Bệnh án viết tay
Tác giả: Quan Thế Dân
Bác sĩ, Tiến sĩ Y học
dvnien copy từ https://vnexpress.net/..., trang web này đăng ngày 21/4/2023, 00:00
Bên cạnh khám chữa bệnh, một công việc gây tốn thời gian cho bác sĩ, điều dưỡng là ghi chép bệnh án, phiếu và sổ sách. Riêng về sổ, từ sổ tiêm truyền, sổ thủ thuật, sổ mạch nhiệt, sổ bệnh nhân nặng, sổ hội chẩn… tôi tính ra khoảng 13-15 loại.
Trong các đợt thanh tra nội bộ, bệnh án được soi rất kỹ, từng lỗi nhỏ đều có thể trở thành lý do để hạ bậc thi đua của nhân viên y tế. Một trọng tội của bác sĩ là chữ xấu. Một đồng nghiệp của tôi học y ở nước ngoài về, viết rất xấu, không sao sửa được. Bị phê bình nhiều quá, chị đành viết in hoa tất cả ghi chép trong bệnh án.
Máy tính được đưa vào bệnh viện từ hơn 30 năm nay, bắt đầu bằng việc thay thế máy đánh chữ và bảng tính. Tin học hóa bệnh viện sơ khai là tin học văn phòng và phần mềm kế toán. Nhưng bác sĩ vẫn phải viết tay vào bệnh án, dữ liệu tản mát nên việc thống kê, tổng hợp mất rất nhiều thời gian.
Tôi nói như vậy để thấy, người trong ngành y rất mệt mỏi với cách quản lý giấy tờ thủ công và muốn tin học hóa hơn ai hết. Thế hệ tôi hàng chục năm trước đã tranh thủ học thêm tin học để đón đầu quá trình tin học hóa bệnh viện mà chúng tôi tin sớm muộn gì cũng phải xảy ra.
Năm 2005, tôi được cử làm phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất TP HCM. Thành đoàn TP HCM khi đó bảo trợ cho một nhóm bác sĩ và cử nhân tin học trẻ của bệnh viện viết phần mềm quản lý, gồm phân hệ khám bệnh ngoại trú, phân hệ điều trị nội trú, phân hệ quản lý dược. Phần mềm chạy trên hệ quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft SQL. Thấy sản phẩm tương đối ổn nhưng chưa được triển khai, tôi quyết tâm cùng nhóm hoàn thiện phần mềm và thuyết phục lãnh đạo thông qua.
Chúng tôi bắt đầu từ phân hệ khám ngoại trú, do khi đó tôi cũng đang làm trưởng khoa Khám bệnh. Tôi mua 10 máy tính cũ, lắp tại phòng giao ban. Song song với dạy tin học cho nhân viên, chúng tôi cài đặt phần mềm ứng dụng. Rồi giờ G cũng đến, một buổi sáng bệnh nhân ngỡ ngàng thấy toàn khoa Khám bệnh chuyển sang dùng máy tính. Đơn thuốc bay thẳng đến khoa Dược để soạn trước, bệnh nhân ra đến nơi chỉ việc lĩnh thuốc về, không mất thời gian chờ kê đơn. Đơn thuốc máy tính in ra lại ngay ngắn, rõ ràng, dễ đọc.
Thành công với khám bệnh ngoại trú, chúng tôi triển khai nốt phân hệ điều trị nội trú. Bệnh viện trở thành một trong những cơ sở y tế tin học hóa sớm nhất ở TP HCM.
Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy có gì đó vẫn chưa được như mong đợi. Phần mềm chỉ quản lý cấp phát thuốc, còn toàn bộ công việc vẫn thực hiện trên giấy như cũ. Mơ ước về bệnh án điện tử vẫn xa vời.
Tôi đọc thêm tài liệu, nghiên cứu cách làm của thế giới và vỡ lẽ ra, tin học hóa bệnh viện là tiến trình phức tạp. Các nghiên cứu về lĩnh vực này đã đồng thuận tiến trình xây dựng bệnh án điện tử cần trải qua 5 giai đoạn.
Đầu tiên là AMR (Automated Medical Record): Bệnh án trên giấy truyền thống, có một số thông tin được quản lý bằng máy tính.
Thứ hai là CMR (Computerized Medical Record): Bệnh án máy tính hóa. Phần lớn thông tin được lưu trên máy tính.
Thứ ba là EMR (Electronic Medical Record): Bệnh án điện tử. Thay đổi lại cấu trúc bệnh án giấy cho phù hợp với lưu trữ, tra cứu bằng máy tính hoàn toàn.
Thứ tư là EPR (Electronic Patient Record): Hồ sơ bệnh nhân điện tử, cao hơn mức bệnh án điện tử, có thể tra cứu chéo giữa các bệnh viện.
Mức cao nhất là EHR (Electronic Health Record): Hồ sơ sức khỏe điện tử của một cá nhân từ khi ra đời đến khi chết, có liên kết tới tất cả thông tin cá nhân liên quan.
Như vậy, đến năm 2005, mới có một vài bệnh viện lớn của Việt Nam triển khai ở mức thấp nhất AMR. Công trình của chúng tôi ở Bệnh viện Thống Nhất cũng ở mức độ này.
Tiến trình tin học hóa bệnh viện ở Việt Nam gặp nhiều trúc trắc. Mãi đến năm 2017, Bộ Y tế mới ra Thông tư 54/2017 quy định tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện. Tiếp theo, Thông tư 46/2018 nêu rõ lộ trình đến hết năm 2023, các cơ sở khám chữa bệnh hạng 1 trên toàn quốc sẽ hoàn thành áp dụng bệnh án điện tử (EMR, thuộc mức ba).
Tuy nhiên, do dịch bệnh và nhiều khó khăn khác mà đến năm 2023 mới có 37/135 bệnh viện hạng 1 hoàn thành chỉ tiêu trên. 1.400 bệnh viện các loại khác mới chỉ áp dụng tin học ở mức độ thấp. Như vậy, tiến trình tin học hóa bệnh viện ở Việt Nam diễn ra quá chậm. Từ lúc còn là một bác sĩ trẻ, đến bây giờ đã nghỉ hưu, tôi vẫn thấy các bệnh viện loay hoay với bệnh án. Nhìn lại hơn hai mươi năm qua, cùng xuất phát điểm, nhiều ngành kinh tế xã hội khác đã bắt đầu quá trình số hóa công việc quản lý, dù vẫn đang đối diện với những bất cập nhất định.
Theo các chuyên gia tin học, phần mềm quản lý bệnh viện không có gì khó về công nghệ, khó ở khâu triển khai. Để triển khai bệnh án điện tử phải qua giai đoạn nhập bệnh án giấy trên máy tính. Nhân viên y tế vừa phải hoàn thiện bệnh án giấy, vừa phải nhập vào máy tính, tức là công việc tăng lên gấp đôi. Không có quyết tâm vượt qua giai đoạn này sẽ không thể tiến lên giai đoạn điện tử hóa hoàn toàn.
Khó khăn thứ hai là các bệnh viện chưa có chung phần mềm quản lý, mà đang trong tình trạng thả nổi, trăm hoa đua nở. Hàng trăm công ty máy tính tham gia, giới thiệu hàng trăm giải pháp phần mềm khác nhau. Nếu Bộ Y tế đưa ra được bộ phần mềm quản lý bệnh viện dùng chung cho toàn quốc, thì sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngành y. Và hơn hết, tiến trình tin học hóa bệnh viện được đẩy nhanh, tạo điều kiện để sớm hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Cả hai trở ngại này nếu không có bàn tay tổ chức và điều phối của Bộ Y tế, thì giấc mơ bệnh án điện tử của bệnh nhân và bác sĩ sẽ còn xa vời.
Quan Thế Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét