Loạt cây cầu "đắp chiếu" ở TPHCM chưa biết khi nào hoàn thành
Cầu Long Kiểng, Nam Lý, Tăng Long, Long Đại và cầu Bưng là những dự án đã khởi công vài năm trước tại TPHCM, được kỳ vọng sớm hoàn thành để giải quyết vấn nạn ùn tắc đường bộ, khơi thông đường thủy. Tuy nhiên đến nay những cây cầu này đều chậm tiến độ 2 đến 3 năm, tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng.
Cầu “đắp chiếu”
Ba năm trước, cầu Long Kiểng mới trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) có vốn đầu tư 557 tỉ đồng được khởi công nhằm thay thế cầu sắt Long Kiểng xây dựng từ sau năm 1975 vốn đã xuống cấp, không còn đáp ứng nhu cầu đi lại.
Nếu đúng tiến độ, đến nay người dân có thể đi lại trên cây cầu này, góp phần giảm kẹt xe vào giờ cao điểm. Còn dưới sông, tàu thuyền dễ dàng qua lại bởi độ tĩnh không cao hơn so nhiều với cầu sắt cũ.
Kế hoạch dự án hoàn thành đầu năm 2020 nhưng do vướng mặt bằng nên việc thi công bị ngưng đến nay. Cầu Long Kiểng mới thi công xong 7 trụ cầu. "Ba năm trước, dự án cầu Long Kiểng mới khởi công, chúng tôi mừng bao nhiêu, giờ hụt hẫng bấy nhiêu bởi chỉ hơn một năm thi công lại đình trệ, chưa biết khi nào xong" - ông Nguyễn Văn Ninh (68 tuổi, ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) nói.
Tương tự, tại Thành phố Thủ Đức có đến 3 cây “đắp chiếu” nhiều năm nay cũng là nỗi khổ kéo dài của người dân nơi đây. Năm 2016, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp với vốn đầu tư 857 tỉ đồng khởi công nhằm thay cầu Cống đập Rạch Chiếc - vốn nhỏ hẹp và xuống cấp. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng đến năm 2019 mới đạt khoảng 39% khối lượng và ngưng thi công từ đó đến nay để chờ mặt bằng.
Dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai khởi công từ tháng 12.2017, tổng mức đầu tư 450 tỉ đồng, kế hoạch hoàn thành năm 2019 nhưng đến nay mới đạt hơn 30% khối lượng và cũng đang chờ mặt bằng. Còn cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (nhánh sông Đồng Nai) khởi công từ tháng 3.2017 có tổng mức đầu tư 353 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau hai năm. Tuy nhiên, dự án thực hiện được hơn 50% tiến độ phải dừng thi công từ tháng 12.2018 do vướng mặt bằng.
Một dự án cũng trì trệ nhiều năm là công trình cầu Bưng, dài 560m, vốn đầu tư hơn 514 tỉ đồng, trên đường Lê Trọng Tấn (tiếp giáp giữa quận Tân Phú và Bình Tân). Dự án cầu Bưng khởi công năm 2017, kế hoạch hoàn thành sau 20 tháng. Tuy nhiên sau 4 năm triển khai, công trình đang đình trệ do liên quan đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng.
Do chậm bàn giao mặt bằng
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức - cho biết, đã kiến nghị UBND TPHCM cùng sở, ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc của 3 dự án xây cầu thi công dang dở trên địa bàn.
Theo ông Hoàng Tùng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cầu Nam Lý chậm do chưa được Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND TPHCM duyệt giá bồi thường. UBND Thành phố Thủ Đức đã kiến nghị sớm duyệt giá bồi thường, đồng thời cam kết giao mặt bằng trong 6 tháng nếu không có khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đối với cầu Tăng Long, vướng mắc của công trình này liên quan đến ranh dự án có điều chỉnh so với ranh được duyệt. Cuối năm 2020, UBND quận 9 (trước khi sáp nhập thành Thành phố Thủ Đức) đã thống nhất ranh điều chỉnh với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, đang chờ phê duyệt ranh.
Với cầu Long Đại, đầu năm 2021, UBND TPHCM đã phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, chủ đầu tư đang kiến nghị điều chỉnh tăng nguồn vốn dự án để có đủ kinh phí chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, chủ đầu tư dự án cầu Long Kiểng cho biết, UBND huyện Nhà Bè đã cam kết bàn giao mặt bằng trong tháng 12.2021 và công trình sẽ đưa vào vận hành sau một năm thi công.
Theo ông Phúc, có 2 nhóm nguyên nhân khiến các dự án trên chậm tiến độ. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do chậm trễ trong thủ tục đầu tư, trình tự đấu thầu, năng lực các đơn vị tư vấn, nhà thầu; còn nguyên nhân khách quan là do tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng chậm.
Để thúc đẩy các dự án sớm về đích, ông Phúc cho rằng, đối với nhóm nguyên nhân chủ quan, đơn vị đã phối hợp Sở GTVT và các sở - ngành liên quan rút ngắn trình tự thủ tục, nâng cao chất lượng đấu thầu, ngoài ra tăng cường giám sát, bổ sung nhân sự xử lý kịp thời những vướng mắc.
Riêng vướng mắc do giải phóng mặt bằng, ông Lương Minh Phúc cho biết thời gian qua công tác này đã có những chuyển biến tích cực. "Với những nỗ lực trên từ các bên liên quan, thời gian tới những dự án xây cầu dang dở sẽ được khởi động lại" - ông Phúc nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét