Chưa từng có: 4,6 triệu người truy cập, ngày chốt 37.000 đơn vải thiều
Có tới 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều. Mỗi ngày, trên sàn Postmart và Voso có thể chốt 36.000-37.000 đơn. Đây là chuyện chưa từng có từ trước tới nay trên sàn thương mại điện tử Việt Nam.
Chia sẻ về câu chuyện đưa quả vải thiều đặc sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sáng 18/6, ông Chu Quang Hào -đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đánh giá, đã có sự thay đổi chóng mặt trên sàn Vỏ sò (Viettel Post) và Postmart (VnPost).
Theo đó, lượng người dân lên sàn tăng đột biến. Từ con số vài nghìn người mua bán mỗi ngày trước đây,nay đã tăng lên hàng trăm nghìn người. Tính từ 1/6 đến nay, các sàn đã có tới 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều. Đơn hàng đặt mua loại quả đặc sản này đã lên tới 36.000-37.000 đơn mỗi ngày.
“Vải thiều vừa đưa vào Tây Ninh là hết ngay, thậm chí có thời điểm không đủ nguồn cung”, ông Hào nói.
Trước sự thay đổi chóng mặt trên các sàn TMĐT này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn: Sàn TMĐT của Vỏ Sò và Postmart đã đưa vào vận hành năm thứ 6, nền tảng công nghệ không có gì đột phá, tại sao phải qua sự việc của trái vải thiều mới thay đổi?
Mỗi ngày có 34.000-37.000 đơn hàng đặt mua vải thiều qua sàn TMĐT Vỏ Sò và Postmart |
"6 năm qua không phát triển là do các anh không nghĩ đến đối tượng là người dân, nếu không có câu chuyện của quả vải thì liệu TMĐT có phát triển chóng mặt như thời gian vừa qua không? Đến mùa vải, Bộ TT&TT cho đi khảo sát, có đến 90% người được khảo sát chưa ăn vải thiều Bắc Giang đúng nghĩa mà không nghĩ rằng sẽ mua được vải trong vòng hai ngày", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Mùa vải năm nay, sàn Postmart và Vỏ sò đã kết nối hàng triệu hộ gia đình với quả vải Lục Ngạn và hàng trăm nghìn hộ gia đình đã mua được quả vải tươi. Nhiều người ở tận mũi Cà Mau hay Đà Lạt xa xôi, cả đời chưa được ăn quả vải Bắc Giang vì chưa bao giờ nghĩ rằng có thể đặt được vải tươi về nhà. Năm nay thì đã khác. Trên 25 triệu hộ gia đình Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất này, đều có thể mua được cả cân vải và nhận những trái vải tươi ngon sau nhiều nhất là 48 tiếng. Trước đây, chỉ vua chúa mới có được may mắn này.
Dự kiến năm nay, trên 8.000 tấn vải sẽ được tiêu thụ trên các sàn TMĐT để đến tận tay người tiêu dùng. Con số này mới là 4-5% sản lượng vải, nhưng những năm trước là chưa từng có.
“Một khởi đầu như vậy đã tạo ra niềm tin về sàn TMĐT cho bà con nông dân, và sau quả vải sẽ là hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Từ hàng triệu hộ gia đình lên sàn mua bán thì chỉ cuối năm nay sẽ là hàng chục triệu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chuyển đổi số sẽ thay đổi số phận nông sản Việt
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng, vì thế, giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn. Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu, vì thế mà giá rất thấp.
Sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được khó cho nông dân, nhưng sàn này phải kết nối được tất cả nông dân và người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón... Sàn đảm bảo sản phẩm có chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh.
Bộ trưởng cho rằng, bà con nông dân cũng gặp khó khăn khi hàng nông sản hầu như không tăng được giá, tăng mãi sản lượng rồi cũng đến tới hạn. Trong khi các loại hàng hoá khác, nhất là hàng công nghệ, thì lại tăng được giá. Bán biết bao nhiêu quả chuối, cân gạo để mua được một chiếc iPhone? Như trên chúng ta đã nói về quả chuối không thương hiệu, không xuất xứ. Nhưng người Nhật lại làm được. Cùng là quả dưa, quả hồng, quả đào nhưng giá khác nhau hàng chục lần tuỳ thuộc vào của tỉnh nào, của mảnh đất nào, của gia đình nào. Và nếu đấu giá thì giá còn khác nữa.
“Việc đưa thương hiệu vào từng quả chuối, từng ngôi làng, từng mảnh vườn, từng hộ gia đình là khả thi với công nghệ Blockchain”, Bộ trưởng Hùng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Hùng, còn nhiều việc khác có thể làm cho bà con dựa trên công nghệ, dựa trên thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ và phụ thuộc vào trí tưởng tượng của chúng ta nữa. Chỉ khi nào mỗi quả chuối đều có xuất xứ, đều được ghi nhận đầy đủ những gì đã tham gia tạo lên nó thì đời sống của bà con nông dân mới thực sự thay đổi căn bản.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận, sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất. Cơ quan quản lý cũng mù mờ luôn về những câu chuyện đó. Nền nông nghiệp mù mờ dẫn đến hệ quả chúng ta phải giải cứu.
Việc kết nối vạn vật, kết nối với người và vật quá khó khăn dẫn đến câu chuyện giải cứu mang tính chu kỳ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, để vươn xa hơn. Minh bạch cũng là thương hiệu của nền nông nghiệp có trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân.
"Bộ NN-PTNT muốn xây dựng một hình ảnh nền nông nghiệp chuyển đổi số, hình ảnh hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam không phải là tay lấm chân bùn nữa mà là những người nông dân thông minh, những người nông dân chuyển đổi số. Bản thân việc này đã tạo ra giá trị cho nông sản Việt Nam rồi". Vị tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định và cho rằng, chúng ta không nên để lỡ chuyến tàu chuyển đổi số. Phải cùng nắm tay nhau đi trên chuyến tàu này để tiến xa hơn.
Tâm An
Quyết không giải cứu, dân Hải Dương đồng loạt làm việc chưa từng có
Không còn trông chờ vài giải cứu, quả vải Hải Dương lần đầu tiên sẽ bán trực tiếp trên các sàn thương ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét