Từ vụ án "chuyến bay giải cứu", đặt câu hỏi không đưa hối lộ có được không?
Đại án "chuyến bay giải cứu" đang được TAND Hà Nội xét xử với 54 bị cáo thuộc hai nhóm tội Đưa hối lộ (23 người) và Nhận hối lộ (21 người).
23 người là lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành, bị truy tố tội "Đưa hối lộ" khai tự nguyện đưa tiền, do thấy các cán bộ "làm việc vất vả" và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giải quyết thủ tục nhiều chuyến bay. Một số lại cho rằng, buộc phải chi tiền do bị gây khó khăn, ngâm hồ sơ, xếp lịch bay sát ngày; hoặc bị yêu cầu đến "nói chuyện".
Cho dù lời khai khác nhau, nhưng ai cũng biết, doanh nghiệp cũng nhận thức rất rõ đó là tiền "bôi trơn".
Không ít ý kiến cho rằng, tại sao doanh nghiệp biết đưa hối lộ là vi phạm pháp luật mà vẫn làm. Doanh nghiệp có quyền tự do lựa chọn, nếu cán bộ đòi hối lộ thì kiên quyết không làm. Thà bỏ một thương vụ kinh doanh, còn hơn là làm một việc vi phạm pháp luật.
Rõ ràng, các doanh nghiệp thấy được lợi nhuận từ các phi vụ, cho dù phải chung chi vẫn cứ lời, nên mới sẵn sàng hối lộ để được việc. Tính cho cùng, quan chức đòi hối lộ, doanh nghiệp đưa hối lộ, thì lấy giá cắt cổ khách hàng, cuối cùng người dân có nhu cầu về nước là nạn nhân mang danh được "giải cứu".
Nếu tất cả các doanh nghiệp từ chối không đưa hối lộ thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Kịch bản thứ nhất là cán bộ "xuống thang", cấp phép cho tất cả doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay giải cứu.
Kịch bản thứ hai là không doanh nghiệp nào được cấp phép, hậu quả là bà con ở các nước không về được lúc dịch bệnh.
Còn một lựa chọn nữa nhưng các doanh nghiệp đã không lựa chọn, đó là dũng cảm đứng ra tố cáo các cán bộ đòi hối lộ. Nhưng đáng tiếc không doanh nghiệp nào làm, đến bây giờ mới đứng khai vanh vách trước Hội đồng xét xử.
Nhưng có một "kịch bản" khác mà bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) nói trước tòa là "khó khăn cùng cực". Khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê tàu bay, rồi phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 - 9 tỉ đồng. Rơi vào thế này thì không hối lộ cũng không xong.
Trường hợp trên chỉ là một ví dụ, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay làm rồi, đầu tư rồi, đang trong quá trình làm các thủ tục thì bị đòi hối lộ. Lui không được, cho nên phải ngậm đắng nuốt cay đưa tiền.
Không chỉ vụ án này mà quan sát từ thực tế cuộc sống, sẽ thấy chuyện đưa và nhận hối lộ thuộc sự chủ động của phía cán bộ tha hóa. Cũng có trường hợp doanh nghiệp chạy chọt để được hưởng các ưu thế, nhưng đa số là vì bị ép buộc.
Cho nên, để ngăn chặn hành vi này, ngoài xử lý theo pháp luật những trường hợp vi phạm thì cái gốc vẫn là xây dựng một đội ngũ công bộc thực sự là những người công chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét