Cảnh báo các nguy cơ xấu cho sức khoẻ do nắng nóng đầu mùa
Thời tiết nắng nóng được cho là tác nhân gia tăng các bệnh như đột quỵ, viêm đường hô hấp, suy tim đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ. Người dân cần chủ động các biện pháp bảo vệ sức khoẻ thời điểm nhiệt độ tăng cao như hiện nay.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia đợt nắng nóng gay gắt diện rộng đầu tiên trong năm 2023, dự báo có thể sẽ kéo dài trong khoảng 4 ngày, đỉnh điểm là các ngày 5 và 6 tháng 5.
Khu vực Tây Bắc Bộ, Trung Bộ là vùng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C và khả năng cao xảy ra nắng nóng kỷ lục cũng có thể. Độ ẩm tương đối thấp ở mức dưới 55% và số giờ nắng kéo dài từ 10-18 giờ mỗi ngày khiến trạng thái oi bức khó chịu.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Tuyên Quang, trong các đợt nắng nóng số bệnh nhân nhập viện mỗi ngày tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3 lần so với bình thường. Lượng bệnh nhân vào thăm khám do liên quan đến nhiệt độ cao có xu hướng tăng với các triệu chứng như: đường huyết tăng cao, tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ.
Đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ khả năng thích nghi với sự thay đổi của thời tiết là rất kém, kết hợp với bệnh nền mạn tính sẽ dễ mệt mỏi, chán ăn khiến cơ thể suy nhược, giảm khả năng chống đỡ với môi trường bên ngoài.
Nhiều bệnh nhân bị rối loạn điện giải nặng gây hôn mê, tăng áp lực thẩm thấu do trời nắng nóng làm đổ mồ hôi nhiều gây mất nước, mất muối. Ngoài ra, tình trạng người già bị viêm phổi cũng gia tăng trong thời gian này.
Bác sĩ Đào Ngọc Việt – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo, để tránh những bệnh lý có thể gặp phải do trời nắng nóng gây ra, người dân đặc biệt người cao tuổi cần duy trì uống thuốc đều đặn để kiểm soát bệnh.
Hạn chế việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, khi đi ngoài nắng về không nên vào phòng điều hòa mát lạnh ngay, mà cần nghỉ ngơi trước ở phòng đệm để cân bằng nhiệt độ. Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, cần trang bị đồ bảo hộ, bảo vệ sức khỏe, tránh tình trạng sốc nhiệt, ngất xỉu.
Đối với trẻ nhỏ, ngoài bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thì các phụ huynh cũng lưu ý không cho trẻ em vui chơi ngoài trời khi nhiệt độ cao, vệ sinh mũi họng hàng ngày làm sạch và giúp thông thoáng đường thở.
Trường hợp trẻ có những biểu hiện như sốt cao, li bì, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy kèm xuất huyết, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Chuyên gia về hô hấp, bác sĩ Nguyễn Duy Cường nhận định, virus cúm, vi khuẩn phế cầu… là những thủ phạm gây ra tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp đặc biệt ở người cao tuổi. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng hiện nay cần phải đặc biệt chú ý.
“Những người cao tuổi nên đeo khẩu trang, khử khuẩn tay chân, tiêm ngừa vaccine đủ và dinh dưỡng đầy đủ, khi đi ra ngoài đường, đặc biệt tới những nơi công cộng, đông người. Đó là khuyến cáo cho dành cho người cao tuổi thường hay dễ bị mắc bệnh lý hô hấp, đặc biệt là trong mùa nắng nóng này” - bác sĩ Cường cho hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét