Giải mã bí ẩn cận tử - khoa học nói gì? - Kỳ 1: Hành trình vào cõi chết và hồi sinh
Các nghiên cứu ghi nhận từ 10 - 20% số người sống sót sau khi tim ngừng đập kể lại đã qua trải nghiệm huyền bí cận kề cái chết. Các chuyện kể đều có nhiều chi tiết kỳ lạ trùng hợp nhau.
Ngoài lý giải có yếu tố siêu nhiên, trong vài thập niên gần đây, các nhà khoa học đã chú tâm nghiên cứu hiện tượng cận kề cái chết bí ẩn này.
Lâu nay mọi người đều cho rằng có ranh giới giữa sự sống - cái chết và một khi vượt qua ranh giới ấy thì không thể quay lại.
TS Sam Parnia, ở Trường Y đại học New York (Mỹ), giải thích: "Hơn 60 năm nay, nhờ kỹ thuật hồi sức tim phổi, vấn đề này đã được xem xét lại. Nhiều người bước vào cõi chết theo quan điểm sinh học đã hồi sinh và kể lại trải nghiệm. Đến nay đã có nhiều triệu người trên thế giới kể lại trải nghiệm tương tự". Trường hợp của nữ diễn giả nổi tiếng Julia Nicholson ở Mỹ là một ví dụ điển hình.
Thấy gương mặt người yêu thương lướt qua khi cận kề cái chết
Lúc bà còn nhỏ, cha là quân nhân nên gia đình phải dời nhà nhiều nơi. Do sống trong nhiều môi trường khác nhau nên bà đã có kỹ năng tạo quan hệ với mọi người rất nhanh chóng.
Tuy nhiên con đường khám phá bản thân của bà chỉ thực sự bắt đầu sau biến cố xảy ra năm 18 tuổi.
Năm 1980, đang là sinh viên năm thứ nhất ngành tâm lý học tại Đại học Missouri, bà luôn cảm thấy "cuộc đời vẫn đẹp sao". Một ngày nọ bà đến chơi với người chị gái ở bang Texas.
Chị bà dẫn bà gặp anh chàng người yêu Allan tại bữa ăn tối ở nhà John, bạn thân của Allan. Sau bữa ăn tối lúc 22h30, bốn người quyết định đến dự lễ hội bên hồ cách đó 30 phút lái xe.
John cầm lái, bà ngồi trên ghế trước và cài dây an toàn dù lúc đó luật chưa bắt buộc. Một lúc sau bà cố tháo dây ra nhưng dây bị kẹt. Chị bà cố giúp, dây vẫn không bung ra. Còn cách hồ chừng 15 phút lái xe, xe đang chạy với tốc độ cho phép trên đường cao tốc hai làn xe thì bị một xe hơi khác tông vào. Người phụ nữ lái xe gây tai nạn đã có uống rượu.
Bà bất tỉnh trong xe và mất máu rất nhanh. Bà kể lại câu chuyện trên tạp chí Newsweek: "Tôi nhớ mình đã nghĩ đây hẳn là cảm giác khi chết. Tôi không cảm thấy đau nhưng tôi nghe có nhiều tiếng nói xung quanh. Tôi có thể nghe tiếng chị tôi hét lên: "Em chết rồi, em tôi chết rồi". Vì vậy tôi tin chắc rằng mình đã chết.
Tôi nhớ chị tôi, anh Allan và anh John kêu lên "nếu em có thể nghe tiếng anh chị thì hãy cử động hay chạm vào cái gì đó", thế nhưng tôi không thể cử động được".
Bà kể tiếp: "Tôi nhớ mình đã nhìn thấy gương mặt của những người yêu thương lướt qua trước mắt tôi. Mỗi gương mặt xuất hiện trong ký ức của tôi đều có một điểm chung họ là những người mà tôi yêu thương và đã từng quan tâm sâu sắc. Tôi nghĩ tôi yêu tất cả những người này và tôi chưa bao giờ nói điều đó với họ".
2h sáng, cha mẹ bà nhận được điện thoại báo tin bà bị tai nạn và đang nguy kịch. Họ vội vàng đến bệnh viện ở Texas. Trong khi đó, bà vẫn không cảm thấy đau trên đường được đưa đi cấp cứu.
Sau này bà phải trồng lại toàn bộ hàm răng vì nguyên hàm trên đã bị vỡ và môi dưới gần như đứt lìa.
Bà nhận xét điều kỳ diệu đã cứu sống bà vào đêm gặp tai nạn chính là sợi dây an toàn bị kẹt. Nếu dây không bị kẹt, ắt hẳn bà có thể đã văng khỏi xe và chết ngay tại chỗ.
May mắn, chị bà, anh Allan và anh John đều không bị thương quá nặng. Cổ tay người chị bị gãy còn anh John chỉ bị bầm tím trên đầu.
Từ thiếu tự tin đến nhân vật nổi tiếng
Vết thương về thể xác ảnh hưởng nghiêm trọng đến gương mặt bà nhưng vết thương về tinh thần và tình cảm còn tàn khốc hơn. Thái độ tự tin của bà vỡ vụn.
Nhiều tháng sau tai nạn, bà cảm thấy chán nản và thích tự cô lập bản thân. Rồi một ngày bà bắt đầu thay đổi cách nhìn.
Nếu trước kia bà dằn vặt "Tại sao lại là tôi?", thì bây giờ bà suy nghĩ "Tại sao không phải là tôi? Tại sao tôi lại muốn tai nạn xảy ra cho người khác? Tôi có thể rút ra điều gì từ tai nạn để có thể giúp đỡ người khác hay không?".
Bà xác định mục đích cuộc sống sắp tới của bà là thay đổi lối suy nghĩ cho rằng nỗi đau mất mát chính là bản án chung thân.
Cuối năm 1981, bà lập gia đình. Cuộc hôn nhân không suôn sẻ. Năm năm sau bà yêu cầu ly hôn với người chồng thích bạo lực khi đã có hai con, một đứa 4 tháng và một đứa 3 tuổi.
Bà sống một mình, tập trung sống và kiếm tiền lo cho các con. Năm 1987, bà làm nhân viên kế toán. Sau hai năm làm việc nhưng không được nâng lương, bà hỏi, và giám đốc công ty trả lời thành thật: "Tôi biết bạn làm công việc này tốt hơn những người khác nhưng do bạn không có bằng đại học".
Thế là bà quyết định vừa theo học quản trị kinh doanh tại Đại học Missouri vừa làm công việc bán thời gian để kiếm tiền nuôi con. Năm 1992, bà tốt nghiệp. Ba năm sau, bà vào làm việc cho một công ty tư vấn. Một năm sau đó, bà bắt đầu học chương trình thạc sĩ.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1998, đến tháng 9-1999 bà trở thành giám đốc điều hành cho một công ty trị giá 450 triệu USD. Năm 2014, bà giữ chức giám đốc Quỹ hưu trí và y tế ngành công nghiệp điện ảnh (MPI).
Hiện bà là diễn giả - người truyền cảm hứng, giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học William Jessup ở California đồng thời làm chủ công ty tư vấn kinh doanh riêng. Cuối tháng 1-2023, cuốn sách Tiến lên phía trước mạnh mẽ hơn: Khuôn khổ năng động để xử lý thay đổi, mất mát và đau buồn của bà đã được xuất bản ở Mỹ.
Bà nói: "Trải nghiệm cận kề cái chết khiến tôi có cảm giác cần phải khẩn trương hoàn thành mọi việc vì không biết phút còn sống kế tiếp liệu có phải là giây phút cuối cùng của đời người".
23h30 ngày 26-1-2023, cô gái Grace Frost (24 tuổi) từ bang New York lái xe trở về nhà tại Connecticut (Mỹ) sau buổi làm việc muộn. Trời mưa gió, chiếc Toyota 4Runner mất lái. Một cây tần bì đâm xuyên qua kính. Đầu gối chân phải của cô bị gãy. Bảng điều khiển và kính chắn gió lõm vào cách chân cô chỉ vài cm.
Cửa xe bị mắc kẹt. Cô không thể rút chân khỏi phanh vì xe sẽ chạy tới, bảng điều khiển và kính chắn gió sẽ ép sát hơn. Cô gọi 911 nhưng không ai trả lời. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê cận kề cái chết, cô nhìn thấy những người cô yêu thương và kỷ niệm thời thơ ấu lướt qua tâm trí như bộ phim chiếu chậm.
Một lúc sau, cô lại tỉnh, thử gọi 911 lần nữa và thành công. Cô vẫn giữ cái chân bị gãy nhấn vào phanh suốt 20 phút đến khi xe cấp cứu đến.
Các bác sĩ đã xem tai nạn của cô là phép màu y học. Xe hơi gần như tan nát nhưng cô chỉ bị gãy chân và nhiều vết bầm. Cô phải ngồi xe lăn, 10 tháng sau chân mới bình phục.
Nhớ lại trải nghiệm cận kề cái chết, cô bộc bạch: "Tai nạn đã cho tôi thời gian và không gian để suy ngẫm về cuộc sống và mục tiêu tôi phải thực hiện. Bạn thực sự không bao giờ biết khi nào cuộc sống kết thúc, vì vậy đừng bao giờ coi bất kỳ điều gì là hiển nhiên".
---------------------------
Sau 10 năm giấu kín, bác sĩ y khoa George Ritchie mới dám tiết lộ mình đã từng qua trải nghiệm cận kề cái chết. Hiện tượng bí ẩn này bắt đầu được khai phá dưới ánh sáng khoa học.
Kỳ tới: Bác sĩ ngừng thở hơn chín phút nhìn thấy gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét