Đến 19 giờ ngày 18-10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã làm 84 người chết, 38 người mất tích; 52.933 nhà bị ngập; 24.734 nhà bị hư hỏng, sập đổ. 35.787 người dân tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế phải di dời.

Vượt đỉnh lũ năm 1979

Vào lúc 1 giờ ngày 18-10, người dân thôn Nguyệt Áng (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đang chìm trong giấc ngủ thì nước bất ngờ áp sát nhà, ngập cả giường. Mọi người chỉ kịp cầm điện thoại cuống cuồng cùng nhau chạy.

Khi mặt trời lên, nhiều xóm làng ở xã Tân Ninh ngập chìm trong nước. Mọi con đường dẫn vào các thôn đều bị nước cô lập, chia cắt, cả xóm hoang vắng như chốn không người.

Ngồi bên ban-công tầng 2 của nhà hàng xóm, bà Lê Thị Tỏa (74 tuổi, ngụ thôn Nguyệt Áng) thất thần nhìn dòng nước mỗi lúc một dâng cao, căn nhà cấp 4 của bà chỉ còn trơ lại nóc. "Tui sống ở đất này hơn 40 năm rồi nhưng chưa khi mô thấy nước lớn và dâng cao như năm ni. 10 ngày trước, lũ đã ngập nhà 2 m. Nước vừa rút, mới dọn xong thì qua một đêm, nước đã dâng cao hơn lần trước. May được mọi người dìu lên nhà cao chớ không thì chết cả mẹ lẫn con" - bà Tỏa nói.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết lũ tràn vào khiến 6.000 hộ dân trong toàn bộ 5 thôn đều bị ngập nặng, có nhà dân ngập sâu tới 2,5 m. Xã đang cử lực lượng tiếp cận người dân ở các khu vực nguy hiểm để ứng cứu kịp thời.

Trắng đêm chạy lũ - Ảnh 1.

Nhà dân ở vùng rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) bị ngập sâu Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tại huyện Lệ Thủy, mưa lũ làm gần 20.000 nhà dân ở nhiều xã bị ngập. Còn ở mạn phía Bắc Quảng Bình, nước lũ sông Gianh dâng cao, người dân ở các vùng thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa hứng chịu cơn "đại hồng thủy" chưa từng thấy, phải di tản lên các trường học, nhà thờ, nhà dân... cao hơn để tránh. Đến 18 giờ cùng ngày, lũ trên sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979.

Chị Đinh Thị Tương (SN 1989; ngụ thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch) bất ngờ chuyển dạ giữa mưa to, nước lũ đã gần như cô lập địa bàn. Công an thị xã Ba Đồn đã dùng thuyền phao đẩy thai phụ đi hơn 1 km trong nước để ra tới bờ bên kia, chuyển chị lên xe đưa tới bệnh viện. Thiếu tá Nguyễn Hồng Cổn, Trưởng Công an xã Quảng Lộc, cho hay lực lượng công an luôn ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng cứu người dân trong mọi tình huống. Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã lập hàng chục tổ công tác phối hợp với các lực lượng chức năng di dời khoảng 1.500 người dân của 400 hộ gia đình đến nơi an toàn.

Tính đến 20 giờ ngày 18-10, lũ lịch sử ở Quảng Bình đã làm gần 60.000 nhà dân bị ngập lụt, hơn 215 thôn bản bị chia cắt và 2 người tử vong do bị lật đò khi chạy lũ.

Cầu cứu trong đêm

Do mưa rất lớn, lũ lên nhanh, suốt từ đêm 17 đến rạng sáng 18-10, hàng ngàn người dân đang mắc kẹt trong lũ đã gọi đến lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị để cầu cứu. Rất nhiều người đã đăng thông tin tình trạng nguy cấp của gia đình mình lên mạng xã hội nhờ cứu giúp. Lực lượng cứu hộ đã làm việc liên tục không nghỉ, nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm đưa người dân đến khu vực an toàn.

Trắng đêm chạy lũ - Ảnh 2.

Cứu người trong lũ ở Quảng Bình Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tại sông Hiếu, mực nước đo được đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983. Hiện dung tích các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn đạt phổ biến từ 60%-85%, các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước. Riêng hồ chứa thủy lợi, thủy điện Quảng Trị đã xả nước qua tràn với lưu lượng trên 1.1000 m3/giây. Tỉnh này bị ngập lụt trên diện rộng ở 80/124 xã, phường, thị trấn; 175.344 người bị ảnh hưởng. Toàn tỉnh có 37 người chết, 19 người mất tích và 15 người bị thương do mưa lũ.

Tại Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng ngập lụt, giao thông bị chia cắt, cô lập hoàn toàn ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. 2.652 hộ với 6.683 người dân đã đi sơ tán. Ngày 19-10, hơn 200.000 học sinh ở hơn 350 trường thuộc 7 huyện, thành phố nói trên phải nghỉ học.

Cứu người là nhiệm vụ hàng đầu

Sáng 18-10, tại TP Huế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và ứng phó với tình hình mưa lũ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tình hình rất khẩn trương, cấp bách, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cần sớm tiếp cận hiện trường để tìm kiếm những người còn mất tích. Các địa phương phải chủ động phương án để ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra, không được bị động bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đợt mưa lũ đặc biệt lớn vừa qua đã khiến 27 người chết; 15 người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3; 8 người bị thương.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác tiếp tục di chuyển gấp ra tỉnh Quảng Trị để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Phó Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên người dân tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ. Tiếp đó, đoàn di chuyển về trụ sở UBND huyện Cam Lộ làm việc với các lực lượng chức năng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Võ Văn Hưng - cho biết trong vòng 11 ngày, địa phương đã chịu 3 đợt lũ, không nơi nào không bị ngập. Ước tính mưa lũ gây thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến người dân miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Trị; gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình những người chết và mất tích. Thủ tướng mong các lực lượng chức năng tập trung sớm khắc phục, ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.

Theo Phó Thủ tướng, do mưa lũ rất lớn, lũ chồng lũ trong thời gian ngắn nhiều ngày nên nền đất rất yếu, dễ bị sạt lở. Trong khi đó, chúng ta phải tiếp tục ứng phó với thời tiết rất bất thường, nhiều người mất tích chưa tìm được nên càng phải khẩn trương, quyết liệt tìm kiếm người mất tích, cứu chữa những người bị thương. Đây là nhiệm vụ hàng đầu.

"Tất cả khu vực nguy hiểm phải được rà soát, đặc biệt là những nơi dễ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, kiên quyết sơ tán tất cả dân cư, không để bị động, bất ngờ" - Phó Thủ tướng chỉ đạo. 

Mưa lớn kéo dài đến ngày 21-10

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nên từ nay đến ngày 21-10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to.

Từ tối và đêm 19-10, mưa lớn trở lại và kéo dài đến ngày 21-10 ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dự báo trưa 19-10, mực nước trên sông Gianh tại Mai Hóa (Quảng Bình) lên mức 8,4 m, trên báo động III 1,9 m; trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên mức 4,5 m, trên báo động III 1,8 m.

Từ nay đến ngày 20-10, nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình; ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam. Ông Đặng Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai và cộng đồng - Tổng cục Phòng chống thiên tai, lưu ý người dân ở vùng ngập sâu hay còn bị chia cắt hạn chế tối đa việc di chuyển trong lũ, nếu di chuyển phải có các trang thiết bị an toàn; hạn chế tối đa di chuyển giao thông ở khu vực miền núi, đặc biệt lưu ý khu vực dân ở nơi ta-luy âm, ta-luy dương và sát núi bằng mọi cách phải di dời vì nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét rất lớn.

V.Duẩn

Thông đường để tìm công nhân Rào Trăng 3

Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã xác định được danh sách 17 công nhân của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) mất tích. Lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể trong số 17 công nhân mất tích, trong đó mới xác định danh tính của anh Trần Văn Lộc (SN 1995; ở xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

2-BOX 18-10 Cuu ho cuu nan Rao Trang 3_Anh 1

Các lực lượng triển khai phương án tiếp cận hiện trường bằng đường thủy Ảnh: QUANG TÁM

Từ sáng sớm 18-10, các lực lượng cùng các trang thiết bị chuyên dụng triển khai phương án tiếp cận hiện trường bằng đường thủy. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết do mưa lớn trong ngày 16 và 17-10 nên công tác tìm kiếm các nạn nhân phải tạm dừng. Hiện tuyến Tỉnh lộ 71 đang tắc khoảng 10 km do sạt lở và ngầm tràn nước chảy xiết, 10 xe ủi và xe múc đang tập trung ở đây để sẵn sàng thông đường.

Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết Bộ Quốc phòng yêu cầu các quân khu, đơn vị trong toàn quân sẵn sàng huy động; đồng thời chú trọng kiểm tra, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, công trình, doanh trại. Tại thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu sẵn sàng lực lượng dự bị để thay thế, bổ sung khi cần thiết. Khi thời tiết thuận lợi hơn, sẽ huy động cả Không quân, máy bay không người lái, các phương tiện hiện đại khác.

Q.Tám