Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Ai gây lụt?

Ai gây lụt?
Copy từ http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ai-gay-lut-3484016.html?utm_source=home&utm_medium=box_gocnhin_home&utm_campaign=boxtracking ; đăng ngày 15-10-16, mục Góc nhìn.
Hà Tĩnh lũ. Quảng Bình lụt. Giở báo, xem đài, lại thấy những biển nước mênh mông và không khỏi nghĩ về những con người loay hoay trong cơn lũ ấy.
Có những người sẽ lại mất tất cả, nuốt nước mắt làm lại từ đầu sau trận lũ này. Và ngay khi cơn lũ còn chưa qua, lại một cơn bão nữa ngoài biển Đông đang chực chờ ập đến.
Tôi vừa trở về từ Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai, nơi cũng mới trải qua một trận lũ quét kinh hoàng cuốn đi nhiều nhà cửa và vùi lấp nhiều ruộng nương. Những mảnh ruộng lớn vùi trong cát, bà con đang loay hoay trồng khoai lang lên nơi từng là bờ xôi ruộng mật. Những căn nhà bị lũ chặt làm đôi, những cái cột tạm chống lên để giữ những gì còn lại bên bờ con vực mới được hình thành.
Và cứ mỗi trận lũ lớn, người ta lại chỉ tay về phía những cánh rừng. Từ lâu, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của lũ lụt, đặc biệt ở miền Trung đã được chỉ ra là diện tích rừng phòng hộ; rừng đầu nguồn bị thu hẹp. Thảm thực vật bị suy kiệt làm tăng tốc độ dòng chảy mặt nước.
Thế ai bảo vệ rừng? Tôi đi tìm câu trả lời ấy ở Lào Cai, giữa những con người đang loay hoay dựng lại thôn bản sau trận lũ lớn. Ở đó, có một thôn không bị lũ quét. Chủ tịch xã nói, không chắc lắm, vì chưa có bằng chứng khoa học, nhưng có thể là bởi thôn ấy còn rừng.
Đó là thôn Sải Duồn. Người già làng nói với tôi rằng rừng nơi này cũng từng bị phá tan hoang. Đấy là 30 năm trước, chẳng có luật pháp nào bảo vệ chúng, ai đi qua tiện tay cũng có thể vác về một cây gỗ. Người xã khác mò vào kéo cây lớn đi. Chẳng ai làm gì. Thế rồi năm 1988, già làng quyết định rằng thôn sẽ tự giữ rừng. Không chờ nhà nước nữa. Họ tự lập đội tuần tra. Họ bắt giữ những kẻ phá rừng. Họ áp mức nộp phạt lên bất kỳ ai chặt cây trong rừng, kể cả người trong thôn.
Lý do rất đơn giản, là có rừng, thì có nguồn nước, và không sợ lũ. Già làng cấm mọi người dùng cả thuốc diệt cỏ, vì đất cần có rễ của thảm thực vật mới chắc chắn. “Không có rễ cây thì đất như tro bếp, mưa xuống là sạt thôi”.
Ba mươi năm, rừng Sải Duồn giờ đã lớn, cây đã to trở lại. Tôi hỏi già làng, rằng ngày ấy, khi nhà nước chưa giao rừng, tự giữ người, tự bắt nộp phạt như thế có phải là bất hợp pháp không. “Bất hợp pháp đấy. Nhưng mình không giữ rừng thì ai giữ?”.
Nhưng đó chỉ là nỗ lực tự phát của một cộng đồng. Giao rừng cho cộng đồng thôn bản tự giữ, cho đến tận giờ vẫn là chủ đề nóng và loay hoay của các bộ ngành. Nhiều vấn đề còn tranh cãi. Nhưng có một thực tế quan trọng, là rừng của ban quản lý không được giữ tốt bằng rừng của bà con: họ sống cùng rừng và nâng niu chúng không chỉ bởi giá trị tự nhiên, mà còn bởi giá trị văn hoá và đặc biệt là tâm linh của người đồng bào. Rừng thì gần, kiểm lâm thì xa.
Mới đây, có một chuyện bi hài xảy ra ở Đăk Lăk, khi người dân bắt được xe chở gỗ lậu, nhưng gọi kiểm lâm trong đêm thì kiểm lâm “sợ quá không tới”. Đó không phải là một vấn đề mới: bà con thường xuyên không biết làm gì với lâm tặc ngay cả khi bắt được, gọi kiểm lâm thì xa xôi, chờ đợi hàng mấy ngày. Có những nơi xe gỗ lậu đi qua, bà con nhìn thấy nhưng mặc kệ.
Trong khi đó thì Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã tồn tại 12 năm qua đến giờ vẫn chưa xác định được rõ ràng là loại rừng gì thì giao cho thôn bản. Luật ghi “Khu rừng hiện cộng đồng dân cư thôn đang quản lý, sử dụng có hiệu quả” thì giao cho bà con, nhưng định tính thế thì chẳng ai biết là loại rừng gì thì giao, thế nào là hiệu quả?
Một trong những quyết định lớn đầu tiên của chính phủ nhiệm kỳ này, là đóng cửa rừng tự nhiên. Một nỗ lực đáng ghi nhận. Sẽ không có một cánh rừng tự nhiên nào được chuyển thành thuỷ điện hay resort nữa. Nhưng còn nhiều việc để làm. Một trong những việc ấy, là làm thế nào để chính những người chủ thực sự của những cánh rừng, có quyết tâm giữ rừng.
Một cái cưa máy trên thượng nguồn không chỉ đốn hạ một thân cây, mà nó chém thẳng vào cuộc đời của hàng nghìn con người trong vùng nhạy cảm với lũ. Nước mắt sẽ còn rơi nhiều sau những cơn “mưa cực đoan”.
Ở một nơi không có điện, nơi đồng bào không được đi học, tôi đã gặp những con người có thể dạy cho bất kỳ ai về “rừng vàng”. Ở đó, bên bếp lửa, già làng nói tiếng Kinh không sõi lắm, uống rượu nhiều, nhưng phân tích cho tôi hiểu, rằng lũ lụt, không hoàn toàn là tại ông trời.
Mình không giữ thì ai giữ? - ông hỏi tôi. Tôi cũng muốn hỏi “ai”, nhưng biết đó sẽ là một câu trả lời rất khó.

Đức Hoàng ( http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ )

Không có nhận xét nào: