Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Đô thị đêm giãn cách

 VĂN HÓA - GIẢI TRÍ

Đô thị đêm giãn cách

SGGP 
Tôi nán lại sau giờ làm, rời văn phòng muộn hơn một chút, khi các con đường trong thành phố đã lên đèn. Ngày như dài hơn, đêm như chậm lại, đô thị với sức quyến rũ của nhịp sống về đêm từng làm “say lòng” nhiều du khách trở nên vắng lặng, thênh thang. Vẫn là “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ” nhưng mọi thứ dường như mang một sắc thái trầm hơn trong những ngày giãn cách xã hội…

Phố đi bộ cũng ngừng hoạt động vui chơi trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: TRƯƠNG MINH

Phố đi bộ cũng ngừng hoạt động vui chơi trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: TRƯƠNG MINH

Hè phố thở dài

Tòa cao ốc gần văn phòng tôi làm việc, có những ngày nhân viên tan sở thật muộn, đồng hồ đã gần 9 giờ tối mà các ô cửa vẫn sáng đèn. Hai tuần nay, thỉnh thoảng tôi cũng nhìn sang, nhiều tầng của tòa nhà chỉ có vài nhân viên làm việc, các tầng khác kéo rèm, khóa cửa… vì nhân viên được phép làm việc tại nhà.

Đường Nguyễn Văn Cừ hướng về ngã 6 Cộng Hòa, cô Nguyễn Thị Cúc (64 tuổi, ngụ quận 8) ngồi bệt trên vỉa hè rồi nhìn chiếc xe đạp phía sau ràng vài thùng giấy carton, giỏ phía trước không đầy chục chai nhựa, cô thở dài: “Cũng phải chịu thôi. Ngày thường thì phải gấp đôi, gấp ba chỗ này, ráng mấy bữa rồi cũng qua, tình cảnh chung mà”. Nói đoạn, cô đứng dậy ràng lại mớ giấy carton lỏng chỏng so với cọng dây thường ngày vốn đã quen với các chồng giấy chất cao ngất.

Nhìn dáng vẻ người phụ nữ tảo tần, lướt qua những ánh đèn vàng hắt lại trên phố, tôi chợt nghĩ: những ngày này ai cũng than vắn thở dài vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, bạn tôi có người thất nghiệp, có người kinh doanh lỗ lã cả năm qua; còn phận đời mưu sinh từ hè phố như cô Cúc, khó khăn lại đè nặng đôi vai thêm một chút nữa…

Cũng trên đường Nguyễn Văn Cừ, tôi gặp bác Thành (70 tuổi, ngụ quận 4) đang xốc đi xốc lại cái bao cũng chưa đầy hai chục chai nhựa. Bác Thành kể: “Tôi giữ xe cho một tiệm quần áo cũng hơn 1 năm nay, dịch lần này chủ gồng không nổi nữa nên đóng cửa luôn, thành ra tôi cũng thất nghiệp”. Ngó trước ngó sau xem còn sót chai nhựa nào không, bác Thành nói tiếp: “Bà nhà tôi cũng phụ đi rửa ly cho quán cà phê, quán tạm nghỉ nên giờ bả cũng ở nhà. Xe này tôi mượn tạm của ông bạn, tối tối đi lụm mấy cái đồ ve chai này về bán, kiếm được nhiêu hay nhiêu. Trông cho qua dịch để còn đi làm kiếm cơm”.

Phố đi bộ, chợ đêm, hàng quán đều đã đóng cửa, hoặc có cũng chỉ bán mang về, cánh hàng rong dập dìu các con đường trong thành phố cũng vắng hoe, lác đác vài người. Ngay vòng xoay Trung Sơn (huyện Bình Chánh), mới hơn 8 giờ tối nhưng chỉ còn một xe bắp dạo. Lấy trái bắp nóng hổi đưa tôi, cô Mai Thị Hòa (56 tuổi) nói: “Bữa nay ế lắm, hôm qua còn ế hơn. Có mấy chục trái mà bán không hết”. Tôi trả tiền và bảo cô khỏi thối lại, cô vội vàng dúi vào tay tôi thêm một trái nữa: “Hông sao đâu, bữa nay ế đỡ hơn hôm qua mà. Kể ra bán bắp có ế thì lấy ăn luôn, coi như ngon hơn mấy ông bà bán vé số rồi. Bà bạn kế phòng trọ của tôi bán vé số, mấy ngày này đi rã giò mà không được bao nhiêu, bả nghỉ cả tuần nay rồi”.

Có lẽ không chỉ xe bắp cô Hòa, mà chắc sẽ còn nhiều xe bắp, xe xôi hay gánh hột vịt lộn… nào đó trong thành phố đêm nay cũng sẽ chịu chung cảnh ế. Đô thị những đêm giãn cách không ai muốn, nhưng theo lời cô Cúc thì “cũng phải chịu thôi”… Hè phố những đêm này cũng thở dài cùng người lao động nặng gánh mưu sinh.

Chút tình đi qua ngày dịch

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này, anh Lê Quang Long, Trưởng nhóm từ thiện “Những bước chân xanh” cũng vội vàng trở về thành phố, cho biết: “Tôi tạm gác lại những chuyến đi vùng cao, để phụ trách việc trao quà đêm ở thành phố lúc này. Qua những lời tâm sự với những cô chú lớn tuổi trong hành trình trao quà lúc tối, tôi cảm thấy thời gian này họ cần được quan tâm hơn để vượt qua khó khăn. Đây là lúc mà chúng ta sẻ chia nhau chút tình, chút quà để cùng vượt qua dịch bệnh”.

Mỗi phần quà gồm bánh mì ngọt, sữa tươi và khẩu trang được các thành viên trong nhóm gói cẩn thận và đi trao vào tối thứ bảy mỗi tuần. Hơn 300 phần quà trao đi mỗi đêm, các bạn trẻ tăng cường đi 2 ngày/tuần để chia sẻ nhiều hơn với bà con. “Buổi đầu tiên của nhóm là ngày 29-5, sau đó, thấy dịch Covid-19 làm cuộc sống nhiều người ngày càng khó khăn hơn, nên cả nhóm đã quyết định thực hiện hai lần một tuần, vào ngày thứ tư và thứ bảy hàng tuần”, bạn Đào Ngọc Hoàng Anh (ngụ quận Tân Bình, thành viên nhóm “Những bước chân xanh”), chia sẻ.

Để có nguồn duy trì những phần quà nhỏ chia sẻ với cộng đồng lúc này, Hoàng Anh kể: “Nhóm đã xây dựng quỹ Bếp Hoàng Cầm và may mắn vì trước đó mọi người cũng biết đến các dự án khác của nhóm về Bếp Hoàng Cầm ở các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang... nên khi xây dựng dự án Bếp Hoàng Cầm ở thành phố cũng được các mạnh thường quân chung tay, quyên góp để nhóm có thể thực hiện được lâu dài”.

Hơn 9, 10 giờ đêm, các bạn trẻ vẫn rong ruổi trên các con đường trong thành phố để trao tận tay những hoàn cảnh khó khăn chút quà nhỏ. “Nhóm đi khá trễ, nên chọn bánh mì ngọt để làm quà cho các cô chú, vì có người, khi nhóm dừng xe lại gửi quà thì họ đã say giấc trên tấm bạt lót tạm, đành để phần quà cạnh đó. Bánh mì ngọt mọi người không ăn liền thì vẫn còn hạn sử dụng đến 2 hoặc 3 ngày sau, cũng đỡ một bữa ăn, còn cơm để qua đêm dễ thiu”, Hoàng Anh kể.

Có những con đường, ngõ hẻm trong thành phố khá nhiều điểm đang phong tỏa, khi hỏi về lo lắng nguy cơ lây nhiễm, Hoàng Anh chia sẻ: “Sợ chứ ạ! Sợ nhưng mình không đi thì không ai đi hết, nên cả nhóm luôn cố gắng cẩn thận hết sức có thể, khẩu trang, bao tay, khăn ướt cồn, nước rửa tay... lúc nào cũng đem theo sẵn bên người. Lúc tặng quà, cả nhóm cũng dặn nhau đeo bao tay vừa để an toàn cho bản thân mà quan trọng là giữ an toàn cho cả người nhận nữa”.

Trong những ngày giãn cách này, tình người lại gần hơn bao giờ hết, những gian hàng không đồng, những phần cơm miễn phí đến tận những khu vực cách ly, phong tỏa… để mọi người không ai bị bỏ lại trong cuộc chiến chống dịch này. Và mỗi đêm cũng không chỉ có Hoàng Anh cùng những người bạn trong nhóm “Những bước chân xanh”, mà còn nhiều tấm lòng khác mà tôi đã gặp trong một đêm thành phố giãn cách như: nhóm “Xe Bus Yêu Thương”, chị Út Thi (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, nhóm thiện nguyện “Trái tim đồng cảm”, hay anh Cường chỉ kịp giới thiệu nhà ở Phú Nhuận rồi vọt xe theo để gửi chút quà cho ông cụ nhặt ve chai đạp xe trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn quận 1).

Nói về những đêm đi trao quà các hoàn cảnh đã gặp, Hoàng Anh kể: “Tôi thấy phía trước mình là một chiếc xe đạp chở đồ ve chai to lắm, đến nỗi không nhìn thấy người đâu, xe chạy lên mới thấy bà cụ với thân hình nhỏ bé, bị còng nên nhìn từ sau không thấy người. Tặng quà cho bà, bà cảm ơn nhiều lắm, chúc tụi mình sức khỏe, bình yên nữa. Quay xe đi mà chúng tôi rưng rưng nước mắt. Gặp ai cũng để lại cho mình động lực, tự nhủ rằng phải có nhiều lần tiếp theo…”.

KIM LOAN

Không có nhận xét nào: