Phạm Hải ChungGiảng viên
Luật rừng trên mạng
https://vnexpress.net/... đăng ngày Thứ sáu, 18/6/2021, 00:05 95Đã lưu
Sau bàn thua của đội tuyển Việt Nam với UAE đêm 15/6/21, lời lẽ đe dọa được ném tới tấp vào tài khoản mạng xã hội có tên ông Ali Sabah Adday Al-qaysi.
Vị trọng tài người Iraq này bắt chính trận đấu được trông đợi của đội tuyển Việt Nam. Tôi ước tính, có hơn 1.700 bình luận trên trang cá nhân này liên quan đến trận cầu, phần lớn đến từ những cái tên Việt Nam và viết bằng tiếng Việt, dù không thể kiểm chứng được tài khoản này có chính chủ hay không.
Tôi đọc thấy hàng trăm bình luận khiếm nhã, đe dọa, chửi bới, thậm chí xúc phạm nặng nề ông Ali. Bênh VN đi để nước tao thắng; bắt cho chính xác không là xong đời đấy; tối nhớ bênh Việt Nam nha anh bạn, bắt ngu... Hàng chục câu chửi rất bậy, hàng chục tài khoản có tên Lan, Phú, Nguyễn đưa lên hình và video có ảnh ông trọng tài trước bát nhang với lời lẽ rất tệ. Tôi thực sự sốc.
Dù đây là một trang cá nhân giả của vị trọng tài do ai đó lập ra (với rất nhiều hình ảnh và tên thật của ông) hay là trang chính của ông (vì cũng có nhiều lời bình của chủ nhân bằng tiếng Iraq), hào quang của nền bóng đá chúng ta, hình ảnh công chúng Việt Nam trong thể thao bị lem luốc đi nhiều bởi hành xử như vậy.
Không phải chỉ với trận bóng tuần này, tiền lệ tấn công trọng tài online đã có từ nhiều năm, trước và sau các trận đấu đáng chú ý của đội nhà. Tôi tự hỏi, nhân danh điều gì: tình yêu với thể thao, tự hào tổ quốc hay quyền gì để họ cho mình được xúc phạm người khác, một người có tên tuổi cụ thể và chưa gặp bao giờ?
Các nhà nghiên cứu xã hội học gọi hiện tượng này là "bắt nạt online" hay "luật rừng trên mạng".
Năm 2020, Microsoft công bố kết quả điều tra về Chỉ số văn minh trên không gian mạng. Khảo sát trải nghiệm của người dùng với 21 rủi ro do các hành vi cư xử không đúng mực trên mạng cho thấy, Việt Nam là một trong 5 nước có Chỉ số văn minh Internet thấp nhất trong số 25 nước được khảo sát.
Internet đã nới rộng không gian sống của mỗi người lên gấp nhiều lần. Mỗi chúng ta là một người ngoài đời thực, những cũng là một phiên bản khác trên mạng. Công nghệ cho phép ta kết nối rộng hơn, nhưng nó cũng có thể tạo ra sự cô lập, khuyến khích và trao quyền cho những kẻ bắt nạt kỹ thuật số và hành động bất chính.
Internet đẩy cảm xúc cá nhân đi nhanh hơn bao giờ hết. Chúng ta rất dễ rơi vào vòng xoáy cảm xúc phi thường, trong khoảng thời gian ngắn bởi các hình ảnh, thông tin của ai đó. Ta mau chóng bị cuốn vào vòng tranh cãi không hồi kết.
Trong nhiều trường hợp, những đôi co trên mạng - diễn ra trước mắt công chúng - mau chóng tạo ra phát ngôn tiêu cực. Từ mức độ lời nói, dòng trạng thái, hình ảnh, cảm xúc có thể đẩy nó đến phát ngôn, hành vi xấu giữa các cá nhân hoặc nhóm cộng đồng. Khi đó, nó có thể là tác nhân gây bất ổn cho xã hội thật, vẩn đục môi trường số.
Nguy hiểm hơn nếu có đối tượng lợi dụng sự ẩn danh của Internet để trục lợi, vu khống, tạo tin giả nhằm hạ uy tín, gây khủng hoảng, làm phá sản doanh nghiệp, đe dọa tính mạng con người và thậm chí ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Năm 2017, tôi cùng cộng sự tiến hành một nghiên cứu cho Chương trình Internet và xã hội thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 78% câu trả lời trong số hơn 1.000 người dùng Internet ở Việt Nam cho biết, họ đã chứng kiến hoặc là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét.
Con số không hề thấp, cho thấy tình trạng này đang phổ biến tại Việt Nam. Trong đó, phát ngôn gây thù ghét phổ biến nhất là nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự cá nhân, tổ chức, tung tin giả, video giả, hình ảnh giả, tấn công trang web, trang cá nhân của nhau... Và tất cả chúng ta đều phải gánh chịu.
Mặt trái của thế giới Internet tự do không thể được biện minh bằng "tự do ngôn luận" nữa. Nó liên quan tới trách nhiệm của các bên, nhà cung cấp nền tảng, người dùng và nhà quản lý.
Thủ tướng Đức, Angela Merkel, tại Diễn đàn trực tuyến về truyền thông toàn cầu ngày 14/6 cho rằng, câu hỏi quan trọng cho mọi quốc gia hôm nay là: Giá trị, quy định và luật lệ nào bạn muốn áp dụng trong thế giới số cho công dân của mình?
Thực tế, Đức và hầu hết quốc gia châu Âu đã liên tục hoàn thiện luật lệ và ban bố các bộ ứng xử rất chi tiết trên Internet để ngăn chặn việc thông tin, hình ảnh có thể bị vũ khí hoá và các hành vi "rừng rú".
Nhiều quốc gia đi trước đang xây dựng năng lực số cho công dân của mình. Giáo dục năng lực số tức trang bị cho công dân các kỹ năng để đánh giá thông tin, cách hành xử trên mạng, hiểu về trách nhiệm với nội dung mình tạo ra và xây dựng văn hoá ứng xử văn minh trên môi trường Internet. Những bài học về hành xử trên môi trường mạng của công dân số đã được đưa vào nhiều trường học ở Mỹ và châu Âu.
Là đất nước có số tài khoản Facebook đứng thứ 7 thế giới, tôi cùng một số người đã tham gia một chương trình nhằm nâng cao năng lực số cho thế hệ người dùng trẻ tại Việt Nam. Hai năm qua, dự án đã chia sẻ các kỹ năng cho thầy cô bậc trung và đại học để đào tạo lại cho học sinh, sinh viên ở nhiều tỉnh thành. Một kỹ năng nhận được nhiều hào hứng của người học là sự thấu cảm và tôn trọng khi giao tiếp trong môi trường số.
Đối phó với mối đe doạ mới: ô nhiễm môi trường số, ngoài trách nhiệm của nhà giáo dục còn ở các nhà quản lý.
Việt Nam đã có các văn bản luật và dưới luật tương đối bao quát các hành vi và ứng xử trên không gian mạng như Luật An ninh mạng, Luật Dân sự, Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực gồm công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cùng một số văn bản khác. Khung xử phạt hành vi đăng thông tin không hợp thuần phong mỹ tục, tin giả, tin xấu, xúc phạm và bịa đặt... đều đã được xác lập.
Song, để nhất thể hóa và minh định câu chuyện, Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng của Việt Nam đang được hy vọng sẽ thúc đẩy công lý trên Internet, hạn chế phần hoang dã của môi trường này. Tình cờ, khi viết xong bài này, tôi nghe tin Bộ quy tắc vừa được ban hành.
Như con người ngoài đời thực, con người trên Internet của chúng ta cũng mong muốn một môi trường văn minh, tiến bộ, tự do và nhiều năng lượng tích cực. Đó là môi trường lý tưởng phục vụ lợi ích công.
Hôm nay, nếu vị trọng tài Iraq là nạn nhân của một cuộc tấn công mạng vô lý, ngày mai có thể là cơ quan, tổ chức của bạn hay người thân và chính bạn.
Phạm Hải Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét