Đó là xu thế toàn cầu và là một thành tố trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng một xã hội số toàn diện.

Không hề là cường điệu hay ngoa ngôn nếu như nói rằng chính MXH đã góp một phần không nhỏ công sức trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Các địa phương và ngành y tế đã khai thác tối đa thuộc tính truyền thông lan tỏa nhanh và rộng khắp của các MXH để đưa các thông tin cần thiết tới cho người dân. Gần đây nhất, có những địa phương ở miền Trung đã dùng MXH để thông tin cho người dân trong nỗ lực phòng ngừa mưa bão, thiên tai. Tất nhiên, MXH như một xã hội được ảo hóa, có đủ mọi thứ như xã hội thực. Do đặc trưng của mình, như tính vô danh và quyền tự phát ý kiến hay quan điểm cá nhân của người dùng, MXH có thể bị kẻ xấu lợi dụng để phục vụ cho các mưu đồ của mình. Nhưng điều đó ít hay nhiều, nặng hay nhẹ lại tùy vào người dùng trong từng cộng đồng. Cũng may là người có ý thức, có trách nhiệm luôn là số đông áp đảo. Và nếu đã có đủ luật lệ bao trùm, nhà chức trách chỉ việc chiếu theo pháp luật mà xử lý những kẻ phạm pháp trên mạng, cũng tương tự như với những người trong xã hội thực.

Cái đáng lo nhất là sợ nhà chức trách buông lỏng quản lý. Nhà chức trách hoàn toàn có thể coi MXH như một nơi để công chúng - tức người dân - phản biện, phản ánh tâm tư, tình cảm cũng như thái độ của mình đối với những vấn đề nào đó trong xã hội, cũng như chủ trương chính sách của nhà nước. Có thể nói rằng trong ngữ cảnh này, không có loại hình thăm dò dư luận, ý kiến người dân nào nhanh, toàn diện và hữu hiệu như MXH. Yêu cầu cốt lõi chỉ là người có trọng trách biết quan sát và chịu lắng nghe để cho công việc của mình ngày càng tốt hơn, ích nước lợi nhà.

Phạm Hồng Phước