Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ đường lưỡi bò trong hộ chiếu

Yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ đường lưỡi bò trong hộ chiếu
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/521760/Yeu-cau-Trung-Quoc-huy-bo-duong-luoi-bo-trong-ho-chieu.html ; tin ngày 23/11/12, mục Chính trị -XH.
TT - Ngày 22-11-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị cho biết đại diện Bộ Ngoại giao VN đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc trao công hàm yêu cầu TQ hủy bỏ bản đồ chín đoạn in trong hộ chiếu phổ thông điện tử.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
 
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng hộ chiếu phổ thông gắn chip điện tử. Đường chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, do Trung Quốc tự vạch ra bao gồm toàn bộ biển Đông và tiến sát bờ biển Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Ông Nghị khẳng định đây là việc làm vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với các vùng biển liên quan.
Theo Reuters, Philippines cũng đã lên tiếng phản đối Trung Quốc. Trong thư gửi tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila ngày 22-11-12, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói chính quyền Manila “phản đối mạnh mẽ” việc Trung Quốc đưa hình ảnh đường lưỡi bò vào hộ chiếu, và khẳng định “Philippines không thừa nhận đường chín đoạn... ”.
Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố: “Người Trung Quốc mang hộ chiếu mới sẽ vi phạm chủ quyền quốc gia của Philippines. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc hãy tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của vùng đặc quyền kinh tế và khu vực biển tại đó của Philippines”. “Nếu chúng ta cho phép Trung Quốc (dùng hình ảnh phi pháp như vậy), thì có nghĩa là chúng ta bằng lòng với đòi hỏi của Trung Quốc sở hữu trọn biển Đông” - người phát ngôn nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo “hộ chiếu có đường biên giới của Trung Quốc không nhằm vào nước cụ thể nào”. Nhưng báo chí Philippines bình luận hành động của Trung Quốc đã vi phạm điều khoản trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN vừa kỷ niệm 10 năm ngày ký kết, trong đó các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sẽ thực thi nghiêm chỉnh các điều khoản ghi trong DOC.
* Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về đề xuất của Philippines về cuộc gặp bốn bên vào tháng 12 tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết VN đã được thông báo về cuộc gặp với Brunei, Malaysia và Philippines tại Manila vào ngày 12-12-2012 nhằm thảo luận về việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp biển Đông.
Tuy nhiên, cách thức tổ chức, nội dung và thời gian cụ thể vẫn còn chờ thư mời chính thức của Philippines.
Ông Nghị cho hay việc tham vấn giữa các nước ASEAN về biển Đông là việc làm bình thường và thường xuyên để thúc đẩy và duy trì hòa bình, ổn định an ninh hàng hải biển Đông và thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và các thỏa thuận cam kết sẵn có như DOC, Tuyên bố về nguyên tắc sáu điểm của ASEAN và mới đây là Tuyên bố chung cấp cao trong dịp kỷ niệm 10 năm của DOC.
Theo Tân Hoa xã và Trung Quốc Nhật Báo, tháng 5-2012, Trung Quốc ra mắt hộ chiếu điện tử. Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, hộ chiếu được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ chống làm giả và “những con chip thông minh” giúp người sử dụng hộ chiếu thuận tiện hơn nhiều so với hộ chiếu cũ. Đồng thời hộ chiếu mới giúp đơn giản hóa thủ tục kiểm soát biên giới vì dễ nhận dạng hơn.
Hộ chiếu điện tử của Trung Quốc có hình dáng bên ngoài như hộ chiếu cũ, nhưng có con chip điện tử được đính kèm. Báo chí Trung Quốc khi đăng tải thông tin về hộ chiếu mới cũng nhắc tới hình ảnh được in trên hộ chiếu như Vạn lý trường thành hay Cố cung, nhưng lại “tảng lờ” đường lưỡi bò phi pháp.
Hiện mỗi năm Trung Quốc cấp 10 triệu hộ chiếu mới (so với 1 triệu hộ chiếu những năm 1990), tăng 20% hằng năm.
K.L.
 
H.GIANG - K.L.
* Tiến sĩ luật Lê Minh Phiếu (Quỹ Nghiên cứu biển Đông):
Các nước ASEAN cần từ chối hộ chiếu mới của Trung Quốc
Đường chín đoạn của Trung Quốc trên biển Đông đi ngược với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Rõ ràng với việc ban hành hộ chiếu có hình đường lưỡi bò, Trung Quốc muốn tuyên truyền chủ nghĩa bành trướng và những đòi hỏi phi pháp của họ ở biển Đông.
Một mặt, VN cần chính thức phản đối hành động của Trung Quốc, mặt khác nếu hải quan VN đóng dấu vào các hộ chiếu này và cho phép người Trung Quốc dùng nó để nhập cảnh vào VN, thì Trung Quốc có thể giải thích điều đó như một sự công nhận đối với yêu sách đường chín đoạn của họ.
Vì thế, VN nên hợp tác với các nước ASEAN khác nhằm tìm kiếm các giải pháp phản đối có hiệu quả. Các nước ASEAN, đặc biệt các nước là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng cũng như các yêu sách phi pháp của Trung Quốc, nên đồng loạt từ chối cho những người Trung Quốc dùng hộ chiếu này để nhập cảnh.
* Ông Dương Danh Dy (nguyên tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu, Trung Quốc):
Tôi không ngạc nhiên
Đây là một hành động bá quyền nước lớn của Trung Quốc, hay nói nhẹ đi thì đấy là hành động thiếu thiện chí của Trung Quốc khi họ vẫn luôn nói rằng cần giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Tôi không ngạc nhiên trước hành động này của Trung Quốc và họ sẽ còn làm nữa. Việc này cũng chưa từng có tiền lệ.
 
* Ông Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên cứu biển Đông):
Biến sai thành đúng
Trung Quốc đang tiến hành nhiều hành động để tiếp tục củng cố các chứng cứ trong hiện tại và chuẩn bị cho cả tương lai nhằm cho rằng thế giới đã chính thức công nhận đường chín đoạn phi pháp của họ. Trung Quốc cho in hình đường lưỡi bò lên bản đồ, lên các bài báo về du lịch, ấn phẩm khoa học và nay là hộ chiếu.
Nếu các nước không để ý mà đóng dấu đồng ý để công dân Trung Quốc mang hộ chiếu này nhập cảnh, Trung Quốc sẽ rêu rao lên rằng như thế có nghĩa là thế giới đã công nhận đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.
Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý, với việc làm người dân Trung Quốc quen với những việc làm sai trái, rồi nhắc đi nhắc lại nhiều lần một cái sai để biến nó thành cái đúng.
HỮU LONG - LAM ĐIỀN ghi

Không có nhận xét nào: