Rừng dừa nước Quảng Ngãi và những người làm du lịch chân đất
Quảng Ngãi - Từ việc trồng dừa nước để bán lá, nhờ sự trợ lực của chính quyền địa phương, những người nông dân “chân đất” ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn đã “nâng tầm” khu rừng dừa nước thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong ngoài tỉnh đến tham quan.
Nông dân thành hướng dẫn viên du lịch
Nằm cạnh Khu kinh tế Dung Quất, cách TP.Quảng Ngãi khoảng 25km về phía đông bắc, rừng dừa nước Cà Ninh với diện tích khoảng 15 ha được xem là “lá phổi xanh” điều hòa không khí ở Khu kinh tế Dung Quất. Để khai phá tiềm năng của rừng dừa nước Cà Ninh, năm 2022, chính quyền địa phương tổ chức họp dân để định hướng phát triển du lịch cộng đồng ở đây và được đông đảo người dân tham gia hưởng ứng.
Ông Nguyễn Thái Nguyên (62 tuổi) là đội trưởng đội chèo thuyền Cà Ninh ở thôn Phú Long 3, xã Bình Phước bộc bạch: “Tôi thấy rừng dừa Cà Ninh quê mình đẹp không kém cạnh so với rừng dừa Bảy Mẫu ở Quảng Nam, bởi vậy khi chính quyền “khai sinh” mô hình du lịch cộng đồng, người dân Cà Ninh đã lập tức chung tay.
Chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng, đội chèo thuyền Cà Ninh đã được người dân thành lập, gồm 14 thành viên, đến nay đã sở hữu 15 chiếc ghe thúng để chở khách du lịch đi tham quan rừng dừa Cà Ninh”.
Thành viên của đội chèo thuyền phần lớn là những người ở độ tuổi U50, 60. Quanh năm gắn bó với nghề chài lưới trên sông, có người còn chưa được đi du lịch bao giờ, nhưng khi nghe về phát triển du lịch tại rừng dừa nước Cà Ninh, mọi người đều hăng hái tham gia với mong muốn, sẽ tận dụng lợi thế về kinh nghiệm sông nước của mình để phục vụ du khách.
Trước khi đi vào hoạt động, thành viên đội chèo thuyền tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách khi di chuyển trên sông nước. Ông Nguyễn Thái Nguyên cho hay, du khách đến với Cà Ninh tập trung nhiều nhất vào những ngày cuối tuần và ngày lễ, Tết. Những nông dân chân đất ngày nào giờ thành hướng dẫn viên du lịch, họ giới thiệu cho du khách nghe về lịch sử hình thành rừng dừa nước, về những loại cá, tôm sống ở vùng sông nước Cà Ninh…
Luôn trao dồi để phục vụ du khách tốt hơn
Ông Bùi Thanh Trung ở phường Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi cho hay: "Rừng dừa Cà Ninh như một chiếc máy điều hòa tự nhiên, nên vào những ngày hè tôi và bạn bè hay đến rừng dừa Cà Ninh để tham quan chụp ảnh, thưởng thức những món ăn dân dã như tôm sông, cá đối, các loại ốc được đánh bắt ngay tại địa phương. Tôi từng đi tham quan nhiều khu rừng ngập mặn tự nhiên trên khắp cả nước và nhận thấy giá trị của rừng dừa Cà Ninh nằm ở nét hoang sơ, mộc mạc..."
Đầu tư hơn 100 triệu đồng để mở dịch vụ ẩm thực và đạp thuyền vịt phục vụ du khách, anh Phạm Tuân (33 tuổi), ở KDC Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước bày tỏ: "Tôi nhận thấy khách du lịch bây giờ thường chuộng những nơi dân dã, gần gũi với thiên nhiên và có môi trường trong lành. Làm nghề chạy xe dịch vụ, được đi nhiều nơi, nên tôi nhận thấy cảnh sắc quê hương mình khá đẹp, thậm chí hơn hẳn một số điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, nhưng lại chưa được khai thác, quảng bá. Vì vậy, khi địa phương có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại Cà Ninh, tôi hưởng ứng ngay".
Ông Lê Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho hay, Toàn KDC Cà Ninh có 115 hộ dân, thì đã có khoảng 15% số hộ chuyển hướng làm du lịch cộng đồng. Những nông dân "chân đất" mạnh dạn chuyển sang làm du lịch với khát khao, rừng dừa nước Cà Ninh vừa là "lá phổi xanh", vừa là sinh kế mới, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân nơi đây.
Cũng theo ông Phong, để phát triển du lịch cộng đồng tại Cà Ninh theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, địa phương đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng và vận động người dân cùng nhau bảo vệ, gìn giữ rừng dừa nước cùng nguồn lợi thủy sản...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét