Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Những đứa con mãi không chịu 'lớn' - Kỳ 3: Chuyện nhỏ, chuyện lớn gì cũng 'mẹ ơi, ba ơi'

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 16/05/2023 10:54

Những đứa con mãi không chịu 'lớn' - Kỳ 3: Chuyện nhỏ, chuyện lớn gì cũng 'mẹ ơi, ba ơi'

Dù đã 40 tuổi, anh Tuấn Minh vẫn không tự quyết những chuyện quan trọng, khiến gia đình luôn lo lắng.

Những đứa con mãi không chịu lớn - Kỳ 3: Chuyện nhỏ, chuyện lớn gì cũng mẹ ơi, ba ơi - Ảnh 1.

Cha mẹ không nên quá bảo bọc mà hãy tập cho con tự lập cuộc sống - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tâm sự chuyện anh trai đã khiến mẹ đau lòng ra sao, anh Nam Thành (đã được đổi tên, 35 tuổi, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM) thở dài.

Dù đã 40 tuổi, anh Tuấn Minh - anh trai của anh Thành - vẫn không tự quyết những chuyện quan trọng, khiến gia đình luôn lo lắng.

Con hư là do chính con hay tại... cha mẹ?

"Trong nhà, anh tôi sống dựa dẫm mà lại hay nạt nộ mẹ, khiến mẹ buồn phiền. Anh đi làm nhiều năm cũng không thấy phụ giúp gia đình, chưa khi nào quan tâm mua cho mẹ chai dầu gió hay vỉ thuốc...", anh Thành bộc bạch. Muốn chuyện trò với hy vọng anh mình sẽ biết nghĩ cho mẹ, nhưng hai anh em "nói chuyện không hợp".

Không chỉ nặng lo vật chất, tình trạng con cái đã trưởng thành nhưng chuyện nhỏ, chuyện lớn cũng "mẹ ơi, ba ơi", không tự quyết định cuộc đời mình cũng là nỗi khổ của cha mẹ.

"Bà xuống chăm cháu mà cứ muốn về. Bà về được thì về luôn đi!", anh Thành kể lại những lời anh Minh lớn tiếng với mẹ. Nguyên do là bà Thu (65 tuổi) vào TP.HCM chăm cháu để vợ chồng anh Minh yên tâm đi làm. Sau hai tháng lụi cụi, bà phải về quê lo việc buôn bán.

Không chỉ bị con trai nặng lời mắng nhiếc khi muốn về quê, bà Thu còn phải chịu đựng tính khí thất thường của con trai và con dâu. Giờ đây, sau khi lục đục với vợ, anh Minh dẫn con về ở nhà cha mẹ, và mẹ lại phải lo từng bữa cơm.

Cả đời tần tảo lo cho đàn em rồi nuôi con lớn khôn, giờ đây ở tuổi 65, bà Thu tiếp tục nuôi con lẫn cháu và thêm nặng nỗi buồn rầu vì chuyện hạnh phúc, chuyện tương lai của con...

Được bảo bọc từ nhỏ theo kiểu "thích thì làm, không thì thôi", Thảo Vy (nhà ở hẻm đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận) dù đã lên cấp III nhưng vẫn loay hoay với việc gọt trái cây, nhặt rau. Là con gái út trong gia đình khá giả, Vy được cha mẹ và các anh yêu thương hết mực.

Từ nhỏ, Vy luôn được đáp ứng mọi yêu cầu và không phải động tay chân vào việc gì. Mỗi năm tựu trường, cô được cha mẹ sắm sửa từ A-Z như đồng phục, giày dép, cặp mới, tập sách, kể cả việc dùng giấy bao sách vở và viết nhãn tên lên từng cuốn cũng được người cha còng lưng tỉ mẩn làm giúp nốt.

Đi học về, Vy chỉ việc tắm rửa rồi ra bàn ăn cơm theo "thực đơn" mình thích. Cô kể mỗi ngày mẹ sẽ hỏi con thích ăn gì để nấu, hôm nào món cô muốn ăn không trùng với món nấu cho cả nhà thì mẹ sẽ nấu riêng. Ăn xong, cô chỉ việc lên phòng ngủ, học bài, đọc sách.

"Bình thường nhà em ít cho em đụng vào việc gì, tại vì em không biết làm với sợ em đụng vô làm hư, làm sai rồi mắc công làm lại. Nên là cái gì em thấy phụ được thì phụ, không rành thì thôi chứ nhà không ép", Vy cho biết.

Đến nhà họ hàng chơi, thấy con được nhờ vô bếp phụ, mẹ Vy nói khéo với người thân: "Cháu còn nhỏ chưa rành việc nhà, đụng vô đổ bể mất công. Có gì cần để chị làm được rồi".

Lâu dần, sự vụng về và tự ti mình không biết làm gì khiến Vy e ngại mỗi lần đến nhà bạn chơi hay tổ chức ăn uống.

Cô kể có lần đến nhà bạn chơi phải lên mạng xem cách nhặt rau muống, cắt súp lơ để còn biết cách phụ việc..., còn những việc như chọn mua thịt nào, khối lượng bao nhiêu là đủ, rồi sơ chế, nấu ra sao thì bó tay. Cô nữ sinh giờ đã lớn, cần gì lại cứ "mẹ ơi, ba ơi".

Biết con vụng về và chưa có kỹ năng xử lý tình huống, cha mẹ Vy chưa bao giờ dám cho con đi chơi xa qua đêm với bạn bè. Họ sợ con gặp nguy hiểm nếu có sự cố xảy ra và thường gọi video kiểm tra con đang làm gì, ở đâu.

Sống trong sự an toàn và bị quản thúc quá lâu khiến Vy hình thành tính cách rụt rè, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và làm gì cũng lo sợ.

"Em thấy hơi ngộp, mấy lần cũng muốn thoát ra vùng an toàn để làm điều mình thích, coi thử giới hạn tới đâu nhưng ba mẹ không cho, nghĩ em còn nhỏ, nói đợi lớn lên rồi tính. Rồi giờ làm gì em cũng sợ sai, sợ không thích ứng nổi", cô tâm sự.

Rèn con tự vững vàng từ nhỏ

Khác với gia đình Thảo Vy, chị Huỳnh Thị Trinh (35 tuổi, ngụ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) có con gái đang học lớp 3, cho biết dù thương con nhưng bản thân rất chú ý việc dạy theo hướng để cho con hình thành tính cách tự lập ở tuổi còn khá nhỏ.

Khi bé được 6 tuổi, chị Trinh tập cho con tự sắp xếp đồ dùng, quần áo, sách vở gọn gàng sau khi học xong. Chị cũng hướng dẫn con những việc đơn giản như quét nhà, phụ mẹ nhặt rau, thu dọn chén đĩa sau khi ăn xong...

"Lúc đầu, con gái tôi cũng lúng túng và không thích, nhưng khi được mẹ giải thích rằng làm những việc này con sẽ giúp được cha mẹ, sau này đi đâu cũng được yêu quý.

Rồi hễ con làm tốt việc gì tôi đều khen ngợi nhằm khích lệ, tạo động lực cho bé", chị tâm sự. Nhờ đó, con gái nhà chị Trinh dù tuổi còn nhỏ nhưng khá ngoan, học giỏi và hiểu chuyện.

Chị Trinh cho biết thường để con tự quyết định những việc nhỏ như chọn lựa món ăn, chọn loại vở bút, chọn địa điểm gia đình sẽ đi chơi...

Tuy nhiên, với những vấn đề quan trọng như chọn trường, giờ giấc sinh hoạt, cách cư xử với người lớn... thì con sẽ luôn được dạy dỗ kỹ càng và định hướng rõ ràng.

Làm kinh doanh chuỗi cà phê ở phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân, TP.HCM), vợ chồng anh Nguyễn Thế Quang bị hiếm muộn, mãi tới năm chị 41 tuổi mới có được một đứa con trai duy nhất. Vợ chồng đều rất thương "cục vàng" của mình, nhưng anh Quang khuyên vợ phải rèn cho con tự lập từ nhỏ.

Bằng chứng trong chính gia đình anh, hai anh chị lớn bước ra ngoài sống riêng thì đều đã vững vàng và có sự nghiệp, còn người em út nay cũng đã tuổi 40 vẫn sống dựa cha mẹ và xin thêm tiền anh chị.

Cậu con trai anh Quang từ năm 2 tuổi đã được cha mẹ cho ngồi ghế riêng để tự xúc cơm ăn cùng cha mẹ. "Con cũng bị đổ vương vãi, khóc lóc, lười ăn mấy tháng rồi đâu cũng vào đấy. 3 tuổi vào mẫu giáo còn được cô giáo khen giỏi", anh Quang vui vẻ kể.

Khi cậu lên lớp 8, anh Quang quyết định cho con đi học bằng xe buýt mà không đưa đón nữa. Vợ chồng thay nhau đi xe cùng con một tuần rồi để con tự đi và mọi việc nhanh chóng ổn.

Hết hè năm nay, cậu bắt đầu vào lớp 12, anh Quang đã có kế hoạch cho cậu tập đi xe máy và thi bằng lái để tự đi khi đủ 18 tuổi.

"Nhiều bữa cơm, vợ chồng tôi nửa đùa nửa thật với con là sẽ chỉ lo chi phí học hai năm đại cương đại học, hai năm sau con sẽ tự đi làm thêm đóng học phí.

Còn nếu không đủ thì cha mẹ cho mượn và con phải trả khi ra trường", anh Quang vui vẻ kể. Cậu con đã dõng dạc trả lời: "OK, con trả tiền cho ba mẹ cả bốn năm đại học. Ba mẹ nuôi con 18 năm là đủ rồi".

Vợ chồng anh chỉ có một đứa con và muốn con mình sớm tự lập thật vững vàng...

Đứa con hư hỏng

Ngày 8-2-2022, Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội) bắt tạm giam Trần Nhật Bảo (32 tuổi, trú tại Đống Đa) về tội cưỡng đoạt tài sản. Năm 2019, Bảo và hai con trai về sống cùng mẹ là bà M.. Bảo vay khoảng 60 triệu đồng, nhờ bà M. trả nợ nhưng bà không đồng ý nên Bảo đe dọa lấy tiền.

Trần Nhật Bảo tại cơ quan công an - Ảnh: CACC

Trần Nhật Bảo tại cơ quan công an - Ảnh: CACC

Ngày 16-1-2022, Bảo đến trường đón con thứ hai, mục đích giữ con nhằm đe dọa mẹ đưa tiền. Bảo yêu cầu bà M. chuyển 200.000 đồng cho cháu ăn tối. Bà không chuyển, Bảo dọa không cho gặp cháu nữa.

Hôm sau, Bảo về đòi tiền mẹ, không gặp nên nhắn tin chửi bới. Khoảng 22h, Bảo đến nhà ông ngoại tìm mẹ, không ai mở cửa. Bảo mua chai cồn đốt trước cửa, chụp gửi bà M. rồi nhắn tin sẽ chặt tay con và cháu bé đã chết.

Sáng 18-1-2022, bà M. liên lạc muốn đón cháu về. Bảo dọa giết thêm đứa con lớn và yêu cầu phải chuyển đủ 60 triệu đồng. Bảo nhận được 2 triệu đồng nên nói đứa con thứ hai đã chết. Uất ức, bà M. trình báo công an bắt Bảo.

"Ai nắm tay đến tối, ai gối tay đến sáng" - đời người sẽ có lúc này lúc khác, dù bố mẹ thương và bảo bọc con tới đâu thì tới lúc nào đó con cũng buộc phải tự va chạm với đời.

Kỳ tới:Hãy để con tự đương đầu thử thách

Không có nhận xét nào: