Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Tổng thầu Trung Quốc tuyến đường sắt Cát Linh bị phê bình

Tổng thầu Trung Quốc tuyến đường sắt Cát Linh bị phê bình

(Copy từhttp://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/   đã đăng ngày 23-04-16, mục Giao thông) 

Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã yêu cầu thay thế nhà thầu ga La Thành do không đáp ứng được an toàn thi công, tiến độ của dự án. Tổng thầu EPC Trung Quốc cũng bị phê bình vì quản lý nhà thầu lỏng lẻo. 


Qua thực tế kiểm tra hiện trường của ga La Thành về công tác an toàn, Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đánh giá, hệ thống lưới an toàn bao quanh toàn bộ tầng 3 của ga này vẫn chưa được nhà thầu lắp dựng theo biện pháp được duyệt (chỉ lắp lưới chống bụi, không lắp lưới B40 chống vật rơi). Hệ thống lan can, sàn đạo tầng 1-2 còn tồn tại một số vị trí hở, thủng nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người lưu thông phía dưới.
Ban Quản lý dự án đường sắt, Tư vấn giám sát nhiều lần nhắc nhở trực tiếp nhà thầu ga La Thành là Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Trường Sơn với các lỗi này tại hiện trường, ghi nhật ký thi công, biên bản hiện trường, nhưng công tác khắc phục của nhà thầu rất chậm chạp.
tong-thau-trung-quoc-tuyen-duong-sat-cat-linh-bi-phe-binh
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn dang dở nhiều hạng mục. Ảnh: Bá Đô. 
Ngoài ra, nhà thầu ga La Thành phải hoàn thành kết cấu tầng 2-3 vào ngày 13/3, tuy nhiên, hiện tại ga La Thành vẫn chưa xong các cầu thang bộ tầng 2 và 4 góc đỉnh tầng ke ga, chậm tiến độ khoảng 40 ngày. Thời điểm này, nhà thầu huy động được hơn 30 công nhân, nhưng việc điều hành các tổ đội thi công của chỉ huy trưởng công trường và các cán bộ kỹ thuật của nhà thầu không sát sao, dẫn đến nhiều hạng mục phải sửa đi, sửa lại nhiều lần.
Ngoài ra, năng lực tài chính nhà thầu yếu nên có thời điểm không huy động được đủ số nhân công theo yêu cầu, không mua được các vật tư phụ trợ phục vụ cho thi công làm chậm tiến độ dự án.
Ban Quản lý dự án cũng phê bình Tổng thầu EPC quản lý hợp đồng với thầu phụ lỏng lẻo, không sát sao kiểm soát công trường nên để xảy ra nhiều tồn tại. Tổng thầu EPC phải hoàn toàn chịu trách nhiệm việc không đảm bảo an toàn, chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công của nhà ga La Thành bị chậm.
Tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh cuối năm 2016 dự án phải kết thúc và đưa tuyến đường sắt đi vào vận hành. Ông yêu cầu Tổng thầu, nhà thầu phụ phải chốt tiến độ, hoàn thành cơ bản 10 nhà ga vào cuối tháng 4; ga Cát Linh, Văn Khê hoàn thiện vào cuối tháng 7. Các khu Depot hoàn thành vào tháng 9; từ tháng 6 trở đi tiến hành làm ray và tà vẹt để hoàn thiện đường chạy tàu, hệ thống điện; song song với đó là kế hoạch đưa đoàn tàu về Việt Nam.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã liên tục chậm tiến độ, xảy ra một số vụ việc mất an toàn trong thi công, thậm chí từng gây tai nạn chết người năm 2014.
Đoàn Loan

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Đi tìm con chữ trên đồng

Đi tìm con chữ trên đồng
(Ch trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 420 của báo Tuổi Trẻ)
TTO - Cái nắng tháng 4 như đang thiêu đốt người nông dân trên đồng của huyện Tam Bình và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trong gian khó, họ vẫn lầm lũi để đổi lấy miếng cơm manh áo và hơn hết là để nuôi dưỡng ước mơ ăn học của con.
Đi tìm con chữ trên đồng
Bữa cơm trưa vội vã của vợ chồng chị Huệ - Ảnh: Thúy Hằng
“Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tỉnh Vĩnh Long * Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Vĩnh Long và Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam Tài trợ: Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam
Cơ cực của một đời nông dân khiến họ ý thức rằng chỉ có kiến thức mới đem lại tương lai tươi sáng cho các con, để dù là nông dân cũng phải là người nông dân có tri thức. Hi vọng sau lễ trao vốn vào sáng nay 23-4-16, họ có thêm một cơ hội vì hành trình đáng trân trọng ấy.
Đời nắng mưa
Nắng trời gay gắt khiến người ta rát cả da. Trong cái nắng ấy, vợ chồng chị Trần Thị Huệ và anh Huỳnh Văn Nam (xã Song Phú, huyện Tam Bình) vẫn miệt mài nhổ từng gốc mạ để giặm cho vuông lúa. Trên mặt anh chị mồ hôi nhễ nhại. Vừa giặm xong đám ruộng, vợ chồng vội trèo lên bờ ranh, đi về phía cái gốc me nhỏ có để sẵn giỏ xách cơm, nước.
Bữa trưa đã quá 12g. Trong giỏ chỉ có mỗi trái dưa leo, chai nước và hộp cơm với vài con cá kho bé tí, cong queo. Món ăn hằng ngày của vợ chồng thường là món cá khi thì kho, khi chiên do đứa con trai câu được vào mỗi buổi trưa sau 
khi đi học về.
Quệt vội mồ hôi, chị Huệ kể gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, không có đất sản xuất nên hằng ngày vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn. Ngày nào có người gọi đi xịt thuốc, bón phân thì anh Nam đi, còn chị đi giặm lúa, đi nhổ lông vịt. Ngày nào anh không đi xịt thuốc thì anh cũng theo chị đi giặm lúa mướn.
“Một ngày công từ sáng sớm, mình phải giặm luôn tới 2g chiều, nghỉ ăn trưa chừng 20 phút thôi. Nắng cũng ráng làm cho đúng theo yêu cầu của người ta, được trả công 80.000 đồng/người. Số tiền ấy lo cơm nước cho cả nhà cũng còn chút đỉnh tích cóp, để 
dành” - chị Huệ nói.
Ngoài làm thuê, trước đây vợ chồng chị cũng dành dụm và mượn hàng xóm được ít tiền, nuôi được mấy lứa vịt. Thế nhưng lứa nào cũng lỗ. Trong chuồng giờ chỉ còn lại hơn 20 con vịt “đẹt” bị thương lái chê nên không bán được.
Chị Huệ nói: “Hơn tháng trước bán được hơn 300 con. Còn mấy chục con này lái không lấy, để nuôi không có lúa cho nó ăn nên kêu vòng vòng xóm người ta cũng chê không mua”.
Thương cha mẹ quanh năm tần tảo, hai con của chị Huệ và anh Nam đều ngoan và học giỏi. Đứa con trai lớn Trần Thanh Điền, năm nay học lớp 9, ngoài thời gian học em tranh thủ đi tưới bầu giúp mẹ, rồi đi câu cá để cha mẹ có thức ăn mang đi làm.
Bé em Trần Thị Như Ý (mới học lớp 2) nhưng mỗi ngày đi học về đều tự giác mọi việc cá nhân rồi chơi thẩn thơ quanh nhà 
chờ cha mẹ về.
Đi tìm con chữ trên đồng
Bà Nguyễn Thị Tốt chắt chiu từng đồng từ công việc đan thảm - Ảnh: Thúy Hằng
Một mẹ, ba con và 21 năm cùng cực
21 năm, một chặng đường quá gian khó để một bà mẹ có thể đơn thân lo cho ba đứa con. Vậy mà bà Nguyễn Thị Tốt (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) đã một mình lo cho ba đứa trẻ có được miếng cơm manh áo, được đến trường như bạn bè.
Bà Tốt kể khi đang mang thai đứa con thứ ba, vì nghèo khó người chồng đã bỏ lại bà cùng các con thơ. Chồng đi biệt tăm, người đàn bà bất hạnh phải vừa làm mẹ, vừa làm cha của ba đứa trẻ. Được cha mẹ giúp đỡ, bà Tốt cất một căn nhà riêng rồi lo tìm đủ mọi việc để có tiền nuôi các con. Bà đi giặm lúa, nhổ cỏ, đan lục bình, đan thảm.
Ba người con của bà Tốt giờ đã là sinh viên đại học. Hằng ngày bà Tốt vẫn đan thảm, đi giặm lúa mướn để lo cho con. Gánh nặng của bà phần nào được san sẻ khi ba người con đã biết đi làm thêm để có tiền phụ giúp mẹ.
Ngày lễ, như bao người khác, bà Tốt cũng trông các con về thế nhưng đành lủi thủi một mình bên mâm cơm vì các con bận làm thêm. Bà tự an ủi: “Cứ một hai tuần là nó về thăm một lần, không đứa này thì đứa khác nên cũng đỡ nhớ. Con biết lo, mình cũng 
thấy an tâm phần nào”.
Mấy ngày qua, hay tin được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, bà Tốt đã lật đật đi dọn lại chuồng heo. Bà bảo cái chuồng đã bỏ trống từ trước tết đến giờ vì đợt heo trước bán xong bà lấy tiền cho con đóng học phí hết nên cụt vốn. Mấy tháng nay bà đan thảm dành dụm, định làm thêm ít đợt nữa, đủ tiền sẽ mua cặp heo mới.
“Ngồi đan một ngày được chừng 40.000 đồng, tui ở nhà hết đồ ăn thì quăng chài bắt cá nên không xài gì nhiều. Tiền làm được để ống đó khi nào con cần thì tui đưa, không thì để nuôi heo, nuôi vịt”.
Bà Tốt tâm sự đời mình khổ rồi nên không muốn các con phải vất vả như mẹ. Dù cực khổ cỡ nào cũng ráng nuôi con học hành, có cái nghề ổn định để tự lo cho bản thân. Cũng có lần một trong ba đứa con nghỉ học để đỡ đần mẹ nhưng bà nhất quyết không cho.
“Hơn 20 năm nay một tay tui nuôi ba chị em nó, sướng khổ gì cũng cùng chịu, không để đứa nào hi sinh vì đứa nào. Tui còn sức thì tui còn lo cho con” - bà Tốt nói.
Đi tìm con chữ trên đồng
Thạch Còn (phải) mò cua bắt ốc kiếm tiền phụ cha mẹ - Ảnh: Thúy Hằng
Cũng trong cái nắng tháng 4 gay gắt, hai đứa trẻ lặn ngụp trong một ao nước dưới ruộng. Đó là Thạch Còn (lớp 5, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh) và đứa em họ. Mới học lớp 5 nhưng Còn đã biết giúp cha mẹ đi bắt ốc, bắt cua đem ra chợ bán. Được vài chục ngàn Còn mang về đưa cho mẹ, em chỉ xin lại 
1.000 đồng để đi học.
Chị Thạch Thị Loan, mẹ Còn, cho biết từ nhỏ Còn đã phải chứng kiến cảnh mẹ thường xuyên quằn quại trong cơn đau, cha thì quanh năm làm thuê mới lo đủ bữa cơm cho cả gia đình.
Thương cha thương mẹ, Còn cố gắng học hành. Ở nhà Còn nấu cơm, nấu thuốc lo cho mẹ mỗi khi bệnh của mẹ tái phát. Đi học về chạy vòng vòng chơi một chút rồi xách thau ra ao hoặc xuống kênh mò cua bắt ốc.
Chị Loan nói: “Cách đây tám năm tui đột nhiên phát bệnh, vào viện điều trị hơn nửa tháng mới về được. Bác sĩ nói bị ung thư máu, điều trị suốt từ đó đến giờ, có một công đất cũng bán luôn rồi mà bệnh thì không có gì thuyên giảm”.
Gặp cha của Còn khi anh đang phụ hồ cho một gia đình, gồng mình ôm chồng gạch giữa trưa nắng, anh nói khẽ: “Tui chỉ mong vợ khỏe lại, hai mẹ con ở nhà lo cho nhau thì đi làm mướn ở xa cũng yên tâm hơn. Có vợ có chồng lo cho con nó được bằng bạn bè, chứ để nó đi mò cua bắt ốc kiểu đó vợ chồng tui đứt ruột lắm”.
Thúy Hằng

Bốn nhà báo nữ đi đến tận cùng sự thật

Bốn nhà báo nữ đi đến tận cùng sự thật
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160420/giai-pulitzer-bon-nha-bao-nu-di-den-cung-su-that/1087102.html ,đăng ngày 20-04-16, mục Thế giới > Châu Á sống động .
Đằng sau giải thưởng Pulitzer danh giá trao cho Hãng tin AP là cuộc đeo đuổi bền bỉ của bốn nữ nhà báo nhằm phanh phui câu chuyện nô lệ tàn nhẫn trong ngành đánh cá Đông Nam Á.
Bốn nữ phóng viên của AP, từ trái sang: Martha Mendoza, Robin McDowell, Esther Htusan và Margie Mason.
“Trong suốt một năm, trong các cuộc gọi mỗi sáng và tối, chúng tôi bàn định hướng với biên tập viên Mary Rajkumar, báo cho nhau các diễn tiến mới nhất, suy nghĩ các bước tiếp theo, giục nhau phải làm nhiều hơn nữa...” - nhà báo Martha Mendoza khiêm tốn kể lại hành trình điều tra cùng các đồng nghiệp Margie Mason, Robin McDowell và Esther Htusan.
Loạt bài “Seafood from slaves” (Hải sản do nô lệ đánh bắt) giúp AP lần đầu tiên đoạt giải ở hạng mục "Phục vụ cộng đồng" của Pulitzer. Trước đó hãng tin Mỹ này đã đoạt 52 giải Pulitzer, gồm giải 2013 cho loạt ảnh về nội chiến Syria và giải điều tra năm 2012 hé lộ việc cảnh sát New York (Mỹ) lén theo dõi người Hồi giáo.
Tôi nghĩ điều phi thường ở họ là sự quyết tâm không chùn bước cho đến khi họ chứng minh được mọi ngóc ngách của đề tài JOHN DANISZEWSKI (biên tập viên của AP)
Chấn động
Câu chuyện khai thác lao động kiểu nô lệ là một bí mật công khai trong ngành đánh cá ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, với những tội ác kinh khủng như buôn người, lạm dụng, cưỡng bức lao động và giết người.
Trước khi dấn thân vào đề tài gai góc này, mục tiêu của họ là thu hút càng nhiều sự chú ý của thế giới càng tốt. “Các chính phủ có thể gây sức ép lên Thái Lan... nhưng cho đến khi các công ty Mỹ, người tiêu dùng đòi hỏi sự thay đổi thì chúng ta mới có thể thấy được sự thay đổi” - nhà báo Mendoza kể với tờ Journal Times.
Để làm được điều này, họ phải tìm được những nô lệ thời mới và theo dấu những hải sản do nô lệ đánh bắt đến tận bàn ăn của các thực khách Mỹ. “Các cô có biết mình đang đuổi theo chén thánh không?” - một nguồn tin từng nói với họ. Nhưng các nữ nhà báo vẫn không dừng lại.
Tháng 3-2015, họ gây chấn động với bài đầu tiên "Slaves may have caught the fish you bought" (Cá bạn mua có thể là do nô lệ đánh bắt).
Tiếp nối sau đó là câu chuyện của hàng trăm nô lệ được giải cứu sau cuộc điều tra của họ, những người đàn ông đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm. Họ vẽ nên hành trình hải sản đi từ những tàu cá nô lệ sang đến Mỹ, buộc nhiều công ty quốc tế thừa nhận sử dụng nguồn hải sản do nô lệ đánh bắt và kêu gọi Mỹ tẩy chay nguồn tôm giá rẻ liên quan đến nạn cưỡng ép lao động.
Nhờ loạt bài này, hơn 2.000 công dân Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ trên những tàu thuyền đánh bắt cá. Hàng loạt kẻ buôn người bị bắt và số tàu, hải sản bị tịch thu trị giá hàng triệu USD. Tại Mỹ, nhiều công ty tuyên bố tẩy chay hàng loạt nhà cung cấp hải sản từ khu vực Đông Nam Á, trong đó có không ít doanh nghiệp đăng ký tại Thái Lan.
Tổng thống Barack Obama hồi đầu năm cũng ký luật cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn nô lệ.
Kết quả Thái Lan và Indonesia đã tiến hành những cuộc cải cách sâu rộng trong ngành đánh bắt cá ở hai quốc gia này. Thai Union - một trong những nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới - tuyên bố đã cho 1.200 nhân công làm tôm kiểu tạm bợ một công việc an toàn, ổn định với mức thu nhập tốt hơn.
Đăng hay không đăng?
Cuộc điều tra giờ đây được vinh danh nhưng đó là một hành trình đầy hiểm nguy. Sau một năm đào bới các thông tin, họ lên một chiếc phà gỗ đi đến làng Benjina nằm trên hòn đảo hẻo lánh của Indonesia để tìm đến căn cứ của một công ty hải sản lớn.
Họ thật sự sốc sau khi nói chuyện với những thủy thủ tàu cá, tận mắt thấy những người bị giam cầm và một nghĩa địa với hàng chục nấm mồ kế ngay bên công ty. Những thủy thủ đuổi theo họ trong đêm để dúi vào tay họ những mẩu giấy ghi tên và địa chỉ gia đình. “Làm ơn. Hãy báo với họ chúng tôi còn sống” - những con người tội nghiệp ấy van xin.
Họ biết mình sẽ có một câu chuyện lớn. Nhưng “chúng tôi không có thời gian suy nghĩ nhiều. Chúng tôi phải tập trung vào trách nhiệm mà chúng tôi vừa có trong tay và việc cần phải đưa ra một câu chuyện sẽ có ảnh hưởng thật sự” - cô Mendoza kể.
Họ lao vào tìm hiểu hướng đi của hải sản, làm sao để kể câu chuyện với các chi tiết chính xác, bảo vệ những người đàn ông này khỏi nguy cơ bị bóc lột và bị hại. “Đó là khoảng thời gian rất căng. Chúng tôi tự hỏi liệu sẽ có ai quan tâm nhưng chúng tôi cứ lao theo sứ mệnh” - Mendoza nhớ lại.
Đến khi có đủ tư liệu, họ đứng trước câu hỏi đầy nhân văn: đăng hay không câu chuyện mà các nô lệ đã liều mạng để kể với họ? Đăng bài viết với ảnh và tên đầy đủ sẽ vô cùng nguy hiểm cho các nô lệ. Nhưng làm mờ ảnh hay giấu tên sẽ làm mất đi sức mạnh của bài báo. Cuối cùng, họ thực hiện một chiến dịch giải cứu, nhờ đến Tổ chức Quốc tế về di cư phối hợp với cảnh sát Indonesia cứu thoát các nô lệ được nhắc đến trước khi đăng bài.
Mendoza cho biết một phần thưởng giá trị mà họ nhận được là giúp các nô lệ được đoàn tụ với gia đình. “Đó là những cuộc đoàn tụ đẹp đẽ dù nhiều người thấy tủi hổ vì trở về trắng tay. Một số hứa sẽ không rời gia đình nữa nhưng một vài người không thoát được cái nghèo đã trở lại Thái Lan” - Mendoza thừa nhận.
Tuy vậy, các nữ nhà báo của AP hi vọng công việc của mình sẽ thúc đẩy các đồng nghiệp. “Là nhà báo, chúng ta có thể khiến mọi người nhìn thấy bộ mặt thật của một bí mật mở. Điều đó rất khó khăn và có thể khiến ta kiệt quệ, nhưng điều quan trọng là đừng bỏ cuộc dù có người nói với ta rằng đó là điều bất khả thi. Dự án này là bằng chứng rằng báo chí có thể tạo ra sự khác biệt và thật sự cất lên tiếng nói cho những người vô hình”.
Trao giải cho đề tài chiến tranh, tị nạn, khủng bố...
Trong lễ trao giải thưởng báo chí Pulitzer tại Đại học Columbia, New York (Mỹ), trưởng ban giải thưởng Pulitzer Mike Pride ghi nhận: “Đây là một năm mạnh mẽ của nghề báo. Đã có một số làm vô cùng, vô cùng tốt ở những thử thách báo chí năm nay”. Các tác phẩm báo chí về những đề tài nóng trong năm qua như chiến tranh, tị nạn và khủng bố giành được nhiều hạng mục giải thưởng của Pulitzer năm nay, theo AFP.
Báo New York Times, tờ báo thắng lớn ở giải Pulitzer 2015, nhận được giải thưởng hạng mục phóng sự quốc tế cho loạt bài điều tra về tình trạng lạm dụng, phân biệt đối xử phụ nữ ở Afghanistan. Tờ báo cũng chia sẻ giải “Ảnh nóng” với Reuters về những người di cư xin tị nạn tại châu Âu.
“Chúng tôi muốn cho thế giới thấy điều gì đang diễn ra và rằng thế giới cũng quan tâm. Điều đó cho thấy rằng nhân tính vẫn tồn tại” - Yannis Behrakis, người dẫn đầu phóng sự ảnh của Reuters, chia sẻ.
Giải thưởng dành cho tác phẩm hư cấu được trao cho ông Nguyễn Thanh Việt - giáo sư người Mỹ gốc Việt - với tiểu thuyết The sympathizer liên quan chiến tranh Việt Nam và những vấn đề hậu chiến. Giải phi tiểu thuyết trao cho quyển sách Black flags: The rise of ISIS lý giải về nguyên nhân cuộc chiến Iraq và sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của tác giả Joby Warrick.
Bốn nữ phóng viên của AP, từ trái sang: Martha Mendoza, Robin McDowell, Esther Htusan và Margie Mason.
Trần Phương

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Đào tạo 350 tiến sĩ/năm không quá nhiều như dư luận bàn tán

Đào tạo 350 tiến sĩ/năm không quá nhiều như dư luận bàn tán
(Copy từ http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160422/dao-tao-350-tien-si-nam-khong-qua-nhieu-nhu-du-luan-ban-tan/1088770.html ; tác giả: Vĩnh Hà; đã đăng ngày 22-04-16 lúc 12:19.)
TTO - GS Võ Khánh Vinh, giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, đã phát biểu như vậy trong buổi họp báo xung quanh lùm xùm về việc chỉ trong một thời gian ngắn học viện đã cho “ra lò” quá nhiều tiến sĩ.
Đào tạo 350 tiến sĩ/năm không quá nhiều như dư luận bàn tán
GS Võ Khánh Vinh (phải) phát biểu trong buổi họp báo - Ảnh: Việt Dũng
"Dư năng lực đào tạo 350 chỉ tiêu tiến sĩ/năm"
Về nghi ngại của dư luận về số lượng TS được đào tạo của học viện, GS Võ Khánh Vinh khẳng định với chỉ tiêu đào tạo 350 TS/năm, học viện đang làm đúng quy định về chỉ tiêu, phù hợp với năng lực của học viện.
“Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hợp nhất từ 17 viện nghiên cứu vào năm 2010, hiện là học viện duy nhất chỉ đào tạo TS, thạc sĩ được Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, học viện đang đào tạo 36 ngành. Vì thế, với 350 chỉ tiêu, mỗi ngành chỉ đào tạo chưa đến 10 TS/năm”, GS Vinh giải thích.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo lớn thế này, học viện có 412 cán bộ cơ hữu, bao gồm 19 GS, 175 PGS, số còn lại là TS, trong đó có nhiều TS đã từng học tại học viện. Ngoài ra, học viện còn có khoảng 2.000 GS, PGS, TS thỉnh giảng và hướng dẫn.
“Tôi khẳng định với chỉ tiêu 350 chỉ tiêu mới/năm, chúng tôi vẫn còn dư năng lực”, GS Vinh nói.

10% NCS phải dừng bước
GS Võ Khánh Vinh cho biết mỗi năm học viện có khoảng 10% NCS không được bảo vệ. Trong số 90% được bảo vệ, thì cũng có khoảng 20% bảo vệ quá hạn.
GS Nguyễn Văn Hiệp, trưởng khoa ngôn ngữ của học viện, cũng cung cấp số liệu: năm 2009, có 17 đề tài NCS thì chỉ có 4 đề tài của NCS phải dừng vĩnh viễn, 1 đề tài phải gia hạn; năm 2010 có 20 đề tài, chỉ có 11 đề tài được bảo vệ đúng hạn, 2 đề tài phải dừng vĩnh viễn, còn lại phải gia hạn; năm 2012 có 13 đề tài, chỉ có 8 đề tài được bảo vệ đúng hạn.
“Với quy trình chặt chẽ, trong đó đa số thành viên hội đồng là chuyên gia mời bên ngoài học viện nên không thể lọt đề tài kém chất lượng”, ông Hiệp khẳng định.
Về số liệu nghiên cứu được công bố trên Web of Science ngày 21-4-2016 nêu: “Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) có 380 TS, GS, PGS trong năm 2015 chỉ công bố 3 bài báo ISI. Cũng năm 2015 Viện Khoa học xã hội VN chỉ công bố 260 bài báo quốc tế các loại, chiếm 1,15% so với tổng số bài báo quốc tế của VN. Trong khi tỉ lệ này của Viện Khoa học & công nghệ VN là 19,32%”, PGS Trần Thị An, đại diện cho Học viện khoa học xã hội, đính chính học viện năm qua công bố khoảng 400 bài báo trên các tạp chí quốc tế.
Giải thích thêm, GS Vũ Dũng, trưởng khoa tâm lý học của học viện, nói: “Nếu như lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ dễ dàng hơn trong việc kết nối và công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế thì ở lĩnh vực khoa học xã hội có rất nhiều nhạy cảm cần cân nhắc".
“Tôi vừa chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu rất tốt nhưng chúng tôi không thể đăng trên tạp chí quốc tế, vì cân nhắc tới vấn đề bí mật quốc gia, lợi ích quốc gia”, ông Vũ Dũng trao đổi.
Hành vi “nịnh” và “giao tiếp của chủ tịch xã” là các đề tài thiết thực
Đào tạo 350 tiến sĩ/năm không quá nhiều như dư luận bàn tán
PGS Trần Thị An (phải) phát biểu - Ảnh: Việt Dũng
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, nghiên cứu về hành vi “nịnh” không phải đề tài vu vơ. Ông Hiệp ví dụ nghiên cứu về tội phạm không phải khuyến khích tội phạm mà để ngăn ngừa.Vì thế nghiên cứu hành vi “nịnh” của người Việt là để hiểu và có tác động tích cực, thay đổi hành vi này. “Đây là một luận án hay,có ý nghĩa lý luận và thực tiễn”, ông Hiệp khẳng định.
Tương tự, GS Vũ Dũng cũng cho rằng đề tài “đặc điểm giao tiếp với người dân với chủ tịch xã” rất thiết thực.
“Hiện nay, VN có khoảng 11.000 đơn vị hành chính cấp xã, tương ứng với có 11.000 chủ tịch xã. Với số lượng lớn như thế, việc nghiên cứu về đề tài này không phải vô tác dụng”, ông Dũng chia sẻ.
“Việc cho rằng đề tài NCS phải to tát là một suy nghĩ không đúng”, GS Dũng nói.
Ông Dũng đưa ra ví dụ ở Hà Lan có những đề tài “chữ viết trong nhà vệ sinh”, hay “hiện tượng nhổ nước bọt ngoài đường”.
Đủ số lượng mới có kinh phí đào tạo chất lượng
GS Vũ Khánh Vinh đã nói như vậy khi trả lời chất vấn của báo giới về lo ngại số lượng TS được đào tạo quá lớn sẽ làm giảm chất lượng.
“Chúng tôi mong tới năm 2020, mỗi năm học viện có thể đáp ứng 450-500 chỉ tiêu đào tạo. Chỉ tiêu 350 NCS/năm như hiện nay chỉ ở mức trung bình, không quá nhiều như dư luận bàn tán”, GS Vinh nói.
Trần tình thêm, ông Vinh cho biết phải có đủ số lượng thì mới có kinh phí để đào tạo chất lượng. Vì hiện nay học viện chỉ được cấp số kinh phí để đảm bảo hoạt động cơ bản, còn việc đào tạo chủ yếu trông chờ vào học phí, với mục tiêu đủ trang trải. Trong khi đó, học phí hiện rất thấp, khoảng 15 triệu đồng/NCS/năm.
Hiện học viện đang xây dựng đề án tự chủ tài chính, theo đó học phí có thể nâng lên. Nhưng đó là việc lâu dài, còn trước mắt vẫn phải xoay xở trong nguồn kinh phí hạn hẹp.
Vĩnh Hà

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt

Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt
Copy từ báo Tuổi Trẻ, đăng ngày 20-04-16, mục Thời sự & Suy nghĩ.
TTO - Hàng nghìn phu vàng lũ lượt kéo nhau vào rừng chỉ để săn, tìm vàng và làm giàu cho những ông chủ của họ. Đằng sau câu chuyện ấy là gì?
Hình ảnh ba anh em ruột bị chết do ngạt khí ở một hầm vàng tại thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) được các phu vàng đồng hương cuộn tròn bó lại trong những túi nilông đưa về quê Kỳ Sơn (Nghệ An) trong đêm khuya đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ sập hầm, ngạt khí đau đớn vì vàng, mà trước đó rất, rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra ở khắp các cánh rừng già Quảng Nam.
Đâu đó dọc theo các triền sông, khe suối, trên các hốc đá... chênh vênh những am thờ nguội lạnh là minh chứng cho thân phận bọt bèo của những phu vàng viễn xứ “khố rách áo ôm” chỉ vì miếng ăn mà chấp nhận, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Từ lâu vàng đã trở thành một thứ ma lực không gì cưỡng nổi. Sức hút của thứ kim loại màu lóng lánh này đã khiến hàng nghìn con người lao vào tranh giành, đào xới, bất chấp mọi thứ. Và ở Quảng Nam trong suốt mấy chục năm qua, chưa khi nào những vùng đất vốn được dân đi tăm (khảo sát vàng) đánh dấu lại có được chút bình yên.
Hàng trăm con sông, suối, hàng nghìn hecta rừng đầu nguồn đã bị cày xới, đổi dòng chỉ vì vàng. Và hệ lụy là môi trường sinh thái bị phá hủy, đầu độc vô tội vạ bởi chất độc chết người xyanua. Nhưng ám ảnh hơn vẫn là cảnh hàng nghìn phu vàng lũ lượt kéo nhau vào rừng chỉ để săn, tìm vàng và làm giàu cho những ông chủ của họ.
Hiểm họa từ nạn khai thác vàng trái phép là điều ai cũng thấy rất rõ. Chính quyền Quảng Nam từ cấp tỉnh đến huyện, xã đã không biết bao nhiêu lần tổ chức truy quét, đẩy đuổi với hi vọng dẹp bỏ dứt điểm vấn nạn này. Nhưng tất cả đều thất bại. Vì sao?
Có rất nhiều câu trả lời để biện hộ cho sự thất bại này. Từ chuyện thiếu kinh phí để duy trì việc đẩy đuổi đến chuyện dung túng, bảo kê của cán bộ địa phương. Nhưng xét cho cùng, cái gốc của việc không dẹp được nạn vàng “tặc” vẫn là câu chuyện việc làm.
Nhiều năm qua, các vùng đất có vàng ở Quảng Nam đã chào đón hàng chục vạn lao động từ khắp các nơi đổ về mong tìm được việc làm ở những bãi vàng trái phép - nơi mà chỉ cần có sức khỏe và sự cam chịu.
Và trên thực tế ở những bãi vàng, “mùa bắt quân” là mùa sau tết. Thời điểm ấy, các chủ bãi thường tìm về các vùng quê nghèo (càng hẻo lánh càng tốt) để dụ dỗ, rủ rê những thanh niên vốn đang khát khao có được một việc làm. Thế rồi họ nghe theo những lời đường mật, hứa hẹn để vào rừng làm thuê dưới những ngóc hầm tăm tối suối ngày đêm.
Không ít phu vàng mặt còn non sữa vì không chịu nổi sự bóc lột của chủ bãi mà cắt rừng trốn thoát. Nhưng kết cục họ cũng phải chấp nhận quay trở lại làm kiếp phu vàng vì chẳng biết sẽ phải đi về đâu.
“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” - câu nói của người xưa xem ra quá đúng với những phận phu vàng viễn xứ. Nhưng những vàng “tặc” ở tận rừng xanh kia thì cuối cùng cũng chỉ vì việc làm, vì miếng cơm manh áo mà đành chấp nhận đánh đổi.
Vậy nên, ngoài việc chấn chỉnh công tác quản lý khai thác khoáng sản ở địa phương, giải pháp căn cơ cho việc dẹp bỏ dứt điểm nạn đào vàng trái phép có lẽ vẫn là tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, nhất là những thanh niên trai tráng. Đó mới là cái gốc của vấn đề.
Đăng Nam

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Ngập tràn nước mắt trong đám tang 9 học sinh đuối nước

Ngập tràn nước mắt trong đám tang 9 học sinh đuối nước
Copy từ http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ngap-tran-nuoc-mat-trong-dam-tang-9-hoc-sinh-duoi-nuoc-993986.tpo ,đăng ngày 18-04-16, mục Xã hội.
TPO - Đến chiều ngày 18/4/16, 9 thi thể học sinh trường THCS Nghĩa Hà (Thành phố Quảng Ngãi) bị đuối nước đã được gia đình, chính quyền và dân làng đưa về nơi an nghỉ. Nỗi đau xé lòng, những tiếng khóc ai oán khiến cả miền quê nghèo chìm trong đau thương, tang tóc.
Người thân và dân làng tiễn đưa linh cửu của các em trong nỗi đau nghẹn ngào.
15h chiều nay, thi thể 9 học sinh đuối nước được đưa về nơi an nghỉ trong niềm đau tột cùng. Thắp nén nhang lần cuối cho cậu học sinh Nguyễn Minh Hoàng, cô Phạm Thị Thùy Ngân, giáo viên chủ nhiệm của 9 em học sinh không giấu được nỗi đau mất học trò thân yêu. “Hoàng ơi. Các con ơi. Sao bỏ cô và các bạn mà đi…” cô Ngân bật khóc trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Bà Ngô Thị Hai, mẹ của em Hoàng như hóa điên dại. Đám táng con, bà Hai vẫn cầm sổ học bạ của con ra khoe với mọi người thành tích của con khiến người dân chứng kiến ai cũng phải bật khóc. Đến khi linh cửu của Hoàng được trai làng mang đi, bà Hai như bừng tỉnh, chồm người lên cố giữ lấy cổ quan tài, khóc nấc lên từng tiếng nghe não nề.
Người mẹ nghẹn ngào trong phút giây tiễn đưa con trai về với đất.
Thôn Kim Thạch cùng lúc tiễn đưa thi thể 3 em nhỏ về với đất trong nỗi đau tột cùng. Bà Võ Thị Phương mẹ của em Phạm Xu Sum vừa trở về từ TP Hồ Chí Minh như người mất hồn. Chồng mất, bà Phương vào TPHCM mưu sinh gửi tiền về cho mẹ là bà Trần Thị Dung nuôi cháu. Nhận được tin dữ, bà tức tốc về nhưng đã không kịp nhìn mặt con. “Con ơi, con đi rồi mẹ chẳng còn thiết sống nữa…” tiếng gào thét của bà Phương khiến tất thảy dân làng bật khóc.
Ông Nguyễn Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết: Đau thương mất mát này là quá lớn, là không của riêng ai. Chỉ biết cầu mong sao gia đình các em sớm vượt qua nỗi đau mất con, mất cháu. Nhà trường sớm ổn định tâm lý cho giáo viên và học sinh để quay lại với việc dạy và học thường ngày.
Không ai cầm được nước mắt trong đám tang của 9 em học sinh xấu số.
Theo ông Trạng, trong số 9 em học trò vừa qua đời thì có tới 7 em có cha mẹ đi làm ăn xa nên phải ở với ông bà. Hoàn cảnh gia đình em nào cũng khó khăn, điều kiện cuộc sống hết sức chật vật.
Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin vào chiều ngày 14/5/16, tại sông Trà Khúc qua địa phận thôn Thanh Khiết (Nghĩa Hà, Thành phố Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) nhóm học sinh lớp 6B trường THCS Nghĩa Hà rủ nhau tắm sông và đuối nước. Thi thể 9 em lần lượt được tìm thấy ngay sau đó. Đây là vụ đuối nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi từ trước đến nay.
Nguyễn Thành ( Báo Tiền Phong, mục Xã hội)

Hàng chục tấn cá chết trắng hồ nghi do nắng nóng

Hàng chục tấn cá chết trắng hồ nghi do nắng nóng
Copy từ http://www.tienphong.vn/xa-hoi/hang-chuc-tan-ca-chet-trang-ho-nghi-do-nang-nong-993964.tpo ,đăng ngày 18-04-16, mục Xã hội.
Cá nuôi trong hồ của hàng chục hộ dân tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đồng loạt chết nổi kín mặt nước khiến họ lâm cảnh trắng tay.
Cá chết trắng hồ. Ảnh: Hoài Thanh
Nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân thuộc xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc điêu đứng khi phát hiện cá nuôi tại hồ lờ đờ nổi lên mặt nước rồi chết trắng.
Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Ánh Mai 3) có hồ cá rộng 3.500 m2 vừa đầu tư 400 triệu đồng cho biết, ba ngày nay cá rô phi trong hồ ông chết dần, đến 17/4 thì hầu như không còn con nào sống. Để xử lý không bốc mùi, ông phải thuê 5 người vớt. "Khi phát hiện cá chết, chỉ có vài tạ nhưng giờ cả hơn 10 tấn cá 8 tháng tuổi gần xuất bán đã chết sạch", ông cho biết.
Theo ông Hoàng Văn Liết, Tổ trưởng hợp tác nuôi cá thôn Ánh Mai 3, đã có khoảng 10 hộ dân nuôi cá bị chết, ước khoảng hơn 20 tấn. "Hộ có cá bị chết ít nhất là 500 kg, nhiều nhất là gần 10 tấn.
Phần lớn cá bị chết là rô phi và trắm cỏ. Cá chết một cách đồng loạt và trương phình bốc mùi hôi thối rất nhanh nên người dân phải huy động hàng xóm vớt và gọi người tới cho về làm phân bón", ông Liết nói.
Người dân vớt cá chết lên làm phân bón. Ảnh: Hoài Thanh
Tình trạng cá bị chết vẫn đang tiếp tục diễn ra khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên. "Bước đầu, chúng tôi nhận định có thể nguyên nhân là do mực nước hồ nuôi sụt giảm vì nắng nóng kéo dài khiến cá mất oxy nên chết nhanh", ông Liết nhận định.
Vụ việc đã trình báo cơ quan chức năng để có hướng giải quyết.
Theo Vnexpress

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Thanh tra Chính phủ lý giải việc bổ nhiệm cán bộ

Thanh tra Chính phủ lý giải việc bổ nhiệm cán bộ
Copy từ http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/thanh-tra-chinh-phu-ly-giai-viec-bo-nhiem-can-bo-540710.bld ,đăng ngày 14/04/16, mục Thời sự - Xã hội.
Trong cuộc họp báo sáng 14.4.16, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã giải đáp những thắc mắc xung quanh việc bổ nhiệm cán bộ tại TTCP trong 6 tháng vừa qua.
Ông Ngô Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TTCP). Ảnh: Thành An
Các cơ quan báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi về việc trong vòng 6 tháng qua, trước khi về hưu nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - Huỳnh Phong Tranh đã luân chuyển, bổ nhiệm hàng chục cán bộ, lãnh đạo cấp Vụ và đã có những phản ánh về quy trình bổ nhiệm một số vị trí.
Về việc này, ông Ngô Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TTCP), xác nhận, trước khi nghỉ hưu chế độ, nguyên Tổng TTCP – Huỳnh Phong Tranh đã ký quyết định luân chuyển, bổ nhiệm 35 trường hợp, trong đó cấp vụ 11 trường hợp, cấp phòng 24 trường hợp. Cấp vụ có 3 trường hợp điều động luân chuyển, đang ở chức vụ này bố trí sang chức vụ khác tương đương.
Ông Cường khẳng định, công tác bổ nhiệm được thực hiện đúng nguyên tắc, chặt chẽ và các trường hợp đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn so với chức danh bổ nhiệm. "Công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ là bình thường, theo chế độ tập thể, Ban cán sự TTCP thống nhất bỏ phiếu và Tổng Thanh tra quyết định, kiện toàn nhân sự kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân sự ở những đơn vị đang thiếu, cũng như đáp ứng nhiệm vụ cơ quan, nhiệm vụ được giao", ông Cường nói.
Riêng với trường hợp ông Nguyễn Mạnh Hường, Phó TGĐ TCty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) về TTCP và được bổ nhiệm Giám đốc BQL các dự án đầu tư xây dựng của TTCP đang có đơn thư khiếu nại, vị Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, trước khi tiếp nhận ông Hưởng vào công chức của TTCP, bổ nhiệm chức vụ đó, phía Thanh tra đã xin ý kiến trao đổi của Bộ Nội vụ.
Về những vấn đề trên, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng TTCP nhấn mạnh: “Tất cả những trường hợp được bổ nhiệm đều đủ, đúng tiêu chuẩn. Tôi chịu trách nhiệm về khẳng định bổ nhiệm là đúng, đủ điều kiện, không có gì bất thường”, ông Khánh nói.
Thành An - LĐO

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Con cua và bản quyền bóng đá Anh

Con cua và bản quyền bóng đá Anh
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-thuong-ngay/20160408/con-cua-va-ban-quyen-bong-da-anh/1080946.html ,đăng ngày 08-04-16, mục Chính trị - Xã hội > Chuyện thường ngày.
- Nghe chuyện lùm xùm quanh vụ mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh, tui lại nhớ chuyện con cua...
- Ơ, chuyện bóng đá Anh thì liên quan gì đến chuyện con cua?
- Sao lại không liên quan, bộ không nhớ chuyện anh nông dân đi bắt cua Việt không cần mang theo nắp đậy cái thùng đựng cua à?
- À nhớ rồi. Không cần nắp là vì con này ngoi lên thì con bên dưới kéo xuống chứ gì. Bài học về sự mất đoàn kết đây mà... Nhưng tui vẫn chưa hiểu được vì sao nó lại liên quan đến bóng đá Anh?
- Đơn giản thôi, nếu đừng anh nào âm mưu ăn mảnh một mình, tất cả các nhà đài cùng đoàn kết, thà không kinh doanh món hàng này chứ quyết không để cho thiên hạ xỏ mũi thì chắc là chúng ta chẳng đã phải tốn đến cả ngàn tỉ đồng cho cái khoản xem bóng đá Anh.
- Nhưng nếu đối tác nước ngoài cũng rắn, nhất định không chịu bán giá thấp thì sao?
- Thì thôi chứ sao, cứ để họ mang bản quyền về nhà xem một mình cho đã. Nhịn xem bóng đá Anh vài mùa cũng chẳng chết ai đâu, còn đủ thứ giải như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Ý vừa hay vừa rẻ kia mà. Chứ nói thật, thấy bà con vùng hạn mặn vừa thiếu ăn, vừa thiếu nước, lại vừa mang nợ, trong khi chúng ta tốn cả ngàn tỉ đồng để xem bóng đá, tui thấy xót ruột quá!
Bút Bi

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Doanh nhân tặng KTX cho SV nghèo đã qua đời

Doanh nhân tặng KTX cho SV nghèo đã qua đời
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160407/vi-doanh-nhan-xay-ktx-cho-sinh-vien-ngheo-qua-doi/1080676.html ,đăng ngày 07-04-16, mục Kinh tế.
TTO - Ông Văn Phước Ba, phó giám đốc Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung, cho biết ông Phạm Văn Bên (67 tuổi, chủ DNTN Cỏ May) qua đời lúc 14g ngày 7-4 tại nhà riêng, P.1, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) vì bệnh ung thư.
Ông Bên là người bỏ ra 40 tỉ đồng xây dựng ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo đặt tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và đầu tư lo cho họ ăn, học miễn phí cho đến khi ra trường.
Theo ông Ba, ông Phạm Văn Bên bị bệnh ung thư gan di căn qua phổi. Hai tuần trước ông Bên thấy sức khỏe yếu dần, biết là sẽ không qua khỏi nên ông bảo gia đình để ông điều trị tại nhà chứ không cần đến bệnh viện điều trị.
“Ký túc xá cho sinh viên nghèo hoàn thành được 70-80% rồi. Ông Bên có di nguyện giao cho con trai Phạm Minh Thiện thay ông tiếp tục lo hoàn chỉnh ký túc xá rồi xét chọn sinh viên nghèo, học giỏi trên khắp cả nước học tại TP.HCM để chăm lo, dạy dỗ các bạn thành tài phục vụ đất nước”, ông Ba nói.
Trong một lần trò chuyện với phóng viên, ông Phạm Văn Bên cho biết ông phát hiện mình bị bệnh nan y là vào năm 2002. Mãi hai năm sau ông mới chịu đi khám bệnh tại TP.HCM.
Kết quả xét nghiệm cho biết ông bị xơ gan giai đoạn cuối. Một bác sĩ có tiếng ở đây nói thẳng với ông là: “Bệnh của ông không còn trị được nữa!”.
Trở về nhà, ông vừa tự tìm hiểu các bài thuốc dân gian để chữa bệnh cho mình, nhưng cũng đồng thời làm việc nhiều hơn. Mãi đến năm 2008 sức khỏe của ông rất tốt, các xét nghiệm cho biết bệnh của ông đã ổn.
Khi đó ông mới nói với vợ và các con biết là ông muốn trả ơn cuộc đời giúp ông khỏi bệnh bằng cách xây một ký túc xá thật đẹp cho sinh viên nghèo, học giỏi, có đạo đức tốt vào ở.
Ông cũng muốn lo cho tất cả sinh viên này ăn, học đàng hoàng để các bạn không phải bận tâm lo làm thêm sẽ ảnh hưởng đến chuyện học.
Năm 2012 Bộ GD-ĐT phê duyệt dự án ký túc xá của ông. Đến cuối năm 2015 công trình quan trọng của cuộc đời ông Phạm Văn Bên được khởi công xây dựng.
Mấy tháng trước, ông Bên còn nói với phóng viên sẽ thu xếp một cuộc hẹn làm việc với Ban biên tập báo Tuổi Trẻ bàn kế hoạch xét chọn sinh viên nghèo, học giỏi, đạo đức tốt vào ký túc xá này ngay sau khi xây dựng xong. Ký túc xá sắp xây xong thì ông ra đi…
Lễ an táng ông Phạm Văn Bên vào ngày 12-4-16 tại đất nhà ở xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
V.TR

Trung Quốc ngang ngược bác yêu cầu rút giàn khoan HD-981

Trung Quốc ngang ngược bác yêu cầu rút giàn khoan HD-981
Copy từ http://www.tin247.com/trung_quoc_ngang_nguoc_bac_yeu_cau_rut_gian_khoan_hd_981-1-23988288.html ,đăng ngày 08-04-16, mục Chính trị - Xã hội .
Ngày 8/04/16, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược bác bỏ yêu cầu của Việt Nam rằng "Hoạt động này diễn ra ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc và đây là hoạt động thăm dò thương mại. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có cái nhìn khách quan và hợp lý về vấn đề này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trơ tráo tuyên bố trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối Trung Quốc di chuyển giàn khoan HD-981 đến ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi khu vực này.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố hôm 7/4/16.
Giàn khoan HD-981 trị giá 1 tỷ USD di chuyển vào khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ. Ông Lê Hải Bình cho biết từ tối 3/4/2016, giàn khoan HD-981 di chuyển đến vị trí có tọa độ 17º3’12 Bắc - 110º04’18 Đông để hoạt động.
Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định", ông Lê Hải Bình nêu rõ.
Hai năm trước, Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong 10 tuần. Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái và vi phạm pháp luật quốc tế này.
Vào ngày 5/4/16, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cũng tổ chức “lễ khánh thành” hải đăng cao 55 m trên đá Xu Bi, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý. Bắc Kinh động thổ xây dựng trái phép hải đăng này từ tháng 10/2015.
Chính quyền Trung Quốc ngụy biện rằng ánh sáng trắng phát ra từ ngọn hải đăng sẽ giúp tàu thuyền dễ dàng định hướng và di chuyển vào ban đêm, hỗ trợ tăng cường an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Theo Zing News

Quân đội Mỹ bị ép ‘ngậm bồ hòn’ trước Trung Quốc ở Biển Đông

Quân đội Mỹ bị ép ‘ngậm bồ hòn’ trước Trung Quốc ở Biển Đông
Copy từ http://www.tin247.com/quan_doi_my_bi_ep_8216_ngam_bo_hon_8217_truoc_trung_quoc_o_bien_dong-2-23988332.html ,đăng ngày 08-04-16, mục Tin Thế giới .
Trong khi tướng Mỹ muốn phản ứng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn những động thái ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông, Nhà Trắng lại tỏ ra e dè.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương. Ảnh: Navy Times
Theo Navy Times, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris đang đề xuất Mỹ có những hoạt động đáp trả mạnh mẽ hơn trước động thái xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, có thể gồm điều động máy bay, và triển khai các chiến dịch quân sự trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Ông Harris xem đây là một nỗ lực nhằm chặn đứng cái ông gọi là "Trường Thành bằng cát" trước khi nó mở rộng và tiến sâu vào khu vực cách thủ đô Philippines chỉ 225 km, các nguồn tin cho biết.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó. Nước này từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.
Suốt nhiều tháng qua, đô đốc cùng Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đã liên tục có những tuyên bố cả công khai và kín đáo để thu hút sự chú ý tới hoạt động bồi lấn của Trung Quốc. Hồi tháng hai, ông trực tiếp cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Dù vậy, chính quyền Tổng thống Obama, chỉ còn 9 tháng nữa là rời Nhà Trắng, lại đang muốn tăng cường hợp tác với Bắc Kinh về một loạt vấn đề từ chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tới những chương trình nghị sự về thương mại đầy tham vọng, các chuyên gia cho biết. Do đó, Nhà Trắng sẽ không muốn Biển Đông "dậy sóng", và họ đã đi xa đến mức yêu cầu ông Harris cùng các tướng lĩnh quân đội khác phải im lặng trước thềm một hội nghị thượng đỉnh về an ninh.
"Họ (chính quyền Obama) muốn kết thúc nhiệm kỳ với mâu thuẫn ở mức thấp nhất và hợp tác cao nhất với Trung Quốc", Jerry Hendrix, một đại úy hải quân đã về hưu, hiện là nhà phân tích chiến lược quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận xét.
Chỉ thị giữ im lặng
Nhà Trắng luôn tìm cách hạ nhiệt các tuyên bố của ông Harris cũng như các lãnh đạo quân đội khác, những người cảnh báo rằng Trung Quốc đang củng cố những thành quả của mình nhằm hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông.
Theo hai quan chức quân sự cấp cao giấu tên, hai tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân diễn ra hôm 31/3 – 1/4, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã chỉ thị các lãnh đạo quân đội phải ngừng đề cập tới những tranh chấp trên Biển Đông. Tại hội nghị trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Obama.
Chỉ thị của bà Rice là một phần trong nội dung của cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 18/3. Trong đó, bà Rice yêu cầu quan chức quân đội Mỹ tránh có những bình luận công khai về các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, một quan chức quân sự được đọc biên bản cuộc họp cho biết.
Theo một quan chức quân đội khác, cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia đã khiến không một lãnh đạo nào của Lầu Năm Góc có bất kỳ bình luận nào về tình hình Biển Đông trước thềm cuộc họp thượng đỉnh.
Các nhà lãnh đạo quân sự xem đây như một mệnh lệnh phải im lặng trước các bước đi quyết liệt của Trung Quốc hòng kiểm soát hầu hết Biển Đông. Yêu cầu này làm dấy lên lo ngại rằng phản ứng yếu ớt của Mỹ có thể khiến Trung Quốc được thể lấn tới, trong khi làm các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật và Philippines lo lắng.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với ông Obama rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào nhân danh tự do hàng hải để xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, Reuters đưa tin. Hai nhà lãnh đạo đồng ý sẽ hợp tác trong các vấn đề hạt nhân và an ninh mạng.
Theo các chuyên gia, Nhà Trắng vẫn thường yêu cầu các lãnh đạo quân đội phải tiết chế những phát biểu của mình trước những cuộc đàm phán lớn, nhưng chỉ thị vừa qua đến vào một thời điểm khó khăn. Các lãnh đạo Mỹ hiện chưa thể tìm được cách tiếp cận hiệu quả giúp chặn đứng hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc mà không dẫn tới đối đầu.
Giới phê bình thì cho rằng cách tiếp cận chờ đợi và nghe ngóng của chính quyền Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đang thất bại, khi hoạt động xây đảo vẫn đang diễn ra rầm rộ.
"Việc Nhà Trắng lo sợ rủi ro đã dẫn tới một chính sách thiếu quyết đoán, không thể răn đe Trung Quốc theo đuổi sự bá quyền trên biển, trong khi khiến các đồng minh và đối tác trong khu vực bối rối, lo lắng", Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, khẳng định với Navy Times.
"Thách thức ngày một lớn của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế phải bị đáp trả với phản ứng kiên quyết, cho thấy quyết tâm của Mỹ và khẳng định cam kết của chúng ta đối với khu vực", ông nói.
Sau chỉ thị "im lặng" của Nhà Trắng, các tàu chiến Mỹ gồm tàu đổ bộ tấn công Boxer và tàu đổ bộ Harpers Ferry, mang theo Đơn vị Viễn chinh số 13 của lính thủy đánh bộ Mỹ đã lặng lẽ rời khỏi Biển Đông vào cuối tháng ba.
Hiện trạng thay đổi
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang muốn xây dựng một đảo nhân tạo khác trên bãi cạn Scarborough, cách bờ biển thủ đô Manila của Philippines chỉ khoảng 225 km, nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.
Các đơn vị tên lửa và radar của Trung Quốc một khi được triển khai tới đây sẽ đặt các lực lượng Mỹ tại Philippines trước rủi ro, một khi khủng hoảng nổ ra.
Đô đốc Harris và các quan chức Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương vẫn đang vận động Hội đồng An ninh Quốc gia, quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc phải phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ không khoan nhượng trước hành động bắt nạt láng giềng của Trung Quốc. Một phần trong cách tiếp cận mạnh mẽ hơn này sẽ là tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng thường xuyên và kiên quyết hơn, theo Navy Times.
"Khi bàn đến Biển Đông, tôi nghĩ lo ngại lớn nhất về mặt quân sự cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương là các tư lệnh tiếp theo sẽ phải đối diện hiện trạng thế nào", một nhân viên Thượng viện Mỹ thông thạo vấn đề Biển Đông nhận xét. "Hiện trạng rõ ràng đã thay đổi. Nếu quân sự hóa bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ có khả năng gây nguy hiểm cho vịnh Subic, vịnh Manila và eo Luzon, khi tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển, hoặc các thiết bị giám sát trên không được đưa ra vào phía bắc Philippines".
Chính phủ Mỹ đang đàm phán việc luân chuyển sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Philippines, để giúp Mỹ có thể đối trọng với các bước đi của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên trọng tâm trong bức tranh tổng thể không thay đổi những ưu thế Trung Quốc đã có ở đây vào thời điểm này, quan chức thượng viện nhận định.
Những hoạt động tuần tra tăng cường trên Biển Đông, như chuyến đi của tàu sân bay John C. Stennis cùng các tàu hộ tống hồi đầu tháng ba là một phần trong phản ứng của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương trước động thái của Trung Quốc. Tuy nhiên, để thực sự có những chuyến tuần tra thực thi tự do hàng hải, áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương phải được Nhà Trắng cho phép.
Cụm tàu sân bay tác chiến của Mỹ hoạt động ở Biển Đông từ ngày 1/3 đến 6/3/16. Ảnh: US Navy
Việc thiếu những phản ứng cương quyết hơn sẽ chỉ khiến Trung Quốc tiếp tục hoạt động bành trướng, các nhà phê bình khẳng định. Minh chứng là họ nghi ngờ Trung Quốc có thể sẽ triển khai một dự án mới trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012.
Theo một số nguồn tin, đô đốc Harris muốn đẩy mạnh hoạt động tuần tra, áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, với khẳng định đó là vùng biển quốc tế. Theo nhà phân tích Clark tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, ông Harris có lẽ đang vận động để được tiến hành những cuộc tuần tra tự do đi lại mạnh mẽ hơn, bao gồm điều động trực thăng và thực hiện tình báo tín hiệu trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể Trung Quốc kiểm soát.
Theo ông Clark, một động thái như vậy sẽ thể hiện rõ hải quân Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, và vùng biển quanh các cấu trúc nhân tạo là vùng biển quốc tế. "Ông ấy (Harris) muốn thực hiện một chiến dịch tự do đi lại đúng nghĩa", Clark nói. "Ông ấy muốn đưa tàu qua một khu vực và thực hiện các hoạt động quân sự".
Harris không phải quan chức hải quân duy nhất đưa ra cảnh báo. Đại úy Sean Liedman, sĩ quan không quân trong hải quân Mỹ kiêm nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, kêu gọi Mỹ phải có quan điểm cứng rắn hơn. Ông Liedman cho rằng hải quân nên xem xét những hành động quân sự như vô hiệu hóa tàu nạo vét Trung Quốc.
"Chính quyền Obama có xu hướng đi theo con đường ít đối đầu nhất, nhưng làm như vậy, họ đã tạo ra một môi trường rất khó có thể tái thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế ở Biển Đông", ông nói. "Trớ trêu thay, họ đã tạo nên tình huống dễ xảy ra xung đột hơn".
Hoàng Nguyên, theo VNE

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Quân đội Mỹ bị ép ‘ngậm bồ hòn’ trước Trung Quốc ở Biển Đông

