Cả ngàn người kẹt cứng ở cửa ngõ Gò Vấp, lỡ có ca nhiễm COVID-19 thì sao?
TTO - Tôi là người dân quận 12, đi làm ở quận Phú Nhuận. Sáng nay 1-6 tôi phải vất vả mất gần một giờ đồng hồ, vượt qua 2 trạm kiểm soát tại quận Gò Vấp (TP.HCM) mới tới được cơ quan.
Hai trạm kiểm soát ấy cũng như hàng chục trạm kiểm soát giãn cách xã hội khác tại quận Gò Vấp luôn là nơi ùn ứ, kẹt cứng hàng ngàn người trong hai ngày qua.
Khai báo y tế ở... gốc cột điện
Tại trạm kiểm soát cầu sắt An Phú Đông, dẫn từ quận 12 sang quận Gò Vấp có các dân phòng, công an địa phương, công an giao thông… chốt chặn.
Người dân tới đây phải khai báo y tế, trình giấy tờ cá nhân, giấy chứng minh làm ở đâu, cơ quan nào… và nếu thích hợp thì lực lượng chức năng mới cho qua.
Những người không có các giấy tờ, lý do cần kíp đều phải quay đầu, không được qua.
Chính vì vậy đa số người dân lúc này phải dừng xe và đứng khai báo y tế. Từ đó đám đông kẹt cứng ngày càng bị dồn ứ, người người nhích vai nhau ngày càng đông hơn, tạo thành một đám đông người lẫn xe, ken đặc.
Sau gần 20 phút dẫn xe, lách người qua đám đông để đến trạm kiểm soát, trình giấy tờ, khai báo ý tế (đã làm từ nhà) tôi mới được cho qua.
Tới đường Nguyễn Thái Sơn tôi lại phải vượt qua trạm kiểm soát thứ 2 tại đầu đường Nguyễn Kiệm. Nơi đây, dòng người đổ về còn đông hơn, kẹt cứng.
Đa số mọi người đều bỏ xe gắn máy giữa đường, cầm điện thoại, chen chúc nhau, tiến về cái gốc cột điện trên lề đường để khai báo y tế. Bởi nơi gốc cột điện có dán tờ khai báo y tế và có mã vạch QR Y tế để khai báo.
Dòng người càng ngày càng đổ về kẹt cứng. Người không được qua trạm kiểm soát không thể quay đầu lại vì người mới tới chen vào, nhích vai nhau khai báo y tế.
Cả một đám đông hỗn độn! Tôi rùng mình nghĩ: "Nếu không may, chỉ cần có một người nhiễm bệnh trong đám đông kia thì nguy cơ lây lan bệnh COVID-19 là rất lớn".
Phải tổ chức lại
Việc giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp trong hai ngày qua không đạt kết quả theo quy định. Trong hai ngày giãn cách, chính quyền quận Gò Vấp đã phải cho xả trạm cả hai ngày (ngày 31-5 xả hoàn toàn, ngày 1-6 xả một số trạm).
Chính việc tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến, tổ chức kiểm soát, khai báo y tế… chưa thật sự thích hợp, khoa học là điều dẫn đến việc giãn cách xã hội không đạt.
Thứ nhất, tôi thiết nghĩ nếu có thể được, những cư dân ở ngoài quận Gò Vấp đi làm thì nên chọn những tuyến đường không đi qua quận này. Đi những tuyến đường không nằm trong địa phận của quận Gò Vấp dù có xa hơn nhưng sẽ giảm được áp lực cho các trạm kiểm soát tại đây.
Thứ hai, nếu các cư dân bên ngoài đi làm bắt buộc phải đi qua quận Gò Vấp thì nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, khai báo y tế trước ở nhà để trình ngay cho lực lượng kiểm soát.
Thứ ba, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phải giúp quận Gò Vấp phân luồng giao thông lại. Ví dụ những cư dân ngoài quận đi làm phải đi qua quận Gò Vấp thì chỉ đi theo 3 trục đường chính như:
Quang Trung - Nguyễn Kiệm; Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm; Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm. Những cung đường còn lại dành cho cư dân của quận Gò Vấp khi có công việc cần kíp phải đi ra ngoài.
Thứ tư, tôi cho rằng chính quyền quận Gò Vấp phải tổ chức lại việc kiểm soát giãn cách theo khu vực. Đó là kiểm soát theo cụm từng phường, từng khu phố.
Ở đó cần có một lực lượng nhỏ hơn chốt chặn ở các con đường trong khu vực. Những cư dân trong phường muốn ra khỏi khu vực sẽ được sàng lọc trước tiên và những ai có lý do chính đáng thì được ra ngoài.
Từ đó tránh được tình trạng tất cả cư dân của quận Gò Vấp cũng như những cư dân ở ngoài quận cùng túa ra, dồn cả về gần 10 trạm kiểm soát giãn cách như hiện nay là không giải quyết được.
Nếu quận Gò Vấp không tổ chức việc giãn cách theo chỉ thị 16 một cách khoa học lại thì công tác phòng chống dịch COVID-19 không đạt hiệu quả.
Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi. Mong mọi người dân góp ý thêm cho quận Gò Vấp để việc tổ chức giãn cách đạt hiệu quả hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét