Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Trái nào là trái cấm?

Trái nào là trái cấm?
Copy từ http://sgtt.vn/Tieu-dung/178115/Trai-nao-la-trai-cam.html , đăng ngày 31/05/13, mục Tiêu dùng.
LTS. Với số liệu thống kê cho thấy Việt Nam dẫn đầu thế giới về một số bệnh ung thư, chưa bao giờ câu “bệnh tùng khẩu nhập” lại đúng như bây giờ, cũng chưa bao giờ thứ tự đệ nhất khoái của sự ăn uống lại sai như bây giờ. Từ yêu cầu của bạn đọc, từ số này chuyên trang An toàn thực phẩm được mở trên vị trí trang Khoẻ & Vui thứ sáu hàng tuần. Hy vọng với những thông tin được cập nhật từ chuyên trang này, bạn đọc sẽ biết phải tự bảo vệ thế nào trước một thị trường thực phẩm đã biến thái đến mức cần được định danh lại là “thị trường sản phẩm ướp tẩm hoá chất”.
Trái cây mua tận vườn liệu đã chắc ăn? Ảnh: Thế Ngọc
“Phù phép” sầu riêng
Trên diễn đàn về nông sản, một thành viên bộc bạch từ chỗ là “fan cuồng” của sầu riêng, người này đã tẩy chay loại trái cây này sau một lần về chơi miệt vườn và thấy “Họ pha các loại thuốc xử lý trái sầu riêng, một loại thuốc làm cho trái sầu riêng từ sống chuyển sang chín vàng hai ngày sau là trái chín ăn được ngay, thuốc dạng nước có tên là “trái chín”. Một loại thuốc làm cho trái sầu riêng không bị thối khi để lâu, dạng thuốc nước có tên là agrifos. Một loại thuốc bột màu vàng không có tên công dụng làm cho cơm trái sầu riêng từ trắng chuyển sang màu vàng, làm trái không bị sượng”. Các loại thuốc trên được pha chung trong xô nước, cho sầu riêng ngâm rồi lấy ra đóng thùng đem đi bán… Từ đó, thành viên này tự rút ra bài học: “Cứ lựa những trái sầu riêng to dài là những trái không phun thuốc” (?)
Những loại hoá chất làm trái chín nhanh lần lượt được liệt kê: ethrel, chipo florel, ethephon… Nhiều người khẳng định chất làm trái không thối là một loại thuốc trừ nấm cho cây trồng. Ngay cả thuốc trừ cỏ, theo đồn đoán của nhiều người, cũng được dùng để “tắm” cho trái cây và ăn phải sẽ gây ung thư!
Lợi thành hại do lạm dụng
Ông Dương Thanh Liêm, nguyên hiệu trưởng đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết các loại thuốc thúc trái cây chín sớm đều có nguồn gốc chung là 2,4D. Có nhiều dẫn xuất của 2,4D trong đó có nhóm thuốc làm vàng lá cây, làm rụng lá, thuốc diệt cỏ. Đây là những chất độc hại cho gen, làm tổn hại cho hệ tế bào cả thực vật lẫn động vật.
Ông Lê Thanh Hải, giảng viên khoa công nghệ sau thu hoạch đại học Hùng Vương, phân tích: “Các hoá chất như ethrel, xiclopropenclo... với người là độc nhưng với cây trồng thì có tác dụng lớn bao gồm kích thích trái chín nhanh. Một khi chín nhanh sẽ đi trước cơ chế phá vỡ của vỏ trái, vì vậy ngăn sự hư hỏng do vi nấm nên thường vỏ còn rất chắc chắn (đó là dấu hiệu nhận biết trái chín sớm do hoá chất). Tuy nhiên do người dân sử dụng quá mức và trực tiếp nên dễ gây nhiễm tiềm ẩn. Vấn đề là sự tích luỹ trong gan, nội tạng không phải tức thì mà 5 – 10 năm mới gây ngộ độc, thường là ung thư”.
Bất cứ hoá chất nông nghiệp nào nếu lạm dụng cũng độc cho con người. Ảnh: CTV
Là người có kinh nghiệm với công nghệ sau thu hoạch, TS Nguyễn Văn Phong, viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết hai vấn đề sau thu hoạch mà người ta thường làm trên trái sầu riêng là rấm chín và xử lý ngăn ngừa bệnh thối: “Để quá trình làm chín diễn ra nhanh, người ta phải làm chín nhân tạo, bằng cách xông với các tác nhân gây chín (khí ethylene hay acetylene) nhân tạo. Tuy nhiên hiệu quả rấm chín bằng phương pháp này không cao. Ngày nay, phương pháp sử dụng ethylene được ưa chuộng vì cho hiệu quả cao và cơ chế làm chín cũng giống quá trình làm chín tự nhiên, chỉ khác ở chỗ khí ethylene được bổ sung từ bên ngoài. Phương pháp này đã được viện Cây ăn quả miền Nam khảo sát và hiện đã giới thiệu phổ biến cho một số cá nhân/doanh nghiệp trong nước ứng dụng để rấm chín xoài, chuối…” Việc sử dụng dung dịch ethephon thúc đẩy quá trình chín và cải thiện màu sắc của rau quả được nhiều nước chấp nhận và cho phép trên một số loại rau quả và luôn luôn có sự giám sát. Việc áp dụng thường được thực hiện bằng cách nhúng hay phun. Vấn đề đáng xem xét là nguồn gốc của các dung dịch sử dụng, ngoài thành phần ethephon, còn có các thành phần khác – chất độn giúp nó ổn định – đó là những chất gì, có thực sự an toàn không. Ở một số nước như Mỹ, ethephon được sản xuất với tên thương mại là ethred chứa 10 – 20% ethephon và một số thành phần thuốc trừ nấm khác, và được đăng ký dùng cho giai đoạn trước thu hoạch giúp cải thiện màu sắc và chín đồng loạt…
Còn hình dạng của quả có thay đổi sau khi nhúng hoá chất hay không, theo các chuyên gia, quá trình canh tác chỉ có thể cải tiến phẩm chất giúp quả to hơn, màu sắc hay chất lượng bên trong tốt hơn, chứ không thể làm thay đổi hình dạng từ tròn thành dài hay ngược lại, ngoại trừ các trường hợp rối loạn sinh lý bởi các xử lý đặc biệt, hay các stress nào đó từ chế độ dinh dưỡng dẫn đến trái bị biến dạng, hay do nhà vườn tạo khung ép buộc quả trong quá trình sinh trưởng như trên dưa, bưởi… Sử dụng hoá chất phun làm thay đổi đồng loạt hình dạng của quả cũng chưa thấy.
Trung Dũng
Cần làm theo hướng dẫn của nhà khoa học
Thuốc làm cho trái chín là ethrel thì thế giới vẫn dùng trên chuối nên sử dụng cho sầu riêng cũng không sao. Chỉ có điều nếu nông dân tự “sáng tác” ra các công thức mà nồng độ quá cao thì không nên. Thuốc làm cho trái không bị thối là agriphos, có thể nhúng sầu riêng với agriphos để trái không bị bệnh sau thu hoạch. Tuy nhiên, nếu nông dân sử dụng nồng độ quá cao lại là chuyện khác, còn làm đúng theo hướng dẫn của các nhà khoa học thì không sao.
Nông dân nên để trái chín tự nhiên thì sẽ ngon hơn, ông bà mình ngày xưa cũng đâu dùng thuốc cho cây trái miệt vườn. Còn phía người tiêu dùng, nên lựa chọn những loại trái cây có bao bì nhãn mác rõ ràng, thông tin chi tiết và địa chỉ tin cậy.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu (viện trưởng viện Cây ăn quả miền Nam)

Không có nhận xét nào: