"Tác giả sách giáo khoa không hình dung được sách mình đào tạo con người nào!"
https://nld.com.vn/... đăng ngày 10-10-2020 - 14:42.|Trích dẫn nóng
"Phản ứng của xã hội về sách giáo khoa những ngày qua cho thấy một nội dung rất quan trọng: Khi biên soạn bộ sách này, các tác giả đã không có một triết lý giáo dục đúng và tường minh dẫn dắt, nên các tác giả đã không hình dung được sách giáo khoa của mình sẽ đào tạo con người nào...
TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch GiapGroup
... Vì thế, ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... sẽ thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. Đó chính là lý do vì sao trong sách hay có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ.
Ngoài ra, cách dùng từ ngữ, cách nói của các tác giả khi còn nhỏ cũng đi thẳng vào sách giáo khoa vì cho rằng trẻ con nào cũng sẽ nói năng như vậy. Nhưng thực tế không phải vậy, vì vùng miền khác nhau, thời đại khác nhau, nên cách dùng từ của trẻ hiện nay sẽ rất khác so với cách dùng từ của các tác giả khi còn nhỏ trước kia.
Khi đã thiếu triết lý giáo dục dẫn dắt, tự phát và bị giới hạn bởi quá khứ như thế, những gì được viết ra trong sách giáo khoa sẽ là những gì thuộc về tiềm thức và trải nghiệm tự nhiên của chính các tác giả, những người đã rất cũ, đã thuộc về quá khứ, chứ không phải những gì dành cho các thế hệ tương lai, thuộc về một thời đại hoàn toàn mới.
Chưa kể, điểm yếu cốt tử của việc biên soạn sách giáo khoa từ xưa đến nay vẫn chưa khắc phục được, đó là: Không có một tổng công trình sư chỉ huy việc biên soạn sách giáo khoa cho toàn cấp học.
Việc này dẫn đến một thực tế rằng các tác giả trong cùng một bộ sách nhưng thuộc các bộ môn khác nhau, hiếm khi làm việc cùng nhau để đồng bộ hóa, dẫn đến nhịp đi của các bộ sách bị vênh nhau, gây khó cho học sinh và giáo viên, làm giảm chất lượng giáo dục rất nhiều.
Những điều này chỉ có thể khắc phục khi: Xác lập được một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt việc biên soạn sách giáo khoa, bộ giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu, một nhóm phương pháp giáo dục tiên tiến để truyền tải các nội dung này, và một tổng công trình sư đủ tầm vóc để chỉ huy việc biên soạn sách giáo khoa cho toàn cấp học. Nếu không thì các bộ sách giáo khoa của năm sau cũng không hy vọng sẽ khắc phục được các sai sót này".
(TS GIÁP VĂN DƯƠNG nêu quan điểm về nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đang vấp phải phản ứng dư luận hiện nay)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét