50 năm Viện nghiên cứu Hán Nôm: Cảm cổ, chước kim
TP - Xin được mượn chữ người xưa, ngõ hầu biểu đạt cái ý muốn khen tặng những người ôn cũ biết mới, khai thác vốn cũ của cha ông khéo léo vận dụng làm sinh sắc cái thời đương đại vậy!
… Cái tiết đầu đông này như thêm những xui nguyên giục bị để nhớ về 48 năm trước. Những ngày của 3 lớp Văn Hán Ngữ cùng học chung ở vùng Sát Thượng, Yên Phong, Hà Bắc. Trước đó ít ngày tất thảy các tân sinh viên chúng tôi mới nhập học đều xôn xao phập phồng chia lòng chia trí ai sẽ vào lớp Văn, ai sẽ sang lớp Ngữ (sau này là khoa Ngôn ngữ). Và ai sẽ phải sang lớp Hán Nôm đây?
Gọi là phải bởi hầu như không có ai xung phong sang lớp Hán. Không nhớ chính xác, nhưng sau khi những ráo riết việc lựa tuyển, chỉ có ít người đành biên chế thành lớp Hán. Có anh khóc mếu nằng nặc đòi xin sang Văn, Ngữ bằng được vì lần đầu tiên nghe cái tên Hán Nôm lạ hoắc. Cuối cùng chốt lại danh sách còn 13 sinh viên lớp Hán Nôm cả thảy.
Chương trình học nhiều buổi 3 lớp Hán Văn Ngữ học chung ngồi chung lớp. Nhưng lớp Hán vẫn mồn một trong trí nhớ các cô đồ thày đồ măng tơ xệp trên đống rơm vương vãi thóc của đình làng Sát Thượng. Họ khi chăm chú khi ngơ ngác trước các thày Lê Văn Quán, Nguyễn Đình Thảng (những giảng sư uyên bác hồi ấy) dõng dạc buông những cụm từ là lạ chi hồ dã dã này khác!
Tuế nguyệt đường đường lưu bất đắc. Năm tháng cứ lừng lững vèo trôi sao mà giữ được! Nhưng chả phải trôi suông. Mười ba anh chị đồ của lớp Hán Nôm 48 năm trước ấy, trừ vài người chẳng may thiệt phận mất sớm hoặc tật bệnh thì nay đã thành danh. Tít tận xứ trời Nam có hàn nho Nam Bộ Cao Tự Thanh nhà nghiên cứu độc lập, nghĩa là chả vào một cơ quan nào cả, nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu uyên bác và là một dịch giả tài năng với hơn 120 đầu sách nghiên cứu và dịch thuật. Có vài người trong lớp Hán Nôm ấy nhận công việc ở các cơ quan nghiên cứu khác nhưng số còn lại năm 1977 đều về hội quân tại Ban nghiên cứu Hán Nôm ở 26 Lý Thường Kiệt – Hà Nội (được thành lập năm 1970).
Tôi tìm đến Viện nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN - mà thường gọi tắt là Viện Hán Nôm) hơi sớm ngày kỷ niệm 50 năm. Đến sớm nên hoan hỉ gặp lại các bạn đồng khoa đồng môn thuở nào. Nhiều lắm những cái xiết tay thân ái. Lòng bàn tay trở lại ấm nóng của PGS - TS Nguyễn Công Việt một thời gian dài là Viện trưởng VNCHN sau hai năm tu tập chữa bệnh. Bàn tay ấy đã dựng nên 10 công trình tác phẩm nghiên cứu có tiếng trong đó có cuốn Ấn chương Việt Nam. Bàn tay với những ngón mảnh mai là của bà đồ hoa khôi lớp Hán, PGS - TS Hoàng Thị Ngọ với 25 cuốn sách in chung và riêng, hơn 30 bài kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước. Có cuốn vượt thoát ảnh hưởng tầm quốc gia như Từ điển Hán Việt Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Thiền tông bản hạnh. Lâu lắm mới gặp lại TS Nguyễn Thúy Nga - Nghiên cứu viên chính VNCHN. Từ năm xa Thúy Nga đã thành danh với các cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam và Bốn tập Khoa cử Việt Nam. Nhà nghiên cứu Trần Kim Anh vẫn cái dáng thanh thoát như thuở nào. Bạn bè trong đó có tôi hẳn còn nhớ lâu hơn cuốn Phạm Đình Hổ do Kim Anh dịch và dựng khá công phu…
TS Nguyễn Công Việt đang nhắc nhớ lại thuở gian nan của năm 1977 khi các anh đồ chị đồ lớp Hán Nôm về bổ sung cho Ban NCHN ở 26 Lý Thường Kiệt. Mấy gian nhà ngói cấp 4 cùng gian phòng làm việc chung bàn ghế xộc xệch, cũ kỹ. Bên tường là giá sách chỏng chơ mấy ngăn sách quốc ngữ. Sách Hán Nôm chỉ vài chục cuốn. Ăn cơm Thi Sách (gần phố Thi Sách) / Ngủ nách hội trường/ Xem phim Lân Cường (Người phụ trách chiếu phim ở UBKHXH ) / Nghe Võ Hồng Cương (một diễn giả) nói chuyện.
Công Việt đang tiếc một hiện vật giá giữ được đến giờ, những tập bản thảo của GS Nguyễn Đổng Chi - Viện trưởng đầu tiên. Đó là một tập hợp các kích cỡ của giấy xi măng, bản tin TTXVN, vở học trò còn nguyên cả sợi rơm… miễn là có khoảng hở, chỗ trống cho GS lia bút. Nhưng với anh em trẻ ở VNCHN kính cẩn coi như thứ Kinh thánh!
Mà hồi ấy gian khổ đói khát là thế nhưng không thấy ai vướng những bệnh trọng bệnh lạ khó chữa như bây giờ? Hay chúng mình tất thảy đều lương thiện chất phác nên không vướng phải nghiệp chướng?
Chất giọng Nguyễn Công Việt trở nên bâng khuâng về điều kiện vật chất eo hẹp nên việc nghiên cứu xuất bản thời ấy gian nan lắm! Chả bù cho bây giờ nhiều tác giả in sách cứ tơi tới. Sau 10 năm thành lập Viện và 16 năm thành lập Ban NCHN, năm 1986 năm tao bẩy tiết mới ra mắt được Tạp chí Hán Nôm số đầu!
Nhắc đến thời điểm năm 1979 Ban Hán Nôm được nâng lên cấp thành Viện Nghiên cứu Hán Nôm. PGS - TS Phó Viện trưởng VNCHN Vương Thị Hường chất giọng rành rẽ, khi ấy nhiều ý kiến cả bên trong và bên ngoài đề nghị nên lấy tên là Viện văn tự cổ. Nhiều ý kiến khác đòi gọi Viện Cổ văn tự! Chưa hết, lại một số khác khăng khăng phải là Viện văn hiến cổ hoặc Viện cổ văn hiến vv… Tất cả ngóng vào GS Nguyễn Đổng Chi. Trong một cuộc họp GS dứt khoát, chúng ta đọc dịch chú thích và nghiên cứu Hán Nôm thì phải đặt tên là VNCHN. Và thư tịch Hán Nôm cả nước phải do Viện này quản lý!
TS Hường cho biết thêm, dưới quyền của cụ Chi, các lớp Kinh Dịch 1979, lớp Nôm Tày 1980 lớp Thư pháp 1981 lần lượt được khai mở!
TS Hường cũng chia sẻ những ký ức đẹp lâu bền về người thầy người anh kính quý là GS Trần Nghĩa - Viện trưởng VNCHN. Thày có lời khuyên ấn tượng cho các học trò đồng nghiệp là chúng ta thường vẫn làm cuốn sách hơn 900 trang mà mất đến hơn 20 năm vì là chúng ta đang trả cái nợ đời! Là đang phải để lại cái gì đó cho mai hậu. Đó là niềm vinh dự được dâng hiến đóng góp! Làm cái việc chuyên khảo Hán Nôm nhiều khi không có tiền lệ để học hỏi tham khảo nên phải mạnh dạn. Không có cái sai đầu tiên thì khó có cái đúng cuối cùng.
Tôi dừng bước trước một tốp đang vây quanh Phó GS - TS Đỗ Thị Hảo. Bà là một trong những người về Viện sớm từ năm 1969. Ngoài 30 quyển sách và hơn 60 bài báo đã xuất bản, bà còn đạt Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội năm 2012 với tác phẩm Sự tích các bà Thành hoàng làng. Thêm chút cảm động bởi bà đang nhắc đến thày học thuở ở Khoa Văn của tôi, GS Bùi Duy Tân. Năm xa ấy, lớp học chữ Hán đầu tiên ở Hà Nội rồi sơ tán lên Hiệp Hòa, Hà Bắc dưới sự dạy dỗ của GS Cao Xuân Huy. Trong số học trò ấy có bà và những Bùi Buy Tân, Mai Quốc Liên, Dương Trung Quốc, Đào Thái Tôn… Trong câu chuyện bà cũng nhắc đến những kỷ niệm năm xa khi cùng GS Trần Quốc Vượng khi hai người cùng hoàn thành cuốn Làng nghề và phố nghề Thăng Long.
Nơi tôi đứng đây không xa Kho sách cổ của Viện. Kho còn lưu những cuốn hơn 400 năm tuổi có dấu Kim ngọc bảo tỷ của vua, chúa. Cùng những thư tịch, họa đồ quan trọng về cương vực lãnh hải biển đảo của Quốc gia Đại Việt. Những bộ kinh điển đồ sộ của Nho Phật Đạo là linh vật bảo vật quốc gia. Nhưng ở Viện NCHN không chỉ có những bảo vật, linh vật. Hàng triệu trang bản thảo Hán Nôm đã được số hóa thuận tiện cho việc sưu tầm tra cứu của mọi đối tượng. Từ đây mỗi năm tỏa thêm những lộ trình trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm với nhiều quốc gia lãnh thổ trên thế giới. Viện là đầu mối hàng bao năm nay gắn bền với hàng chục tỉnh thành, làm sinh sắc thăng hoa giá trị truyền thống qua đình đài miếu mạo di tích đã bị ngủ im nhiều đời.
Thời mới, người mới. Tôi đã có dịp đi với cử nhân Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1978 người của Viện về ngôi chùa ở Thường Tín nơi có vị đại sư cao niên trụ trì, cực thông tuệ Phật Pháp. Lại là chỗ quen biết với Thanh. Ngài rất ngợi khen Thanh về trình độ Phật học cũng như thư pháp.
Rồi TS Trần Trọng Dương sinh 1980 mà đã có 15 đầu sách hơn 100 bài báo khoa học và kỷ yếu hội thảo. Từng nhận Giải thưởng học giả Trẻ của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm. Cuốn sách đoạt Giải B về sách hay Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển được coi là minh chứng sinh động của cụm từ hậu sinh khả úy. Bởi trước cuốn của Trần Trọng Dương đã án ngữ công trình Từ điển Truyện Kiều (TĐTK) hằng bao năm của học giả Đào Duy Anh mà nhiều thế hệ đã nắc nỏm. Nhưng với TĐTK, mục đích của Đào Duy Anh chỉ khuôn vào việc giải nghĩa từ, ngữ, thống kê tần số xuất hiện và liệt kê những câu thơ trong đó từ ngữ hữu quan thì NTQATĐ có tính chất tổng hợp nhiều mặt hơn. Nhờ đó mà bạn đọc có thêm những công cụ và điều kiện để tìm hiểu và thưởng thức Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Như GS Phan Ngọc nhận xét là từ điển như một bước tiến về sự nhận thức về tiếng Việt chứ không đơn thuần là giải thích các từ!
Tôi cũng có dịp ngồi với PGS, TS Nguyễn Tuấn Cường sinh 1980 cùng tuổi với Dương. Tuấn Cường đã có 10 cuốn sách, hơn 50 bài tạp chí, 20 bài trong kỷ yếu hội thảo được xuất bản. Đặc biệt tất cả sách, kỷ yếu của Nguyễn Tuấn Cường đều có ISBN và ISSN (mã số chuẩn quốc tế để xác định một quyển sách và việc xuất bản). Cuốn Diên cách cấu trúc chữ Nôm Việt của Nguyễn Tuấn Cường và nhiều công trình khác từng được bạn bè quốc tế đón nhận. Uy tín học thuật đã trợ giúp cho nhà khoa học trẻ vững vàng vị thế Viện trưởng VNCHN đời thứ 5 nhiều năm nay.
Có lần TS Nguyễn Công Việt đã sẻ chia với tôi cái cảm giác mỗi khi qua cửa Viện NCHN thì cảm nhận ngay được thứ khí mát lành như vào những đền chùa thiêng vậy? Phải chăng là thứ năng lượng cảm xạ vô hình, thứ năng lượng sinh học nào đó đang phát tác? Tôi chợt nghĩ đến các đấng, những tay cộm cán về lãnh địa Hán Nôm như các GS Phạm Thiều, Đào Phương Bình, Nguyễn Đổng Chi, Trần Lê Sáng, Trần Nghĩa, Phan Văn Các, Đào Thái Tôn, Lâm Giang… từng đi qua cửa này? Họ đã xong duyên nghiệp ở VNCHN đã về cõi nên lưu lại thứ linh khí ấy?
Và ngày nay thế hệ các anh chị đồ mới đang lặng lẽ tiếp bước. Như câu đối Nôm của PGS - TS nguyên Viện trưởng VNCHN Trịnh Khắc Mạnh tặng nhân dịp Ngũ Tuần Đại Khánh Tiết của Viện: Nửa thế kỷ dựng xây làm nên thương hiệu/ Hàng trăm người sau trước tiếp nối tiền nhân.
XUÂN BA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét