Châu Á đối diện làn sóng COVID-19 mới, có đáng lo?
Một số quốc gia châu Á đang ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh, nhưng vẫn chưa ở mức gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ca COVID-19 gia tăng ở nhiều nước
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Bộ Y tế Singapore cho biết số ca nhiễm mới ở nước này tăng gần gấp đôi trong tuần cuối cùng của tháng 3, lên mức cao nhất trong năm nay.
Singapore đã bỏ hầu hết các quy định về đeo khẩu trang vào tháng 2, do mối nguy từ COVID-19 đã giảm đáng kể. Nhưng hiện nay, số ca mắc hằng tuần tăng lên tới 28.000 ca vào tuần cuối tháng 3, tăng mạnh so với 14.467 ca của một tuần trước đó.
Ấn Độ, nơi hứng chịu làn sóng COVID-19 vào năm 2021 khiến nhiều bệnh viện hết oxy và giường bệnh, vừa ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ cuối tháng 8 năm ngoái, lên tới 10.150 ca.
Nhiều bang tại Ấn Độ đã bắt buộc đeo khẩu trang trở lại, dù các bệnh viện và phòng khám chưa ghi nhận quá tải bệnh nhân COVID-19.
Ca nhiễm trong ngày ở Indonesia cũng tăng gần mức cao nhất trong 4 tháng, sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại. Ngày 13-4, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi người dân tiêm nhắc lại lần 2, dù khẳng định tình hình vẫn "đang được kiểm soát tốt".
Thủ phạm là biến thể phụ XBB.1.16
Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron là nguyên nhân khiến ca bệnh gia tăng ở Ấn Độ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi sát sao biến thể này.
XBB.1.16 được phát hiện lần đầu vào cuối tháng 1 năm nay. WHO cho biết XBB.1.16 đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia, nhưng phần lớn mẫu bệnh phẩm của XBB.1.16 được thu thập tại Ấn Độ.
Các triệu chứng của XBB.1.16 được cho là giống với các biến thể trước đó, bao gồm sốt, khó thở và ho.
Một nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho thấy XBB.1.16 có khả năng lây truyền cao gần 1,2 lần so với XBB.15, còn được biết đến với tên Kraken - biến thể phụ có khả năng lây nhiễm cao nhất hiện nay.
Tuy nhiên, ông Mansukh Mandaviya, bộ trưởng Y tế Ấn Độ, tuyên bố cần cảnh giác trước biến thể này, nhưng không cần phải lo lắng. "Hiện tại, biến thể phụ của Omicron đang lây truyền trong nước, không dẫn đến gia tăng tỉ lệ nhập viện", ông Mandaviya nói.
Một số chuyên gia khác giữ thái độ cảnh giác hơn. Giáo sư vi rút học Lawrence Young từ Đại học Warwick (Vương quốc Anh) nói với báo The Independent rằng việc biến thể mới ở Ấn Độ lây truyền nhanh là dấu hiệu cho thấy "chúng ta vẫn chưa ra khỏi khu rừng".
"Chúng ta phải để mắt đến nó", giáo sư Young nói với báo chí Anh. "Khi một biến thể mới xuất hiện, bạn phải tìm hiểu xem nó có khả năng lây nhiễm cao hơn, gây bệnh nhiều hơn không…".
Trung Quốc bỏ quy định đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng
Ngày 12-4, Trung Quốc ban hành hướng dẫn mới liên quan đến đại dịch COVID-19, theo đó việc đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Hướng dẫn của Cơ chế chung phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 nêu rõ những trường hợp và tình huống người dân nên đeo khẩu trang, hoặc có thể lựa chọn đeo/không đeo khẩu trang.
Theo hướng dẫn này, người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, trong siêu thị, nhà hát, rạp chiếu phim và những không gian kín tụ tập đông người. Các cá nhân có quyền tự do quyết định việc đeo hay không đeo khẩu trang ở những khu vực ngoài trời như quảng trường và công viên. Học sinh, sinh viên không bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp học.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc đeo khẩu trang là bắt buộc. Những trường hợp này bao gồm: người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 hoặc đang có những triệu chứng liên quan COVID-19, trong thời gian bùng dịch ở địa phương hoặc khi đến các cơ sở y tế và nhà dưỡng lão.
(TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét