Nguy cơ đến từ những viên thuốc giảm đau
Nguyên nhân chính khiến người trưởng thành từ 18 - 45 tuổi ở Mỹ tử vong không phải là Covid-19 hay tự sát, mà do dùng quá liều Fentanyl (thuốc giảm đau nhóm Opioid). Đó là kết quả nghiên cứu mới đây của Tổ chức Các gia đình phản đối Fentanyl (Mỹ).
Theo đó, trong 2 năm 2020 và 2021, có tới 78.795 người trưởng thành từ 18 - 45 tuổi ở Mỹ đã chết do dùng quá liều thuốc Fentanyl. Fentanyl hiện trở thành nguyên nhân cướp đi sinh mạng của nhóm từ 18 - 45 tuổi ở Mỹ nhiều hơn cả tai nạn ô tô. Đáng nói, số người chết do Fentanyl tăng rất mạnh kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Cụ thể, Fentanyl có liên quan đến 64% tổng số ca tử vong do sử dụng thuốc ở Mỹ.
“Các ca tử vong do Fentanyl đã tăng 49,4% trong vòng 12 tháng” - Tổ chức Các gia đình phản đối Fentanyl nhấn mạnh và đề nghị các nhà lập pháp Mỹ có thể liệt Fentanyl vào danh mục vũ khí hủy diệt.
Trong khi đó, một số người cho rằng, có mối liên hệ giữa số ca tử vong gia tăng do dùng thuốc quá liều với đại dịch Covid-19. Bởi Covid-19 khiến những người nghiện thuốc bị xa cách gia đình và các cơ quan hỗ trợ. Tình trạng kê đơn quá liều thuốc giảm đau nhóm Opioid cũng được cho là nguyên nhân góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lạm dụng thuốc ở Mỹ.
Fentanyl là thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid, thường được sử dụng phổ biến sau phẫu thuật. Thuốc có chức năng tương tự như Mor-phine nhưng lại hiệu quả hơn. Người bệnh chỉ được phép sử dụng Fentanyl khi có đơn của bác sĩ. Người sử dụng Fentanyl sẽ gặp phải một số tác dụng phụ như khô miệng, chóng mặt, chậm nhịp tim, nhầm lẫn, ảo giác.... Tuy nhiên, tác dụng phụ trầm trọng nhất của nó là giảm thông khí.
Từ lâu, giới y khoa thế giới đã cảnh báo sự nguy hiểm đối với những người thường xuyên uống thuốc giảm đau. Một nghiên cứu trên tạp chí về an toàn khi dùng thuốc - Pharmacoepidemiology & Drug Safety, cho thấy có tới 15% người dùng thuốc giảm đau nhiều hơn liều khuyến cáo, 16% dùng Ibuprofen mỗi ngày và 55% sử dụng ít nhất 3 ngày một tuần.
“Mọi người nghĩ rằng loại thuốc này an toàn vì có thể mua ở bất kỳ tiệm thuốc nào, nhưng thực ra nó rất nguy hại” - tiến sĩ Lynn Webster, một chuyên gia về tác dụng phụ của thuốc cho biết. Còn theo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Byron Cryer, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế UT Southwestern Medical Center (Mỹ), các loại thuốc giảm đau, dù là nhẹ nhất, thì cũng không được sử dụng thời gian dài.
Tiến sĩ Cryer chỉ ra một số tác hại nếu sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên. Trước hết, nó có thể gây chảy máu đường ruột, gây loét, chảy máu trong dạ dày. Đối với người trên 65 tuổi, người có tiền sử loét dạ dày, đang uống thuốc trị mỡ máu hoặc thuốc kháng viêm hoặc uống rượu thường xuyên, thì cần hạn chế mức tối đa uống thuốc giảm đau.
Lạm dụng thuốc giảm đau cũng có khả năng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, ngoại trừ Aspirin uống thuốc giảm đau càng lâu, nguy cơ càng cao. Nó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp do cơ thể giữ lại natri và muối.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, lạm dụng thuốc giảm đau cũng có thể gây hại cho thận, dẫn tới suy thận vì thuốc giảm đau ức chế sự tổng hợp Prostaglandin. Bên cạnh đó, nó còn có thể gây tích trữ nước và sưng phù ở những người có vấn đề về tim mạch.
Tuy nhiên, thật đáng sợ khi nó âm thầm tàn phá thận nhưng lại hầu như không có triệu chứng. Vì thế, người dùng thuốc giảm đau không biết tới nguy cơ rình rập. Họ lạm dụng thuốc để chế ngự những cơn đau ập đến, vỗ về giấc ngủ nhưng không biết thận của mình phải làm việc quá nhiều để bài tiết, từ đó lại tự tạo cho mình một bệnh lý nguy hiểm hơn.
Tiến sĩ Cryer còn cho biết, bà bầu mang thai từ 20 tuần tuổi trở lên, nếu sử dụng thuốc giảm đau, có thể gây ra các vấn đề về thận hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở thai nhi, làm giảm lượng nước ối và có thể xảy ra biến chứng về sau. Đặc biệt nguy hiểm khi ai đó dùng 2 loại thuốc giảm đau cùng lúc sẽ làm tăng nguy cơ bị tác dụng phụ.
“Trong nhiều trường hợp, chúng ta cần thuốc giảm đau. Nhưng nếu lạm dụng nó, không theo chỉ định của bác sĩ thì nguy cơ còn lớn hơn cả những cơn đau rất nhiều” - Tiến sĩ Cryer nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét