Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Không ai dám tin

Không có nhận xét nào:

Không ai dám tin
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/512713/khong-ai-dam-tin.html ; đăng ngày 22/09/12, mục Ch.trị-Xã hội.
TT - Mười ngày trôi qua kể từ khi có kết luận nguyên nhân động đất, người dân sống quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) vẫn chưa hết hoang mang vì động đất cứ liên tiếp xảy ra. Dù các nhà khoa học khẳng định đập an toàn nhưng lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương vẫn một mực không tin.
Khách quan mà nói, kết luận động đất tại khu vực Sông Tranh 2 là động đất kích thích không phải không có cơ sở. Động đất kích thích từng xảy ra tại những nơi xây dựng đập thủy điện như Hòa Bình, Bản Vẽ, Sơn La. Trên thế giới cũng đã xảy ra nhiều trận động đất tương tự tại những khu vực xây đập thủy điện. Nhưng nếu ở Hòa Bình, Bản Vẽ, Sơn La, động đất xảy ra trước cả khi xây hồ thủy điện thì tại Sông Tranh 2 lại không có hiện tượng đó. Tư liệu lịch sử, kết quả điều tra trong dân hay số liệu từ các trạm quan trắc động đất đều cho thấy rất ít xảy ra động đất tại đây. Đó có thể là điều khiến người dân quanh khu vực Sông Tranh 2 hoang mang khi bỗng nhiên xảy ra động đất.
Thực tế nếu không có Sông Tranh 2 thì khu vực này cũng đã có sẵn nguồn phát sinh động đất là các đứt gãy. Nghĩa là không ai dám khẳng định sẽ không có động đất trong tương lai bởi chu kỳ động đất được xác định là rất dài, hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn năm.
Tất nhiên, sẽ giảm thiểu được thiệt hại do động đất gây ra nếu các công trình xây dựng tuân thủ nghiêm ngặt quy định về kháng chấn. Nhưng từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Nam đến người dân đều không yên tâm bởi họ chưa thấy những cơ sở tin cậy đó ở Sông Tranh 2. Không phải vô cớ mà bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng không nên so sánh Sông Tranh 2 với Sơn La và Hòa Bình vì các công trình này được phản biện kỹ trước khi làm, còn Sông Tranh 2 thì ngược lại. Ai dám tin Sông Tranh 2 sẽ an toàn trước động đất khi mà chưa có tác động gì lớn thì bản thân đập đã rò rỉ? Sự cố đó đến giờ vẫn chưa được khắc phục triệt để, trong khi thông tin lại không phải đã hoàn toàn minh bạch.
Ở bất cứ cuộc họp nào liên quan tới sự cố tại Sông Tranh 2, người ta cũng được nghe câu “đập an toàn” nhưng những chứng cứ để khẳng định cho sự an toàn đó lại rất lờ mờ, đến nỗi không ít nhà khoa học cũng phải hoài nghi. Vì thế xác định được nguyên nhân động đất là một chuyện, còn khẳng định đập có an toàn không lại là chuyện khác. Không thể bắt người dân phải tin vào những lời nói suông, những lời nói thiếu cơ sở khoa học.
Trên thế giới, hàng loạt hậu quả nghiêm trọng từ động đất kích thích do hồ thủy điện gây ra đã được ghi nhận. Vì lẽ đó, việc vận hành thủy điện Sông Tranh 2, việc quan trắc động đất trong khu vực cùng nhiều vấn đề khác liên quan cần được xem xét một cách nghiêm túc, thận trọng để tránh hậu họa.
Càng không nên xem nhẹ những kiến nghị về biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra động đất, những kiến nghị đảm bảo an toàn cho Sông Tranh 2 trong quá trình vận hành... Thậm chí với những nhận định mới nhất của các nhà khoa học về việc thân đập Sông Tranh 2 nằm trực tiếp trên đứt gãy Bắc Trà My đang hoạt động, hay sự nghi ngờ về trận động đất hôm 17-9 nằm trên một đứt gãy khác chưa được xác định..., không ai có thể lường trước còn những rủi ro nào đang đe dọa Sông Tranh 2.
Khiết Hưng
Người dân vùng Sông Tranh 2 không dám ở trong nhà sau trận động đất ngày 15-11-12 vừa qua - Ảnh: Đăng Nam