Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Về An Phú Đông qua đò Vàm Thuật

Về An Phú Đông qua đò Vàm Thuật
Copy từ http://sgtt.vn/Thoi-su/182754/Ve-An-Phu-Dong-qua-do-Vam-Thuat.html, đăng ngày 30/08/13, mục Thời sự .
SGTT.VN - Chỉ cách trung tâm TP.HCM 7km đường chim bay, nhưng từ trung tâm thành phố, để đến được cù lao An Phú Đông (quận 12) thì phải luỵ một chuyến đò khách từ ngả Gò Vấp sang, hoặc phải đi một vòng đến cầu Bình Phước rồi chạy ngược về hướng Hóc Môn, hoặc phải đi vòng qua ngã tư Ga rồi ngược lại.
Cách các quận trung tâm TP.HCM một con sông nhỏ, An Phú Đông tuy gần mà xa. Ảnh: T.L
Nằm ở một địa giới đặc biệt như thế, nên An Phú Đông, địa danh quen thuộc đã vang lên trong những ca khúc hào hùng một thuở, khu căn cứ địa đóng vai trò bàn đạp ở cửa ngõ sông Sài Gòn trong những năm chiến tranh ác liệt, vào thời hoà bình lại có một nhịp chuyển chậm rãi, nhiều bối rối trước làn sóng đô thị hoá.
Đất máu lửa
Thời nhà Nguyễn mở cõi phương Nam (1698), An Phú Đông có tên ban đầu là làng An Cư. Nhưng trải qua lịch sử chiến tranh kéo dài, dân làng này chẳng mấy khi được thực sự sống đúng như tinh thần của tên làng.
An Phú Đông trở thành chiến khu của uỷ ban Kháng chiến Sài Gòn Gia Định chỉ một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập (2.9.1945). Cuốn sử của vùng đất này đầy những trang đẫm máu. Trước năm 1975, ngôi làng ven sông phủ xanh bởi những đồng lúa, những rẫy mía, những vườn cây trái sum suê lại là nơi mà người dân lành sống trong cảnh ngày ra đồng chân lấm tay bùn, nhưng đêm phải tản cư sang Hóc Môn, Bình Triệu, Lái Thiêu để tránh rơi vào chảo lửa của những cuộc đụng độ.
Ông Tư Lý, tức Nguyễn Thanh Lý, 76 tuổi, người mà vào lúc 9 giờ 30 ngày 30.4.1975 từng leo lên nóc trụ sở hội đồng xã để treo lá cờ đỏ sao vàng lên, kể: “Ngày trước, chiến tranh ác liệt, người dân đi di tản hết, làng xóm thưa thớt lắm. Sau năm 1975, chính quyền mới kêu gọi người dân khắp nơi trở về làng sinh sống. Dân lúc đó chỉ chừng 2.000 người”. Bây giờ dân số An Phú Đông đã trên 30.000 người, trong đó, nhập cư chiếm 50%. Nhưng với những người già, ký ức chiến tranh hãy còn sâu đậm. Hình ảnh bi thảm ám ảnh bậc nhất trong những năm sau chiến tranh ở An Phú Đông mà nhiều người lớn tuổi thường nhắc lại, là chuyện chiếc “máy bay mồ côi” bị rơi ngoài đồng.
Đó là chiếc Galaxy C – 5A của không lực Hoa Kỳ được điều động chở 230 đứa trẻ mồ côi cùng khoảng 50 nhân viên quân sự và tình nguyện viên tháp tùng trẻ em, đến với những người đăng ký nhận con nuôi ở Mỹ do phía Mỹ chủ trương đã gặp trục trặc khi vừa cất cánh.
Trên đường bay trở về Tân Sơn Nhất, Galaxy C – 5A đã rơi xuống một nương mía ở An Phú Đông vào chiều ngày 4.4.1975. 78 trẻ em và nhiều nhân viên phục vụ đã thiệt mạng. Máu cùng xương thịt các nạn nhân nhuộm đỏ bùn lầy cả một cánh đồng. Nhiều người ở An Phú Đông cho đến hôm nay vẫn không rõ lý lịch của chiếc máy bay rơi cũng như chuyện gì đã xảy ra với số phận bọn trẻ. Nhưng với họ, mùi chết chóc từ chiếc “máy bay mồ côi” là một ký ức thê thảm vào hồi kết của cuộc chiến tranh.
Ông Tư Lý chỉ tôi đến căn nhà nằm trong đường hẻm trên đường Vườn Lài để tìm lại dấu tích chiếc “máy bay mồ côi” năm xưa. Trước cổng ngôi nhà, một miễu thờ nhỏ được dựng lên khi bà chủ nhà – Hai Lựu – còn sống. Điều đặc biệt là miễu thờ đơn sơ đó được xây ngay trên chính cây trục sắt từ chiếc Galaxy C – 5A cắm sâu vào lòng đất. “Thỉnh thoảng có mấy ông bà Tây về thăm viếng, thắp nhang. Mình dân đây, hết chiến tranh rồi, thấy có người chết oan là nhang đèn cho đỡ lạnh lẽo. Chắc cũng nghĩ vậy mà bà Hai Lựu xây miễu. Bả mất, hai ông con trai cùng xóm giềng vẫn thay nhau đến đặt dĩa hoa quả, cắm hương thường xuyên”, bà Hồ Thị Hỷ, 76 tuổi, nhà đối diện miễu nói.
Cảnh chiếc máy bay Galaxy C – 5A rơi vào năm 1975 tại An Phú Đông. Ảnh: T.L
Những cuộc chiến mới
Ám ảnh chiến tranh, chết chóc ở vùng chiến khu này chưa kịp tan đi trong tâm trí của những người lớn tuổi, thì cuộc chiến mới đã mở ra – cuộc chiến của mưu sinh khốc liệt trong sự chuyển dịch mô hình xã hội ở một vùng đất mà theo cán bộ phường diễn đạt là: “Tiếng thì thuộc thành phố, nhưng mọi thứ coi bộ vẫn còn quê rặt”.
Những năm sau chiến tranh, An Phú Đông vẫn là vùng đất trù phú với những đồng lúa, vườn cây ăn trái tươi tốt. Đặc biệt, phù sa sông Sài Gòn đã cho An Phú Đông những vườn hoa lài tươi tốt. Hương lài làm cho An Phú Đông nức danh cả Sài thành. “Khoảng từ năm 1980 – 1990, phường này có đến 200ha trồng lài. Thương lái vào ra hàng ngày, mở cả cơ sở thu gom để cung ứng cho vùng Chợ Lớn làm trà, thuốc. Lài có thể thu hoạch hàng ngày, vì thế, đời sống người dân rất thoải mái, thong dong. Nhưng đến cuối những năm 1990, sông Vàm Thuật, Sài Gòn và hệ thống kênh rạch nội điền bị ô nhiễm nặng, cây lài dần dần biến mất. “Bây giờ một số nhà chỉ trồng loài hoa này làm kiểng, người đeo nghề thì phải đi thuê đất ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương để trồng, một số khác chuyển sang trồng bonsai, mai ghép theo mô hình kinh tế hộ gia đình, nhưng thời tiết, giá cả vài năm gần đây cũng thất thường”, ông Nguyễn Đức Cường, phó chủ tịch đô thị phường An Phú Đông mở đầu câu chuyện bằng cảm xúc tiếc nuối.
Thật vậy, ngày trước, nhiều người làm giàu nhờ mảnh vườn, thửa đất. Nhưng nay, chỉ còn vài cái tên quen thuộc trong làng bonsai, mai ghép:
Tư Bay (Nguyễn Văn Bay), Phạm Ngọc Xuân, Dương Văn Thanh, hay Huỳnh Văn Tám. Mỗi hộ này, nếu được mùa, được giá, thì thu nhập hàng năm từ vườn kiểng chừng nửa tỉ đồng.
Tình trạng có đất nhưng để hoang chờ được giá là bán vì khó trồng trọt canh tác xem ra rất phổ biến ở An Phú Đông. Đã vậy, đường sá chỉ mới được đầu tư nâng cấp từ năm 2010, trước đó, giao thông trong vùng, ngoài con đường chính là Vườn Lài được trải nhựa, hầu hết là đường cấp phối, thêm cảnh thuỷ triều sông Sài Gòn gây ngập úng, người dân rất khó xoay xở. Ngoài ra, điều bà con vùng “quê trong phố” này “kêu” nhất là thiếu nước sạch. Hiện 60% thành phần cư dân An Phú Đông (tập trung ấp 2) vẫn chưa có nước máy đến nơi. “Họp hành phường kêu ca rã cổ họng mà mấy ổng làm như không nghe”, một người dân bức xúc.
Ông cán bộ phụ trách mảng đô thị nói: “Chuyện nước sạch đến nay phường cũng chưa chủ động được vì nó phụ thuộc vào công ty cấp nước, chỗ dân cư đông thì họ mới đầu tư đường ống dẫn nước đến. Dân bức xúc mà chúng tôi không biết phải giải quyết làm sao. Thấy dân tự khoan giếng khai thác nước ngầm, biết là không đúng luật, mà cũng phải để họ làm, nếu không thì lấy đâu nước để dùng. Sông rạch đều ô nhiễm hết rồi”.
Việc làm, với 10.000 lao động trong phường, nếu không mở tiệm buôn bán thì cũng chỉ biết trông nhờ vào nhu cầu tuyển dụng của một số cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn như: công ty liên doanh Vĩnh Hưng, May Đức Thành và liên doanh Sài Gòn We Wong. Diện tích đầm lầy hoang hoá tăng lên, diện tích đất canh tác, chăn nuôi bị xé lẻ, thu hẹp, điều kiện môi trường ngày càng xấu đi, hạ tầng giao thông đi lại còn hạn chế, quá trình đô thị hoá thiếu đồng bộ đang đặt ra một thách thức mới với một vùng cù lao trù phú có truyền thống nông nghiệp. Ông Tư Lý nói giọng buồn: “Giờ nhiều nhà có đất bỏ không, chờ có giá thì bán. Mía, tắc, chanh, lài và những vườn kiểng đang biến mất, nhường chỗ cho nhà cửa và cơ sở sản xuất, buôn bán”.
Trên bến đò An Phú Đông, ông Tám Hoà, một nhà giáo về hưu mỗi ngày đưa hàng ngàn lượt khách đi, về. Cách nhau một con sông Vàm Thuật chưa đầy 200m, mà bên này là Gò Vấp, phố xá nhà cửa nườm nượp, bên kia là vùng cù lao “an cư” đang dùng dằng nửa làng quê nửa phố thị.
Gần, mà hoá xa là vậy!
Nguyễn Nguyên Thảo

Không có nhận xét nào: