Sở GDĐT Khánh Hoà cho rằng đề thi văn "Nếu phải ở trong nước sôi" vẫn hay
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hoà, đề thi văn lớp 10 chuyên hỏi học sinh "Nếu phải ở trong nước sôi" vẫn hay, ở đây có sơ suất về hình thức trình bày nhưng không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh.
Tại Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, đề thi môn Ngữ văn vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP.Nha Trang, Khánh Hoà) có một số nội dung gây nhiều ý kiến trái chiều.
Trong đó, câu nghị luận xã hội được dư luận đánh giá là phản cảm bởi cách đặt vấn đề.
Câu 1 (4 điểm) trong đề thi nêu:
"Trong cuốn sách Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng, Lu-Mannup đã chia sẻ:
Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.
Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".
Trao đổi với Lao Động về đề văn này, ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, với những ý kiến xoay quanh đề thi Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, sáng 7.6, lãnh đạo Sở đã có cuộc họp với các giáo viên chuyên môn và cán bộ liên quan.
Theo đánh giá tổng quan, đề văn vẫn được cho là hay, giúp học sinh tư duy, phát triển quan điểm cá nhân.
Ở câu hỏi gây tranh cãi, mục đích là gửi gắm đến học sinh thông điệp về bản lĩnh nội tại của con người trước nghịch cảnh; đây là vấn đề mang tính giáo dục, gắn với thực tiễn giới trẻ ngày nay dễ lung lạc và đánh mất mình trước cám dỗ, xô bồ của xã hội. Dụng ý của đề thi là mong muốn tuyển chọn được những thí sinh có chất văn, tư duy độc lập, có khả năng kiến giải vấn đề một cách sâu sắc, mới mẻ.
Ông Quỳnh cho biết, việc ra đề có sơ suất khi các từ “nước sôi”, “quả trứng”, “củ khoai tây” trong phần giả định đã không được bỏ trong ngoặc kép hoặc in nghiêng, khiến nhiều người đọc hiểu nhầm và suy luận ra đề nói đến nước sôi bình thường theo đúng nghĩa đen và có những ý kiến trái chiều.
"Đây là sơ suất của người ra đề thuộc về hình thức trình bày nhưng không làm sai biệt thông điệp của phần trích dẫn, vì thế không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh. Với tinh thần tiếp thu các góp ý, xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hoà sẽ rút kinh nghiệm và có chấn chỉnh trong công tác ra đề thi trong những lần thi tới, đảm bảo chất lượng, chặt chẽ hơn", ông Quỳnh cho hay.
Về đề thi này, rất nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối về cách đưa ra câu hỏi. Theo PGS.TS Văn Giá - nhà nghiên cứu phê bình văn học, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội: "Phải khẳng định đề thi này thuộc diện “thất bại toàn tập”, ông Giá bày tỏ.
Theo ông Giá, thực chất, ý của người ra đề muốn viết một câu dưới hình thức giả định. Nhưng khốn nỗi, giả định như thế là phản cảm, gây rùng rợn, mang màu sắc của cái ác, khiến trẻ nhỏ nghĩ đến kết cục bi thảm của mẹ con Cám trong câu chuyện Tấm Cám.
“Trong cuộc đời, có nhiều trường hợp không thể giả định được. Một ví dụ đã bị lên án rất nhiều gần đây là: “Bàn tay của bạn có 5 ngón tay, nếu chặt đi 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?”…. Trí khôn và tính thiện tối thiểu của con người không cho phép có những giả định mang tính bạo lực như vậy”, PGS.TS Văn Giá cho hay.
Đồng quan điểm, cô giáo Phạm Thái Lê - giáo viên Ngữ văn Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, cách đề thi nêu vấn đề “nếu phải ở trong nước sôi” tự nhiên làm mất đi nghĩa bóng của câu ngạn ngữ. Đây chính là điều dở nhất của đề. Vấn đề câu ngạn ngữ đưa ra ở dạng mở nhưng khi bắt lựa chọn hoặc là khoai tây hoặc là trứng thì nó lại cụ thể, khu biệt lại. Nếu không có câu hỏi đó thì vấn đề có lẽ đã khả dĩ hơn một chút, cô giáo Lê nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét