Bồ hòn kháng nấm, trị bệnh ngoài da
(Copy từ http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161014/bo-hon-khang-nam-tri-benh-ngoai-da/1188016.html ; tác giả: DS Lê Kim Phụng ; đã đăng ngày 14-10-16 lúc 10:32, mục Sống khỏe.)
- Giống như trái bồ kết, bồ hòn được xem như là một loại thảo dược nổi tiếng trong kho tàng dược liệu.
Cây bồ hòn - Sapindus saponaria - Ảnh: Theo: "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" |
Bồ hòn, tên khoa học là Sapindus mukorossi thuộc họ bồ hòn Sapindaceae, tên tiếng Anh gọi là Soapnut.
Cây bồ hòn mọc nhiều từ vùng ôn đới đến nhiệt đới. Bồ hòn ra hoa vào mùa hè. Mùa quả từ tháng 7 đến tháng 12. Trái có một hạt nhỏ màu đen, mịn và cứng.
7 lợi ích của bồ hòn
1. Chữa các bệnh ngoài da: nước từ quả bồ hòn có tính chất như một loại sữa rửa mặt lý tưởng và tốt cho da, giúp da mịn và mềm mại. Nó giúp chữa được các bệnh ngoài da như vẩy nến và eczema, loại bỏ mụn đầu đen, mụn mủ và tàn nhang.
2. Chữa côn trùng đốt: nước ngâm quả bồ hòn bôi tại chỗ có tác dụng loại bỏ và hủy nọc độc của rắn hay bò cạp ra khỏi cơ thể.
3. Kháng nấm tóc: gội bằng nước bồ hòn có tác dụng khử các loại nấm da và nấm tóc.
4. Chống gàu: chỉ cần thoa lên tóc dung dịch nước quả bồ hòn và để yên trong vài phút, sau đó gội sạch da đầu bằng nước sạch sẽ giúp làm sạch các mảng trắng và gàu bám trên da đầu.
5. Nước rửa mặt, hoặc để cạo râu, thay cho việc sử dụng các loại sữa rửa mặt khác: pha một ít nước quả bồ hòn và thêm vào 1-2 giọt tinh dầu chanh, sau đó rửa mặt sẽ giúp cho làn da sạch và đẹp.
6. Làm nước gội đầu, tốt cho tóc: từ thời Trung cổ, bồ hòn đã được sử dụng cho tóc vì nó không chỉ làm sạch và mượt tóc mà còn chữa được các chứng bệnh về tóc như gàu, ngứa da đầu... Người ta đã biết tự điều chế loại quả này để sử dụng trước khi có sự ra đời của các loại mỹ phẩm hoặc thuốc tẩy rửa từ hóa chất công nghiệp.
Cách làm đơn giản như sau: lấy lớp vỏ khô bên ngoài của quả (khoảng 7-10 mảnh), cho vào đó 1/2 lít nước rồi ngâm qua đêm. Sáng ra lọc lấy nước và gội đầu, sau đó xả lại với nước sạch.
Cách hai là lấy khoảng 10 vỏ quả khô đem xay thành bột, lấy 3 muỗng nhỏ bột này cho vào một chén nhỏ rồi thêm ít nước, trộn cho đều thành một khối sền sệt, cho thêm nước ép của 1 quả chanh và 2 muỗng sữa chua rồi trộn đều, sau đó thoa đều toàn bộ lên da đầu và tóc, nhất là ở các vùng tóc bị khô cháy, sau 15 phút thì xả lại tóc với nước sạch. Mỗi tuần áp dụng 2-3 lần.
Loại dầu gội tự nhiên này có thể được bào chế tại nhà và để dành trong chai lọ.
Lấy 15-16 quả và loại bỏ hạt, xay nhỏ và cho vào một chậu sắt (saponin kết hợp với Fe sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn cho mái tóc đen bóng), thêm khoảng 500ml nước ngâm trong 8 giờ hoặc để qua đêm để chiết hết saponin trong quả.
Sau đó lọc và đun sôi dung dịch này trong 10-15 phút, để nguội và đóng vào chai để dùng gội đầu. Khi gội có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu oải hương cho thơm tóc.
7. Giặt sạch quần áo và đồ trang sức: là phương pháp mà các chuyên gia Ấn Độ chuyên dùng. Đặt các món trang sức vào trong dung dịch lỏng của quả bồ hòn sẽ thấy các đồ vật trở nên sáng bóng hơn.
Cho 2 muỗng bột quả bồ hòn khô vào 1/2 xô nước, quậy đều, để yên trong 5 phút, sau đó cho tất cả quần áo vào ngâm trong 1 giờ và xả sạch. Tác dụng: làm sạch bụi bẩn và chất mồ hôi dầu trên quần áo.
Cách này giúp giữ màu quần áo, khăn mặt tốt mà không bị bay màu. Xà phòng từ bồ hòn không gây dị ứng và do đó rất tốt cho làn da cũng như đối với trẻ sơ sinh hoặc người có da nhạy cảm. Đây được xem là sản phẩm tuyệt vời để giặt quần áo trẻ em.
Một vài lưu ý
Chưa thấy tài liệu nói về độc tính của nó nhưng cần lưu ý tránh nước bồ hòn rơi trực tiếp vào mắt sẽ gây kích ứng, đỏ mắt, nếu thấy có triệu chứng như phát ban, đỏ da hoặc ngứa ngáy bất kỳ trên da hoặc tóc thì ngưng ngay lập tức vì cơ địa dị ứng với saponin trong quả bồ hòn.
Phụ nữ đang có thai những tháng đầu cũng được khuyến cáo không nên dùng nhiều. Trong y học cổ truyền người ta còn dùng bồ hòn để chữa bệnh tiểu đường, bệnh ngoài da và giảm béo phì.
DS Lê Kim Phụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét