‘Ăn chia’ cả tiền của gần 2.000 tù nhân trở về trên ‘chuyến bay giải cứu’
Gần 2.000 người mãn hạn tù tại Malaysia về nước trên 'chuyến bay giải cứu' đã bị nhóm cán bộ ở đại sứ quán thu những khoản tiền trái quy định, cao hơn thực tế. Cựu đại sứ tại Malaysia khai đã chia số tiền thu thừa theo tỉ lệ chức vụ của các cán bộ.
Hôm nay (14-7-23), phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục phần thẩm vấn để làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ của các cựu quan chức.
Lời khai tại tòa những ngày qua cho thấy trong đại dịch các bị cáo là quan chức của nhiều bộ ngành ở trong nước nhận hối lộ của các doanh nghiệp để cấp phép "chuyến bay giải cứu".
Còn ở ngoài nước, một nhóm bị cáo là cựu cán bộ ngoại giao nhận "bôi trơn" theo kiểu đếm đầu người, thậm chí thu tiền thừa của các công dân mãn hạn tù về nước rồi "ăn chia".
Chia tiền theo tỉ lệ chức vụ của các cán bộ
Ông Trần Việt Thái khai được bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Malaysia từ tháng 5-2020. Ông là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân Việt Nam ở Malaysia về nước khi dịch COVID-19.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tổ chức 21 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 8 chuyến bay đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt tù về nước.
Ông Thái cho biết để tổ chức các "chuyến bay giải cứu" đưa người mãn hạn tù về, ông đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Linh và Lê Ngọc Anh (cán bộ đại sứ) đi khảo sát tại các trại chờ để xây dựng kế hoạch, phương án và đề xuất kinh phí các mức thu, chi.
Theo ông Thái, sự việc bắt đầu từ tháng 1-2021, khi Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu các sứ quán phải đưa người nước mình đã mãn hạn tù đang trong các trại về nước.
Những người này bao gồm "thủy thủ đánh bắt cá trộm, người lao động trái phép và các cô gái làm nghề nhạy cảm, gọi là đào", lời ông Thái.
Ông Thái khai do nắm bắt được thông tin có nhiều người môi giới thu tiền của công dân mãn hạn tù về nước với giá 40 - 80 triệu đồng/người, nên đã cử cán bộ của đại sứ quán đến khảo sát, lên kế hoạch đưa công dân về nước.
Theo bị cáo Thái, chi phí cho người về nước được thu từ các chủ sử dụng lao động. Nếu chủ không trả sẽ thu từ thân nhân, thân nhân từ chối thì đại sứ quán mới đứng ra chi.
Sau khi có kết quả khảo sát, Đại sứ quán thống nhất thu của mỗi người mãn hạn tù về nước trên "chuyến bay giải cứu" 20,3 triệu đồng, ai không có hộ chiếu phải nộp 25 triệu. Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về thủ đô Kuala Lumpur sẽ phải nộp 30 - 35 triệu đồng.
Trong đó riêng khoản cấp hộ chiếu, các bị cáo thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng/cuốn.
Với tổng cộng gần 1.900 người mãn hạn tù, ông Thái khai mình và cấp dưới thu 44,6 tỉ đồng. Tuy nhiên các chi phí để tổ chức cho người mãn hạn tù về nước chỉ mất 33 tỉ. Số tiền chênh hơn 11 tỉ ngoài từ nguồn hộ chiếu, Đại sứ quán còn thu thêm một khoản "dự phòng khi có tình huống khẩn cấp" nhưng sau không dùng đến.
Cựu đại sứ cho biết với kinh phí còn lại, ông quyết định trích một phần để chi "bồi dưỡng" cho nhân viên, tỉ lệ là 1,5, 1,2 và 1 theo chức vụ của các nhân viên tại đại sứ quan. Ông được hưởng 1,5. Tỉ lệ này căn cứ vào mức phụ cấp của Nhà nước.
Ông Thái và các cấp dưới giữ lại 5 tỉ đồng tại Đại sứ quán và chia nhau, trong đó ông hưởng 580 triệu, cấp dưới thấp hơn hưởng 220 - 480 triệu đồng.
Số tiền hơn 5 tỉ còn lại ông Thái cũng chỉ đạo thủ quỹ giữ lại tại Đại sứ quán.
"Nguyên tắc chi không hết phải trả lại cho công dân", chủ tọa đặt vấn đề. Ông Thái thừa nhận đã chi sai số tiền thu thừa của công dân mãn hạn tù về nước và trong điều kiện dịch bệnh không kịp thời liên hệ để trả lại.
"Chúng tôi đã đưa được người về nước, nhưng phát sinh việc là có dư kinh phí. Bị cáo không chỉ đạo việc thu thêm để chia nhau mà kinh phí dự phòng dư lại một chút. Thời gian sau thì mới quyết định dùng số tiền này chia bồi dưỡng cho các cán bộ vì họ chấp nhận rủi ro đi làm khi dịch bệnh mà phải bỏ tiền túi ra thì cũng không ổn nên phải có chút động viên, bồi dưỡng", ông Thái phân trần và cho biết đã nộp lại toàn bộ số tiền thu thừa.
"6 tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưu thì bị vấy bẩn"
Trong vụ án này, các bị cáo tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an, gồm Trần Văn Dự - cựu phó cục trưởng; Vũ Anh Tuấn - cựu phó trưởng phòng tham mưu và Vũ Sỹ Cường - cựu cán bộ phòng tham mưu, cùng bị xét xử về tội "nhận hối lộ".
Trong đó, ông Dự bị cáo buộc nhận 7,6 tỉ đồng, ông Tuấn nhận 49 lần với tổng tiền hơn 27 tỉ đồng, còn ông Cường bị cáo buộc nhận hơn 9 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Dự khai giữ chức cục phó từ tháng 6-2015 đến tháng 2-2022, khi chờ nghỉ hưu thì bị khởi tố. Ông Dự khai giai đoạn đầu giải quyết đề nghị cấp phép các "chuyến bay giải cứu" không được cấp dưới báo cáo việc doanh nghiệp đưa tiền.
Đến tháng 7-2021, ông Dự được Tuấn báo cáo 7 lần việc nhận tiền cảm ơn từ doanh nghiệp, cộng lại được 7,5 tỉ đồng.
Theo ông Dự, khi thấy một số cán bộ của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị bắt, bản thân đã nhận thức được vấn đề và thấy hành vi của mình là sai. Do vậy, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Dự đã nhận tội, thành khẩn ngay từ đầu vì xác định "đây là những khoản tiền mình nhận và mình chỉ đạo chia là sai, sai hoàn toàn".
Cuối phần trình bày, cựu cục phó phân trần 37 năm trong lực lượng công an, những năm trong ngành của ông "rất trong sạch", nhưng 6 tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưu thì "vấy bẩn". "Do đó tôi đã nói với gia đình phải khắc phục và đến nay đã khắc phục 100% số tiền tôi đã nhận", bị cáo Dự nói trước tòa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét