Mối ra dày đặc, người dân lo "thời tiết dị thường"
Xác mối cánh nằm thành cả thảm trên sàn nhà. Ảnh do người dân cung cấp |
Theo người dân sống tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình… do thời tiết nóng lạnh thất thường, những ngày gần đây, xuất hiện tình trạng các loại mối bay dày đặc vào ban đêm trên các tuyến đường có đèn điện, đèn cao áp và xâm nhập vào nhà ở của người dân (nhất là nơi có ánh đèn).
Tại TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), sau mỗi đêm, mối cánh chết nằm kín sàn nhà. Tại các huyện Bảo Yên, Mường Khương, Văn Bàn, Bát Xát (Lào Cai) hoặc Văn Chấn (Yên Bái), Phú Thọ… buổi tối, mối bay đầy đường, gây khó khăn, bất tiện cho người đi xe máy khi mối bay vào tai, mũi, mắt.
Người dân cho biết, phải tắt đèn điện để ăn cơm, sinh hoạt vì mối rất nhiều, gây ngứa và khó chịu, có thể rơi vào thức ăn… Nhưng một số nơi, người dân lại bẫy những con mối này để làm thức ăn bằng cách treo một bóng đèn sát chậu nước.
Một số gia đình bẫy mối để làm thức ăn. Ảnh do người dân cung cấp |
Trao đổi với PV Báo SGGP chiều 16-5, ông Kim Quốc Vương, một chuyên gia có kinh nghiệm 20 năm chuyên theo dõi, tư vấn và thực hiện các biện pháp diệt trừ mối, bảo vệ công trình xây dựng, nhà ở của người dân, có cơ sở dịch vụ tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, cho biết, đây là hiện tượng bình thường, xuất hiện vào đầu mùa nắng nóng hàng năm, không phải bất thường.
Theo ông Vương, khoảng tháng 5 tại miền Bắc bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, độ ẩm tăng cao, dễ có mưa dông nhiệt, cũng là mùa của các loài mối từ lòng đất, trong các hốc, tổ dưới nền móng công trình xây dựng, nhà cửa… bay ra để giao hoan, tìm bạn tình và sinh sản.
Hầu như ở đâu cũng có mối, nhưng tại khu vực miền núi thường có các tổ mối lớn do trong lòng đất có nhiều cây, gỗ mục nát. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng… cũng có mối bay ra sinh sản mùa này, nhưng do mật độ ít hơn nên không gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của người dân.
Xác mối rụng trong nhà dân những ngày gần đây |
Mặc dù vậy, các tổ mối rất nguy hiểm cho độ bền của các công trình xây dựng và ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông lâm nghiệp. Chuyên gia này cho biết, ở miền núi thường có hai loại mối là mối đất và mối gỗ. Cả hai loại đều sinh sản vào thời gian này, nhưng mối gỗ dễ gặp nhiều hơn vào mùa khô, do mối từ các mảng gỗ mục trong đất xông lên cây cối (nhất là cây rừng) để hút nước và kiếm thức ăn, phá hoại.
Còn mối đất hoạt động quanh năm, ẩn nấp bên dưới công trình, có thể đùn lên các đống mối lớn, thậm chí có thể làm mục rỗng thân đê, chân đê bao sông trước các mùa mưa lũ, rất nguy hiểm. “Loại mối mà người dân bắt để ăn là mối đất”, ông Vương nói.
Do đó, ở nhiều nơi, thường phải tiến hành xử lý, phòng trừ mối trước khi xây dựng công trình và các cơ quan bảo vệ đê điều cũng nên liên tục rà soát, diệt trừ các tổ mối để đảm bảo an toàn cho công trình phòng chống lũ lụt.
Theo kinh nghiệm của người dân, khi mối tỏa ra dày đặc, thường báo hiệu sắp có mưa rất lớn. Sau đó, trong rừng thường xuất hiện một loại nấm có thể ăn được, gọi là “nấm mối” (nhiều người dân sống ở rừng đi thu hoạch để chế biến món ăn hoặc bán).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét