Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Người dân luôn tin vào chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện

 SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG

Người dân luôn tin vào chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện

https://giaoduc.net.vn/... đăng ngày 14/12/2020 16:04 Tùng Dương
GDVN- Theo Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), số người tham gia Bảo hiểm Y tế trên toàn quốc đã tăng 418,6 nghìn người so với cuối năm 2019.

Theo Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), số người tham gia Bảo hiểm Y tế đã tăng 418,6 nghìn người so với cuối năm 2019. Dự kiến, kết thúc năm 2020, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế toàn quốc phải đạt 90,7%.

Tỷ lệ bao phủ này hiện đang còn khoảng cách 1,5% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện Bảo hiểm Y tế cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2016 - 2020.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, có 23 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế cao hơn chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg; có 40 tỉnh có tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế thấp hơn chỉ tiêu giao tại quyết định này.

Một số tỉnh có tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao có thể kể tới như: Bạc Liêu (thấp hơn 12,3%), Bình Thuận (thấp hơn 9,7%), Tây Ninh (thấp hơn 9,7%), Đồng Nai (thấp hơn 8,4%), Thành phố Hồ Chí Minh (thấp hơn 8%)…

Để đạt được mục tiêu đặt ra về phát triển Bảo hiểm Y tế, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu đề nghị Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương nhận diện rõ nguyên nhân khiến việc phát triển đối tượng Bảo hiểm Y tế chưa đạt, chỉ rõ từng nhóm đối tượng và các giải pháp phát triển đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này.

Theo Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), số người tham gia Bảo hiểm Y tế đã tăng 418,6 nghìn người so với cuối năm 2019. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Năm 2020 là năm khó khăn chung với nền kinh tế, tác động không nhỏ đến hoạt động nghiệp vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ngành. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển đối tượng Bảo hiểm Y tế theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg là không có “điểm lùi”, bởi đó là quyết tâm và nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho ngành Bảo hiểm xã hội.

“Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng số người tham gia Bảo hiểm Y tế, đòi hỏi Bảo hiểm xã hội các địa phương phải linh hoạt và sát sao hơn trong triển khai mục tiêu này”, ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

Ông Dương Văn Hào -Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Thời gian tới, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện phân loại các nhóm đối tượng theo giới tính, độ tuổi, ngành nghề có thể phát triển được Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế; đồng thời, vận động trực tiếp người dân tham gia Bảo hiểm Y tế thông qua các hội nghị tuyên truyền chính sách Bảo hiểm Y tế …

Dự kiến, kết thúc năm 2020, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế toàn quốc phải đạt 90,7%. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đẩy mạnh đổi mới phương thức thanh toán Bảo hiểm Y tế

Yên Bái, Quảng Ninh và Cần Thơ là ba địa phương được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lựa chọn thực hiện thí điểm Đề án phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG).

Thực hiện Công văn số 4768/BYT-KHTC ngày 8/9/2020 của Bộ Y tế và Kế hoạch số 217/KH-STY, mới đây, tại Yên Bái, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đồng chủ trì tổ chức đào tạo cho các cán bộ quản lý, cán bộ nòng cốt tại cơ sở triển khai phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế theo định suất và DRG.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Việc đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) là nhằm giảm bớt các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế hiện nay.

Hạn chế các tác động tiêu cực đến quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế khi thực hiện thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế nội trú toàn quốc vào năm 2021 theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế.

Theo đó, quỹ Bảo hiểm Y tế của từng tỉnh, thành sẽ được phân bổ theo năm và giao khoán cho từng cơ sở y tế.

Chi phí khám chữa bệnh ngoại trú sẽ được phân bổ theo định suất, được tính dựa trên các yếu tố: Suất phí một lần khám chữa bệnh cơ bản tại tỉnh, số lượng bệnh nhân sử dụng thẻ Bảo hiểm Y tế, tần suất khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, hệ số giao quỹ... Chi phí khám chữa bệnh nội trú sẽ được áp dụng theo DRG với mức khoán được phân chia theo từng nhóm bệnh và từng tình trạng bệnh.

Cụ thể, phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế theo định suất được áp dụng đối với cơ sở có khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế ngoại trú; người bệnh khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế ngoại trú tại các cơ sở tuyến huyện trở xuống và người bệnh khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, Trung ương.

Phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế theo DRG áp dụng đối với các cơ sở có khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế nội trú các tuyến huyện, tỉnh và Trung ương; người bệnh khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế nội trú tại tất cả các cơ sở có áp dụng phương thức thanh toán theo DRG.

Cả hai phương thức thanh toán này đều được quy định trong Luật Bảo hiểm Y tế (thanh toán theo giá dịch vụ, theo định suất và theo trường hợp bệnh). Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang thanh toán theo giá dịch vụ (FFS) là chủ yếu.

Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phương thức thanh toán này đang cho thấy nhiều bất cập trong thực tế, khó kiểm soát chi phí, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ, thực hiện chính sách thông tuyến theo lộ trình được quy định trong Luật Bảo hiểm Y tế.

Theo phương thức FFS, phần chi trả các nhà cung cấp dịch vụ nhận được tăng theo nguồn lực đầu vào cho bệnh nhân, càng nhiều dịch vụ, doanh thu càng cao.

Tuy nhiên, khi doanh thu của bệnh viện gắn với số lượng dịch vụ, hệ thống có thể tạo ra yếu tố khuyến khích cung ứng quá mức dịch vụ, thuốc và tăng ngày điều trị... dễ dẫn đến nguy cơ mất cân đối thu - chi quỹ Bảo hiểm Y tế...

Được biết, phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế theo định suất áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú được Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế triển khai từ năm 2009-2015 tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, có chỉnh lý phù hợp với thực tế hiện nay.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã học tập mô hình của Thái Lan để xây dựng phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo DRG- quy định mức phí chi trả theo ca bệnh điều trị nội trú (khoán nội trú).

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: “Việc đổi mới phương thức thanh toán khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế đã trở thành mục tiêu chiến lược trong tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế tại Việt Nam, giúp bảo đảm quyền lợi hài hòa cũng như tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế hiệu quả.

Việc thanh toán dịch vụ y tế theo định suất cho bệnh nhân Bảo hiểm Y tế điều trị ngoại trú và DRG cho điều trị nội trú sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế và chi từ tiền túi của người dân”.

Khẳng định thêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay: Phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế theo định suất và DRG được xác định là một trong những giải pháp đảm bảo tính nhân văn của Bảo hiểm Y tế; đồng thời giải quyết được vấn đề các cơ sở y tế cung ứng các dịch vụ quá mức cần thiết, gây vượt và vỡ quỹ Bảo hiểm Y tế.

Đây cũng là động lực để các cơ sở y tế tăng cường tự chủ toàn diện, thay đổi hành vi cung cấp dịch vụ, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới, hạn chế quá tải cho tuyến trên”.

Phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhiều địa phương về đích sớm

Tính đến nay, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao, Bảo hiểm xã hội nhiều huyện trên toàn quốc đã đạt và vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Một trong những thí dụ điển hình phát triển Bảo hiểm xã hội đạt kết quả tốt là huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang).

Tính đến ngày 30/11/2020, huyện Chiêm Hóa đã có 1.931 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 1.338 người so với năm 2019 và đạt 105% chỉ tiêu được giao năm 2020.

Theo Bảo hiểm xã hội huyện Chiêm Hóa, trong những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện bị hạn chế. Ngay cả việc duy trì số người tiếp tục tham gia từ năm 2019 trở về trước cũng là một thách thức không nhỏ.

Trước những khó khăn, thách thức trên, Bảo hiểm xã hội huyện Chiêm Hóa đã chủ động cử cán bộ bám làng, bám bản để khai thác, phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các tổ chức, đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, đại lý thu rà soát, phân loại đối tượng có tiềm năng, có thu nhập từ việc kinh doanh buôn bán nhỏ.

Cùng với việc giao chỉ tiêu cụ thể cho đại lý thu và từng cán bộ viên chức của đơn vị, Bảo hiểm xã hội huyện cũng tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội tỉnh phát động.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cán bộ viên chức Bảo hiểm xã hội huyện đã tranh thủ cả những giờ nghỉ trưa ít ỏi đến từng nhà, từng khu chợ trên địa bàn thị trấn và những ngày nghỉ thành lập các nhóm ra quân đi đến vùng sâu, vùng xa, các phiên chợ của người dân tộc, các cuộc họp thôn, bản để tuyên truyền, vận động bà con tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Dù đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhưng trong những ngày cuối năm, Bảo hiểm xã hội huyện vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt, khuyến khích những người đã tham gia trở thành tuyên truyền viên về chính sách này.

Một địa bàn khác cũng gây ấn tượng mạnh trong phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện là huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên). Tính đến ngày 26/11/2020, huyện Đồng Hỷ đã có 1.710 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 101% kế hoạch năm. Theo dự kiến, đến hết năm 2020, Bảo hiểm xã hội huyện phấn đấu đạt 1.750 người tham gia.

Để đạt được kết quả này không phải đơn giản, bởi Đồng Hỷ là huyện thuần nông, số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế bắt buộc không nhiều, trong khi đó người lao động, người dân có thu nhập không ổn định, trình độ dân trí không đồng đều.

Tuy nhiên, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành nên ngay từ đầu năm, Bảo hiểm xã hội huyện đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức thực hiện đồng bộ công tác này.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Như phối hợp với Bưu điện huyện ra quân tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình cũng như các tiểu thương trên địa bàn huyện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến từng cán bộ viên chức trong cơ quan; có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời những cán bộ viên chức có thành tích xuất sắc trong công tác này...

Theo bà Trần Thị Huệ - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đồng Hỷ: Sau mỗi hội nghị tuyên truyền, đối thoại, số người tham gia tăng rõ rệt. Hình thức tuyên truyền miệng cũng được Bảo hiểm xã hội huyện tăng cường với tần suất cao thông qua các hội nghị, cuộc họp thôn, bản.

Bất kể ngày nắng hay mưa, ngày nghỉ hay các buổi tối, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện đều sát cánh cùng anh chị em trong đơn vị chia thành nhiều tổ, nhóm trực tiếp đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

“Những ngày cuối năm, tranh thủ các buổi họp tại các xóm, xã, cán bộ viên chức Bảo hiểm xã hội huyện lại tranh thủ từng phút, từng giờ để vận động bà con. Vận động một lần chưa được thì 2 lần, 3 lần sẽ dần thuyết phục được, bà con sẽ hiểu và tự nguyện tham gia”, bà Huệ chia sẻ.

Trong lần về xã Văn Hán để tổ chức hội nghị truyền thông mới đây, sau khi chia sẻ về tính ưu việt của chính sách Bảo hiểm xã hội đến các Chi hội Nông dân, chúng tôi nhận thấy, khi đã hiểu rõ ngọn ngành, nhiều người sẽ nhiệt tình tham gia ngay.

Đơn cử như bác Vũ Thị Bấm, lúc đầu mới nghe cũng chỉ à, ừ cho qua chuyện. Nhưng sau một hồi, bác Bấm phấn chấn hẳn, thậm chí còn không ngần ngại vay tiền của bác ngồi bên, rồi nhờ chúng tôi làm thủ tục tham gia giúp.

Sau khi cầm cuốn sổ Bảo hiểm xã hội trên tay, các bác đều phấn khởi, bởi như tâm sự của các bác, sau này khi không còn sức lao động, lương hưu sẽ là điểm tựa an sinh giúp các bác vui hưởng tuổi già.

Tùng Dương

Không có nhận xét nào: