Những đứa con mãi không chịu 'lớn' - Kỳ 5: Sống bám đến đồng lương hưu của cha mẹ
Trong khu dân cư nhỏ ở đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân, TP.HCM), nhiều người biết gia đình ông Trần Văn Thắng, nhưng điều làm họ "biết" hơn cả là sự chiều con đến kỳ lạ của gia đình này.
Hai đứa con ông, cô gái lớn đã tuổi 43, cậu em tuổi 41 vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ đều đều, thậm chí nhờ cả bố... đổ xăng xe cho con đi.
"Con ngoan" 40 tuổi vẫn... đợi cơm cha mẹ nấu
Ông Thắng nay đã tuổi 69, nguyên là một cán bộ cấp trưởng phòng từ Hà Nội vào TP.HCM, công tác và đã về hưu gần chục năm. Bà vợ ông cũng làm chung ngành với chồng nhưng xin về hưu sớm để "ở nhà chăm sóc con" dù lúc bà nghỉ thì hai con đều đã học xong đại học.
Trước đây, bà con ở khu dân cư đường Trần Văn Giàu không rõ vợ chồng ông Thắng chăm con còn nhỏ như thế nào. Nhưng 20 năm trở lại đây, khi họ chuyển nhà từ quận 5 về khu đô thị ven thành phố này sống thì mọi người đều "choáng" với cách ông bà chiều con.
Đó là khi cô chị đã bắt đầu đi làm, cậu em đang học đại học. Nhưng mỗi sáng, trong khi những người đứng tuổi đi tập thể dục, thì vợ chồng họ cũng dậy sớm để phân việc ông thì lụi cụi chạy đi mua ăn đồ sáng theo ý con, còn bà vợ thì ủi đồ cho con mặc.
Khi hai cô cậu ăn sáng xong, ông còn một nhiệm vụ không thể bỏ qua là dắt hai chiếc xe máy ra khỏi nhà cho cô con gái đi làm và cậu con trai đi học. Sàn nhà ông đổ cao chống ngập nên cách mặt vỉa hè đến nửa mét.
Người bố lúc ấy đã ở tuổi 50, phải gồng người dắt xe để khỏi té. Còn hai người con thì đứng trên vỉa hè đợi bố. Nhiều lần cậu con trai còn càu nhàu: "Bố đẩy xe ra nhanh đi, con trễ học rồi".
Trong lúc dắt xe, ông còn nhiệm vụ kiểm tra bình xăng. Nếu thấy gần hết, ông sẽ chạy ra cây gần nhà để đổ cho con. Hàng xóm bắt đầu chú ý đến chuyện ông bà chiều con từ những hình ảnh này.
Đó là khi họ vẫn còn đi làm việc Nhà nước. Lo cho con xong, họ lại tất tả chạy đến chỗ làm kẻo trễ. Có lần hàng xóm gần nhà ái ngại nói: "Hai đứa nó lớn hết rồi, sao ông không để nó tự dắt xe?".
"Thôi, có chút xíu mình làm luôn như tập thể dục ấy mà", ông trả lời. "Vậy sao ông không cho tụi nó làm để tập thể dục?", hàng xóm hỏi lại. Ông Thắng chỉ cười không trả lời.
Có ngày cuối tuần, ông đang ngồi uống cà phê với hàng xóm thì bất ngờ cậu con gọi điện báo: "Bố ơi, xe hình như bị thủng bánh rồi. Sao giờ bố?". Ông vội vã trả lời con là tấp vào hè đường, kiếm quán nước nào ngồi uống, đợi ông chạy lên kiếm chỗ vá xe.
Hàng xóm thấy ông già bỏ dở ly cà phê, hối hả chạy đi vá xe cho con (lúc này đã ra trường) mà ái ngại lắc đầu. Ấy vậy mà nhiều khi họ vẫn còn nghe bà vợ trách ông: "Bố không thương con, lo cho con".
Hai đứa con ra trường, đi làm, họ vẫn cho tiền con đều đều, kể cả tiền ăn sáng, ăn trưa. Nhưng hình như cô cậu không làm được nơi nào quá 6 tháng. Cứ ít hôm lại thấy họ nằm dài ở nhà, hát loa kẹo kéo, đợi cơm bố mẹ nấu ăn.
Có lần ông tâm sự với hàng xóm: "Tụi nó còn nhỏ, vậy chứ ngoan lắm, đi làm để tập tành quen việc thôi. Vợ chồng tôi vẫn bao cấp hết". Đó là khi hai con ông đều đã tuổi gần 30...
Không làm bền được việc nào trong nước, cô con gái xin bố mẹ cho đi du học thạc sĩ tự túc ở Úc, tất nhiên tiền đi học hoàn toàn là của ông bà phải chạy vạy.
Về nước, cô lại tiếp tục điệp khúc thích thì làm, chán thì nghỉ và thất nghiệp thì... ở nhà bố mẹ lo. Cả đời đi làm, ông bà dành dụm, đầu tư được một căn nhà cho thuê ở huyện Bình Chánh mà đã phải bán để lo hai con.
Về hưu, họ vẫn tiếp tục lo cho hai người con đã ở tuổi lẽ ra có thể lo được cho bố mẹ. Tiền hưu không đủ, ông gần 70 tuổi vẫn phải xin đi dạy học tiếng Anh để có thêm tiền trang trải cho hai quý tử sống bám. Bà mẹ được chia phần đất quê nhà ở Hưng Yên, cũng đã phải bán để "chăm hai đứa nhỏ" đã ở tuổi... hơn 40.
Hàng xóm tội ông bà già vất vả, hỏi chuyện. Người mẹ vẫn trả lời: "Tụi nó làm ăn chưa thuận lợi thôi, chứ ngoan lắm, cái gì cũng hỏi ý kiến bố mẹ". Hàng xóm chỉ còn biết cười, lắc đầu. Hai quý tử của ông bà chưa lập gia đình, nếu có thì chắc kiểu này ông bà sẽ lại nuôi tiếp cháu.
"Con chỉ mượn, chứ không xin cha mẹ"
Ngược lại với cảnh nhà ông Thắng, chỉ cách đó vài căn là câu chuyện vợ chồng ông Hàng Thế Mỹ rèn con như để trưởng thành sớm.
Ông Mỹ cũng có hai người con sinh đôi nay đã tuổi 30 và đều có gia đình, nhà cửa để ra ở riêng. Người cha ở tuổi 72 này kể chuyện vợ chồng mình có con muộn, nên thay vì cưng chiều con, họ lại nghĩ phải tập luyện cho con trưởng thành sớm để tự lo được bản thân mình.
"Vợ chồng tôi thống nhất khuyên dạy con là cha mẹ già rồi, như đèn treo trước gió, không chắc có lo được các con mãi không. Nên hai con phải trưởng thành sớm, phải tự lo được cho mình rồi lo vợ con mình, chứ đừng trông gì cha mẹ", ông Mỹ kể.
Cũng vui là hai con trai của họ đều ý thức được lời dạy của cha mẹ. Gia cảnh không giàu có mà cũng không thiếu thốn, nhưng ngay từ năm nhất đại học, hai cậu đều xin đi làm thêm.
Nhà ở quận Bình Tân, hai cậu học đại học kinh tế tít trên quận 3. Vừa tan trường, một cậu chạy đi dạy kèm, một cậu ra phụ quán ăn, hiếm khi nào họ về được nhà trước 10h đêm.
Tắm rửa xong, họ ăn vội miếng cơm và lại ngồi vào bàn học đến 1h - 2h sáng. Ông bà cũng xót con, cả hai cậu đều nói: "Tụi con còn trẻ, việc làm thêm cũng nhẹ, đâu có gì vất vả, cha mẹ đừng lo".
Ngay học kỳ 2 năm thứ nhất đại học, hai người con đã có tiền riêng để mua quà sinh nhật cho cha mẹ. Thỉnh thoảng, họ còn biếu cha mẹ ít tiền. Ông bà không muốn nhận, nhưng sau đó đã cầm và nói với nhau rằng "cứ để dành đó, mai mốt cho lại cháu mình".
Ra trường, họ đều có việc làm ngay, mỗi tháng đều gửi tiền cho mẹ lo chi tiêu gia đình. Từ năm 27 tuổi, cả hai anh em đều dành được tiền mua trả góp chung cư ở huyện Bình Chánh để khi có vợ con sẽ bảo đảm cuộc sống độc lập.
Ban đầu, cha mẹ định cho hai cậu số tiền phải trả trước, nhưng họ hứa sẽ trả lại cha mẹ đủ trong vòng 3 năm.
"Số tiền này, con chỉ mượn chứ con không xin. Coi như tụi con giữ giùm cha mẹ khoản tiền này trong 3 năm. Cảm ơn cha mẹ", cậu anh nói thay lời em. Có gia đình ra sống riêng, hai anh em hiện mỗi tháng vẫn góp 12 triệu đồng về cho cha mẹ "ăn uống, thuốc men hay thi thoảng đi du lịch"...
Theo TS giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, việc cha mẹ nuông chiều con sẽ gây ra hậu quả đối với đứa con đó, với gia đình và xã hội. Hậu quả tức thì và dễ thấy nhất là đứa con sống bám, không trưởng thành lên được, mãi ngây thơ, yếu đuối trong sự chăm lo của cha mẹ.
Khi cha mẹ không còn đủ sức bảo bọc, đứa con sẽ hoàn toàn không thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Tuổi già của cha mẹ sẽ rất mệt mỏi, và tương lai của đứa con cũng không có hứa hẹn gì.
Một cá nhân không tự chăm lo được cho mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, là sự phiền toái, thậm chí là nhân tố tiêu cực vào xã hội.
Bởi nếu đứa con đó vì những nhu cầu cá nhân không được cung ứng kịp, họ có nguy cơ làm ra hành vi lệch chuẩn, vì vậy sẽ là điều không tích cực cho xã hội.
Và chắc chắn, đáng lý người đó là nhân tố để đóng góp thì bây giờ đổi lại là nhân tố gây phiền cho xã hội. Từ đó, sự phát triển của xã hội cũng sẽ bị chậm, bị ảnh hưởng và bất lợi.
******************
Tôi dạy con quý lao động. Ngay khi con còn nhỏ, tôi đã nguyên tắc "tuổi nhỏ làm việc nhỏ", như nhờ con lấy giúp vật gì đó, phụ mẹ quét nhà, rửa chén, nấu cơm...
Kỳ tới: Để con mình chịu khổ một chút
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét