Lý do hàng trăm ngàn thanh niên Nhật Bản tự nhốt mình trong nhà
( Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/334718/ly-do-hang-tram-ngan-thanh-nien-nhat-ban-tu-nhot-minh-trong-nha.html ; đăng ngày 18-10-16, mục Giáo dục > Gương mặt trẻ.)
Hơn nửa triệu người trẻ Nhật Bản đang xa lánh xã hội và chọn cho mình cuộc sống cô lập – theo một khảo sát mới được công bố bởi Chính phủ nước này.
Hàng trăm nghìn người Nhật Bản đang mắc hiện tượng "hikikomori" - tự nhốt mình trong nhà từ 6 tháng trở lên |
Hiện tượng có tên là “hikikomori” được đưa ra bởi Bộ Phúc lợi, Lao động và Y tế Nhật Bản để nói về một người nhốt mình trong nhà từ 6 tháng trở lên mà không đến trường, đi làm hay ra ngoài để tiếp xúc với xã hội.
Khảo sát cho thấy, 541.000 người từ 15 tới 39 tuổi hiện đang sống cô lập. Con số này đã thấp hơn con số ước tính trong cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các vào năm 2010 khi 696.000 người được cho là đã thoát khỏi hiện tượng “hikikomori”.
Tờ The Japan Times cho biết, những người tự nhốt mình trong nhà ít nhất 7 năm chiếm 35% tổng số, trong đó những người nhốt mình từ 3 đến 5 năm chiếm 29%.
Số người sống ẩn dật có độ tuổi cao hơn – từ 35 đến 39 tuổi – đã tăng gấp đôi trong 6 năm – khảo sát cho hay.
Lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1990, hiện tượng này chưa được phân loại như một căn bệnh rối loạn chính thức và cũng không có biện pháp điều trị nào được đưa ra.
Các bác sĩ tin rằng những ảnh hưởng tâm lý và văn hóa đều khiến người trẻ cảm thấy họ cần phải cô lập mình.
Hiện tượng này phổ biến hơn ở đàn ông – những người phải đối mặt với những áp lực lớn để thành công sớm trong cuộc sống - ở cả trường học và sự nghiệp.
Hiện tượng này cũng phổ biến hơn ở tầng lớp trung lưu – những người tự cô lập mình thường là những người được giáo dục tốt. Họ thường chơi trò chơi điện tử, đọc truyện tranh ở nhà thay vì tiếp xúc với người khác.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học nói rằng hiện tượng này không phải do lười biếng.
Ông Tamaki Saito – chuyên gia tâm lý học người Nhật Bản – đã miêu tả hiện tượng này là “đau khổ trong tâm trí”.
“Họ muốn ra ngoài thế giới – họ muốn kết bạn và có người yêu, nhưng họ không thể” – ông chia sẻ với BBC.
“Hikikomori” cũng không phải là hiện tượng của riêng Nhật Bản. Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy những trường hợp sống cô lập kiểu “hikikomori” cũng xuất hiện ở Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha và các quốc gia khác.
- Nguyễn Thảo(Theo The Independent)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét