Chuyện lạ tại Tập đoàn Hóa chất
( Copy từ http://www.tienphong.vn/kinh-te/chuyen-la-tai-tap-doan-hoa-chat-1064197.tpo; tác giả: Phạm Tuyên, đăng ngày 20-10-16.)
TP - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sa lầy với những “quả đắng” từ việc đầu tư các dự án khủng bị thua lỗ và đắp chiếu với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, mới đây phải “cầu cứu” Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra tay giải cứu. Bên cạnh đó, Vinachem còn phải đối mặt với những rắc rối khi bổ nhiệm người nhà lãnh đạo vào các vị trí quan trọng tại tập đoàn này.
Nhà máy Đạm Ninh Bình phải đắp chiếu vì càng sản xuất càng lỗ từ tháng 3/2016 đến nay. Ảnh: Minh Đức.
Bài 1: Sa lầy với những dự án khủng
Báo cáo Bộ Công Thương, lãnh đạo Vinachem thừa nhận tập đoàn đang khó khăn “mọi mặt bủa vây”, trong đó chủ yếu đến từ những dự án thua lỗ như DAP Lào Cai, Hải Phòng, Hóa chất Hà Bắc và dự án đang phải đắp chiếu Đạm Ninh Bình.
Theo bản báo cáo này của Vinachem, bên cạnh việc phải đối mặt với nhiều đơn vị thành viên gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, việc các dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng bị sa lầy trong nợ và thua lỗ đang khiến tập đoàn bị hụt hơi. Vinachem cho biết, dự báo năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp của tập đoàn sẽ giảm 8,5% so với kế hoạch, doanh thu cũng giảm 9,4%. Lợi nhuận ước tính bị âm 806 tỷ đồng.
Mở mắt là lo trả nợ
Các báo cáo của Vinachem cho thấy, chỉ riêng với dự án đạm Ninh Bình, hằng năm Vinachem phải trả khoảng 1.000 tỷ đồng tiền lãi vay ngân hàng. 6 tháng đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ 457 tỷ đồng. Lỗ lũy kế từ khi đi vào vận hành năm 2012 đến nay của Đạm Ninh Bình đã ở mức 2.693 tỷ đồng.
Một gánh nặng nữa của Vinachem chính là việc dự án nhà máy phân đạm Hà Bắc hiện phải đối mặt với khoản nợ vay trên 7.000 tỷ đồng và khoản thua lỗ 675 tỷ đồng trong năm 2015. Dự kiến, năm 2016 dự án này tiếp tục bị lỗ 793 tỷ đồng. Để giảm bớt gánh nặng, Vinachem đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép công ty được giãn khấu hao tài sản cố định 50% trong năm 2016 và 2017 và 30% trong năm 2018 tương tự cơ chế đã được áp dụng tại Đạm Ninh Bình.
Một dự án trọng điểm khác và cũng là gánh nặng của ngành hóa chất chính dự án Nhà máy DAP đặt tại Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) với tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD. Nhà máy DAP Đình Vũ cũng được Vinachem giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện theo phương thức EPC. Dự án được khởi công từ năm 2003, nhưng mãi đến năm 2009 mới cơ bản hoàn thành. Sau khi đi vào vận hành, sản phẩm của nhà máy này cũng không đạt tiêu chuẩn chất lượng như thiết kế ban đầu, chỉ ra được phân bón DAP có hàm lượng hơn 61%. Nhà thầu Trung Quốc không tìm được biện pháp khắc phục nhược điểm về kỹ thuật công nghệ, đành chấp nhận chịu phạt để rút lui. Sau hai năm bàn giao, DAP Đình Vũ bắt đầu thua lỗ vì tồn đọng sản phẩm. 6 tháng đầu năm 2016, công ty chịu lỗ ròng 212,2 tỷ đồng.
Một lãnh đạo của Vinachem trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong gần đây thừa nhận, tình hình hoạt động của tập đoàn thật sự khó khăn khi mỗi ngày thức dậy là lãnh đạo phải nghĩ tới số tiền trả lãi tính bình quân 2,6 tỷ đồng/ngày cho Nhà máy đạm Ninh Bình và cũng chừng 2,2 tỷ đồng tiền trả lãi/ngày cho dự án nhà máy đạm Hà Bắc.
Xin ưu đãi để cứu quả đắng đầu tư khủng
Nhiều chuyên gia kinh tế và cả chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, chính việc đầu tư ồ ạt, không tính được hết hiệu quả kinh tế, biến động thị trường và đặc biệt là việc lao đầu vào đầu tư công nghệ sản xuất đạm từ than dẫn đến nhiều dự án sản xuất phân đạm của tập đoàn hóa chất này bị mắc kẹt trong khó khăn như hiện nay. Việc sử dụng nhiều thiết bị, công nghệ Trung Quốc trong các dự án sản xuất phân đạm của Vinachem cũng là yếu tố khiến nhà máy hoạt động không hiệu quả.
Điều này thậm chí được Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường thừa nhận trong một văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hồi năm 2014 khi thừa nhận việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cho nhà máy đạm gặp khó khăn do phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất thường xảy ra các sự cố nhỏ, tiêu hao định mức chưa đạt mức thiết kế.
Năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Hanichemco) triển khai dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD, nguồn vốn tự có 102 triệu USD, vốn vay tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng. Theo đề án, khi đi vào vận hành nhà máy có năng lực sản xuất 500.000 tấn urê/năm và nếu hoạt động suôn sẻ, năm 2019 Đạm Hà Bắc sẽ hết lỗ lũy kế.
Tháng 9 vừa qua, Vinachem đã có văn bản “cầu cứu” Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện các biện pháp giải cứu các dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đang mắc kẹt trong lỗ và nợ. Tại văn bản này, Vinachem kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn với số tiền 2.708 tỷ đồng. Cùng đó, tập đoàn cũng kiến nghị cho phép khoanh nợ khoản vay của Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình tại ngân hàng Eximbank Trung Quốc trong thời gian 5 năm, từ năm 2016 đến 2020 và không phải trả nợ gốc và lãi phát sinh trong 5 năm này.
“Đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt xem xét cho phép điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho dự án Đạm Ninh Bình (371,7 tỷ đồng) và dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc (3.043 tỷ đồng) về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư hiện hành của Nhà nước là 8,55%/năm”, Vinachem đề xuất. Thậm chí, lãnh đạo Vinachem cũng kiến nghị Bộ Công Thương không tiếp tục xem xét, cấp phép đầu tư dự án sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp, nhất là các loại phân bón mà trong nước đã sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét