. Khi thị trường hút hàng thì ai cũng tranh mua, khi ế hàng thì bỏ mặc nhà vườn, nông dân chịu cảnh đó quá nhiều. Giờ đến lúc giữa người kinh doanh với nhà vườn, cùng đồng tâm làm ra sản phẩm tốt, có khó khăn cùng vượt qua. Tuy nhiên, mình có trách nhiệm bằng cách bao tiêu, thì nông dân cũng phải thay đổi suy nghĩ trong sản xuất theo đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Những nhà vườn trồng bưởi da xanh đã cũng thấy phải hài hoà hai giá trị đó. Họ thay đổi, canh tác theo tiêu chuẩn GAP, đến lúc thu hoạch chỉ lo thu tiền, không cần phải lo việc hái trái chở đi bán bởi tôi mua tận nhà. Từ thay đổi nhận thức giữa hai bên mà hình thành chuỗi giá trị sản xuất tốt, tiêu thụ tốt cho trái bưởi da xanh.
Tôi nghĩ đó là một cách sống “tối lửa tắt đèn có nhau” theo tinh thần mới. Giờ nhiều công ty có vốn rất mạnh, nhưng thua mình về thời gian gắn bó với nông dân nên họ muốn có bưởi cũng phải mua qua Hương Miền Tây. Đó là cái giá trị không mua bằng tiền được.
Thực hiện: Các Ngọc

Bỏ phố lên rừng nuôi gà ngàn đô!

Bỏ phố lên rừng nuôi gà ngàn đô!
Copy từ http://sgtt.vn/Loi-song/182153/Bo-pho-len-rung-nuoi-ga-ngan-do.html ; đăng ngày 17/08/13, mục Lối sống.
SGTT.VN - Gà chín cựa tưởng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh. Ít ai ngờ, nó là giống có thật ngoài đời. Càng bất ngờ hơn, một chàng trai 29 tuổi, lặn lội từ TP.HCM ra cội nguồn giống gà này ở tận nơi đất tổ, rước về phương Nam và đã nhân giống thành công.
Nghiêm Gia Dũng với một chú gà giống.
 
Đổi rượu lấy gà quý
Từ cây số 67 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), len lỏi qua hàng chục cây số đường đất đỏ, đi dưới những rừng cao su xanh mướt mút tầm mắt, cua quẹo qua hàng chục ngả rẽ, chúng tôi mới vào đến trang trại của anh Nghiêm Gia Dũng, ấp 2, xã Bàu Cạn (Long Thành).
Nghĩ trong đầu sẽ gặp một “lão nông tri điền”, thật bất ngờ khi đón chúng tôi lại là chàng thanh niên 29 tuổi, đi giày thể thao, quần jean áo pull sành điệu, sinh ra lớn lên từ bé ở TP.HCM. Cách đây bốn năm, đang là nhân viên tín dụng ngân hàng Sacombank, chi nhánh Chợ Lớn (quận 5) với mức lương 8 triệu đồng/tháng, Dũng bỏ ngang về Long Thành thuê 10ha đất làm trang trại. “Ai cũng nói tui khùng, nhưng tui mặc kệ. Tui quan niệm, làm tín dụng không “ăn” thì không giàu, mà “ăn” thì sợ hậu quả về sau. Chi bằng bỏ phố lên rừng, tự làm kiếm sống, chẳng phụ thuộc ai mà thoả chí đam mê của mình”, Dũng tâm sự. Gom góp được ít vốn để dành trong ba năm đi làm, cộng thêm vay mượn cha mẹ, bạn bè... Dũng đem 1 tỉ đồng “quăng” vào trang trại. Dũng cho đào ao nuôi cá lăng, nuôi công Ấn Độ, nuôi trĩ… bán để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng niềm đam mê quyết tâm tìm cho ra giống gà chín cựa, đem về đất phương Nam nuôi dưỡng cứ luôn lởn vởn trong đầu. Dò hỏi, anh tìm được người bán cho cặp gà chín cựa với giá 20 triệu đồng. Về nuôi một thời gian, anh mới phát hiện đó chỉ là… gà lai.
“Không vào hang sao bắt được cọp”, Dũng lục tung sách vở, tài liệu, internet... và phát hiện ra giống gà chín cựa quý hiếm có nguồn gốc ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ). Anh lập tức đi máy bay ra Hà Nội, thuê xe tìm đến tận bản Cỏi. Lân la hàng tháng trời tại đây nhưng chỉ tìm được giống có bảy, tám cựa. Duy nhất nhà ông trưởng bản có cặp gà chín cựa màu trắng, là giống cực kỳ quý hiếm, nhưng năn nỉ hàng tháng trời ông vẫn không chịu bán. Biết ông thích rượu, Dũng mua vé bay về lại TP.HCM, tuyển 300 lít rượu đế Gò Đen chính hiệu, đem ra biếu ông. Lúc này, thấy tấm chân tình của chàng trai đất phương Nam, ông trưởng bản tặng Dũng cặp gà giống và chỉ dẫn cặn kẽ cách chăm sóc. “Mừng hết lớn, tui mua vé máy bay cho người và… gà bay vào TP.HCM ngay lập tức. Bởi tui sợ đi tàu xe lâu, gà mệt lăn ra chết thì bao công sức “thuyết khách” lâu nay của mình trở thành công cốc”, Dũng lý giải cho sự “chơi sang”.
Kiếm sống từ đất hoang
Thời điểm đó là đầu năm 2013. Về tới nơi, Dũng cho xây chuồng trại, mua máy ấp trứng… về cùng ăn ngủ với gà. Chuyện thức đến 3, 4 giờ sáng để canh trứng gà nở, với Dũng, giờ đã thành chuyện vặt. Trời không phụ lòng người, nửa năm qua, Dũng nhân giống thành công và đã xuất chuồng 30 – 40 cặp gà giống, giá 3 triệu đồng/cặp. Cộng thêm doanh thu từ gà Đông Tảo, cá lăng, đu đủ… giờ thu nhập ổn định của Dũng được 30 triệu đồng/tháng, hơn làm ngân hàng. “Thường tui cũng chỉ tạo ra được giống gà bảy, tám cựa. Duy nhất có một con trống chín cựa, giờ tui giữ như vật gia bảo, dù đã có người trả giá 1.000 USD, nhưng tui vẫn cương quyết không bán”, Dũng khoe.
Một cặp gà giống có giá 3 triệu đồng (ảnh trái). Giống gà nhiều cựa đang được nuôi tại trang trại của Dũng. Ảnh: Thanh Nhã
 
Gà chín cựa, từ khi nở ra đã có thể nhận thấy rõ ở khuỷu chân mỗi bên có ba cựa, về sau gà trưởng thành đặc biệt có một số con mọc thêm mỗi bên chân một cựa hoặc có chân mọc đến hai cựa. Gà chín cựa có thân hình mảnh dẻ, bình thường hay chạy lên đồi nứa, nương rẫy đào giun, bắt dế, thỉnh thoảng mới nhận được nắm ngô, nắm gạo của chủ nuôi. Được bốn đến năm tháng tuổi, gà trống nặng chừng tám – chín lạng, bắt đầu trổ mã, tập gáy. Gà mái nặng chừng bảy – tám lạng thì đã đòi nhảy ổ và có thể thịt được. Khi trưởng thành, gà có thể nặng hơn 3kg. Gà chín cựa có mắt sáng quắc, không hoảng ngay cả khi bị giữ chặt. Mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Riêng cặp chân thì to, chắc và mọc đều ba cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu. Gà chín cựa rất khoẻ, đặc biệt là đôi chân của chúng rất linh hoạt, muốn bắt một con gà chín cựa cũng không phải chuyện dễ, nếu như không nhốt trong chuồng mà muốn bắt chỉ có cách quăng lưới hoặc dùng nỏ ngắm bắn.
Tạm thành công với giống gà chín cựa, bây giờ Dũng lại có thêm niềm đam mê với giống cây tỉ phú. Anh kể, nhờ bạn bè giới thiệu, anh qua tận Thái Lan mua giống về trồng. Từ 10ha đất hoang hoá thuê của người bác, Dũng nai lưng phát hoang, cho trồng hàng ngàn cây tỉ phú. “Tui tính rồi, sau năm năm nữa sẽ thu hoạch, mỗi cây tỉ phú cho trung bình một khối gỗ, bán giá 5 triệu đồng/m3. Lúc đó, chắc tui thành tỉ phú thiệt”, Dũng cười tít mắt.
Kế hoạch của Dũng là đầu năm 2014 sẽ làm thêm du lịch sinh thái để giới thiệu món gà chín cựa cho nhiều người cùng biết. “Nếu ai có nhu cầu muốn tìm hiểu, nuôi dưỡng giống gà quý này, tui sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Tui chỉ muốn chứng minh một điều là giống gà chín cựa không chỉ có trong truyền thuyết thách cưới của vua Hùng, mà có thực ngoài đời và phương Bắc nuôi được thì phương Nam cũng nuôi được”, Dũng hồ hởi.
Có lẽ, sẽ không lâu nữa, những gia đình có con gái ở Long Thành, sẽ rất tự hào khi lễ vật của đàng trai đem đến không phải là bạc vàng châu báu, mà là một cặp gà chín cựa, giống gà tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết.
 
Thanh Nhã – Thọ Mạnh
Gà đủ chín cựa giá 5.000 USD
Từ xưa đến nay, số gà có đủ chín cựa chỉ đếm được trên đầu ngón tay và nhà nào sở hữu gà chín cựa, thì chẳng khác nào có được con gà bằng vàng ròng. Với gà đủ chín cựa, gia chủ có thể phát giá thoải mái, đại gia nào có thú sưu tầm của lạ, sẽ sẵn sàng mua với bất kể giá nào.
Họ đặt cả chục triệu đồng cốt để tìm được một con gà đủ chín cựa. Có lẽ, đến cả trăm triệu đồng cho một con gà người ta cũng sẵn sàng mua. Thực tế, đã có đại gia cây cảnh ở Việt Trì chi 100 triệu đồng (5.000 USD) để có được một chú gà đủ chín cựa từ tay một con buôn.
 
Thanh Nhã – Thọ Mạnh

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Phát khóc vì “hạt dẻ cười”

Phát khóc vì “hạt dẻ cười”
Copy từ http://sgtt.vn/Tieu-dung/182398/Phat-khoc-vi-“hat-de-cuoi”.html; đăng ngày 16/08/13, mục Tiêu dùng.
SGTT.VN - “Hạt dẻ cười” còn được gọi là “quả hồ trăn”, “quả hạnh phúc”, được nhiều người ưa thích vì không chỉ ngon miệng mà còn có tác dụng chống ôxy hoá, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, ngăn ngừa tiểu đường… Thế nhưng gần đây, thông tin hạt dẻ cười được tẩy trắng bằng hoá chất khiến nhiều người hoang mang.
Hầu hết hạt dẻ bán trên thị trường đều có vỏ trắng ruột xanh. Ảnh: Phan Quang
 
Cứ vỏ trắng ruột xanh là độc?
Vừa qua, tổng giám đốc một công ty sản xuất hàng nông sản sấy khô bức xúc chia sẻ cùng phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị: “Thị trường trong nước hàng năm tiêu thụ 3.000 – 5.000 tấn hạt dẻ, tôi muốn tìm nguồn để nhập thì mới té ngửa: hoá ra loại hạt dẻ vỏ trắng ruột xanh đang bán trên thị trường đều do Trung Quốc sản xuất, bằng cách tẩy trắng vỏ và tẩm xanh ruột. Điều đó khiến người tiêu dùng ngộ nhận rằng hạt dẻ có vỏ màu trắng và ruột màu xanh, khiến cho hạt dẻ màu nâu nhập từ Mỹ không bán được”. Hiện tại Trung Quốc cũng đã cấm nhưng người ta vẫn kinh doanh lậu để đưa về Việt Nam qua đường biên giới.
Các chợ trên mạng cũng nhộn nhịp rao bán hạt dẻ cười, giá 200.000 – 350.000đ/kg. Chị Hồng Anh, đang rao bán hạt dẻ cười trên một trang mạng ở Hà Nội, khẳng định hàng của chị chưa qua xử lý tẩy trắng, có xuất xứ Mỹ. Chị khẳng định: “Hạt dẻ không bị tẩy trắng có vỏ màu vàng nâu”. Một thành viên trên diễn đàn lamchame.com tự giới thiệu mình làm trong ngành thực phẩm, cẩn thận chia sẻ: “Khi đến mùa thu hoạch, người ta phân ra làm hai loại là loại hạt nở (khi hạt dẻ chín nó sẽ tự tách vỏ ngay ở trên cây) và một loại khác là loại không nở, hạt điếc. Trung Quốc toàn mua loại hạt điếc này về. Nếu nhìn hạt dẻ tự nhiên thì các bạn sẽ thấy lớp vỏ màu không trắng, sạch như loại hạt dẻ mọi người hay thấy ở chợ mà nó có vỏ hơi vàng vàng, nâu nâu và thi thoảng vẫn còn lớp vỏ màu nâu sẫm ở vỏ. Trông bẩn bẩn nhưng an toàn vô cùng. Loại này hạt to hơn, dài hơn, ăn bùi thơm vì họ không rang kỹ như hạt của Trung Quốc”. Thành viên này cho rằng hạt dẻ cười Trung Quốc nhập về, cho tẩy trắng sạch sẽ, kích nở bằng một loại hoá chất nào đấy nữa rồi đem bán ra thị trường...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại chợ Bình Tây (TP.HCM), hầu hết hạt dẻ cười đều có vỏ trắng ruột xanh, được bán với giá 260.000 – 280.000đ/kg. Ở một số sạp, người bán thẳng thắn xác nhận hạt dẻ có xuất xứ Trung Quốc nhưng không quên trấn an người mua rằng hàng được nhập theo đường chính ngạch, đã qua kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, tại nhiều siêu thị, hạt dẻ cười có xuất xứ đa dạng từ Trung Quốc cho đến Đài Loan, Singapore, Indonesia, Thái Lan… cũng có vỏ trắng ruột xanh, giá 420.000 – 760.000đ/kg, trên bao bì một số sản phẩm còn ghi rõ không sử dụng hoá chất tẩy trắng (?)
Nguy cơ ung thư gan
TS Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa kỹ thuật hoá học, đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết không thể xác định hạt dẻ vỏ trắng ruột xanh là có hoá chất hay ruột nâu thì không sử dụng hoá chất vì còn tuỳ thuộc từng giống hạt dẻ. Theo nhận định chung của các chuyên gia công nghệ thực phẩm, do thị hiếu người dùng thích chọn sản phẩm bắt mắt nên nhà sản xuất sử dụng chất tẩy trắng vỏ để đáp ứng nhu cầu này. Điều này cho thấy, vấn đề cần quan tâm (và cũng thực sự gây hoang mang) không phải là xuất xứ của loại hạt này nữa mà trong quy trình sơ chế, người sản xuất có sử dụng hoá chất độc hại để tẩy trắng hạt dẻ hay không.
ThS Lê Thanh Hải, giảng viên khoa công nghệ sau thu hoạch, đại học Hùng Vương TP.HCM, cho biết để tẩy trắng hạt dẻ, phương pháp có thể áp dụng là dùng chất natri sunfit (muối natri tan của axit sunfurơ) hoặc khí sunfurơ dưới dạng muối (thường là Na2SO3) hay dạng khí nặng (SO2). Khí SO2 nếu công nghệ cao thì thu hồi được, tẩy trắng liên hồi giúp hạt trắng nhanh và đều. Người ta cũng có thể dùng clorin (một loại hoá chất sát khuẩn mạnh gốc clo có trong thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu, chất độc da cam…). Nhưng sử dụng clorin thì độc bởi dư lượng của nó có thể bám trên sản phẩm. Trong quá trình tẩy trắng, clorin dễ theo kẽ hạt thấm vào nhân; hoặc khi rang hạt dẻ, dưới tác động của sức nóng, hơi clo bay hơi thấm sâu vào ruột. Cơ chế tác động của chất này cũng giống 3 – MCPD trong nước tương từng phát hiện trước đây. Ông Hải lưu ý: “Nếu thỉnh thoảng ăn hạt dẻ tẩm clorin, cơ thể có cơ chế đào thải chất độc ra ngoài. Tuy nhiên ăn lâu dài, thường xuyên thì chất độc sẽ bám lại trong cơ thể, theo thời gian dư lượng ngày càng nhiều, nếu gan không lọc được thì ung thư gan là điều không tránh khỏi”. TS Lam cho biết thêm, hiện nay người ta còn sử dụng H2O2 (hydrogen peroxit – tức oxy già) là một chất oxy hoá mạnh, có tác dụng tẩy mạnh để làm trắng vỏ.
Trước đây từng có thông tin hạt dẻ cười ở Iran bị thu hồi khỏi siêu thị vì nhiễm aflatoxiny (chất độc hại do nấm bệnh tạo ra trên vỏ hoa quả và hạt). Hay Trung Quốc cũng đã phác thảo các tiêu chuẩn đối với hạt dẻ cười nhằm ngăn chặn “phong trào” tẩy trắng. Các chuyên gia nhận định, gần đây việc rao bán, quảng cáo hạt dẻ người ta đã nhấn mạnh “không tẩy trắng” cũng là một hiệu ứng tích cực, bởi điều đó chứng tỏ người tiêu dùng không còn chú trọng đến sự bắt mắt mà là chất lượng an toàn. Ông Hải cho rằng: “Công ty, cơ sở sản xuất có uy tín khi chế biến sản phẩm bao giờ cũng phải điều chỉnh sao cho liều lượng chất tẩy trắng hạt dẻ ở mức an toàn, không đọng dư lượng hoá chất gây hại cho cơ thể. Bởi, nếu sản phẩm dùng hoá chất, dư lượng vượt mức sẽ không thoát được thẩm định của máy móc khi đem kiểm định tại cơ quan hữu quan”.
 
 
Sa Đồng – Trọng Văn
Tránh Bạch Tuyết, chọn Lọ Lem
Theo ông Hải, về mặt cảm quan có thể phát hiện một cách tương đối như sau: màu hạt dẻ càng trắng thì hoá chất tác động vào đó càng nhiều (cho dù hạt dẻ nào cũng phải tẩy trắng bằng hoá chất để tạo mỹ quan cho sản phẩm, nếu dùng sunfit thì an toàn); hạt hơi vàng ngà thì hoá chất ít, an toàn hơn. Ngoài ra, cần xem xét nguồn gốc, thành phần nguyên liệu, hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.