Quân đội Mỹ bị ép ‘ngậm bồ hòn’ trước Trung Quốc ở Biển Đông
(Copy từ http://www.tin247.com/quan_doi_my_bi_ep_8216_ngam_bo_hon_8217_truoc_trung_quoc_o_bien_dong-2-23988332.html ,đăng ngày 08-04-16, mục Tin Thế giới .)
Trong khi tướng Mỹ muốn phản ứng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn những động thái ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông, Nhà Trắng lại tỏ ra e dè.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương. Ảnh: Navy Times
Theo Navy Times, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris đang đề xuất Mỹ có những hoạt động đáp trả mạnh mẽ hơn trước động thái xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, có thể gồm điều động máy bay, và triển khai các chiến dịch quân sự trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Ông Harris xem đây là một nỗ lực nhằm chặn đứng cái ông gọi là "Trường Thành bằng cát" trước khi nó mở rộng và tiến sâu vào khu vực cách thủ đô Philippines chỉ 225 km, các nguồn tin cho biết.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó. Nước này từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.
Suốt nhiều tháng qua, đô đốc cùng Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đã liên tục có những tuyên bố cả công khai và kín đáo để thu hút sự chú ý tới hoạt động bồi lấn của Trung Quốc. Hồi tháng hai, ông trực tiếp cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Dù vậy, chính quyền Tổng thống Obama, chỉ còn 9 tháng nữa là rời Nhà Trắng, lại đang muốn tăng cường hợp tác với Bắc Kinh về một loạt vấn đề từ chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tới những chương trình nghị sự về thương mại đầy tham vọng, các chuyên gia cho biết. Do đó, Nhà Trắng sẽ không muốn Biển Đông "dậy sóng", và họ đã đi xa đến mức yêu cầu ông Harris cùng các tướng lĩnh quân đội khác phải im lặng trước thềm một hội nghị thượng đỉnh về an ninh.
"Họ (chính quyền Obama) muốn kết thúc nhiệm kỳ với mâu thuẫn ở mức thấp nhất và hợp tác cao nhất với Trung Quốc", Jerry Hendrix, một đại úy hải quân đã về hưu, hiện là nhà phân tích chiến lược quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận xét.
Chỉ thị giữ im lặng
Nhà Trắng luôn tìm cách hạ nhiệt các tuyên bố của ông Harris cũng như các lãnh đạo quân đội khác, những người cảnh báo rằng Trung Quốc đang củng cố những thành quả của mình nhằm hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông.
Theo hai quan chức quân sự cấp cao giấu tên, hai tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân diễn ra hôm 31/3 – 1/4, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã chỉ thị các lãnh đạo quân đội phải ngừng đề cập tới những tranh chấp trên Biển Đông. Tại hội nghị trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Obama.
Chỉ thị của bà Rice là một phần trong nội dung của cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 18/3. Trong đó, bà Rice yêu cầu quan chức quân đội Mỹ tránh có những bình luận công khai về các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, một quan chức quân sự được đọc biên bản cuộc họp cho biết.
Theo một quan chức quân đội khác, cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia đã khiến không một lãnh đạo nào của Lầu Năm Góc có bất kỳ bình luận nào về tình hình Biển Đông trước thềm cuộc họp thượng đỉnh.
Các nhà lãnh đạo quân sự xem đây như một mệnh lệnh phải im lặng trước các bước đi quyết liệt của Trung Quốc hòng kiểm soát hầu hết Biển Đông. Yêu cầu này làm dấy lên lo ngại rằng phản ứng yếu ớt của Mỹ có thể khiến Trung Quốc được thể lấn tới, trong khi làm các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật và Philippines lo lắng.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với ông Obama rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào nhân danh tự do hàng hải để xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, Reuters đưa tin. Hai nhà lãnh đạo đồng ý sẽ hợp tác trong các vấn đề hạt nhân và an ninh mạng.
Theo các chuyên gia, Nhà Trắng vẫn thường yêu cầu các lãnh đạo quân đội phải tiết chế những phát biểu của mình trước những cuộc đàm phán lớn, nhưng chỉ thị vừa qua đến vào một thời điểm khó khăn. Các lãnh đạo Mỹ hiện chưa thể tìm được cách tiếp cận hiệu quả giúp chặn đứng hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc mà không dẫn tới đối đầu.
Giới phê bình thì cho rằng cách tiếp cận chờ đợi và nghe ngóng của chính quyền Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đang thất bại, khi hoạt động xây đảo vẫn đang diễn ra rầm rộ.
"Việc Nhà Trắng lo sợ rủi ro đã dẫn tới một chính sách thiếu quyết đoán, không thể răn đe Trung Quốc theo đuổi sự bá quyền trên biển, trong khi khiến các đồng minh và đối tác trong khu vực bối rối, lo lắng", Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, khẳng định với Navy Times.
"Thách thức ngày một lớn của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế phải bị đáp trả với phản ứng kiên quyết, cho thấy quyết tâm của Mỹ và khẳng định cam kết của chúng ta đối với khu vực", ông nói.
Sau chỉ thị "im lặng" của Nhà Trắng, các tàu chiến Mỹ gồm tàu đổ bộ tấn công Boxer và tàu đổ bộ Harpers Ferry, mang theo Đơn vị Viễn chinh số 13 của lính thủy đánh bộ Mỹ đã lặng lẽ rời khỏi Biển Đông vào cuối tháng ba.
Hiện trạng thay đổi
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang muốn xây dựng một đảo nhân tạo khác trên bãi cạn Scarborough, cách bờ biển thủ đô Manila của Philippines chỉ khoảng 225 km, nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.
Các đơn vị tên lửa và radar của Trung Quốc một khi được triển khai tới đây sẽ đặt các lực lượng Mỹ tại Philippines trước rủi ro, một khi khủng hoảng nổ ra.
Đô đốc Harris và các quan chức Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương vẫn đang vận động Hội đồng An ninh Quốc gia, quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc phải phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ không khoan nhượng trước hành động bắt nạt láng giềng của Trung Quốc. Một phần trong cách tiếp cận mạnh mẽ hơn này sẽ là tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng thường xuyên và kiên quyết hơn, theo Navy Times.
"Khi bàn đến Biển Đông, tôi nghĩ lo ngại lớn nhất về mặt quân sự cho Bộ chỉ huy Thái Bình Dương là các tư lệnh tiếp theo sẽ phải đối diện hiện trạng thế nào", một nhân viên Thượng viện Mỹ thông thạo vấn đề Biển Đông nhận xét. "Hiện trạng rõ ràng đã thay đổi. Nếu quân sự hóa bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ có khả năng gây nguy hiểm cho vịnh Subic, vịnh Manila và eo Luzon, khi tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển, hoặc các thiết bị giám sát trên không được đưa ra vào phía bắc Philippines".
Chính phủ Mỹ đang đàm phán việc luân chuyển sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Philippines, để giúp Mỹ có thể đối trọng với các bước đi của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên trọng tâm trong bức tranh tổng thể không thay đổi những ưu thế Trung Quốc đã có ở đây vào thời điểm này, quan chức thượng viện nhận định.
Những hoạt động tuần tra tăng cường trên Biển Đông, như chuyến đi của tàu sân bay John C. Stennis cùng các tàu hộ tống hồi đầu tháng ba là một phần trong phản ứng của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương trước động thái của Trung Quốc. Tuy nhiên, để thực sự có những chuyến tuần tra thực thi tự do hàng hải, áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương phải được Nhà Trắng cho phép.
Cụm tàu sân bay tác chiến của Mỹ hoạt động ở Biển Đông từ ngày 1/3 đến 6/3/16. Ảnh: US Navy
Việc thiếu những phản ứng cương quyết hơn sẽ chỉ khiến Trung Quốc tiếp tục hoạt động bành trướng, các nhà phê bình khẳng định. Minh chứng là họ nghi ngờ Trung Quốc có thể sẽ triển khai một dự án mới trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012.
Theo một số nguồn tin, đô đốc Harris muốn đẩy mạnh hoạt động tuần tra, áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, với khẳng định đó là vùng biển quốc tế. Theo nhà phân tích Clark tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, ông Harris có lẽ đang vận động để được tiến hành những cuộc tuần tra tự do đi lại mạnh mẽ hơn, bao gồm điều động trực thăng và thực hiện tình báo tín hiệu trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể Trung Quốc kiểm soát.
Theo ông Clark, một động thái như vậy sẽ thể hiện rõ hải quân Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, và vùng biển quanh các cấu trúc nhân tạo là vùng biển quốc tế. "Ông ấy (Harris) muốn thực hiện một chiến dịch tự do đi lại đúng nghĩa", Clark nói. "Ông ấy muốn đưa tàu qua một khu vực và thực hiện các hoạt động quân sự".
Harris không phải quan chức hải quân duy nhất đưa ra cảnh báo. Đại úy Sean Liedman, sĩ quan không quân trong hải quân Mỹ kiêm nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, kêu gọi Mỹ phải có quan điểm cứng rắn hơn. Ông Liedman cho rằng hải quân nên xem xét những hành động quân sự như vô hiệu hóa tàu nạo vét Trung Quốc.
"Chính quyền Obama có xu hướng đi theo con đường ít đối đầu nhất, nhưng làm như vậy, họ đã tạo ra một môi trường rất khó có thể tái thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế ở Biển Đông", ông nói. "Trớ trêu thay, họ đã tạo nên tình huống dễ xảy ra xung đột hơn".
Hoàng Nguyên, theo VNE

Không giấu gì được

Nhân vụ hồ sơ Panama:
Không giấu gì được
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20160408/khong-giau-gi-duoc/1080922.html , đăng ngày 08-04-16, mục Thời sự & Suy nghĩ.
TTO - Khoan bàn tới mục đích hay những hệ lụy mà "nhiều người" đang lo sợ, “tài liệu Panama” trước hết là một lời nhắc nhở, rằng không giấu gì được dưới bầu trời này, trong kỷ nguyên kỹ thuật số này.
Vụ rò rỉ “tài liệu Panama” vì mục đích gì, đặc biệt nhắm vào ai trong số những người “tai to mặt lớn” đương chức, đương quyền tại nhiều quốc gia bị “tung hê”, trong một góc nhìn nào đó chính là một cảnh báo rằng cái họa “bật mí” có thể lây lan đến nhiều nơi và làm chao đảo nhiều nước.
Việc thủ tướng Iceland phải từ chức chỉ vài ngày sau khi bị rò rỉ thông tin trốn thuế cho thấy đây chính là một hiểm họa khôn lường cho bất cứ ai đã “nhúng chàm”.
Không lấy làm lạ tại sao ở một quốc gia đông dân nọ, ngay từ thứ hai đầu tuần, an ninh mạng đã kiểm duyệt các thông tin từ “tài liệu Panama” trên báo chí cùng các trang mạng xã hội ở nước này - thiên hạ đồn rằng ông anh rể của một VIP bị lộ mấy trăm triệu USD tài sản tẩu tán.
Thậm chí ở đó, người ta đã “cẩn tắc vô áy náy” đến độ “khóa” luôn mọi tìm kiếm có từ “Panama”, gõ mỗi từ “Panama” cũng không xong! Nghe nói, có đến ba VIP của nước này có thân nhân “bị lộ” trong “tài liệu Panama”.
Một nước khác cũng vào hàng đông dân ở Nam Á cũng có cả lô chính khách có tên trong “tài liệu Panama”, kể cả nhân vật số 1. Rõ ràng là nước này sẽ không “hoan nghênh” việc rò rỉ “tài liệu Panama”!
Thế nhưng, nếu có những chính phủ ái ngại “tài liệu Panama” thì ngược lại cũng có những chính phủ có lẽ sẽ tận dụng nguồn tư liệu này: 33 tỉ phú trong danh sách tỉ phú của báo Forbes được đếm ra trong “tài liệu Panama” ắt hẳn sẽ không yên thân từ nay!
Có thể thấy tính hữu dụng của “tài liệu Panama” đối với các chính phủ muốn “làm sạch nhà cửa”: cho tới nay những trường hợp tham ô, cho dù có bị một nước thứ ba công bố, cũng vẫn có thể được che chắn bởi lập luận: chứng cớ đâu mà họ bảo tôi “ăn”?
Nay, do lẽ “tài liệu Panama” là cả một nguồn chứng từ, bút toán điện tử (do ai đứng tên, chuyển bao nhiêu, ngày giờ nào, đi đâu, cho ai, để làm gì…) rõ ràng nên sẽ khó lòng phủ nhận, trừ phi chối bỏ luôn quan hệ với người đứng tên bị lộ!
Trong một góc nhìn nào đó, như từ Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc 2003 thì những rò rỉ từ “tài liệu Panama” sẽ góp phần giúp thực thi công ước này khi mà cho đến nay các quốc gia thành viên vẫn chưa thể “thực hiện các biện pháp khả thi nhằm phát hiện, kiểm soát việc chuyển tiền mặt và các công cụ có giá trị qua biên giới nước mình” (điều 14-1 b), chưa kịp “hợp tác và trao đổi thông tin ở cấp quốc gia và quốc tế” (điều 14-2)…
Những ai đã từng “nhúng chàm” có lẽ đang hồi hộp đợi xem tên mình có bị “bêu” hay không.
Chính vì thế, cũng có thể xem đây là một điều khả dĩ tích cực đối với công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi nước. Đó là một cảnh báo rằng những “phi vụ” chuyển tiền ra nước ngoài, tậu bất động sản lấy thẻ xanh chẳng hạn, cho tới nay cứ ngỡ là kín đáo cũng sẽ có lúc bị “lột trần”.
Và “tài liệu Panama” còn là một lời nhắc nhở rằng không giấu gì được dưới bầu trời này, trong kỷ nguyên kỹ thuật số này!
Danh Đức

Thiếu nước,thiếu cả miếng ăn

Nước cho vùng hạn, mặn:
Thiếu nước,thiếu cả miếng ăn
Copy từ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160408/nuoc-cho-vung-han-man-thieu-nuoc-thieu-ca-mieng-an/1080802.html, đăng ngày 08-04-16, mục Chính trị - Xã hội.
Hạn, mặn. Ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) - một vùng đất từng là ruộng lúa phì nhiêu giờ xác xơ, đồng ruộng trơ gốc rạ khô cằn, người dân bỏ xứ đi gần hết.
Chị Bảy nói ráng hái mấy trái dừa bán lấy tiền cho con đi học. Chị hái được 12 trái, lột sạch vỏ, bán được 8.000 đồng/trái - Ảnh: T.Trang
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ấp Giồng Kè, ông Danh Hậu - trưởng ấp Giồng Kè - lắc đầu ngao ngán: “Hầu như 100% diện tích lúa của nông dân ở đây đều chết hết, không thu hoạch được gì. Cô coi có mấy nhà mở cửa đâu, họ đi hết rồi, đi nơi khác làm thuê làm mướn kiếm tiền trả nợ đó”.
Vừa nói, ông Hậu chỉ tay về con đường trước con đập ngăn mặn, có hơn chục nhà đóng cửa im ỉm.
Gần đó, ở nhà chị Danh Kim Bảy (45 tuổi), chị và ba đứa con nhỏ đang quây quần bên mâm cơm trưa chỉ có hai món dưa hấu và hột vịt chiên. Chồng chị vừa chạy xe ôm ở xóm trên, tranh thủ về nhà ăn cơm để tiết kiệm tiền.
Nước mắt ngắn dài, chị Bảy nói: “Mất hết rồi, trắng tay rồi còn đâu, hơn hai tháng nay mấy đứa nhỏ nhà chị đều ăn cơm với hột vịt, vậy là may lắm rồi, chứ có bữa mấy mẹ con chị dẫn nhau lên chùa để ăn nhờ cơm vì trong nhà đâu còn hột gạo nào".
Chị Bảy kể mấy năm trước, hai vợ chồng chị làm 3,3ha ruộng (trong đó có 2ha đất thuê), sau khi trừ hết chi phí thuê đất, phân, giống… cả nhà chị chỉ đủ ăn và cho mấy đứa nhỏ đi học.
“Mấy năm rồi tui mơ ước mua cho đứa con gái lớn học lớp 8 một chiếc xe đạp, thấy nó lội bộ đi học xa tội lắm mà không dám nói ra. Hồi tết vừa rồi, thấy lúa trổ đều mừng quá trời, vậy mà....” - chị Bảy nói đoạn rồi im bặt, cúi xuống vén tay áo lau nước mắt.
Đứa con gái út hơn 3 tuổi thấy chị khóc cứ ôm chặt mẹ nói đi nói lại câu gì đó chưa rành rọt lắm, thấy tôi có vẻ thắc mắc, chị phân trần là nó sợ chị bỏ nó nên cứ nói “mẹ đừng có đi Phú Quốc nghe mẹ”, vì hồi lúa chết tới giờ gia đình chị đã kiệt quệ, nợ tiền thuê đất, nợ tiền phân thuốc nên chị dự định sẽ ra đảo Phú Quốc làm thuê.
“Tui nghe nói ngoài đó người ta đang có nhiều việc để làm nên tui muốn ra đó làm để trả nợ chứ không còn trông mong gì trồng lúa nữa rồi”.
Ông Danh Hậu lại dẫn chúng tôi vòng qua căn nhà đang đóng cửa, ông Hậu nói nhà có người nhưng suốt ngày đóng cửa vì sợ người của ngân hàng xuống. Ông Trương Hiếu Thuận là một trong những người dân ở đây thiệt hại nặng nề nhất, giờ ông nợ ngân hàng gần 500 triệu không có khả năng chi trả.
“Vợ tui thì đi ở đợ cho người ta, mấy đứa con thì đi Bình Dương làm công nhân, tui buồn quá bệnh từ bận lúa chết tới nay nên mới ở nhà”, ông Thuận chua chát.
Ông Thuận nói mấy chục năm làm lúa, lần đầu tiên trong đời ông thấy bất lực như vậy, mấy chục hecta đất trồng lúa bây giờ coi như bỏ hoang không làm gì được nữa. “Giờ Nhà nước kêu tụi tui xuống giống tui cũng không dám nữa”.
Ông Danh Hậu cho biết làm trưởng ấp hơn chục năm nay, mỗi khi đến mùa gặt lúa là trong ấp lại tưng bừng, nào máy gặt, nào ghe chở lúa, người người ôm lúa đi cân, không biết trúng mùa hay không nhưng ai cũng phấn khởi vì biết chắc trong nhà cũng đủ gạo ăn. Nay “đi tới đâu cũng nghe dân kêu trời” - ông Hậu buồn bã nói.
Ông Hậu ngao ngán nói thêm nước mặn quá, người dân không có nước để sử dụng ăn uống, muốn có nước dùng phải đi mua nước, mà tiền ăn không có lấy đâu tiền mua nước.
Hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm qua đã khiến người dân ĐBSCL thật sự điêu đứng. Trong ảnh: bà Nguyễn Thị Kim Loan (ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) cuốc mảnh đất khô hạn để chờ trời mưa - Ảnh: K.Nam
Nhà nào cũng ngập nợ
Ông Nguyễn Sinh Cang, cán bộ phụ trách kinh tế xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), cho biết hơn 2.067ha lúa của 536 hộ dân trong xã đều chết trắng, trong đó ấp Giồng Kè thiệt hại nặng nề nhất, hầu như 100% diện tích lúa của nông dân bị chết.
“Hiện giờ xã đang bắt đầu hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại từ vụ hè thu năm rồi, mức hỗ trợ thiệt hại dưới 70% là 1 triệu đồng, trên 70% là 2 triệu đồng, cũng là để góp phần cho dân mua gạo ăn chứ chưa cải thiện được gì nhiều”, ông Cang nói.
Ông Trần Văn Út, chủ tịch UBND xã Bình Giang, cho biết hầu như ở đây nhà nào có đất thì nợ ngân hàng, không đất thì nợ vật tư nông nghiệp, không nhà nào nợ dưới trăm triệu.
“Mỗi năm tới mùa thu hoạch lúa thì dân còn trả nổi, hoặc trả gối đầu, chứ năm nay dân trắng tay, chủ nợ có kiện đến chính quyền không biết sao mà phân xử cho trọn vẹn” - ông Út nói.
Xem Nước cho vùng hạn mặn 
tại sân khấu Sen Hồng và trên HTV9
Đúng 18g ngày 8-4-16, chương trình nghệ thuật ca nhạc gây quỹ Kết nối yêu thương 3 - Nước cho vùng hạn mặn sẽ diễn ra tại sân khấu Sen Hồng (Q.1, TP.HCM) với nhiều tiết mục đặc sắc. Đặc biệt, sân khấu này sẽ mở cửa tự do cho tất cả khán giả muốn tham gia thưởng thức ca nhạc hay đóng góp trực tiếp cho chương trình.
Tham gia chương trình, gần 300 nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên sẽ thay phiên hâm nóng không khí bằng nhiều tiết mục ca nhạc, trình diễn dance sport, múa nghệ thuật, cải lương... như ca sĩ Thu Minh, Đoan Trang, Đức Tuấn, Hoàng Bách, Quang Hà, nhóm MTV, Đinh Tiến Đạt, gia đình nghệ sĩ múa Linh Nga - Đặng Hùng - Vương Linh, nghệ sĩ cải lương Thanh Ngân, MC Thanh Bạch - Quỳnh Hoa...
Chương trình cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng HTV9 từ 20g30. Khán giả tham dự có thể gửi xe miễn phí ở bãi giữ xe của khu B, công viên 23-9 (mặt đường Phạm Ngũ Lão).
M.Trang
ThùyTrang