Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 6: Những ánh mắt kiên cường ở bến không chồng
Bình Hải, Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là hai xã mãi được nhắc nhớ khi hứng chịu đau thương với hàng trăm ngư dân tử nạn trong bão Chan Chu kinh hoàng năm 2006.
Chúng tôi tìm thông tin về sự kiện 11 ngư dân ở thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải (Thăng Bình, Quảng Nam) mất tích trong chuyến đi biển giữa cơn cuồng nộ của bão Chan Chu giữa tháng 4-2006 âm lịch.
Chỉ trên một đoạn đường nhỏ với 11 mái nhà cấp 4 lụp xụp dựng nương dựa cạnh nhau nhưng có 11 người ngư dân mãi nằm lại biển khơi.
Góa phụ tuổi đôi mươi
Chúng tôi được anh Hoàng Đình Hà - cán bộ UBND xã Bình Hải - dẫn đến nhà các hộ dân có người thân mất trong bão Chan Chu tại thôn Hiệp Hưng. 11 người đàn ông nằm lại thì có 8 người đã lập gia đình, trong đó có người mới cưới vợ chỉ 6 tháng.
Hoàng Thị Vân - người góa phụ từ năm lên tuổi 24 - giờ đã là qua tuổi 42. Vân đang sống cùng mẹ ruột và cậu con đang theo học lớp 11 bên tiệm tạp hóa nhỏ sát con đường chạy dọc biển.
Giữa trưa oi ả, người góa phụ tuổi 42 từ sau vườn nhà bước vào, gỡ tấm vải trùm kín và lộ ra một gương mặt hiền hậu. Vân bảo giờ cũng nguôi ngoai nỗi buồn rồi vì thấy con trai đã lớn, lại mang hình ảnh y hệt người cha.
Chị Vân có chồng là Phạm Phú Hanh nằm trong số 11 ngư dân thôn Hiệp Hưng bị nạn trong bão Chan Chu. Trước chuyến đi biển định mệnh, Vân và Hanh cưới và ở bên nhau vừa tròn 6 tháng.
Khi đứa con trai Phạm Phú Lời vừa tròn 3 tháng thai nhi đội dần lên dưới tấm áo của Vân thì Hanh tạm biệt mẹ con để lên chuyến tàu câu mực của chủ tàu người Đà Nẵng.
Người phụ nữ 42 tuổi nói không thể nào quên khoảnh khắc ngày đón tin chồng mất. "Cả xóm nháo nhác từ ngày 17-4-2006. Mấy chị em ngồi tập trung lại nhà một người để nghe ngóng tin tức. Sáng 18-4, không thể chờ đợi nổi, chúng tôi kéo nhau lên xã Bình Minh để nghe "sacom" truyền tin trực tiếp của một ngư dân báo về.
Qua bộ đàm, chúng tôi nghe thấy tiếng gió gào thét, tiếng gọi nhau gấp gáp trên con tàu sống sót và đang đi trục vớt tìm kiếm các tàu cá bị nạn.
Có ai đó nói rằng "hãy vớt thằng Lại Xuân Đào lên". Nghe cái tên này, mấy chị em sửng người rồi bưng mặt khóc vì Đào chính là ngư dân đi trên con tàu cùng mấy anh em thôn Hiệp Hưng chúng tôi", chị Vân chùng giọng kể lại.
Chị kể sau khoảng nửa tháng mà không thấy có tin tức gì về con tàu của người thân mình, những gia đình có người mất ở Hiệp Hưng vẫn không chịu lập bàn thờ.
Họ vẫn nuôi hy vọng rằng con tàu cá "đi lạc qua đảo ở Đài Loan" nên chưa liên lạc về. Tuy nhiên khi tạm lo ổn cho tình hình ở các làng khác, chính quyền huyện Thăng Bình tìm tới thôn, động viên mỗi người góa phụ dựng bàn thờ, lo tang ma vì hy vọng cạn dần.
"Cán bộ nói với chúng tôi là chờ đợi cái không có kết quả thì chỉ thêm tội người đã mất. Cả huyện đang buồn đau, người khắp nơi hướng về, các nhà hảo tâm cũng rất nhiều nên phải lập bàn thờ để xác định tư tưởng mà gượng dậy, tranh thủ được sự giúp đỡ nào thì tốt chừng đó để nuôi con cái", chị Vân xúc động nhớ lại.
Kỳ tích ở xóm không chồng
Người làng biển sống lạc quan và tếu táo. Khi chúng tôi tìm hỏi vào thôn Hiệp Hưng thì nhiều bà con cười và hỏi lý do vào làng. Bởi theo họ, thôn Hiệp Hưng chỉ có mấy căn nhà nằm dọc con đường nhỏ dẫn xuống biển. Thôn này từ sau bão Chan Chu được gọi tên là "xóm không chồng, xóm mồ côi".
Những biệt danh buồn thương này mỗi khi nhắc đến trong người dân xã Bình Hải đều chứa đựng sự khâm phục về nghị lực và sự giỏi giang vượt giới hạn của những người phụ nữ mồ côi chồng ở tuổi đôi mươi.
Anh Hoàng Đình Hà - cán bộ xã Bình Hải - nói rằng trong 11 ngư dân mất trong bão Chan Chu thì có 8 người đã lập gia đình.
Ngót 20 năm qua, 8 người vợ, người mẹ đơn chiếc đã sống một thời gian đầy khó khăn nhưng cũng gây kinh ngạc cho bà con xóm giềng bởi sự chịu thương chịu khó gầy dựng cơ ngơi, đứng lên sau nỗi đau để tiếp tục sống và sống mạnh mẽ như một cây xương rồng trên cát bỏng làng biển Hiệp Hưng.
Điều đáng ngạc nhiên hơn, 7/8 góa phụ sau khi chồng nằm lại, trong đó có hai người mất chồng khi chưa tới 30 tuổi nhưng vẫn quyết định "tòng tử", thờ chồng, nuôi con mà không đi thêm bước nữa.
Chúng tôi được dẫn vào nhà của bà Phạm Thị Bích. Bà Bích là một phụ nữ buôn bán nổi tiếng khắp các vùng biển lẫn các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam như Nam, Bắc Trà My, Hiệp Đức...
Hằng ngày người phụ nữ to khỏe này chạy xe máy từ 2h-3h sáng xuống cảng lấy ốc, cá rồi chạy cả trăm cây số ngược lên các xã vùng cao để bán kiếm lời.
Chồng bà Bích là Nguyễn Ngọc Lai mất cùng với 11 ngư dân khác trong thôn Hiệp Hưng. Năm gặp nạn, ông Lai mới 31 và người vợ cũng mới 29 tuổi. Ông Lai mất để lại cho bà Bích một mình quang gánh với 3 đứa con, trong đó con út còn bập bẹ.
Bà Bích nói không thể kể hết đủ những cơ cực, tủi thân mà một phụ nữ đơn thân như bà chịu đựng suốt gần 20 năm qua.
Nhưng bà vượt qua mạnh mẽ được là nhờ ý chí sắt đá, sự chịu thương chịu khó vượt mọi giới hạn. Không chỉ xây được nhà bề thế nhất nhì thôn, bà Bích còn nuôi lớn cả 3 đứa con, trong đó có một cô con gái tốt nghiệp cao đẳng y tế.
Và không chỉ bà Bích, phần lớn những người phụ nữ từng gánh chịu nỗi đau lớn sau bão Chan Chu nay cũng có cuộc sống khá giả hơn so với mặt bằng chung của người dân Hiệp Hưng.
Nhiều người ngoài việc tự bươn chải, kiếm tiền để xây cất nhà cửa thì còn nuôi con học đại học và ra trường kiếm được việc làm ở thành phố.
Đối diện nhà bà Bích là ngôi nhà kiên cố, rộng rãi của bà Phạm Thị Phượng (50 tuổi). Bà Phượng có chồng là ông Nguyễn Văn Lang cũng mất cùng chuyến đi biển trong bão Chan Chu năm 2006.
Gần 20 năm qua, một tay bà nuôi lớn 3 đứa con, trong đó có hai người vào đại học. Bà Phượng nói rằng khi xác định là chỗ dựa không còn, bà dành hết thời gian, tâm lực để thay chồng nuôi con.
"Những người phụ nữ mất chồng như chúng tôi phải làm bằng hai, ba lần người bình thường. Tôi tìm đủ thứ hàng hóa để chạy chợ buôn bán, ở đâu có việc làm ra tiền là không ngại sớm hôm tất tưởi. Lúc nào cũng nghĩ làm sao lo được cho ba đứa con nó khôn lớn, mình gục ngã thì con nó bơ vơ không biết trông vào đâu, nên chúng tôi phải đứng lên", bà Phượng tâm sự.
Hội chị em Chan Chu nương dựa nhau
Trong 11 nạn nhân bão Chan Chu tử nạn trên chuyến tàu ở thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải có nhiều người là anh em, họ hàng với nhau. Những người phụ nữ ở Hiệp Hưng cho biết trong cảnh góa phụ cùng cảnh ngộ, chị em tìm đến nhau để chia sẻ niềm vui và những nỗi lo toan, gánh nặng trong cuộc sống.
Ngoài thành viên của thôn, những người này còn lập một nhóm riêng và tự gọi nôm na là "nhóm chị em Chan Chu" để cùng nhau giúp đỡ làm ăn, hỗ trợ sinh kế.
"Đa số chị em tụi tui đều làm nghề buôn bán. Họ nói buôn có bạn, bán có phường, mỗi người buôn một mặt hàng khác nhau nên chúng tôi ủng hộ nhau, có mối lái nào là kết nối giúp. Mình trong cùng cảnh ngộ nên có chuyện gì cũng dễ bề thấu hiểu.
Trước đây xóm tổ chức lễ giỗ đều vào ngày 19-4 âm lịch nhưng sau đó các chị em thống nhất là người trước gối người sau, làm lần lượt phân chia nhau để dễ bề chia sẻ công việc, tiện cho người làng tham dự nên từng gia đình làm giỗ theo luân phiên từ ngày 15-4 âm lịch hằng năm", bà Phượng nói.
*************
Hứng chịu nỗi đau đơn chiếc khi chồng nằm lại biển khơi, những người phụ nữ miền biển tiếp tục động viên con ra khơi. Bởi với họ, biển không chỉ là sinh tồn mà ở đó có lớp lớp cha ông đã hiện diện bám sóng giữ nghề và giương cao ngọn cờ Tổ quốc.
Kỳ tới: Vọng phu tiếp tục vọng con bám biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét