Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Tàn giấc mơ tàu bay, tiêu giấc mơ tàu ngầm

Tàn giấc mơ tàu bay, tiêu giấc mơ tàu ngầm
Copy từ http://laodong.com.vn/Su-kien-binh-luan/Tan-giac-mo-tau-bay-tieu-giac-mo-tau-ngam/134669.bld ; đăng ngày 25/08/13, mục Sự kiện và Bình luận.
Chiếc tàu ngầm có tên Trường Sa 1 của ông Nguyễn Quốc Hòa.
 
Chiếc tàu ngầm có tên Trường Sa 1 do ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP.Thái Bình) chế tạo đã gây sự tò mò của nhiều người. Ái chà! Một người dân Việt Nam đơn thân độc mã chế được tàu ngầm.
Nói về mục đích chế tạo tàu ngầm, ông Hòa tự tin: “Bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch. Trong khi đất nước còn nghèo thì không có gì tốt hơn là mình tự làm để đạt được những mục đích đó”.
Mục đích mà ông Hòa đặt ra rất đáng trân trọng, nhưng thực tế không phải luôn đồng hành với mơ ước của cá nhân. Hoạt động chế tạo, sản xuất tàu ngầm của thế giới đã đạt tới những đỉnh cao, trong đó tập hợp nhiều đỉnh cao công nghệ mà ngay cả giới chuyên môn trong lĩnh vực này cũng chưa hiểu kịp.
Một chiếc tàu ngầm không phải là để “chìm” xuống nước, đi được trong nước mà còn cả một hệ thống kèm theo như rađa, định vị, liên lạc qua vệ tinh, vũ khí và tác chiến…
Một chiếc tàu ngầm sản xuất thủ công như của ông Hòa chẳng khác gì một thứ đồ chơi được làm đắt tiền, bởi vì ông Hòa đã bỏ ra 1 tỉ đồng để lắp ráp nó. Ai dám lên ngồi chiếc tàu ngầm đó mà tính đến chuyện đi đánh bắt hải sản, ai dám chui vào nó mà tính đến chuyện khai thác du lịch? Và với cái thùng sắt đồ chơi này, đánh đấm gì được ai mà bảo vệ chủ quyền?
Tương tự như chiếc tàu ngầm ở Thái Bình, ở Bình Dương cũng có một người bỏ nhiều năm làm một chiếc trực thăng. Tác giả của chiếc trực thăng này là ông Nguyễn Bùi Hiển, gây ồn ào dăm ba bữa vì chuyện chiếc trực thăng có bay lên một chút. Sau đó không còn ai nhắc tới.
Trước ông Nguyễn Bùi Hiển, người nông dân Trần Quốc Hải ở Tây Ninh gây xôn xao dư luận vì lắp ráp máy bay trực thăng. Tất nhiên là ông Hải cũng ráp lại một thứ có hình dạng giống chiếc trực thăng và cũng có thể tự nó nhấc lên được khỏi mặt đất.
Chiếc trực thăng do ông Hải và các cộng sự chế tạo đều được các cơ quan chuyên môn kết luận "không thể bay được". Ảnh: Vietnamnet
 
Nhưng các cơ quan chức năng không thể cho chiếc trực thăng đó bay. Cấm chiếc trực thăng tự chế đó bay là một quyết định vô cùng sáng suốt, đúng đắn, khoa học vì một lẽ đương nhiên là để bảo vệ mạng sống của “nhà sáng chế” cũng như tài sản, tính mạng của những người có thể bị chiếc trực thăng đồ chơi đó đâm vào.
Xin rất cảm phục quyết tâm và niềm say mê chế tạo của những người lắp ráp máy bay và tàu ngầm thủ công, nhưng cũng xin được nói rằng rất không ủng hộ. Ở đây không phải là phát minh sáng chế, bởi vì thiên hạ đã phát minh và sáng chế máy bay, tàu ngầm từ lâu.
Ở đây cũng không thể gọi là sản xuất hàng trong nước để có sản phẩm sử dụng thay thế hàng ngoại nhập. Chỉ chiếc ôtô đó thôi mà bao nhiêu năm, cả ngành công nghiệp ôtô cũng chỉ nội địa hóa được những linh kiện đơn giản, còn động cơ và thiết bị điện tử thì bó tay không sản xuất được.
Ông Trần Quốc Hải đã bỏ mộng chế máy bay để chuyển sang chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp như máy thổi lá caosu, máy bón phân tự động, máy giạt mủ caosu. Sự điều chỉnh này vừa với sức của ông Hải, vừa có tính khả thi khi áp dụng vào thực tế.
Ông Hòa cũng nên tính tới chuyện thay đổi như ông Hải, chế tạo những máy móc phục vụ cho sản xuất. Đừng làm cái tàu ngầm đồ chơi tiền tỉ vô ích đó.
 
Cận cảnh chiếc tàu ngầm mini tự chế mang tên Trường Sa 1
Mấy ngày gần đây, thông tin về một giám đốc Cty tại tỉnh Thái Bình chế tạo tàu ngầm khiến dư luận xôn xao, bán tín bán nghi. Sáng 24.8.13, chúng tôi đã có mặt tại Cty này và gặp người có dự án làm tàu ngầm "gây bão" trong dư luận tên là Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Cty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP. Thái Bình). Phóng viên đã ghi lại một số hình ảnh về chiếc tàu ngầm mini tự chế mang tên Trường Sa của doanh nhân này vào sáng nay (24.8.13).
 
Trường Sa 1 có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động của tàu là 800km, lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tầu có 2 động cơ 90Hp. Khi lặn, sử dụng công nghệ AIP (do Việt Nam thiết kế); thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ trung bình 40 km/h (20 hải lý/h).
 
Chiếc bể phục vụ cho việc thử nghiệm đang được xây dựng.
 
Ông Giám đốc Nguyễn Quốc Hòa.
Theo http://laodong.com.vn

Không có nhận xét nào: