Nhân ngãi |
Copy từ https://wordpress.com/read/blogs/10024170/posts/20644 ;tác giả: Hoàng Thanh Hương ; đã đăng ngày 04-03-18. |
|
Tranh đinh trường chinh |
Tháng cô hồn, ai cũng e ngại, ai cũng kiêng cữ. Dậu nghe mẹ dạy hồi còn bé xí rằng tháng 7 âm lịch “ai còn mẹ thì đừng làm mẹ khóc/ đừng làm buồn lên mắt mẹ nghe không?”. Dậu nghe thế, hiểu sơ sơ nghĩa là phải thương mẹ nhiều, không được làm mẹ buồn, mẹ khóc thế mới là con cái hiếu thảo. Dậu nghe người già kể rằng hàng năm cứ tháng 7 âm lịch Diêm Vương mở cửa địa ngục cho các linh hồn ma quỷ về trần gian hưởng lộc bố thí, cúng dường của người trần từ ngày 2 đến 14. Ai có người thân đã mất, tháng này sắm sanh cúng lễ chu đáo để báo đáp tình nghĩa. Hương linh lang thang không ai thờ cúng thì các gia chủ đều sắm cho mâm lễ ngoài sân mời đến hâm hưởng mà thỏa mãn, không quấy phá gia chủ… Rồi mẹ dặn Dậu phải kiêng tắm khuya, kiêng phơi quần áo ngoài trời đêm, kiêng đi chơi khuya, kiêng nói to gọi nhau í ới trong đêm vắng, kiêng khua chén khua đũa chập tối, mờ sáng… thôi thì bao nhiêu là kiêng cữ trong tháng cô hồn để tránh ma tà xâm phạm đến nhà cửa, bản thân. |
Ở đời Dậu chả sợ ma, cũng chả biết ma dạng hình gì, phim ảnh chiếu tùm lum mỗi nước mỗi kiểu ma quỷ, dữ hiền, ghê rợn có hết nhưng đấy chỉ là tưởng tưởng của mấy vị nhà văn, nhà đạo diễn, quay phim còn ma thật Dậu chả gặp bao giờ, dầu cũng từng mong. |
Dậu chả sợ ma. Dậu sợ người, họ là ma đầu đen. Những kẻ trước mặt Dậu vừa miệng mồm ngọt nhạt như kem như kẹo đấy, Dậu vừa đi khuất lưng, vừa vắng họp là cong môi tâu hớt, phê bình văng vãi. Nên Dậu thích vắng họp, để tìm ra kẻ đối đầu với mình. Miều sẽ nói lại không sót dấu phẩy nào những lời vài kẻ phê bình vùi dập Dậu nơi những cuộc họp dài lê thê chán như con gián với những mặt người quanh quẩn, buồn tẻ. Ma đầu đen đáng sợ gấp tỉ lần ma tưởng tượng. |
Dậu nhớ chồng, tháng 7 âm lịch hàng năm nàng làm mâm cúng thịnh soạn, mua áo quần vàng tiền ghi tên đầy đủ đốt gửi anh. Đời Dậu chỉ mong giấc mơ mỗi đêm được gặp anh. Tháng 7 âm lịch 4 năm nay nàng đợi nhưng anh dường như đã uống canh Mạnh Bà rồi, anh đã quên Dậu, quên hết chuyện trần gian với nàng, đã sang kiếp rồi. Nghĩ đến đó, nước mắt nàng lã chã. Không biết tại sao nàng nhớ anh nhiều đến thế, càng cố quên, càng muốn quên để bắt đầu cuộc sống mới mà không quên được. |
Người ta bảo chết trẻ thiêng ma, anh chẳng thấy thiêng, anh phiêu dạt cõi nào mà nàng cầu cạnh thầy bà cô cậu bốn phương anh vẫn bặt vô âm tín. Mẹ chồng nàng bảo thôi hết duyên nợ rồi con xả tang mà đi bước nữa. Dậu không nói không rằng. Mẹ chồng ngày nào cũng một câu đó. Dậu ngày nào cũng một biểu cảm đó. |
Hai cánh cửa phòng ra mở vào đóng cùng những tiếng thở dài. Căn nhà từ ngày anh mất đêm nào cũng tiếng kinh cầu siêu thu sẵn trong đĩa, nhấn play là phát êm êm, mẹ và nàng hai góc chiếu ngồi như đá dưới ban thờ ngày nào cũng hoa tươi quả mới, nhang khói tỏa bay là là. Đứa em chồng bảo: Chị hết tang anh rồi thì đi bước nữa, trẻ thế ở không người ta lại đổ tiếng ác cho nhà này. Nàng trừng mắt nhìn em chồng, nó cúp mắt, đi vội ra sân. Mẹ đẻ nàng ngày nào cũng gọi điện thúc giục: Thu xếp đồ đạc về với mẹ và các em! Nàng vâng nhẹ như gió thoảng. Tất cả những người mẹ trên đời đều yêu thương con cái của mình vô điều kiện, còn người ngoài phải có điều kiện mới thương mình. |
Nàng nhớ chuyện quả táo. Một quả táo chín thơm, người cầm nó, cắt đôi, chia cho bạn một nửa, kẻ đó là bạn của bạn. Người cắn một miếng rồi đưa cho bạn là người đang yêu bạn.Người không ăn miếng nào đưa hết cho bạn đó là cha mẹ bạn. Anh vừa là bạn vừa là người yêu vừa là cha mẹ. Mất anh nàng như đám lục bình trôi dạt lênh đênh. Ở ngoài đời, người ta ham hố đua chen, giành giật lu bù, sống giữa họ nàng thấy u buồn. Ở nhà, Dậu được mẹ chồng yêu thương, chia sẻ kinh kệ, buông bỏ ham hố, nàng thấy nhẹ nhõm. Mẹ nàng ngày nào cũng nói một câu rồi nhìn lên di ảnh Nam. |
Một ngày, Dậu bảo mẹ chồng: Con đi thì đi mà con thương mẹ! Chúng nó chẳng đứa nào muốn ở cùng mẹ! Mẹ bảo nàng cứ đi đi! Mẹ ở một mình, mẹ đợi ngày về với bố. Chắc cũng nhanh thôi. Anh mất, mẹ như xác không hồn, mẹ mắc chứng quên. Có hôm, nàng vừa dừng xe trước cửa mẹ ào ra: Sao về muộn thế? Thằng Nam nấu sẵn cơm canh ngồi đợi cả giờ rồi, mẹ đói quá mà cũng phải đợi! Vô nhanh, chứ nó lại nhăn cho mà coi!… Rồi thì đang xem ti vi mẹ đứng phắt lên, quát om: Nam ơi mày ra bấm kênh khác cho mẹ, kênh này xem dở quá… Mấy bận thế nàng phát hoảng. Bác sĩ bảo bà bị chấn động tâm lý, mắc bệnh trầm cảm, bệnh quên và nhiều bệnh khó chữa của tuổi già. Người già như chuối chín cây, được ngày nào hay ngày đó thôi. Dậu nghe thế lòng dạ rối bời. Dậu nhìn di ảnh chồng, nước mắt thi nhau lã chã. |
Thằng Bắc, con Tây chẳng đứa nào muốn ở chung với mẹ. Bận trước đi làm về ngang cửa phòng con Tây nghe tiếng thằng chồng nó lầu bầu: Mẹ dạo này ngơ ngẩn, ăn rồi nói chưa ăn, đi nhà vệ sinh xong để nguyên bồn, không nhấn nút xả bẩn kinh, anh dọn phát ớn. Hay nhà mình dọn ra ở riêng cho nhẹ!Con vợ rít lên: Ông vô duyên, đất đai nhà cửa cả mớ vầy, dọn ra riêng để vợ chồng lão Bắc ăn trọn à. Dại. À! con mụ Dậu xong nợ với ông Nam rồi sao không dọn về nhà mẹ đẻ cho rồi, chiếm nguyên cái phòng to đùng, ở thế ở nữa cũng hổng có cái gì từ nhà này đâu, mẹ vui mẹ hứa thế thôi chớ đừng tưởng bở, danh phận gì nữa mà cứ ở lì ra thế không biết… Dậu gõ cộc cộc cộc chõ mồm vào gằn giọng: Cô chú an tâm, tôi chả đào bới gì nhà này đâu mà lo hoắng lên thế, vợ chú Bắc nó nghe được lại vạ mồm. |
Vợ Bắc ghê gớm nhất nhà. Con gái đầu lòng nhà buôn trái cây lớn nhất khu chợ Bùng Binh này. Nhà nó giàu nứt đố đổ tường. Nhà nó keo nhất vùng. Nó là gái đảm, chuyện chợ búa nấu nướng cúng giỗ lễ tế nhà nó, nhà chồng mình tay nó làm bằng mấy chị em họ hàng góp tay. Miệng nói, tay làm, chân đi, cứ sang sảng rậm rịch như đàn ông. Nó mồm năm miệng mười, nhìn vào cái gì cũng thấy có thể kiếm ra tiền, nó đã làm là phải có lời ít lời nhiều chứ không bao giờ lỗ một cắc. Nó bảo: Chị Cả xong chuyện cũ rồi, tút tát lại xinh tươi kiếm thằng đại gia cho đời nó tươi. Dậu có đứa em gái xinh đẹp cá tính, nó thích sống độc thân, một cuộc cà phê mấy chị em bàn về hạnh phúc của người phụ nữ. Nó nói một tràng 30 phút về hạnh phúc đàn bà. Dậu nghe kiên nhẫn. Ngẫm cũng đúng dăm bảy phần. Hạnh phúc là sự tự rèn luyện mình, vượt qua khó khăn trong cuộc sống bằng chính sức lực mình, tự do về tư duy, độc lập về tài chánh và được bạn đời, bạn tình tôn trọng… Việc trông chờ dựa dẫm vào ai đó là một sai lầm nghiêm trọng khi kiếm tìm hạnh phúc. Em gái nàng quan niệm khác em dâu nàng về đàn ông và hạnh phúc. Nàng là một đàn bà độc lập. Nàng mê đàn ông ga lăng, nói một lời như đinh đóng cột. Nàng ghét những gã miệng trơn bóng,hứa hươu hứa vượn. |
Em chồng nàng nóng tính nhất nhà. Mẹ chồng Dậu hãi nó một phép. Nó thương mẹ chồng. Nó bảo mẹ cứ ngồi im đó con hầu, không phải ngại bố con thằng nào. Mẹ lúc nhớ lúc quên, nhiều khi mẹ nhìn nàng ra nó, nhìn nó ra nàng. Chuyện nọ dọ chuyện kia, tâm sự thủ thì không trúng đối tượng. Nó và nàng nhiều phen ngớ ra rồi cười lộn ruột cả buổi, riết rồi quen, riết thêm thương mẹ chồng. Bà bảo Dậu: Mày đẻ cho mẹ đứa cháu nội, giai/gái gì cũng được, nhơn nhỡn ra mãi thế mẹ buồn lắm, đi ra đường chị em người ta cứ nói to nói nhỏ khoe cháu khoe chắt. Con cái nhà con Tây là cháu chắt nhà người ta chớ mình vơ vào làm sao được. Nàng tủm tỉm: Mẹ ơi con đẻ với ma à? Bà bảo với ma cũng cố mà đẻ đi! Rồi cười sặc sặc. Có bận kia, bà lại thù thì với em dâu: Ơ thế mầy cứ ở lại với mẹ thật à, đi mà lấy đứa nào đi cho nó đỡ buồn, tuổi xuân có thì có lứa, mẹ đã có vợ chồng thằng Bắc lo rồi, đi đi con! Em dâu gào lên: Ối giời ơi mẹ ơi là mẹ, là con vợ thằng Bắc đây, không phải chị Cả đâu mà cứ suốt ngày đuổi như đuổi tà thế. Để con mua cho mẹ hộp sữa canxi mẹ dùng cho khỏe, rõ là thương là tội. Lá vàng khóc lá xanh tội đời lắm ông Nam ơi là ông Nam, ông là tội to lắm, vợ trẻ mẹ già vứt lại đời bi ai thế này đây, giời cao đất dày ơi! Em dâu học hành hết lớp 7, ở nhà buôn bán mà nó nói chuyện vần vè, ca dao tục ngữ ứng vận vào câu cú đối thoại nghe hay ho ra trò. Cái mồm quang quác thế nhưng việc nhà một tay nó lo lắng, thiếu nó chuyện nhà cứ ì ạch như cái xe trật xích. Thằng Bắc sợ vợ như cọp, mẹ chồng sợ nó, nàng cũng sợ nó. Nó giận chuyện gì cứ nói đôm đốp vào mặt, chẳng kể nhà không có ai hay có cả trăm người. Nhiều khi nàng hãi nói chuyện với nó, né né cho yên thân. Nhưng nó thương nàng. Trước cửa phòng nàng thi thoảng có vài gói quà nhỏ của nó treo tặng với tờ giấy ghi ngệch ngoạc: Chị thích thì dùng, không hợp trả lại, em cho người khác, kẻo phí. Nàng phì cười. Em dâu như nó hay ho hơn tám vạn chín ngàn thứ em dâu nhà hàng xóm. Cử nhân, thạc sĩ, cán bộ công chức ban ngành đoàn thể gì gì đó mà nói xấu mẹ chồng như hát hay, gây gổ cãi cọ với chị em nhà chồng như quân thù. Đời ngắn tày gang, ganh đua thua/được chi cho cực thân, cực não. Em dâu nhà nàng quả là thứ hiếm hoi trong thiên hạ trong cái thời @.Ai bảo ít học là văn hóa không cao, tâm tốt thì cái việc làm mới tốt đẹp, Phật dạy thế! |
Quán phở ven đường có từ hai tháng nay, gã chủ quán thấp mập, áo vàng, đồng hồ vàng, cổ đeo dây chuyền vàng, mặt đẹp trai như người mẫu Bình Minh, nếu cao 1m8 gã đã không bán phở góc đường này từ hai tháng nay. Gã làm thoăn thoắt, thuần thục, mắt cười, miệng cười đon đả, miệng gã không ngớt:Người đẹp ăn phở nhé, hủ tiếu hay mì quảng, ít mỡ hay không mỡ, rau nhúng qua nước sôi hay để tươi giòn… mỗi câu hỏi là một danh từ người đẹp êm tai khiến Dậu buồn cười. Gã vừa làm vừa ngân nga “ Em ơi, tình chỉ đẹp khi tiền đang nở/ Em ơi, đời mất vui khi tiền đã hết rồi”. Nàng nghe nhiu nhíu mày. Thiên hạ lồng lộn lên vì tiền. Vì tiền người ta chà đạp, triệt hạ nhau. Vì tiền bạn bè thành thù. Cả tuần nay ăn uống qua loa, công ty mới, đồng nghiệp mới, những dòm ngó, soi mói mới khiến nàng thấy mình sai sai khi lựa chọn nơi làm mới. Nhưng tính nàng mãnh liệt. Nàng tự nhủ sẽ đi qua hết những thử thách, nghi kị bon chen để tồn tại. Nàng luôn có cách làm mình vui, kể cả khi số phận và người đời xô đạp nàng trầy trụa. Người đàn bà mãnh hổ trong nàng lâu rồi đã quên cách dựa vào một đàn ông để vui. Người đàn ông của nàng đã chết khi vừa dạy nàng chớm biết cách yêu đời.Gã bán phở hỏi nàng sao đêm nào cũng ăn phở, không chán à? Nàng không cần trả lời gã, cắm mặt vào tô phở lềnh bềnh vớt, nuốt, húp, nuốt. Lần nào nàng ăn xong, gã đều mau miệng: Chào người đẹp nhé, mai ghé nhé! Nàng chả đẹp. Nhưng nghe gọi thế hoài cũng thích. Đàn bà ai chả thích đẹp. Đàn bà xấu không được tặng quà. Đàn bà đẹp là bà chúa. Một nụ cười là đổi đời. Một nghiêng ngửa là đổi đời. Nàng chả đẹp. Nàng cũng chả xấu như Chung Vô Diệm. Nàng đủ để anh mê tít và vì nàng mà cưng chiều thương yêu như một bà chúa. Dậu bơ vơ như giun dế giữa cuộc sống nhạt như nước luộc khoai 4 năm nay. Không phải sống mà là tồn tại. Ngày nào nàng cũng nghĩ đến anh. Đêm nào nàng cũng mơ anh. Những giấc mơ lộn xộn, mỏi mệt rã rời. Nàng đi khỏi nhà anh, nàng đến một nơi ở mới, chọn một công việc mới. Không quá cách xa nhà mẹ chồng. Không quá gần để gặp mặt nhau giữa những đường qua lối lại, nơi công cộng. Dậu học cách mấy cô nàng Hàn Quốc thể hiện trong những phim dài tập có nội dung mẹ chồng nàng dâu thương yêu nhau, ghét nhau. Nàng đọc đâu đó trên facebook “Một cái bếp không nên có hai người đàn bà. Nếu có, người đàn bà trẻ nên biết nhịn nhường cái bếp sẽ gọn gàng, cơm canh sẽ ngon ngọt”. Ông bà dạy cấm có sai: Lời nói đâu mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Đời nàng may mắn có mẹ chồng tốt, có chồng tốt nhưng số nàng không phải số hưởng. Thế mới biết không phải niềm vui nào là mãi mãi. |
Mẹ chồng gọi điện hỏi: Con và thằng Nam đi công tác lâu thế? Mai về à? Mai có vô ăn với mẹ hông?Từ “hông” kéo dài nghe thương thương. Mẹ là dân Bắc di cư mấy chục năm, dân buôn bán chợ phố nên âm giọng lai nửa Nam nửa Bắc nghe duyên lắm. Nước mắt Dậu lại cứ thế rơi. Nàng chẳng ghé nổi quán phở ven đường mà ăn. Nàng lên cơn sốt. Gã bán phở cho người mang đến tận phòng nàng bì phở bò tái viên nóng hổi, không tính tiền ship giá vẫn 20k. Nàng không nuốt nổi. Chẳng biết tự bao giờ nàng và gã bán phở hay trò chuyện, toàn chuyện tào lao không cuối không đầu, chuyện chồng nàng tai nạn qua đời, chuyện con bạn nọ hơi thân thân nói xấu nàng số sát phu, nói nàng xui xẻo, chảnh chọe, chuột sa chĩnh nếp… Nàng kể với gã con đó là hồ ly tinh, có chồng mà còn ngoại tình hai, ba gã, mấy gã đó cho nó tiền mua xe máy, điện thoại, vòng vàng. Mấy bà vợ già rình rập hoài mà chưa bắt trúng. Mấy cha này vừa giỏi che giấu vừa già mồm nên mấy mẹ vợ già bó tay chấm com, đành ấm ức ghen tuông vu vơ. Nàng nhớ mấy lần bị nó phỉnh đi làm bình phong cho nó nhậu nhẹt, hú hí với trai mà thấy có tội to với chồng nó, lại còn hào hiệp gọi điện cho chồng nó để gã chồng an tâm, tin tưởng. Nàng thấy mình tội lỗi. Đàn bà đã không xấu xa thì thôi, xấu xa rồi thì hơn thú vật. Cũng tại nàng cứ tin đắm đuối lời nó chê trách gã chồng gia trưởng, vũ phu, tồi tệ cùng tận. Tin quá mà tội nghiệp mà bênh che cho nó làm đủ chuyện mèo mả gàđồng. Đến khi nó thấy nàng nguy hiểm vì một trong số mấy gã nhân tình già của nó ngắm nghía nàng mấy cuộc đi chung thì nó quay sang “cắn” nàng. Thế là tan một tình bạn hơi thân thân. Nàng đâu ngạc nhiên. Nhưng nàng vẫn tin nó chừa nàng ra, vì nàng là ân nhân của nó. Gã bán phở bảo nàng chỉ con xấu xa đó để gã cho nó một trận bẽ mặt. Nàng ngăn phắt: Vô duyên, bỏ đi, bận lòng chi chuyện cáo chồn tào lao, có bao việc tốt đẹp để làm kìa ông. Nàng xưng hô với gã ông tui, do bằng tuổi, do cũng hơi thân thân. Nàng ít bạn gái thân. Nàng thích thân bạn trai hơn. Bạn trai không nhiều chuyện, không nhỏ bụng như bạn gái. Hồi mới biết nhau thấy gã gọi em ngọt sớt, xưng anh ngọt sớt Dậu cũng ừa ừa. Quen, chơi, thân mới biết bằng tuổi, nàng đổi cái rẹc. Gã bảo nàng đúng là thứ đàn bà bướng bỉnh. |
Gã từng ở tù. Gã vào trại 4 tháng, vợ gã theo người ta vô Phú Yên làm ăn, có con với người ta. Gã bảo mừng cho vợ đã tìm được chỗ nương tựa. Hồi gặp nhau cà phê nó cứ ôm gã khóc. Nước mắt đàn bà mặn như muối. Gã sợ nước mắt đàn bà, sợ hơn máu. Gã bảo đời gã làm trâu chó cũng chịu miễn vợ con hạnh phúc. Gã đâm chết người ta trong cơn đánh trả cuồng điên một mình với 5 tên say lên cơn dâm để cứu vợ bị sàm sỡ trong một đêm mưa lất phất. Khi tỉnh lại, thấy vợ ngồi khóc gào thảm thiết, bên cạnh một thằng mặt non choẹt mắt trợn ngược, công an, dân phố lớp trong lớp ngoài xôn xao, la ó. Vợ không việc làm, gã đi tù, nó cần tiền ăn, tiền son phấn áo quần, nó theo thằng lái xe chở mì làm vợ. Nó ấm thân. Gã nhận tin, chỉ cười nhếch mép. Đàn bà đã không mất nết thì thôi. Mất nết rồi thì cột nó vô chân giường nó vẫn hỏng. Gã bảo gã biết trước ngày này rồi. Buông nhẹ tênh. Gã ra tù trước hạn vì chấp hành án tốt. Trong tù gã quen mấy thằng phạm trọng tội nhưng tụi bạn gã là những đứa nghĩa tình. Đời và người xô đẩy dữ dội mà buộc phải ác. Ai chẳng muốn làm người lương thiện. Gã cứ toàn nói chuyện con vợ bỏ gã theo trai, mấy gã bạn phạm nhân hồi ở tù cho nàng nghe. Nàng nói toàn chuyện buồn/vui công ty, mẹ chồng, chồng cũ, đứa bạn xấu, sếp tốt sếp dở với gã. Những câu chuyện tào lao, không đầu không cuối song làm nàng thấy nhẹ người. Lâu nay nàng không có bạn. Giờ có gã. |
|
Ngày gã và Dậu làm mâm cơm mời hai họ và bà con xóm giềng chứng kiến hai người về một nhà. Người khen kẻ bĩu môi. Ả chủ nhà trọ bình dân đầu xóm la lên: Ối, thạc sĩ thạc sẽo hẳn hoi, tưởng lấy ai, hóa ra lấy thằng mãn tù về. Nàng nghe mà muốn rút lưỡi ả vứt cho Milo nhai. Thêm mụ kia trong công ty to nhỏ với mấy anh ả đồng nghiệp phòng C, K, L: Con nhỏ thạc sĩ này khác người, lấy hàng dữ à nhen. Gò má cao, mắt xếch thế kia không biết thằng chồng có thọ không? Nàng nghe Miều nói lại không sót dấu phẩy. Nàng không mời ai trong công ty hôm lễ cưới của gã và nàng. Không ai cả. Nàng không muốn thấy những thơn thớt nói cười được giấu che giả tạo sau môi son mắt phấn sành điệu. Sau tuần trăng mật, nàng gọi mụ kia đến phòng họp. Cửa đóng sập. Nàng nói chuyện theo cách của nàng, kiểu của vợ gã bán phở hè phố như chồng nàng dạy. Từ đó trở về sau và sau sau nữa, mụ đồng nghiệp nhìn thấy nàng là né né. Mắt mụ luôn cụp xuống mỗi lần nàng nhìn hay hỏi bất cứ điều gì. Gã từng bảo nàng: Em không phải dạng vừa đâu. Nàng bảo: Lành với bụt ai lành với ma. Sống một lần thôi, sống cho thẳng thớm. Gã bảo: Bây giờ gã tin trên đời này có thần linh, có Phật. Gã theo nàng ngày rằm mồng 1 tụng niệm cho Nam, ăn chay, làm việc thiện để mong Nam phù hộ cho gã và nàng rổ rá cạp lại mãi mãi. Gã bảo đời gã trúng số độc đắc. Thế mới biết, chẳng có nỗi buồn đau nào là mãi mãi! |
Nàng về họp gia đình chồng cũ, mẹ chồng bảo phải có mặt con Dậu. Nàng về. Ngồi chỗ nào cũng thấy lúng túng. Ngôi nhà rất quen thuộc, tháng về đôi bận thăm mẹ chồng, ngồi với bà nói chuyện cũ/mới mà hôm nay thấy mình vô duyên. Mẹ chồng vẫn nhớ nhớ quên quên. Bà có một bà bạn luật sư tên Lâm. Bà Lâm đang ngồi kia cười nói oang oang với em dâu. Nó vừa gọt xoài vừa nói oang oang chuyện buôn bán trái cây ngoài chợ Bùng Binh, nó chửi bọn buôn trái cây bẩn, thuốc ngâm, thuốc ủ, thuốc bôi lan tràn nhiễm độc người mua, nó bảo chưa bao giờ thấy người Việt ác với nhau vì tiền như lúc này. Trái cây, rau củ quả, bánh, sữa, gạo, mắm… cái gì cũng giàu hóa chất, con đường ra nghĩa địa từ miệng nhanh hơn bao giờ hết. Ai cũng gật gù tán thưởng và tỏ vẻ âu lo. Mẹ chồng ngồi nhìn nàng âu yếm, bà bảo: Có cháu đi cho mẹ kịp bồng. Nàng dạ nhẹ như gió thoảng. Em dâu đã sẩy ba lần, ba lần nó ra nhà nàng khóc oang oang rồi chạy vềchợ,lại ngày qua ngày quần quật bán buôn. Con Tây đẻ hai đứa con gái, gia đình nhà chồng nó suốt ngày mát mẻ bóng gió vô phước vô hậu, sau này chết không ai ôm di ảnh, không ai cúng giỗ. Con Tây lộn ruột không cho con về nhà nội chơi. Ông bà nhớ cháu lại phải bắt taxi sang thăm. Con Tây được dịp mát mẻ, bóng gió: Bố mẹ bảo anh Đức kiếm vợ nhỏ mà đẻ đứa cháu trai, con trứng thối hết rồi, bó tay. Nhanh nhanh còn kịp kẻo sau này anh ấy bia rượu riết rồi ươn hết người, chả có nổi đứa cháu chống gậy đâu bố mẹ à! Ông bà nội từ đó không sang nhà sui gia lần nào nữa. Vợ chồng con Tây ba bữa, dăm bữa lại đánh chửi nhau như chó với mèo. Những khi ấy, bà nội nằm trong buồng, mở ti vi hát oang oang. |
Những lúc ấy, em dâu đang quần quật bưng bê hàng, đăm đăm đếm tiền dưới chợ, thằng Bắc đi nhậu với bạn bè. Những lúc ấy, Dậu bên gã chồng bán phở đẹp trai cơ bắp cuồn cuộn, chạy bàn tới lui mỏi nhừ hai cẳng… Cuộc sống quá nhiều vui buồn lộn xộn. Với nàng cuộc sống đơn giản như tô phở chồng múc cho cuối giờ chiều, khi vừa tan sở, mệt bã bời và đói hoa mắt. Tô phở làm ấm ruột, hồng hào da dẻ, tay chân căng giãn, đủ sức chạy bàn đến 9 – 10 giờ mỗi đêm và thu dọn quán xá về nhà ôm nhau ngủ trước 12 giờ mỗi khuya. Và anh luôn khép lại ngày bằng câu: Tất cả để lại đấy, mai anh lo!… Cuộc họp trôi qua, mẹ chồng quyết định chia tài sản cho các con, bà muốn ở với nàng, với vợ chồng thằng Nam con Dậu. Nàng lại khóc như mưa. Ôi mẹ chồng, 6 năm rồi bao thay đổi, đổi thay. Mẹ chồng vẫn nghĩ Nam còn sống, vẫn nghĩ nàng và Nam đang bên nhau. Mẹ bảo mai mẹ dọn quần áo đồ đạc ra nhà chị cả Dậu, tụi bay tự lo lấy nhau. Không ai nói tiếng nào. Em dâu bảo chiều mẹ đi, chẳng được mấy nỗi nữa. Bà lẫn lắm rồi! Bà cho chị 800 triệu, tụi em thống nhất, bác Lâm làm di chúc cho mẹ đầy đủ lắm, chị xứng đáng. Vợ chồng em ở căn nhà này, đất bên phường Tây Sơn mẹ cho cô Tây, tiền tiết kiệm lâu nay của mẹ đấy, mẹ cho chị. Bà ở với chị tụi em cũng yên tâm lo làm ăn. Bà mất, nhà ta lo cho bà nằm bên ông và anh Nam mồ mả đẹp đẽ. Cả nhà ai ý kiến gì giơ tay? Im phắc. Tiếng đồng hồ tạch tạc. Bác Lâm bảo thế là xong xuôi tốt đẹp. Cái Dậu về nói với chồng chuyện là vậy để chú ấy hiểu mà thương lấy mẹ chồng cũ. Nàng cười trong nước mắt. Nước mắt của đứa con gái lấy chồng xa quê, được mẹ chồng bày vẽ từng chút từ chuyện nấu cá, kho dưa, bóp gỏi đến chuyện báo đáp hiếu hỉ nội ngoại xóm giềng, được mẹ bóp gió xoa dầu cho ngày trở giời nhức mỏi, được mẹ chườm đá cho khi dính cơn sốt giữa chiều, được bà che chắn mỗi khi chồng ghen tuông hờn dỗi, được nhớ nhớ quên quên cùng mẹ ngày anh tai nạn qua đời… Còn bây giờ, anh và nàng sẽ bán phở mỗi chiều đến khuya quán nhỏ đầu đường lối vào hẻm nhà nàng. Quán thuê giá 2tr/tháng. Nàng và mẹ chồng sẽ phụ bưng bê dọn dẹp. Chiều nào cũng như chiều nào. Ngày nắng cũng như ngày mưa. |
Ngày vợ chồng Dậu khai trương quán phở đường Nguyễn Tuân, hoa chúc mừng hai hàng đặt từ sân vào đến cửa rực rỡ thơm ngát. Mẹ chồng mặc áo dài nhung tím, ngồi thong thả nhận lời chào, chúc mừng của bạn bè gần xa đến chung vui với vợ chồng nàng. Bà luôn miệng cười nói vui lắm, vui quá. Quán giờ đã có 4 nhân viên phục vụ trẻ đẹp, nhanh thoăn thoắt nhưng cứ cuối giờ chiều khách đến ăn đã quen với hình ảnh bà cụ áo bà ba nhung tím, xanh, nâu, trắng bưng rau, bưng chanh ớt cho khách rồi vỗ vỗ vào lưng dặn dò rưng rưng: Ăn no rồi đi về cẩn thận đấy nhé con! Khách cũng quen bóng cô chủtóc búi cao, hay cười him him mắt chạy ra chạy vô rối rít bưng bê, lau chùi, thu tiền và cúi đầu cảm ơn khách rối rít. Khách địa phương gọi quán phở cô Ba him, khách du lịch gọi đúng tên quán: Nhớ. |
Gia Lai, 22/10/2017 |
Hoàng Thanh Hương |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét