Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Tình đồng hương ở Saigon quán bên Dili

Nhật ký trên những đôi giày
Tình đồng hương ở Saigon quán bên Dili
Copy từ http://sgtt.vn/Am-thuc-du-lich/172251/Tinh-dong-huong-o-Saigon-quan-ben-Dili.html ; tin ngày 1/11/12, mục Ẩm thực - Du lịch.
SGTT.VN - Đảo quốc Đông Timor (Timor Leste), nhỏ xíu, xa lắc lơ đến không mấy người bạn tôi biết nó nằm chính xác ở đâu (!).
Thêm nữa, chiến tranh, bạo động, thi thoảng xảy ra… nên lang thang đến đây, nghĩ rằng sẽ đơn độc. Nhưng tình cờ tôi có được hạnh phúc trong vòng tay ấm nồng tình quê hương của những người anh em từ đất Việt xa xôi.
Bốn bạn trẻ trong quán Saigon, lập nghiệp xứ người và đã thành công ở Đông Timor.
 
Dễ ăn uống, tôi không phải gồng gánh nước mắm, chà bông, mì gói mỗi khi xa xứ. Nhưng lang thang đất khách, mỗi khi nghe nói có hàng quán bán món Việt, của người Việt, tôi đều tìm đến. Không chỉ để ăn, mà còn để được nhìn món quen, được gặp, được nghe, được nói… tiếng quê hương với những người con cùng từ chiếc bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ.
Ẩm thực Việt vang xa
Thi thoảng cũng lầm! Có khi gặp một chú Tàu giả dạng. Cũng có lúc là anh tây lỡ “thương quá Việt Nam”. Ở thủ đô Dili của Đông Timor này chứ đâu xa. Tôi mừng húm khi thấy một nhà hàng sang cả trân trọng giới thiệu trước cửa món ngon trong ngày là phở, giá một tô đến 9,5 USD, đắt hơn cả món hải sản chỉ 8,5 USD. Viết rõ ràng bằng tiếng Việt không dấu “Pho Bo”, nên tôi cứ chắc mẩm là của “người mình”. Xăm xăm vào, chưa kịp mừng, khi biết thêm quán Nautilus này được giới thiệu trong sách du lịch nổi tiếng Hành tinh Cô đơn, tôi quày quả quay lui. Vì hỏi đi hỏi lại mấy lần, biết được chủ quán là một ông tây, từ châu Đại Dương bên kia, đã một thời lang thang xứ Việt. Và cũng chẳng có đầu bếp, nhân viên người Việt nào hết.
Hai vợ chồng Nghĩa – Dung đưa con – Clinton ra thăm các thuỷ thủ người Việt neo tàu ngoài bến cảng.
 
Mừng cho phở được vinh danh cả ở miền xa thẳm này, nhưng vẫn hơi bùi ngùi, tôi tiếp tục dong xe theo con đường ven biển Rua Cristo Rei. Đường biển trưa đẹp và trong nắng chói tôi hình như thấy cái gì rất thân quen. Té ra tôi vừa ngang qua một nhà hàng có cái tên thương nhớ: SAIGON. Mới từ quán Pho Bo của ông tây ra, thận trọng tôi nhìn ngó kỹ càng. Rồi chắc rằng kỳ này mình không lầm. Không nói đến chữ Vietnamese Restaurant, những chiếc đèn lồng lụa Hội An, bức tranh các cô gái Việt thướt tha trong tà áo dài… tấm bảng điện tử nhấp nháy dòng chữ “PHỞ VIỆT NAM” đầy đủ các con dấu ơ, ê, hỏi, nặng… Đó là một “bằng chứng” khó có chú Tàu ông tây nào theo được. Nhưng quán chưa mở cửa, lát nữa lại có hẹn, tôi phải về phố. Cứ nhấp nhổm, bồn chồn… đợi mãi đến chiều để quay lại.
Các bạn trẻ lập nghiệp trên xứ người
Chiều chưa là… chiều, tôi đã đến quán. Khách chưa có ai mà chủ cũng chưa đến, chỉ có mấy nhân viên bản xứ lui cui quét dọn. Câu hỏi đầu tiên của tôi được xác nhận, và tôi chộn rộn ngồi chờ. Rồi trong sự nồng ấm đón tiếp của các bạn, tôi đi từ ngỡ ngàng này sang ngạc nhiên khác. Hai vợ chồng chủ quán Nghĩa, Dung, tuổi chỉ xấp xỉ 34, 35. Cang, em ruột của Dung, là đầu bếp chính, cùng với vợ là An, phụ bếp giúp chồng, họ còn chưa đến 30. Khác với hầu hết quán xá của những người Việt “thuyền nhân” trên vùng biển đảo Nam Thái Bình Dương, các bạn còn rất trẻ, sang đây lập nghiệp mới trên dưới mười năm. Nghĩa người Gò Vấp, ba chị em Dung ở Long Khánh. Các bạn sang đây bằng con đường chính thức, tự đi và vẫn giữ quốc tịch, hộ chiếu Việt Nam. Từ lúc tay trắng sang phụ giúp cho người bà con, giờ các bạn đã là chủ nhân của nhà hàng này và vài căn hộ cho thuê khác. Thứ nữa, từ lúc các bạn sang đây (2002), miền đất này đã trải qua mấy cuộc binh biến nguy hiểm, đến cả người bản xứ còn ra đi nhưng các bạn vẫn trụ lại gầy dựng cơ nghiệp, để có được ngày hôm nay. “Ở đây làm ăn cũng được, nhưng thủ tục giấy tờ khá tốn tiền, mới rồi em lu bu, quên không gia hạn visa lao động, phải làm lại cái mới, mất hơn ngàn đô đó anh” – Cang chia sẻ.
Ở quán Saigon này, thực đơn có gần cả trăm món ăn Việt trên xứ người.
 
Quán nhỏ, ấm cúng; những hình ảnh, vật liệu trang trí quán đều được các bạn cất công mang từ quê nhà sang, để giới thiệu “sơ sơ” Việt Nam. Nhưng điều thú vị khác là trong cuốn thực đơn có các hình ảnh đẹp, hấp dẫn… các món ăn đều được ghi bằng tiếng Việt rồi mới đến tiếng Anh, dù chẳng có bao người Việt du lịch hoặc công tác đến xứ này… “Tụi em muốn vậy, không ngờ nhiều khách rất thích, nhất là những người làm cho Liên hiệp quốc đã từng đến nước mình, vào quán cứ gọi phở bò, chả giò… luôn”, Cang khoe về cuốn thực đơn mà cậu và ông anh rể Nghĩa, đã hí hoáy làm hơn cả tháng mới xong. Hơi tò mò với cuốn thực đơn gần cả trăm món Việt trên xứ lạ, tôi hỏi thêm. “Tụi em nấu được hết, quán có đủ nguyên liệu chính cho các món có trong thực đơn. Nhưng nhiều khi cũng khổ là rau cỏ xứ này theo mùa chứ đâu như bên mình.
Có mấy ông tây sành ăn, khó tính cứ chỉ vô hình rồi nói sao món này thiếu rau kia, gia vị nọ, tụi em phải nói miết mấy ổng mới chịu”, Nghĩa tâm sự. Hào sảng cụng bia côm cốp cùng đồng hương, mới đó mà như đã thân từ lâu, mấy anh em khoe, “trước thì ít, nhưng giờ tàu chở hàng, nhất là gạo của mình sang đây nhiều, nên cũng đỡ nhớ nhà. Mới hôm tháng 8 rồi, mấy anh em Viettel qua nghiên cứu thị trường, em giúp mấy anh phiên dịch, đi suốt mấy ngày trời”, Nghĩa chân tình tiếp, “nhưng cũng ít người miền Nam mình lắm, nên nhất định bữa nay anh phải chơi hết mình rồi ở lại đây mai về”. Mấy anh em rủ rê miết, làm tôi mềm lòng, mới mấy ly đã muốn say.
Thời gian sau đó, trừ những hôm đi khỏi Dili, ngày nào tôi cũng ghé chơi với mấy anh em. Hôm thì nửa đêm lưng tưng ra biển soi đèn mò cua bắt ốc về nấu cháo. Hôm thì cả đám lên ghe ra tàu lớn chơi với mấy anh em thuỷ thủ mình đang neo chờ hàng, bồng theo cả nhóc Clinton mới 15 tháng tuổi của Dung, Nghĩa, cục cưng của mấy chú mấy bác thuỷ thủ xa nhà đã lâu… Cứ như đang ở quê nhà ấm áp chẳng muốn rời xa.
Rồi đến ngày hạn cuối visa, theo bước đường lang bạt tôi chia tay Đông Timor. Mấy hôm sau vẫn còn nhận tin nhắn của Cang, “anh đến đâu rồi, quay lại được không anh”. Làm lòng tôi chùng sâu. Những đêm chập chờn, lăn lóc tàu xe, tôi mơ ngày về lại Dili, để được ghé Saigon quán. Những giấc mơ đẹp làm sao!
bài và ảnh: Trần Hoàng Bảo
Từ Việt Nam đã có hàng không giá rẻ đến Bali, Jakarta hoặc Singapore, để bay tiếp đến Dili, lấy visa ngay tại sân bay. Đi đường bộ (từ Indonesia) phải xin visa trước. Đông Timor có những bãi biển hoang sơ gần những khu rừng nhiệt đới… thích hợp cho khách ưa vận động, khám phá. Ngoài di tích thời thuộc địa của người Bồ Đào Nha, nhiều làng xóm giữ được nếp sống bản địa xưa… nên cũng thích hợp cho khách thích tìm hiểu những giá trị xưa cũ.
 

Không có nhận xét nào: