Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

Trong 3 tháng, 172 bệnh nhân áp xe gan vô Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tất cả đều từ rau sống

 Sức khỏe

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 06/04/2023 17:07

Trong 3 tháng, 172 bệnh nhân áp xe gan vô Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tất cả đều từ rau sống

Trong 3 tháng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn, tất cả đều có thói quen ăn rau sống.

Trong 3 tháng, 172 bệnh nhân áp xe gan vô Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tất cả đều từ rau sống - Ảnh 1.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tháng 3-2023 đã tiếp nhận 172 ca áp xe gan do sán lá gan lớn vì thói quen ăn rau sống - Ảnh: XUÂN MAI

Chiều 6-4-23, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết trong 3 tháng đầu năm 2023, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn, trong đó 23 ca bệnh phức tạp phải nhập viện.

Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 40, nữ chiếm đa số (68%), đến từ 24 tỉnh thành. 

Khai thác thông tin các bệnh nhân này ghi nhận tất cả đều có thói quen ăn rau sống. Đáng chú ý, có 2 trường hợp áp xe gan do sán lá gan lớn ở thai phụ và 3 trường hợp bệnh diễn tiến nặng.

Trong 3 tháng, 172 bệnh nhân áp xe gan vô Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tất cả đều từ rau sống - Ảnh 2.

Hình ảnh áp xe gan do sán lá gan lớn trên siêu âm của một bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sán lá gan lớn ký sinh, sinh sản và trưởng thành ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu được thải qua phân ra môi trường bên ngoài. Người mắc bệnh này do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như rau nhút, rau ngổ, rau cần, cải xoong,…) hoặc uống nước chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn xem Việt Nam là một vùng dịch tễ của sán lá gan lớn. Hiện nay, số ca bệnh do sán lá gan lớn đã được ghi nhận ở 47 trên 63 tỉnh thành Việt Nam, nhiều nhất là các tỉnh ở duyên hải miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định…

Làm sao biết bị nhiễm sán lá gan lớn?

Các bác sĩ cho biết trong giai đoạn sán đi qua gan, có thể gây các triệu chứng: đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị (đau âm ỉ hoặc dữ dội), sốt nhẹ thoáng qua, một số ít có thể sốt kéo dài, mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn...

Xét nghiệm máu lúc này ở người bệnh có thể phát hiện tăng bạch cầu ái toan. Siêu âm bụng có thể thấy các tổn thương ở gan dạng nhiều kén sán nhỏ tụ thành khối, đường hầm, phân nhánh, biểu hiện sự di chuyển của sán qua gan.

Khi sán trưởng thành ở ống mật, kéo dài nhiều năm, người bệnh bị vàng da, sốt, đau bụng từng cơn. Siêu âm bụng phát hiện một khối mềm sáng gây tắc nghẽn đường mật ngoài gan.

Phòng ngừa ra sao?

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết hiện không có vắc xin phòng ngừa bệnh do sán lá gan lớn. Các thuốc dự phòng giun sán trên thị trường hiện nay cũng không có tác dụng với loại sán lá gan lớn. 

Vì thế người dân không uống nước lã, không ăn rau sống mọc dưới nước... để tránh nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn.

Bệnh nhân bất ngờ khi thấy hình ảnh sán lá gan di chuyển trong ruột mìnhBệnh nhân bất ngờ khi thấy hình ảnh sán lá gan di chuyển trong ruột mình

TTO - Ngày 15-6, Bệnh viện Xuyên Á cho biết trong quá trình nội soi can thiệp, các bác sĩ đã phát hiện trong đường mật một bệnh nhân có rất nhiều con sán lá gan di chuyển lúc nhúc.

Không có nhận xét nào: