Mắc thoái hóa đốt sống cổ do ngồi lâu, dân văn phòng tăng cường tập thể dục
Ngồi liên tục nhiều giờ đồng hồ lại là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý có hại cho sức khỏe đối với nhân viên văn phòng. Để cải thiện tình trạng này, nhiều người đã tăng cường tập thể dục, rèn luyện thể chất nhằm nâng cao năng suất lao động.
Tác hại của việc lười vận động
Dân văn phòng hay nhân viên văn phòng là những người làm việc trong lĩnh vực hành chính. Nơi làm việc của họ là các văn phòng trong cơ quan, công ty, doanh nghiệp. Đây là bộ phận không thể thiếu cho sự hoạt động của một tổ chức.
Chị Hà Trang (26 tuổi, Hà Nội) đã có gần 4 năm gắn bó với công việc văn phòng. Cũng như bao đồng nghiệp khác, trung bình chị phải ngồi ít nhất 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Chị Trang chia sẻ: “Thời gian đầu mới tiếp xúc, tôi thấy công việc văn phòng rất nhàn, hầu như không phải vận động nhiều và cũng không tốn sức lực. Tuy nhiên sau một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng vì các vấn đề sức khỏe xảy ra ngày một nhiều hơn”.
Cách đây khoảng 1 năm, chị Trang đã phải tìm đến bác sĩ khi có biểu hiện đau nhức sau gáy và phần xung quanh xương bả vai kể cả lúc ngồi hay di chuyển. Sau đó, chị được chẩn đoán là bị thoái hóa đốt sống cổ do ngồi sai tư thế, làm việc trong thời gian dài nhưng ít vận động.
Nữ nhân viên khá bất ngờ vì nghĩ các căn bệnh này chỉ xảy ra với những người lớn tuổi. Thời điểm đó, một loạt các vấn đề khác cũng bắt đầu xuất hiện như đau mắt, đau lưng, nhức mỏi khớp cổ tay, khớp đầu gối,....
Chị Nguyễn Thị Thái (24 tuổi, Thanh Hóa) cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ thói quen xấu trong sinh hoạt của dân văn phòng. Họ thường hay tụ tập ăn vặt, uống cà phê, trà sữa... những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe nhưng lại ít vận động.
Là một nhân viên kế toán, hàng ngày chị Thái thường xuyên phải làm việc trên máy tính. Công việc yêu cầu độ chính xác cao và làm nhiều giờ khiến chị cảm thấy bị stress, dễ cáu gắt.
“Có thời gian do nhìn màn hình máy tính liên tục khiến mắt tôi bị quá tải, cảm thấy đau nhức và khô rát mặc dù đã sử dụng thuốc dưỡng. Nhiều lúc nhìn lâu vào máy tính khi nhìn ra ngoài dễ bị chóng mặt và xuất hiện ảo giác”- chị Thái chia sẻ.
Nên tập thể dục thường xuyên
Trước lo ngại về những vấn đề sức khỏe, mỗi ngày chị Trang đều dành ít nhất 1-2 tiếng để tập thể dục. Nữ nhân viên lựa chọn Yoga và các bài tập thể dục tay không vì có thể dễ dàng tập luyện tại nhà.
Duy trì các bài tập khoảng 2 tháng, chị Trang cảm nhận rõ sự thay đổi đối với cơ thể. Một số tình trạng sức khỏe xấu bắt đầu giảm dần, các cơ trở nên săn chắc hơn, cảm giác người nhẹ nhõm, tinh thần cũng thoải mái.
Chị Trang cũng chia sẻ thêm đối với các bộ môn có nhiều bài tập như gym hay yoga, khoảng thời gian mới tiếp xúc nên đăng ký những lớp học với giáo viên để quen với động tác. Việc tập sai tư thế có thể dẫn đến chấn thương và gây hại đối với sức khỏe.
Yêu thích thể thao, anh Mai Văn Long (24 tuổi, Hà Nội) hiểu rõ những tác hại của việc lười vận động. Để có thể gắn bó lâu dài với công việc mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, nam nhân viên đã chủ động trong việc luyện tập.
Anh Long cho hay: “Mỗi buổi chiều sau khi tan làm tôi thường đạp xe quanh hồ. Việc đạp xe vừa mang lại một sức khỏe tốt, bên cạnh đó cũng giúp cải thiện tinh thần khi được ra ngoài nhiều hơn, tránh các bệnh tâm lý dễ gặp phải nếu ngồi lâu trong không gian kín và chịu áp lực công việc”.
Công ty mà anh Long đang làm việc cũng khuyến khích nhân viên rèn luyện sức khỏe. Hoạt động thể dục thể thao được công ty quản lý qua ứng dụng trên thiết bị di động.
“Tác hại của việc ít vận động và làm việc liên tục trong thời gian dài được phổ biến từ lâu, tuy nhiên vẫn có khá nhiều người chủ quan và xem nhẹ việc rèn luyện sức khỏe. Tôi nghĩ các công ty, doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao nội bộ, khuyến khích nhân viên tập luyện để cải thiện sức khỏe cho người lao động, tăng năng suất lao động” - anh Long tâm sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét