Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

ĐB nhan sắc Vũ Thị Hương Sen nói thẳng nạn phong bì
Copy từ http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201211/dB-nhan-sac-Vu-Thi-Huong-Sen-noi-thang-nan-phong-bi-2189952/ ; tin ngày 19/11/12, mục Xã hội - Đời sống.
(Đời sống) - "Làm trong ngành y tế thì mới hiểu được nỗi khổ của ngành y tế. Thực sự hôm đấy Bộ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ rất thẳng thắn và chân thực những khó khăn, bất cập hiện đang tồn tại trong ngành Y tế và dần dần sẽ phải khắc phục, tháo gỡ...." - ĐBQH Vũ Thị Hương Sen chia sẻ.
Không chấm điểm được
PV: - Thời gian vừa qua chị đã làm nóng dư luận với hình ảnh một nữ ĐBQH tuổi trẻ tài cao. Thậm chí nhiều người còn lập riêng những trang trên mạng xã hội để ca ngợi tài sắc nữ đại biểu Vũ Thị Hương Sen. Khi trở thành một ĐBQH chị có hình dung một ngày được dư luận quan tâm thế này không?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Trước hết tôi cảm ơn bạn và mọi người đã quan tâm đến công việc và những thông tin trên mạng, trên báo chí về tôi.
Thực sự trong số chúng ta ai cũng có cơ hội dành cho riêng mình. Còn bản thân tôi lúc đầu cũng chỉ có một suy nghĩ đơn giản là ra trường về làm một công việc chuyên môn nào đấy để ổn định cuộc sống. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ có cơ hội như ngày hôm nay.
ĐBQH khóa XIII đoàn Hải Dương: Vũ Thị Hương Sen
 
PV: - Là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội khóa XIII, chị đã gây ấn tượng với các cử tri không chỉ bởi nhan sắc mà bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ với những tâm sự đầy hy vọng. Chị đã kỳ vọng những gì ở lần làm việc này của QH?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - QH kỳ này đưa rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước cũng như ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Bản thân tôi cũng như rất nhiều ĐB băn khoăn, lo lắng vì trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn nên kinh tế bị giảm sút nhiều.
Hy vọng sau kỳ họp này, trong thời gian tới Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan có hướng đi tốt hơn để đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
PV: - Sau phiên làm việc của QH vừa qua chị có hài lòng? Và những quyết tâm của QH có khiến chị thêm kỳ vọng?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Có chứ. Bởi vì không chỉ riêng QH mà bên Chính phủ cũng thế. Cả QH và Chính phủ đều rất lo lắng và có nhiều chính sách, chiến lược lâu dài để làm sao phát triển kinh tế đi lên trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Tôi cũng rất hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến mới, đời sống của người dân sẽ được nâng cao hơn.
PV: - Sau hai ngày rưỡi chất vấn diễn ra, cá nhân chị chấm điểm cho từng Bộ trưởng như thế nào?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Thứ nhất, trong phiên chất vấn của QH thì đó không phải cuộc thi và mình là ĐB nên không phải là ban giám khảo nên không thể chấm điểm được. Hơn nữa riêng cá nhân tôi thì không thể chấm được mà đó là đánh giá chung của tập thể.
Còn về chất lượng phiên chất vấn cá nhân tôi thấy các Bộ trưởng cũng rất thẳng thắn, đã chia sẻ nhiều khó khăn của bộ nói riêng và của Chính phủ nói chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay thì chúng ta không thể đòi hỏi một điều gì đó quá cao.
Nạn phong bì vẫn diễn ra nếu...
PV: - Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế còn có điều gì khiến một ĐBQH, một bác sĩ như chị băn khoăn?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Làm trong ngành y tế thì mới hiểu được nỗi khổ của ngành y tế. Thực sự hôm đấy Bộ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ rất thẳng thắn và chân thực những khó khăn, bất cập hiện đang tồn tại trong ngành Y tế và dần dần sẽ phải khắc phục, tháo gỡ.
Hơn nữa, Bộ trưởng cũng mới nhậm chức nên phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng như vậy rất thẳng thắn, có tâm huyết.
Tôi hy vọng sắp tới Bộ Y tế sẽ dần dần tháo gỡ được những khó khăn và khắc phục được những mặt tồn tại, những bức xúc trong nhân dân khi đi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh.
PV: - Trong phiên chất vấn ngày 13/11/12, để nâng cao y đức lương y Bộ trưởng Bộ Y tế có đưa ra giải pháp rằng: "Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi". Quan điểm của chị về điều này như thế nào?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Câu nói này chứng tỏ Bộ trưởng rất ủng hộ việc nói không với phong bì trong ngành y tế. Bản thân tôi là một bác sĩ trong ngành y tế tôi rất ung hộ quan điểm đó của Bộ trưởng.
Thực sự không phải tất cả nhân viên trong ngành y tế đều có thói quen cửa quyền, hách dịch, phong bì, phong bao đối với người nhà bệnh nhân. Đó chỉ là một bộ phận nhỏ, giồng như một con sâu làm rầu nồi canh.
Tuy nhiên, người ta thường nói bới lông tìm vết. Những gì tốt đẹp rất ít khi được ca ngợi nhưng những gì đi trái với xã hội rất hay được dư luận chú ý đến.
Tôi mong rằng nhân dân sẽ phối hợp với nhân viên y tế để đẩy lùi được nạn phong bì này.
PV: - Giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra liệu có khả thi khi mà làm sao người nhà bệnh nhân có thể vừa đưa phong bì, vừa chụp ảnh để tố cáo bác sĩ?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Điều đó chỉ là người dân lo lắng quá thôi. Khi bệnh nhân vào viện thì bao giờ tính mạng của bệnh nhân sẽ gắn liền với trách nhiệm cũng như cuộc sống của bác sĩ.
Bởi vì khi bác sĩ để sai sót 1 điều nào đó trong chuyên môn thì tai tiếng cũng như chuyên môn bị ảnh hưởng rất nhiều. Đã là bác sĩ thì bệnh nhân là quan trọng nhất. Không có bệnh nhân thì không có bác sĩ.
Nếu như những người nhà bệnh nhân không có những suy nghĩ đấy thì chắc chắn sẽ không có hiện tượng này. Người ta không đưa tiền thì sẽ không có bác sĩ nhận.
Trước đây, người dân cứ nói rằng vào viện thì phải có tiền. Muốn khỏi bệnh cũng phải có tiền, người dân nói rất nhiều nhưng thực tế khi bảo chỉ đích danh một ai đấy thường lại không có một ai chỉ đích danh.
Bộ trưởng nói vậy để khẳng định rằng nếu anh nói có sách, mách có chứng thì chắc chắn chúng tôi sẽ có biện pháp can thiệp. Còn nếu anh chỉ nói rằng cứ vào bệnh viện này phải mất tiền, cứ gặp bác sĩ, nhân viên y tế là mất tiền.
Như vậy là đánh đồng với nhân viên y tế liêm chính với cả một số người họ có thói quen hách dịch, cửa quyền. Nói như vậy là đánh đồng với cả hệ thống y tế. Như thế là không được.
Mặc dù vừa đưa phong bì, vừa chụp ảnh, vừa quay phim là khó khả thi thì tốt hơn hết là mình không đưa phong bì thì sẽ không bao giờ có hiện tượng bác sĩ đòi phong bì. Còn nếu bạn đến khám bệnh ở một cơ sở y tế nào đấy mà bác sĩ có thái độ hách dịch, cửa quyền thì có rất nhiều cách.
Bởi trong các bệnh viện có rất nhiều hòm thư góp ý của viện. Nếu bạn có bức xúc, có băn khoăn gì về thái độ, công tác chăm sóc người bệnh, gia đình bệnh nhân hãy viết hòm thư góp ý. Hàng ngày sẽ có nhân viên bệnh viện đi mở hòm thư và trực tiếp giám đốc bệnh viện đọc và xử lý.
Nếu người nhà bệnh nhân không phối hợp thì vô hình chung người nhà bệnh nhân cũng là một phần làm thực trạng phong bì diễn ra.
PV: - Có nhiều ý kiến cho rằng nếu như lời người đứng đầu ngành Y tế nói thì vì bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như hiện nay thì bác sĩ "khó có thể hòa nhã được, nhân cách cũng khó mà giữ được", nhưng đây là trách nhiệm mà Bộ Y tế phải làm chứ không thể đổ lỗi như vậy. Chị nghĩ sao về điều này?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Như tôi đã nói cái này là phải có sự phối hợp giữa nhân viên y tế với gia đình người bệnh.
Nếu một nhân viên y tế nói không nhưng gia đình người bệnh vẫn cố tình giúi, vẫn cố nhét rồi họ chạy đi mất thì nhân viên y tế làm sao có thể tìm người nọ, tìm người kia để chuyển được, bởi một bệnh nhân có rất nhiều người nhà.
"Nếu một nhân viên y tế nói không nhưng gia đình người bệnh vẫn cố tình giúi, vẫn cố nhét rồi họ chạy đi mất thì nhân viên y tế làm sao có thể tìm người nọ, tìm người kia để chuyển được"... ĐB Vũ Thị Hương Sen.
 
Bản thân tôi đã từng chứng kiến trường hợp bác sĩ đã không nhận phong bì, người nhà cứ để đấy rồi chạy đi.
Thậm chí, bản thân bác sĩ mang cho điều dưỡng mang tới chỗ bệnh nhân đấy gửi trả lại thì người nhà lại nghĩ hay con mình bệnh nặng, con mình không chạy chữa được, người ta không nhận.
Thế nên, để việc nói không với phong bì thực sự hiệu quả thì phải có sự phối hợp cả bác sĩ lẫn người nhà bệnh nhân, cả các cơ quan liên quan phối hợp cùng.
Nếu nói rằng chỉ có Bộ Y tế và tất cả tập thể nhân viên trong ngành y tế đứng ra chịu trách nhiệm thì rất khó. Bởi tất cả vấn đề gì đều là sự tác động từ nhiều phía chứ không phải là có một phía.
PV: - Tại phiên chất vấn của QH khóa XIII, xuất phát từ nguyên nhân nào chị lại đề nghị QH kỳ này sẽ xem xét và thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi) nâng chế độ thai sản cho phụ nữ lên 6 tháng để tạo điều kiện cho lao động nữ chăm sóc con và sức khỏe bản thân tốt nhất?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Thực tế, tỷ lệ bệnh nhi vào bệnh viện bởi các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa rất nhiều. Ngoài vấn đề môi trường, yếu tố bên ngoài tác động, một phần cũng do chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Đa số các bệnh nhi tôi gặp đã từng vào viện rất nhiều lần vì viêm phổi, tiêu chảy, các bệnh về đường tiêu hóa tái diễn nhiều. Qua tìm hiểu nguyên nhân thì một phần là người mẹ không có sữa nhưng đa số những trẻ đó đều phải ăn sữa ngoài từ rất sớm.
Đó là một trong những lý do tôi kiến nghị để nâng thời gian nghỉ lên 6 tháng để vừa đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ có thời gian nghỉ ngơi, tăng tạo nguồn sữa, vừa đảm bảo cho đứa trẻ được bảo đảm quyền lợi được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
QH cười cũng có nhiều lý do...
PV: - Trong phiên chất vấn các bộ trưởng vừa qua, câu hỏi vui của các đại biểu vô tình tạo ra một phần trả lời thú vị, thậm chí nhiều người đã cho là rất "thật thà" tại nghị trường khiến không khí tại QH bớt căng thẳng. Nguyên nhân nào khiến các Bộ trưởng "thật thà" đến vậy?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Thực sự thì cười cũng có rất nhiều lý do, và lý do đó mình xin phép không bàn luận
Còn tại sao Bộ trưởng trả lời như vậy thì chỉ có Bộ trưởng biết, còn bản thân tôi là ĐBQH tôi không thể nào biết tại sao Bộ trưởng lại trả lời như vậy được.
Tràng cười, tiếng khóc của Đại biểu Quốc hội
PV: - Tại các phiên chất vấn của QH kỳ này có rất nhiều những tràng cười của các ĐB. Xin hỏi khi ấy chị có cười không?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Cái này tôi sẽ giữ riêng cho bản thân.
PV: - Nhiều người đã nói rằng: QH bật cười, nhưng nhân dân muốn khóc...
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Câu hỏi này là một phạm trù lớn nên bản thân mình cũng không thể nào phân tích hết được.
PV: - Là một người trẻ tuổi, khi tiếp xúc với các cử tri chị có gặp những khó khăn gì không?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Khó khăn đầu tiên khi mình được Mặt trận Tổ quốc tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện cùng các cô chú, anh chị em đồng nghiệp giới thiệu ra ứng cử ĐBQH đó là mình là một bác sĩ trẻ, chưa thực sự va vấp nhiều nên tôi cảm thấy lo lắng liệu mình có đủ khả năng, đủ bản lĩnh để đảm đương trách nhiệm đó hay không.
Thứ hai, đó là khi tiếp xúc cử tri rất nhiều cử tri họ tỏ ra lo lắng. Như bạn thấy tôi về tuổi đời còn rất trẻ, thâm niên công tác không nhiều nên nhiều cử tri lo lắng liệu mình có đảm đương được trách nhiệm của một ĐBQH đại diện cho nguyện vọng của người dân hay không? Và cái lo lắng của cử tri cũng là lo lắng của bản thân mình ngay từ đầu.
Nhưng rất may mắn, sau khi đi tranh cử, đi tiếp xúc cử tri tôi cũng được rất nhiều cử tri ưu ái nên mình đã được trúng cử, được bầu làm ĐBQH.
Khi nghe tin mình được vào danh sách ĐBQH của tỉnh tôi cũng như gia đình rất bất ngờ, vui có nhưng lo lắng cũng có. Vì khi đã là ĐBQH mình phải gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề cho nên mình phải cố gắng.
Khi cử tri đã tín nhiệm, bầu mình, mình phải cố gắng làm sao khỏi phụ tấm lòng và nguyện vọng, mong mỏi của cử tri.
Cái khó khăn nữa đó là từ trước đến giờ nhiều người quan niệm rằng ĐBQH phải là người có vị trí, có kinh nghiệm trong công tác, phải có thâm niên. Khi mình là một ĐB trẻ, tuổi đời trẻ, vị trí trong xã hội chưa có, cũng chỉ là một bác sĩ, thâm niên công tác cũng không nhiều, trong thời gian vừa qua báo chí nói về mình rất nhiều.
Bên cạnh những ý kiến động viên, an ủi, cũng có những ý kiến trái chiều nhưng khi biết được những ý kiến trái chiều đó càng làm cho mình có quyết tâm hơn.
Cố gắng làm sao để những người có ý kiến trái chiều như vậy một ngày nào đó họ sẽ nghiệm ra mình có khả năng làm được như những gì mọi người mong đợi.
PV: - Được dư luận đánh giá là một người có nhan sắc. Điều này có là một thuận lợi giúp chị trong quá trình tiếp xúc cử tri?
ĐB Vũ Thị Hương Sen: - Ngoại hình, vóc dáng bên ngoài là do bố mẹ sinh ra nên mỗi người có một ngoại hình riêng, vóc dánh riêng không ai có thể so sánh được. Trong mắt bố mẹ, bạn bè bao giờ mình cũng là một người con, người bạn gần gũi, thân thiết.
Nhưng trong mắt cử tri thì khác. Cử tri họ đánh giá ĐB không chỉ mỗi bề ngoài mà còn bởi trí tuệ và khả năng họ có thể làm được những gì.
Rất nhiều người cho rằng mình có ưu thế hơn so với các ĐB khác là vì mình có khuôn mặt và ngoại hình như vậy nên mới được báo chí, dư luận quan tâm. Với tôi, khuôn mặt cũng chỉ là một phần. Điều quan trọng là trước cử tri, trước QH mình thể hiện được những cái gì.
- Xin cảm ơn chị!
Đại biểu Vũ Thị Hương Sen sinh ngày 10/2/1986, quê quán tại xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Nữ đại biểu xinh đẹp tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa và hiện đang công tác tại Bệnh viện Nhi Hải Dương. Cô được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, thuộc đoàn đại biểu Hải Dương.
Khải Nguyên (Thực hiện)
 
Nữ Đại biểu Quốc Hội nhan sắc của đoàn Hải Dương
Là một bác sĩ nên Vũ Thị Hương Sen cũng rất tâm huyết với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cho biết điều cô mong mỏi là đời sống, sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện.
 
Đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
 
 
 

Không có nhận xét nào: