Náo loạn… còi xe 'độ'
Xe máy, ô tô với đủ tiếng còi "độc" như ngựa hí, tiếng cười, chó sủa… Xe tải và container với những âm thanh chát chúa của còi hơi khiến không ít người đi đường phải giật mình. Tiếng còi xe "gây náo" trên đường không phải là chuyện hiếm gặp.
Ngày 15-7, chị T. lái xe máy trên xa lộ Hà Nội qua ngã tư Bình Thái (TP Thủ Đức, TP.HCM) thì giật mình bởi tiếng còi inh tai từ một xe container. Chị T. luống cuống tay lái, vội dừng xe nép vào lề đường. "Tiếng còi to quá, nghe giật mình, hoảng hồn, may mà chưa bị gì!" - chị T. nói.
Ám ảnh... tiếng còi xe "độ"
Trưa 14-7, xe tải biển số TP.HCM chạy ra khỏi một gara trên đường số 6 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) vừa phát tiếng còi inh ỏi. "Bóp còi như giỡn vậy đó, không phải vài tiếng mà một hồi còi liên thanh, tui nghe nhức cả đầu, con tui ở trong nhà còn giật mình" - một người bên đường ngao ngán.
Còn một người nhà gần chỗ này cho biết nhiều tháng nay, ông bị ám ảnh bởi tiếng còi từ gara trên dội vào tai. Mỗi lần nghe tiếng còi ông cảm thấy nhức tai, tức ngực. Mẹ ông cao tuổi, vẫn thường giật mình khi nghe tiếng còi lớn.
Người trong nhà ông có khi đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng còi, dù đóng chặt cửa.
"Chịu không nổi, tôi qua góp ý mà bên gara không tiếp thu, vẫn suốt ngày bóp còi thử tới thử lui. Chuyện này ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hằng ngày của bà con ở đây" - ông bức xúc.
Trưa 3-7, lúc chúng tôi đến khu vực này, từ trong gara trên chốc lát lại phát ra tiếng còi inh ỏi. Bên trong gara có nhiều còi, bình hơi, máy nén khí. Ông Hải - chủ gara - cùng một thanh niên lắp còi dưới gầm xe tải hơn 2 tấn biển số tỉnh Đồng Tháp.
Khi được yêu cầu "độ" còi xe tải 15 tấn thì ông Hải bảo xe trên có sẵn hơi chỉ cần "độ" thêm một bình hơi giá 1,3 triệu đồng và cặp còi của Thái Lan giá 3,2 triệu đồng, công lắp là 700.000 đồng. Còi trên sẽ được lắp dưới gầm xe và có nút chuyển qua còi "zin".
Hỏi âm lượng còi này so với còi "zin" thế nào, đưa xe đi đăng kiểm liệu có qua được không? Ông Hải nói: "Âm lượng lớn hơn rất nhiều, 10-15 lần. Đăng kiểm bây giờ chưa thấy có quy định là được phép, nếu mình chơi thì khi nào đi đăng kiểm tháo ra thôi".
Ông Hải dặn xe gắn còi hơi có bị phạt, đừng bấm còi trước mặt cảnh sát giao thông. Một số xe container gắn đến ba loại còi với giá cỡ 20 triệu đồng, gồm còi của Thái Lan, còi nhạc và còi "ong vàng" (loại đã qua sử dụng).
"Tài xế chạy lúc chơi ong lúc chơi Thái cho đỡ buồn, vừa để tránh người vừa để vui, anh em gặp nhau, bóp còi chào nhau" - ông Hải nói.
Có mặt tại gara, thanh niên tên Dư kể chuyện đã có lần lái xe gắn còi hơi bị phạt 2,5 triệu đồng và tạm giữ bằng lái xe hai tháng. "Thua thì chung chứ sợ gì, chấp nhận chơi rồi mà" - Dư nói. Dư nối dây điện với bình ắc quy, gắn ống hơi vào còi rồi bấm liên tiếp phát ra âm thanh vang dội.
Theo tìm hiểu, Dư từng đăng lên mạng xã hội nhiều clip Dư lái xe bấm còi inh ỏi và bấm còi liên thanh tại gara của ông Hải. Ngoài "chơi" còi, Dư còn nhận "độ" còi. "Em sẽ làm công tắc cho anh, bật lên là kèn "zin", bật này lên là kèn Thái. Bây giờ chỉ gắn dưới gầm thôi, chứ gắn trên nóc là bị lụm à... công an bắt đó" - Dư nói.
"Độ" còi "bao dạt đường"
Đầu tháng 7-2023, tại tiệm "độ" còi trên đường Trần Văn Giàu (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh), ông Trung vừa chỉnh còi có hai loa sáng nhoáng vừa luôn tay bấm nhiều lần, âm thanh liên hồi phát ra vang dội.
Ông Trung giới thiệu đây là còi Thái "xịn", giá kèm công ráp là 4,8 triệu đồng. "Bao cho anh dạt đường" - ông Trung nói và báo giá lắp thêm một bình hơi thì thêm 2 triệu đồng, gắn thêm "nhại kèn" 11 tiếng giá 700.000 đồng.
Cũng theo ông này, còi trên sẽ được gắn ở gầm xe và có công tắc chuyển qua còi "zin". Khi gặp lực lượng chức năng không bóp còi thì không sao. "Nói chung mình để dưới gầm, đăng kiểm cũng không có bắt đâu" - ông Trung nói.
Ngoài còi "bao dạt đường", nơi ông Trung có lắp còi nhạc có 20 bài hát để "chơi giao lưu", giá còi kèm công lắp gần 10 triệu đồng/bộ.
Khi được hỏi lắp còi xong có xuất hóa đơn được không thì ông Trung nói: "Qua công ty nói thiệt tình, ví dụ như 5-10 triệu đồng em chỉ xuất 500.000 tới 1 triệu chứ đâu xuất đủ được, muốn xuất đủ số tiền phải tính thêm tiền cho anh.
Tính thêm 10% trong đó chứ. Tại vì cái giá này của em nhập là không thuế, người ta đánh lậu, người ta chỉ đánh cho em có 1-2% tiền thuế trong đó thôi. Có nghĩa là, ví dụ như cái kèn em nhập 5 triệu nhưng mà trong hóa đơn của em giá chỉ có một hai trăm ngàn thôi, chứ không có nhiều".
Bát nháo... còi lạ
Tại một tiệm bán phụ tùng xe máy ở quận 5, ông Trường lần lượt gắn hai còi vào bình ắc quy, một còi phát ra tiếng ngựa hí, còi còn lại liên tiếp phát ra tiếng cười.
Ông Trường báo giá hai còi trên là 250.000 đồng/cái, công thợ ráp có công tắc chuyển là 100.000 đồng. "Âm lượng thực tế rất là lớn, lớn hơn còi "zin" vì nó phát ra âm thanh bằng loa. Anh bật qua số 1 thì sẽ là còi "zin", bật qua số 2 sẽ là còi tiếng ngựa hí" - ông Trường nói.
Ông Trường báo giá còi tiếng xe cảnh sát giá gần 300.000 đồng, chưa tính công lắp. Ông cho rằng xe gắn còi tiếng ngựa hí và tiếng cười sẽ không bị xử phạt như xe có gắn còi tiếng xe cảnh sát.
"Kèn hú của cảnh sát giao thông, của xe cấp cứu thì không có sử dụng được, còn những cái này gọi là kèn trang trí nghe vui tai thôi chứ không có phạm luật (!?)" - ông Trường nói để thuyết phục khách.
Một phụ nữ tại tiệm bán phụ tùng xe máy khác ở quận 5 thì giới thiệu loại còi "3 tiếng" giá 80.000 đồng/cái. Khi bấm còi phát ra âm thanh vang dội liên hồi của xe cảnh sát, xe cấp cứu. Khi khách hỏi xe máy gắn loại còi trên ra đường cảnh sát giao thông phát hiện có bị phạt không, bà này nói: "Cái đó tui đâu biết được".
Tại tiệm phụ kiện ôtô ở quận Tân Phú, TP.HCM, thanh niên tên Tuấn lấy một chiếc còi và gắn dây điện vào, lập tức còi này phát ra một tràng tiếng chó sủa. Tuấn gọi đây là còi "pitbull", giá kèm công lắp cho ôtô là 600.000 đồng/cái, ôtô gắn còi trên khi đi đăng kiểm không cần phải gỡ ra.
"Không có gỡ, cứ để vậy đi, em có làm công tắc riêng cho anh" - Tuấn nói. Tuấn cũng cho hay có xe đã gắn đến hai cái còi trên. "Còi pitbull mình xài công tắc rời, khi nào muốn đùa giỡn mình nhấn vô" - Tuấn nói.
Luật sư NGUYỄN NGÔ QUANG NHẬT (Đoàn luật sư TP.HCM):
Không chỉ vi phạm mà còn nguy cơ gây tai nạn
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ô tô lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Người điều khiển xe còn bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng, buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định, đồng thời bị tịch thu còi vượt quá âm lượng.
Việc gắn còi lớn ngoài vi phạm còn khiến người đi đường giật mình, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Ông ĐỖ VĂN ĐÔNG (giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-03S):
Tài xế đối phó với đăng kiểm
Theo quy định khi kiểm định ô tô phải kiểm tra luôn còi gắn trên xe. Còi xe phải đúng của nhà sản xuất, âm lượng và âm thanh phải đạt chuẩn. Các tài xế thường xuyên đối phó với việc đăng kiểm là trước khi mang xe đến đăng kiểm sẽ tháo còi không đạt chuẩn ra, sau khi đăng kiểm xong sẽ gắn vào sử dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét