Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Tỳ kheo sám hối, ca sĩ thì sao?

Tỳ kheo sám hối, ca sĩ thì sao?
Copy từ http://sgtt.vn/Van-hoa/172106/Ty-kheo-sam-hoi-ca-si-thi-sao.html ; tin ngày 09/11/12, mục Văn hóa.
SGTT.VN - Hai nhà tu bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “khoá môi” (Sài Gòn Tiếp Thị ngày 7.11.12) đã phải chịu hình phạt từ phía Giáo hội Phật giáo Đồng Nai, nơi họ đang tu hành. Một lần nữa, câu chuyện văn hoá ứng xử của những người – không – bình thường trong mắt công chúng lại rộ lên.
Khoảng chục năm gần đây, những lời ta thán cho cái “nghiệp cầm ca” nghèo túng bớt dần, thay vào đó là hình ảnh những người nổi tiếng nhờ vào thị trường giải trí sắm siêu xe, mua nhà dát vàng, mang toàn đồ hiệu trên người… Họ cho rằng, nhờ “thành công trên con đường nghệ thuật” cùng với “tình yêu thương của khán giả” mà họ mới có được những gì đang sở hữu hôm nay.
Khoan nói đến “thành công trên con đường nghệ thuật”. Hãy nói đến cụm từ “chỉ cần được khán giả yêu thương” là câu cửa miệng của biết bao ca sĩ, diễn viên đứng trên sân khấu nói xuống với những người mến mộ lời ca, tiếng hát của họ… và dĩ nhiên, trong đó không thiếu những khán giả cuồng tín sẵn lòng được hầu hạ “thần tượng”, được “thần tượng” chiếu cố. Thậm chí còn có những khán giả – vì lòng mến mộ – đã thành tâm bỏ bao nhiêu tiền bạc để mua những món quà đắt tiền chỉ nhằm phục vụ cơn thèm khát đồ hiệu của các “nghệ sĩ”. Thế nhưng, đổi lại, khán giả được gì?
 
Sau bao nhiêu năm, âm nhạc của họ vẫn không có gì thay đổi. Cái hay, cái mới, sự tìm tòi nghệ thuật chỉ là những công thức chiêu trò lố bịch, từ chuyện hở lưng, hở bụng, hở ngực, đến chuyện yêu người này, tố người kia, đưa hình ảnh khiêu dâm lên mạng để tạo scandal… Khán giả bắt đầu nản lòng, bắt đầu nổi giận, bắt đầu nhận ra ẩn trong những con người luôn được trang điểm kỹ càng, ăn mặc đồ hiệu kia là những khoảng trống về văn hoá. Sự việc xảy ra tuần qua của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là giọt nước tràn ly. Công chúng có cảm giác mình bị khinh rẻ, khi phải chứng kiến một chiêu trò bất chấp đạo lý và cả những điều răn cơ bản của một tôn giáo đã được xây dựng hàng ngàn năm.
Một nhà nghiên cứu về văn hoá, cũng là người đã cống hiến cả đời mình cho những giá trị tâm linh mà ông theo đuổi, đã tâm sự thế này: “Tôi nhớ một câu của một nhà văn Nga mà tôi được đọc thời còn rất trẻ: “Trong mỗi con người có một hứa hẹn cao cả về chất người và một đe doạ khủng khiếp về chất thú. Hãy thực hiện sự hứa hẹn và loại bỏ sự đe doạ để thực sự làm người”. Một số năm sau, tôi ngộ ra rằng người viết câu ấy có lẽ đã hiểu sai về thú vật. Chất thú không xấu xa chút nào, trái hẳn lại. Con người chúng ta có nhiều điều đáng học từ thú vật. Vì vậy, tôi đã xin chữa lại một chút câu của nhà văn Nga: “Trong mỗi con người có một hứa hẹn cao cả về chất người và một đe doạ khủng khiếp về chất phản người”.
Hai tỳ kheo trong câu chuyện trên đã nhận hình phạt. Còn hình phạt nào dành cho ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng?
Tôi không thể gọi điều gì khác hơn đó là sự đổ vỡ về văn hoá của một xã hội ngày càng lỏng lẻo trong các mối quan hệ ứng xử giữa người với người. Ở bất kỳ góc độ nào, sự bất kính với một đức tin là xúc phạm hàng triệu người đang có trong họ một niềm tin để nương tựa.
Chính sự nổi giận của công chúng đã là một hình phạt dù cho đến nay, vẫn chưa có một điều luật nào để xử phạt những người bất kính với tôn giáo bằng những hành động tương tự. Chưa kể, theo giới luật của phái Nam tông mà hai vị sư kia đang tu hành, việc xúc chạm người ngoài giới là điều cấm kỵ.
Hy vọng (chỉ là hy vọng thôi), ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ít nhất cũng sẽ tự sám hối nếu anh ta muốn phục thiện, trước nhất, với văn hoá.
Ngân Hà
Sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM đang xem xét sự việc
Sau khi sự việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn môi sư thầy tại đêm nhạc quyên góp từ thiện cho ca sĩ Wanbi Tuấn Anh được phản ánh trên các trang mạng, thông tin về hai nhà sư đã được tiết lộ và họ đã nhận hình phạt “biệt chúng”, tức cấm túc – không cho ra khỏi phòng tiếp xúc với người bên ngoài trong thời gian ba tháng.
Về phía ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, cho đến chiều 8.11.12, vẫn chưa có thông tin chính thức gì từ đại diện truyền thông của ca sĩ này. Liên hệ với ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc sở Văn hoá – thể thao và du lịch, ông Nam cho biết: “Chúng tôi đang tìm hiểu, xem xét sự việc cho thấu đáo, nhất là với một hành động phát sinh trên sân khấu biểu diễn như thế này. Sở sẽ có phát biểu chính thức về hành động này của Đàm Vĩnh Hưng và các biện pháp xử lý (nếu có) trong thời gian tới”.
 

Không có nhận xét nào: