Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Giỏi & Giàu

Giỏi & Giàu
Copy từ http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=38&macmp=38&mabb=97837 ;tác giả: H.Đ ; đã đăng ngày 09/03/2018, 22:17 trong mục Diễn đàn.
Những năm gần đây, theo đà phát triển kinh tế của đất nước, số lượng doanh nhân nước ta tăng lên nhanh chóng, trong đó có nhiều người rất giàu có trong tay hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, số tỉ phú đôla (USD) là doanh nhân Việt Nam thì rất hiếm hoi. Năm 2017, Việt Nam chỉ có hai doanh nhân nằm trong danh sách tỉ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng giám đốc Hãng hàng không VietJet). Sang năm 2018, tỉ phú USD thứ 3 tại Việt Nam với khối tài sản 1,2 tỉ USD đã được điền tên vào danh sách là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN).
Có thể nói, đây là một tin vui không chỉ với cá nhân hay DN, mà còn là tin vui cho nền kinh tế đất nước. Bởi có thêm một tỉ phú USD có nghĩa là nền kinh tế đất nước có thêm một DN có tầm cỡ ở phạm vi toàn cầu. Quy mô DN càng lớn, vốn liếng càng nhiều sẽ càng tạo ra nhiều việc làm, nhiều thu nhập cho người lao động, nhiều thuế cho ngân sách nhà nước. Sự nghiệp của một doanh nhân từ khi khởi nghiệp gầy dựng DN đến khi trở thành tỉ phú là một chặng đường gian nan với sóng gió thương trường. Thành tựu mà họ có được trong hoạt động kinh doanh, khối tài sản khổng lồ mà họ sở hữu khi trở thành tỉ phú USD, chính là kết quả của một quá trình nỗ lực đầy “lao tâm khổ trí”. Do đó, có thể nói đây là một danh hiệu đáng trân trọng và rất đáng tự hào chỉ dành cho những doanh nhân tài giỏi và sáng tạo trong môi trường kinh doanh cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Danh sách các tỉ phú Việt Nam càng dài thì nền kinh tế Việt Nam càng vững mạnh, các doanh nhân trẻ càng có thêm động lực và quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu từ những tấm gương này. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là có không ít doanh nhân vừa khởi nghiệp đã đặt ra cho mình những mục tiêu trở thành triệu phú, tỉ phú nên đã chọn cho mình con đường kinh doanh hàm chứa nhiều rủi ro, thậm chí vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh. Và tất nhiên, với những người như vậy kết quả tất yếu là… thất bại.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang bước vào thời kỳ tăng tốc phát triển để hội nhập với thế giới. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Việt Nam hiện nay là một thị trường kinh doanh đầy tiềm năng để các doanh nhân có khát vọng làm giàu biến ước mơ thành hiện thực nếu có quyết tâm khởi nghiệp, có tinh thần sáng tạo và nỗ lực vượt bậc. Với các doanh nhân Việt Nam, có lẽ bài học kinh nghiệm về sự thành công cũng như những thất bại đã nếm trải của các tỉ phú USD như ông Vượng, bà Thảo, ông Quang sẽ là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Trong đó, các kinh nghiệm mang đến thành công cho các tỉ phú USD Việt Nam như dám đặt ra và vươn tới chuẩn mực quốc tế, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và đặc biệt ý thức thượng tôn pháp luật, giữ gìn uy tín, đạo đức kinh doanh… là nguồn cảm hứng tích cực cần được nhân lên ngày càng nhiều để đất nước có thêm những người Giỏi & Giàu như họ.
H.Đ
dvnien sưu tầm thêm: Chân dung bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, là một nữ doanh nhân, tỷ phú hiện trên cương vị là tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.
Được biết, sau khi học chuyên ngành Kinh tế và tài chính tại Nga vào những năm 1980, bà Thảo đã khởi nghiệp kinh doanh hàng hóa tại Đông Âu và châu Á. Bà quay lại Việt Nam từ 1 thập kỷ trước và bắt đầu đầu tư vào ngân hàng, trước khi tham gia vào các dự án bất động sản lớn tại TP Hồ Chí Minh và những khu nghỉ dưỡng ở miền trung.
Theo giới thiệu trên trang web của tập đoàn Sovico, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo là Chủ tịch HĐQT - Cổ đông sáng lập của Tập đoàn Sovico Holdings; Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Hãng hàng không VietJet, đồng thời, là Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực HDBank. Bà là Cử nhân Kinh tế và Tín dụng - Ngân hàng, Tiến sỹ Kinh tế, Ủy viên sáng lập Viện Hàn lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên Bang Nga.
Theo thông tin đăng tải trên báo chí, tháng 12/2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo mở hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam mang tên Vietjet. Chỉ 5 năm sau đó, Vietjet Air đã hoàn thành thương vụ IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Sài Gòn và hiện họ chiếm hơn 40% thị phần hàng không trong nước và đạt doanh thu 1,2 tỷ USD.
Thành công của Vietjet Air đã giúp bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú duy nhất của khu vực Đông Nam Á và là tỷ phú đô la thứ 2 của Việt Nam.

Không có nhận xét nào: