Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Cây Phong non trùm khăn đỏ - Chương 2

.
Cây Phong non trùm khăn đỏ - Chingiz Aitmatov - Chương 2
Copy từ http://vanhoc.xitrum.net/tieuthuyet/513.html;
Chương 2
Sáng hôm sau tôi cứ nhớn nhác tìm suốt dọc đường. Axen ở đâu... Liệu cái bóng dáng mảnh dẻ như cây phong của nàng có còn xuất hiện trên đường nữa không... Cây phong non trùm khăn đỏ của tôi! Cây phong của thảo nguyên! Tuy chân đi ủng cao su, vai khoác áo véttông của bố, nhưng có hề gì. Tôi đã thấy rõ nàng! Axen đã làm tim tôi rung động, đã làm cả tâm hồn tôi xao xuyến! Tôi lái xe đi, mắt cứ đảo nhìn hai bên, nhưng không, chẳng thấy nàng đâu hết. Tôi vào làng; đây, sân nhà nàng.
Tôi hãm xe lại. Có lẽ Axen đang ở nhà cũng nên. Nhưng làm sao gọi nàng ra đây, nói gì với nàng bây giờ... Chao ôi, hẳn số phận chẳng cho tôi gặp nàng. Tôi phóng xe ra chỗ dỡ hàng. Tôi dỡ hàng, trong lòng vẫn leo lét một tia hy vọng: may ra trên đường về lại bỗng gặp nàng thì sao... Thế nhưng trên đường về cũng vẫn không gặp.
Tôi bèn đánh xe ra trại. Trại của họ dựng riêng ra một nơi cách làng khá xa. Tôi hỏi thăm một cô bé. Không thấy Axen ra làm, cô bé bảo thế. “Thế nghĩa là nàng cố ý không ra ngoài, để tránh gặp tôi dọc đường”, tôi nghĩ bụng, và đâm hoang mang.
Tôi ủ rũ trở về trạm xe. Ngày hôm sau tôi lại lên đường. Lần này tôi không còn mong gặp nữa. Quả thật, tại sao tôi lại tìm kiếm nàng, tại sao tôi lại đi quấy rầy một người con gái đã có nơi có chốn... Tuy vậy tôi cũng không thể nào tin được rằng giữa hai chúng tôi chỉ đến đây là hết, vì mãi đến nay trong các bản làng người ta vẫn còn mai mối và gả bán không cần đến sự ưng thuận của người con gái. Tôi đọc báo đã bao nhiêu lần thấy đăng những chuyện tương tự. Nhưng thế thì đã sao... Ẩu đả xong, không ai vung quả đấm lên làm gì, gả bán xong xuôi rồi thì không còn quay lại được nữa, cuộc đời đã tan vỡ rồi... Đấy, những ý nghĩ như vậy cứ vật vờ trong óc tôi...
Mùa xuân đang vào độ nảy nở tưng bừng. Đặt ở chân núi phủ đầy hoa kim hương. Từ thuở bé tôi đã yêu giống hoa này. Giá hái lấy một bó đem tặng nàng nhỉ! Song tìm nàng ở đâu được...
Rồi bỗng nhiên tôi không dám tin ở mắt mình nữa: Axen! Nàng ngồi cách vệ đường một quãng, trên một tảng đá, đứng ở chỗ lần trước xe tôi bị sa lầy. Hình như nàng đang đợi ai. Tôi cho xe chạy lại. Nàng hoảng hốt rời tảng đá đứng dậy, kéo tấm khăn trùm xuống nắm chặt trong tay. Lần này Axen mặc một chiếc áo dài xinh xắn, chân đi giày. Đường thì xa thế, mà nàng lại đi giày cao gót. Tôi phanh lại mau, tim như se lại, cổ nghẹn ngào.
- Axen đấy à!
- Chào anh! - Nàng khẽ đáp.
Tôi đưa tay ra, định đỡ nàng lên xe, nhưng nàng quay mặt đi và chậm rãi bước dọc lề đường. Thế ra nàng không muốn ngồi lên xe. Tôi mở cửa xe và cho xe chạy chầm chậm cạnh nàng. Chúng tôi cứ thế đi song song, nàng bên vệ đường, tôi sau tay lái. Chúng tôi lặng thinh. Biết nói gì bây giờ... Một lát sau nàng hỏi:
- Hôm qua anh đến trại à...
- Vâng, thế sao...
- Không, là tôi muốn hỏi thế thôi. Anh không nên đến đấy.
- Tôi muốn gặp cô.
Axen lặng thinh không nói.
Nhưng tâm trí tôi cứ rối lên vì cái chuyện mai mối chết tiệt kia. Tôi muốn biết thực hư ra sao. Tôi muốn hỏi, nhưng lưỡi cứ líu lại. Tôi sợ. Tôi sợ câu trả lời của nàng. Axen đưa mắt nhìn tôi.
- Thật à...
Nàng gật đầu. Tay lái cứ nhảy bần bật trong tay tôi.
- Bao giờ thì cưới... - Tôi hỏi.
- Chỉ ít lâu nữa thôi - Nàng đáp khẽ.
Thiếu chút nữa tôi đã dận ga cho xe lao đi đâu thì đi. Nhưng đáng lẽ dận ga thì tôi lại nhả bộ ly hợp. Nghe tiếng máy quay không tải rú lên. Axen vụt né sang bên đường. Thế mà tôi cũng chẳng xin lỗi nữa. Tôi còn mải nghĩ chuyện khác.
- Thế nghĩa là chúng ta không còn gặp nhau nữa...
- Tôi không biết. Không gặp nhau thì hơn.
- Còn tôi, tôi cứ... tùy cô đấy, tôi cứ tìm!
Chúng tôi lặng thinh. Có lẽ chúng tôi cùng chung một ý nghĩ, nhưng giữa hai đứa như có một bức tường không cho phép tôi đến gần nàng, không cho nàng ngồi lên buồng lái của tôi. Thật khổ, nhưng biết làm thế nào được...
Tôi không hỏi gì về người chồng chưa cưới. Không tiện hỏi, mà tôi cũng chẳng muốn hỏi làm gì. Nhưng cứ những điều nàng nói ra thì hình như nàng biết người ấy rất ít. Đó là một người có họ ngoại với nàng, ở một lâm trường trong vùng núi, cách đây rất xa. hai gia đình từ xưa đã có lệ trao đổi con gái cho nhau, nếu có thể nói như thế, họ duy trì quan hệ thân thuộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha mẹ Axen không thể nào tưởng tượng được rằng có thể đem gả con gái cho người ngoài. Còn như tôi thì đừng nói đến làm gì. Tôi là ai... Chỉ là một thằng lái xe quèn chẳng có tông tộc, ở tận đâu đâu đến. Mà chính tôi cũng chẳng dám hé răng để hỏi nàng làm vợ.
Mấy ngày ấy Axen rất ít nói: nàng cứ đăm chiêu suy nghĩ điều gì. Nhưng tôi không hề có ý hy vọng. Số phận nàng đã được định đoạt xong xuôi, gặp nhau nữa cũng chỉ vô ích. Thế nhưng chúng tôi cứ như hai đứa trẻ: chúng tôi cố tránh nhắc đến chuyện ấy và cứ gặp nhau, vì không thể nào không gặp nhau được. Cả hai chúng tôi đều có cảm giác là không thể sống thiếu nhau.
Năm ngày cứ thế trôi qua. Sáng hôm ấy tôi ở trạm xe hơi, đang chuẩn bị lên đường đi chở hàng. Bỗng có tin gọi lên phòng điều vận.
- Có tin mừng! - Kađitsa vui vẻ tiếp tôi - Trên chuyển anh sang đường Tân Cương rồi đấy.
Tôi choáng người đi. Mấy ngày gần đây tôi cứ sống như thể sẽ suốt đời lái xe về nông trang. Những chuyến vận tải qua Tân Cương vốn dài ngày lắm, biết bao giờ mới được đến với Axen... Bỗng dưng mất mặt, thậm chí cũng không báo cho nàng biết trước nữa ư...
- Kìa hình như anh không vui thì phải... - Kađitsa nhận xét.
- Thế còn nông trang thì sao... - Tôi lo lắng hỏi - Việc ở đấy đã xong đâu.
Kađitsa ngạc nhiên so vai:
- Trước đây chính anh không muốn đi kia mà.
Tôi nổi nóng:
- Trước khác, giờ khác.
Tôi ngồi xuống ghế, không biết làm sao nữa.
Giantai chạy lại. Té ra người ta đã cử hắn về nông trang thay tôi. Tôi chột dạ. Chắc Giantai sẽ từ khước, vì công tác phí đường làng ít hơn. Nhưng hắn đã cầm lấy công lệnh và lại còn nói:
- Cô bảo đi đâu tôi xin đi ngay, Kađitsa ạ, dù phải đi đến cùng trời cuối đất cũng sẵn lòng! Dạo này ở nông trang cừu non đã đến độ chén được rồi đấy, có lẽ đem về cho cô một chú chăng...
Rồi hắn trông thấy tôi.
- A xin lỗi, hình như tôi đến làm phiền anh chị thì phải...
- Xéo đi!... - Tôi rít lên, đầu vẫn cúi gầm.
- Kìa sao lại ngồi thừ ra thế, Ilyax... - Kađitsa khẽ chạm vào vai tôi.
- Tôi phải về nông trang, Kađitsa ạ, cho tôi về nông trang thôi!
- Anh điên rồi hay sao... Tôi không làm thế được, không có lệnh! - Kađitsa lo lắng nhìn chăm chăm vào mặt tôi - Tại sao anh tự dưng đâm ra thích về nông trang thế...
Tôi không đáp, lẳng lặng bỏ ra ngoài, trở về gara. Giantai lái xe vượt qua sát người tôi, cánh chắn bùn suýt chạm vào tôi. Hắn nháy mắt ranh mãnh. Tôi cố chần chừ, trì hoãn, nhưng không thấy có lối thoát nào. Tôi đánh xe đến trạm bốc hàng. Số xe đang xếp hàng đứng đợi không nhiều lầm. Các bạn gọi tôi lại hút thuốc, nhưng tôi cũng chẳng buồn xuống xe nữa. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng cảnh Axen hoài công đứng đợi tôi trên đường cái. Nàng sẽ đợi một ngày, hai ngày, ba ngày... Rồi nàng sẽ nghĩ về tôi ra sao...
Trong khi đó đã sắp đến lượt tôi. Họ đã bắt đầu bốc hàng lên chiếc xe đứng trước mặt tôi. Chỉ một phút nữa, xe tôi cũng sẽ đứng dưới cần trục. “Em tha thứ cho anh, Axen nhé! - Tôi nghĩ thầm - Anh xin lỗi em, cây phong thảo nguyên của anh! ” Chợt một ý nghĩ vụt thoáng qua óc tôi: “Đến với Axen rồi trở về cũng kịp. Lên đường chậm mất vài giờ thì đã sao... Rồi sẽ lên phân trần với đồng chí trạm trưởng, may ra thì đồng chí ấy thông cảm, không thì đành nghe chửi. Qúa lắm cũng đưa ra khiển trách... Nhưng không thể thế này được! Tôi phải đi thôi! ”
Tôi mở ga để cho xe lùi, nhưng mấy chiếc đến sau đứng sát quá. Trong khi đó chiếc xe nhận hàng xong chạy đi. Đã đến lượt tôi.
- Đứng vào! Ê, Ilyax! - Người lái cần trục quát.
Cần trục đã ở ngay trên đầu tôi. Thế là hết! Xe mà đã chở hàng xuất khẩu lên rồi thì không còn đi đâu được nữa. Làm sao tôi lại không nghĩ ra từ trước... Đồng chí phụ trách gửi hàng cầm giấy tờ đến. Tôi ngoái nhìn qua tấm kính sau buồng lái: thùng chứa hàng đang lắc lư ở phía trên thùng xe, mỗi lúc một gần.
Tôi bỗng quát:
- Coi chừng đấy!
Xe tôi vụt chồm ra khỏi tầm cần trục - Máy tôi vẫn để chạy không. Phía sau vang lên những tiếng thét, tiếng còi, tiếng chửi rủa...
Tôi cho xe chạy qua các kho hàng, các chồng gỗ, các đống than. Tay tôi như đã bắt rễ vào vôlăng. Mặt đất cứ vật vã lồng lộn lên, cả chiếc xe lẫn người tôi hết xiêu bên này lại ngả sang bên kia. Nhưng đối với bọn chúng tôi những chuyện ấy đã quá quen. Chỉ lát sau tôi đuổi kịp Giantai. Hắn ngồi trong buồng lái nhìn ra, mắt trợn tròn xoe: hắn đã nhận ra tôi. Hắn cũng thừa thấy rõ là tôi đang vội, đáng lẽ phải nhường lối cho tôi, thế nhưng không, hắn không cho tôi vượt. Tôi liền lái xe xuống ruộng đi vòng lên, Giantai cũng tăng tốc độ, cốt chặn cho tôi không lên đường cái được. Chúng tôi cứ thế mà phóng xe; hắn ở trên đường, tôi dưới ruộng. Chúng tôi cúi rạp trên tay lái, gườm gườm đưa mắt nhìn nhau như hai con thú dữ, nguyền rủa nhau.
- Mày đi đâu... Tại sao... - Hắn quát tôi.
Tôi giơ quả đấm lên dọa hắn. Dù sao xe tôi đi không vẫn nhẹ hơn. Tôi vượt qua, bỏ hắn lại sau.
Tôi không gặp được Axen. Vào đến bản, tôi thở dốc ra như vừa chạy bộ đến. Trong sân nhà cũng như ở ngoài đường chẳng thấy ai. Chỉ có một con ngựa đóng yên đứng bên cọc. Làm thế nào bây giờ... Tôi quyết định đứng chờ. Tôi nghĩ: nàng trông thấy chiếc xe, sẽ ra đường. Tôi mở capô chúi đầu vào máy làm như đang sửa chữa gì, mắt cứ liếc về phía cổng. Tôi không phải chờ lâu: cánh cổng mở, mẹ nàng bước ra với một ông già to béo, râu đen, mình mặc hai cái áo bông dài, áo trong bọc vải sổ lông, áo ngoài bọc nhung. Tay ông ta cầm một cây roi da rất đẹp. Mặt ông ta đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại: rõ ràng là ông ta vừa uống nước trà. Họ đến cạnh cọc buộc ngựa. Mẹ Axen kính cẩn cầm bàn đạp đỡ ông già đang hì hục lên yên.
- Chúng tôi đội ơn ông lắm, ông mối ạ! - Bà nói - Nhưng về phần chúng tôi cũng xin ông đừng lo. Với con gái, chúng tôi không tiếc thứ gì đâu. Nhờ trời, chúng tôi cũng không đến nỗi tay trắng.
- Ê ề! Baibitsê ạ, chúng tôi chẳng có gì phải phàn nàn đâu - Ông già vừa đáp vừa ngồi lại cho thoải mái trên yên ngựa - Lạy trời phù hộ cho hai trẻ được khoẻ mạnh. Còn như tiền của thì cho con cái mình chứ cho ai mà sợ. Đây cũng chẳng phải lần đầu hai họ ta thông gia với nhau... Thôi, chúc bà khoẻ, Baibitsê ạ. Thế tức là ta đã bàn định xong xuôi: đến thứ sáu nhé!
- Vâng vâng, thứ sáu. Ngày thiêng đấy. Chúc ông đi đường mạnh khoẻ. Xin gửi lời chào bà mối.
“Họ nói gì mà thứ sáu nhỉ... - Tôi tự nhủ - Hôm nay thứ mấy... Thứ tự.. chả nhẽ đến thứ sáu họ đã đem nàng đi... Trời ơi, những tục lệ cũ còn phá hoại cuộc đời của thanh niên chúng ta mãi đến bao giờ!... ”
Ông già thúc ngựa chạy nước kiệu lúp xúp về phía núi. Mẹ Axen đợi cho ông ta đi khuất rồi quay lại nhìn tôi từ đầu đến chân, vẻ không có gì thân thiện.
- Này anh kia, sao anh cứ xớ rớ ở đây thế hả... - Bà nói - Đây không phải là quán trọ! Đừng đứng đây làm gì! Đi đi, nghe ra chưa... Thế nghĩa là bà ta đã nhận diện được tôi.
- Xe tôi bị hỏng! - Tôi bướng bỉnh càu nhàu và rúc hẳn vào thùng máy ngập đến thắt lưng.
Không - Tôi nghĩ thầm - Chưa gặp Axen thì tôi chưa đi đâu hết.
Bà mẹ lẩm bẩm thêm mấy tiếng nữa rồi bỏ đi.
Tôi chui đầu ra, ngồi lên bậc xe châm thuốc hút. Một con bé không biết từ đâu chạy lại. Nó nhảy lò cò một chân quanh xe. Trông nó hơi giống Axen. Em nàng chăng...
- Axen đi rồi! - Nó bỗng nói, chân vẫn nhảy lò cò.
- Đi đâu... - Tôi chộp lấy nó - Axen đi đâu...
- Biết đâu đấy! Buông ra! - Nó gỡ tay tôi ra, và thay cho lời từ biệt, nó thè lưỡi.
Tôi đóng sập capô lại, ngồi vào buồng lái. Đi đâu bây giờ, tìm nàng ở đâu... Mà cũng đã đến lúc phải về trạm. Tôi cho xe chạy chầm chậm trên đường. Xe đã ra đến thảo nguyên. Tôi cho xe dừng lại bên con mương cắt ngang đường. Bây giờ phải làm gì, tôi không hề biết. Tôi ra khỏi buồng máy, nằm lăn ra đất, trong lòng thấy chán ngán quá chừng. Axen thì không tìm được, mà chuyến đi đã lỡ mất rồi... Tôi suy nghĩ miên man, không còn trông thấy gì, không còn nghe thấy gì ở trên đời này nữa. Tôi nằm như thế bao nhiêu lần tôi cũng không biết, nhưng vừa ngẩng đầu lên thì thấy bên kia xe có đôi chân con gái đi giày cao gót. Chính nàng! Tôi nhận ra ngay. Tôi mừng quá đến nỗi tim như muốn vỡ tung. Tôi nhỏm dậy, nhưng không đứng thẳng lên được. Và cảnh ấy lại diễn ra đúng ở chỗ chúng tôi gặp nhau lần đầu.
- Thôi đi đi, đi đi, bà cụ Ơi! - Tôi nói với đôi giày phụ nữ.
- Nhưng tôi không phải là bà cụ! - Axen cũng phụ họa theo.
- Thế thì là ai..
- Một người con gái.
- Con gái... Có đẹp không đấy...
- Cứ thử nhìn mà xem!
Chúng tôi cùng phá lên cười. Tôi nhảy phắt dậy, chạy sang với nàng. Nàng đi về phía tôi.
Chúng tôi dừng lại trước mặt nhau.
- Đẹp nhất đời! - Tôi nói. Còn nàng thì như một cây phong non trước gió, mềm mại uyển chuyển, mặc chiếc áo ngắn tay, hai quyển sách nhỏ cắp dưới nách - Sao em lại biết tôi ở đây...
- Em ở thư viện ra thì trông thấy vết xe của anh trên đường cái!
- Thế à...! - Đối với tôi câu ấy còn có nhiều ý nghĩa hơn cả mấy chữ “em yêu anh”. Thế ra nàng có nghĩ đến tôi, quý mến tôi, nên mới tìm vết bánh xe tôi.
- Em chạy lại đây, vì không hiểu sao em cứ đinh ninh là anh đang chờ!
Tôi cầm lấy tay nàng:
- Ngồi lên đây, Axen, ta đi chơi một chút.
Nàng vui lòng ưng thuận. Tôi không nhận ra được Axen nữa. Mà bản thân tôi, tôi cũng không nhận ra nốt. Bao nhiêu lo âu, buồn tủi đều tiêu tan đi đâu hết. Bây giờ chỉ còn lại hai chúng tôi, chỉ còn hạnh phúc của chúng tôi, bầu trời và con đường thiên lý. Tôi mở cửa xe, đặt nàng ngồi lên ghế và cầm lấy tay lái.
Chúng tôi đi. Chúng tôi cứ đi thế thôi, trên con đường cái. Không biết đi tới đâu, và để làm gì. Nhưng đối với chúng tôi cái đó không có gì quan trọng. Chỉ cần ngồi cạnh nhau, mắt nhìn vào mắt, tay khẽ chạm tay nhau là đủ lắm rồi. Axen sửa lại chiếc mũ lưỡi trai bộ đội của tôi (tôi đội nó đã hai năm nay).
- Thế này đẹp hơn! - Nàng nói và âu yếm nép vào vai tôi...
Xe bon trên thảo nguyên như một con én. Cả thế giới chuyển động, mọi vật đều chạy về phía chúng tôi: núi đồi, đồng ruộng, cây cối... Gió lùa vào mặt chúng tôi. Chúng tôi cứ lao băng băng về phía trước. Mặt trời chói lọi trên cao. Chúng tôi cất tiếng cười. Không khí ngọt ngào mùi ngải và kim hương. Chúng tôi thở hít vào cho căng cả lồng ngực... Một con diều hâu thảo nguyên đậu trên một tấm bia đổ nát cất cánh bay lên, vỗ cánh mấy cái rồi sà thấp xuống lượn dọc theo đường cái như muốn đua sức với chúng tôi. Hai người cưỡi ngựa hoảng hốt dạt sang bên đường, rồi thét lên một tiếng man dại, quất ngựa đuổi theo chúng tôi:
- Ê ê! Đứng lại! - Họ vừa quát vừa quất hai con ngựa đang phi rạp mình xuống đất. Họ là ai thì tôi không biết. Có lẽ Axen biết họ. Chẳng mấy chốc họ đã mất hút sau đám bụi cuốn sau xe.
Phía trước mặt có một chiếc xe ngựa rẽ sang bên đường để nhường lối cho chúng tôi. Trên xe có một người con trai và một người con gái. Trông thấy chúng tôi, họ nhổm dậy, ôm lấy vai nhau và vẫy tay niềm nở.
- Cám ơn nhé! - Tôi ngồi trong buồng lái quát ra.
Xe đã vượt hết cánh thảo nguyên và ra đường cái lớn. Nhựa đường kêu vo vo dưới bánh xe.
Không còn xa nữa chắc phải có hồ. Tôi cho xe rẽ ngoặt sang một bên, ra khỏi đường cái và cứ đi thẳng giữa cánh đồng hoang, qua các bụi rậm, các đám cỏ dại, đi về phía bờ hồ. Chúng tôi dừng lại trên một bờ dốc cheo leo trông thẳng xuống nước. Những đợt sóng xanh bạc đầu như cầm tay nhau chạy thành hàng lên bờ cát vàng. Mặt trời đang khuất sau rặng núi, và những khoảng nước ở phía xa trông như nhuộm hồng. Xa tít tận bên kia hồ, một dãy núi tím đỉnh phủ tuyết hằn lên nền trời. Những đám mây xám đang ùn ùn tụ lại trên đầu chúng tôi.
- Axen xem kìa! Thiên nga!
Chỉ mùa thu và mùa đông mới có thiên nga trên hồ Ixứckun. Mùa xuân chúng rất ít khi về. Người ta thường bảo đó là những con thiên nga từ miền Nam đang bay về phương Bắc. Họ bảo đó là điềm lành...
Một đàn thiên nga trắng bay lượn trên hồ, trong ánh chiều tà, khi bay vút lên, khi sà thấp xuống, cánh dang rộng. Chúng đậu xuống nước, vỗ cánh rào rào làm nước sủi bọt loang ra thành từng vòng rộng, rồi lại cất cánh bay lên. Sau cùng chúng sắp thành hàng dài và vỗ cánh nhịp nhàng bay đến một bờ vịnh đất cát để nghỉ đêm.
Ngồi trong xe, chúng tôi im lặng nhìn những cảnh ấy. Rồi tôi nói, như thể chúng tôi đã quyết định xong xuôi mọi việc:
- Ở đằng kia, em thấy không, mấy mái nhà trên bờ ấy là trạm xe hơi của anh. Còn đây - Tôi khoát tay quanh buồng lái - Là nhà của chúng ta! - Nói xong tôi cười lớn. Bởi vì không còn biết đánh xe cho nàng đi đâu nữa.
Axen nhìn đăm đăm vào mắt tôi, nép sát vào ngực tôi, ôm chặt lấy tôi, vừa cười vừa khóc:
- Anh yêu quí, anh của em! Em không cần có nhà cửa gì hết. Miễn sao cha mẹ em hiểu cho em, nếu bây giờ chưa hiểu thì sau này cũng được. Cha mẹ sẽ giận em suốt đời, em biết... nhưng có phải tại em đâu...
Trời xẩm tối rất nhanh. Mây đen kéo đầy trời, rũ là là trên mặt nước. Nước hồ lặng lờ, đen kịt lại. Trên núi như có ai đang hàn điện: khi thì loé lên chói mắt, khi thì vụt tắt ngấm. Cơn giông đang kéo đến. Không phải vô cớ mà đàn thiên nga đang bay dở đường bỗng ghé xuống đây: chúng đã cảm thấy trước cơn giông có thể ập đến trong khi chúng bay qua núi.
Sấm chuyển ầm ầm. Mưa đổ xuống rào rào, hạt nặng như mưa đá. Hồ Ixứckun bắt đầu gầm gừ, sôi réo lên, sóng vỗ mạnh vào bờ. Đó là cơn giông đầu tiên của mùa xuân. Và đó cũng là đêm đầu tiên của chúng tôi. Nước mưa chảy như xối trên buồng lái, trên các tấm kính. Những tia chớp sáng loà vẽ thành đường loằng ngoằng đâm sâu xuống mặt hồ đen ngòm mở rộng. Hai đứa chúng tôi nép vào nhau, nói chuyện thì thầm. Tôi cảm thấy Axen run, không biết vì sợ hay vì lạnh. Tôi lấy áo đắp cho nàng, ôm nàng thật chặt và cảm thấy mình mạnh mẽ, to lớn. Tôi chưa bao giờ ngờ mình có nhiều tình cảm đến thế; trước đây tôi không hề biết cái hạnh phúc được che chở, được lo lắng cho một người nào. Tôi thì thầm rỉ tai nàng: “Không bao giờ anh để cho ai bắt nạt em, cây phong non trùm khăn đỏ của anh!... ”
Cơn giông tan đi cũng nhanh như đã kéo đến. Nhưng trên mặt hồ xao động sóng vẫn cuộn, trời vẫn mưa lâm thâm.
Tôi lấy ra một chiếc máy thu thanh đi đường nhỏ, cái tài sản đáng giá duy nhất của tôi hồi ấy. Tôi vặn nút, bắt một làn sóng điện. Bây giờ tôi còn nhớ là lúc ấy họ tiếp âm vở vũ kịch “Tsônpôn” đang diễn ở nhà hát thành phố. Vượt qua đèo, qua núi, âm nhạc rót vào buồng lái của chúng tôi, đằm thắm và mãnh liệt như chính cuộc tình duyên được thuật lại trong vở kịch. Công chúng vỗ tay rầm rộ, họ lớn tiếng gọi tên các nghệ sĩ biểu diễn, có lẽ họ đang ném hoa lên tận chân các vũ nữ balê, nhưng tôi nghĩ trong số các khán giả ngồi ở nhà hát không có ai xúc động và hân hoan như hai đứa chúng tôi ngồi trong buồng lái chiếc xe vận tải đỗ bên bờ hồ Ixứckun nổi sóng. Chính vở vũ kịch đang kể chuyện chúng tôi, kể lại cuộc tình duyên của chúng tôi. Chúng tôi cảm thông sâu sắc với số phận của nàng Tsônpôn bỏ đi tìm hạnh phúc. Tsônpôn của tôi, ngôi sao mai của tôi đang ở cạnh tôi. Đến nửa đêm nàng ngủ thiếp trên vai tôi, còn tôi hồi lâu vẫn không sao bình tâm trở lại. Tôi khẽ vuốt má Axen và lắng nghe tiếng thở dài đưa lên từ đáy hồ Ixứckun. Sáng hôm sau chúng tôi về trạm xe. Tôi bị chỉnh một mẻ ra trò. Nhưng khi các đồng chí biết vì sao tôi đã làm như vậy, họ cũng thể cho dịp này mà tha thứ cho tôi. Về sau, anh em còn cười mãi mỗi lần nhớ lại lúc tôi chuồn khỏi cần trục bốc hàng. Tôi còn có nhiệm vụ đi tải hàng qua đèo Độ Long. Tôi quyết định đem Axen theo. Tôi định dọc dường sẽ gửi nàng ở lại nhà bạn tôi là Alibêk Gianturin. Gia đình Alibek ở một trạm chuyển tải gần Narưn. Từ đây đến biên giới cũng không còn xa mấy. Mỗi khi đi ngang tôi vẫn thường ghé lại. Vợ Alibêk là người rất tốt, tôi kính nể chị ấy lắm. Chúng tôi lên đường. Việc đầu tiên là đi mua ít áo quần cho Axen trong một cửa hàng ở dọc đường, vì nàng chỉ có mỗi chiếc áo đang mặc. Ngoài các thứ ra chúng tôi còn mua cả một chiếc khăn san hoa, màu rất tươi, cho Axen. Chiếc khăn thật hợp cảnh. Dọc đường chúng tôi gặp bác Urmat, ăcxakan của chúng tôi, một bác lái xe già. Từ xa bác đã ra hiệu cho tôi dừng lại. Tôi hãm xe. Bác và tôi ra khỏi buồng lái chào nhau.
- Axxalam - alêikum, Urmat akê!
- Alêikum - axxalam, anh Ilyax. Chúc cho những sợi dây buộc con chim ưng đậu trên tay anh được bền vững! - Bác chúc mừng tôi đúng theo phong tục - Cầu trời cho anh chị hạnh phúc và đông con!
- Cám ơn bác! Sao bác biết, hở Urmat - akê... - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Ấy, ấy, cháu ạ, tin mừng bay xa lắm. Nó chuyền từ miệng này sang miệng khác khắp trên đường vận tải...
- Thế kia ư! - Tôi lại càng lấy làm lạ.
Chúng tôi đứng nói chuyện trên đường cái, nhưng Urmat - akê thậm chí cũng không đến cạnh xe tôi, không nhìn Axen một chút. May mà Axen đoán được ý bác ta: nàng trùm chiếc khăn lên đầu, che kín mặt mũi. Thấy thế, bác Urmat mỉm cười hể hả.
- Thế, bây giờ thì ổn lắm rồi! - Bác nói - Cám ơn cháu đã có ý trọng nể người già. Từ nay cháu là con dâu của các bác, con dâu của tất cả các ăcxakan trong trạm xe. Ilyax, cháu cầm lấy, đây là quà tặng nhân lễ xem mặt cô dâu - Bác đưa tiền cho tôi. Tôi không thể từ chối được, bác ấy giận mất.
Chúng tôi chia tay nhau, Axen vẫn trùm khăn. Như trong một nhà Kirghizia trung thành với thuần phong mỹ tục, nàng ngồi trong buồng lái, bẽn lẽn che mặt lại mỗi khi gặp các bạn lái xe. Rồi khi chỉ còn lại hai đứa, chúng tôi cười với nhau.
Trùm chiếc khăn, Axen trông càng đẹp hơn. Tôi bảo nàng:
- Cô vợ nhỏ của anh, ngước mắt lên nào, hôn anh đi!
- Không được, các ăcxakan trông thấy mất! - Nàng đáp rồi lập tức vừa cười vừa hôn lên má tôi, làm ra vẻ vụng trộm.
Tất cả các bạn lái xe ở trạm khi gặp chúng tôi đều dừng lại mừng, chúc chúng tôi hạnh phúc, nhiều cậu không những đã có thì giờ sắp sẵn những bó hoa hái dọc đường, mà lại còn mua được cả quà tặng nữa. Tôi không biết ai đã nghĩ ra ý đó. Chắc là ý kiến của các cậu người Nga ở trạm chúng tôi. Trong làng họ mỗi khi có lễ cưới, các xe hơi đều kết hoa. Và đây, xe chúng tôi cũng trang hoàng những băng đỏ, xanh da trời, trông thật sặc sỡ, và chắc hẳn cách xe hàng chục cây số người ta cũng trông thấy. Tôi với Axen sung sướng quá, riêng tôi rất tự hào về các bạn. Người ta thường nói trong cơn hoạn nạn mới biết rõ lòng bạn, nhưng theo tôi, ngay trong hạnh phúc cũng biết rõ. Dọc đường chúng tôi còn gặp cả Alibêk Gianturin, người bạn thân nhất của tôi. Anh ấy hơn tôi độ hai tuổi. Người to ngang, đầu cũng to. Alibêk là người chín chắn, đúng mực và lái xe rất giỏi. Ở trạm các bạn rất nể cậu ấy. Họ bầu cậu ấy vào ban chấp hành công đoàn. Tôi nghĩ bụng không biết Alibêk sẽ nói thế nào đây.
Alibêk im lặng nhìn xe chúng tôi và lắc đầu. Cậu ấy đến cạnh Axen, bắt tay và chúc mừng nàng.
- Thôi, đưa công lệnh đây! - Alibêk ra lệnh. Tôi hoang mang đưa giấy cho cậu ấy xem.
Alibêk lấy bút máy viết đè lên khắp tờ công lệnh, chữ rất to: “Hành trình hôn lễ số 167! ”
167 là số công lệnh.
- Cậu làm gì thế... - Tôi đâm hoảng - Đây là công lệnh kia mà!
- Nó sẽ được lưu truyền cho hậu thế! - Alibêk cười - Cậu tưởng dân bàn giấy không phải là người hay sao... Thôi bây giờ đưa tay đây! - Alibêk ôm tôi thật chặt, hôn tôi. Chúng tôi cười ha hả.
Sau đó chúng tôi đã toan ai về xe này thì Alibêk bỗng giữ tôi lại:
- Thế cậu với cô ấy sẽ ở đâu...
Tôi dang hai tay ra. Đoạn chỉ chiếc xe tôi nói:
- Nhà chúng mình kia!
- Trong buồng lái ấy à... Rồi con cái cũng nuôi ở đấy sao...... Thế này nhé, hãy dọn đến ở tạm nhà mình trên trạm chuyển tải, mình sẽ bàn với ban chỉ huy, còn gia đình mình sẽ dọn sang nhà mới.
- Nhưng nhà cậu đã làm xong đâu... - Nhà Alibêk đang dựng ở Rưbatsiê, cách trạm xe không xa. Những khi rảnh vẫn thường đến giúp cậu ấy một tay.
- Không sao. Chỉ còn phải làm nốt mấy việc vặt nữa thôi. Cậu đừng mong có chỗ rộng hơn, cậu cũng biết đấy, hiện nay vấn đề nhà cửa còn gay.
- Cám ơn cậu. Chúng mình cũng không cần hơn. Trước đây mình chỉ định gửi Axen ở tạm nhà cậu ít lâu, thế mà cậu lại nhường cho mình cả một căn nhà...
- Nói chung, hai vợ chồng cứ ở lại nhà mình. Khi trở về cậu chờ mình nhé. Chúng ta sẽ cùng bàn định, có mặt cả hai bà! - Alibêk nháy mắt về phía Axen.
- Phải, bây giờ thì phải có cả các bà!
- Chúc hai người một cuộc hành trình hôn lễ hạnh phúc! - Alibêk gọi với theo chúng tôi.
Quỷ thật. Đây quả nhiên là cuộc hành trình hôn lễ của chúng tôi! Mà lại là một cuộc hành trình đặc sắc biết chừng nào!
Chúng tôi vui mừng vì mọi việc đều đã được thu xếp ổn thoả, duy chỉ có một cuộc gặp gỡ hơi làm cho tôi bực mình.
Ở một chỗ ngoặt chúng tôi bỗng gặp chiếc xe của Giantai xô ra. Trong buồng lái không phải chỉ có một mình Giantai, cạnh hắn còn có Kađitsa. Giantai giơ tay lên vẫy tôi. Tôi hãm xe dừng phắt lại. Hai chiếc xe đỗ sát cạnh nhau. Giantai thò đầu ra cửa.
- Làm gì mà trang hoàng như ăn cưới thế hả...
- Chính thế đấy! - Tôi đáp.
- Ra thế kia à... - Giantai dài giọng ra nói, có ý ngờ vực, rồi đưa mắt nhìn sang Kađitsa - Thế mà chúng tớ cứ đi tìm cậu! - Hắn buột miệng nói thêm. Kađitsa vẫn ngồi yên không nhúc nhích, mặt tái xanh, vẻ bàng hoàng ngơ ngác.
- Chào Kađitsa! - Tôi nói, giọng niềm nở. Cô ta im lặng gật đầu.
- Thế cô này là người yêu của cậu hẳn... - Mãi đến bây giờ Giantai mới đoán ra.
- Không, vợ tôi đấy - Tôi cải chính, và đưa tay ra khoác vai Axen.
- Thế à... - Giantai càng giương to mắt, không biết có nên vui mừng hay không - Thế thì tớ xin mừng, xin chân thành mừng cậu...
- Cám ơn!
Giantai cười ranh mãnh:
- Cậu tài thật! Cậu không nộp cheo, cứ cuỗm đi thôi à...
- Đồ ngu! - Tôi nói - Thôi phóng đi!
Có những người đến lạ! Tôi còn muốn mắng cho hắn một trận đích đáng nữa, nhưng ngoái cổ nhìn lại, tôi thấy Giantai đang đứng bên xe lấy tay xoa má rồi giơ quả đấm về phía Kađitsa quát những gì không rõ. Còn Kađitsa thì bỏ chạy xuống cánh đồng, cách xa đường cái. Cô ta cứ chạy, chạy mãi, rồi bỗng ngã nhào xuống đất, giơ hai tay lên ôm đầu. Tôi không biết giữa Kađitsa và Giantai đã có chuyện gì xảy ra, nhưng tôi bỗng thấy thương Kađitsa. Tôi cứ có cảm giác như mình có lỗi với Kađitsa. Tôi không nói gì với Axen cả.
Một tuần sau chúng tôi dọn đến ngôi nhà nhỏ ở trạm chuyển tải. Ngôi nhà chỉ có một căn ngoài và hai phòng con. Ở đấy có vài ngôi nhà như thế của mấy cậu lái xe cùng ở với gia đình và của một số nhân viên các trạm bơm xăng. Nhưng địa điểm ấy tốt, gần đường cái và cách Narưn cũng là tỉnh lỵ. Có thể đi mậu dịch, đi xem phim, lại có cả bệnh viện nữa. Chúng tôi còn thú một điểm nữa là trạm chuyển tải ở chính giữa quãng đường. Những chuyến đi vận tải của chúng tôi chủ yếu là giữa Rưbatsiê và Tân Cương qua đèo Độ Long. Giữa đường có thể ghé về nhà nghỉ ngơi hay ngủ lại.
Hầu như ngày nào tôi cũng được gặp Axen. Ngay những hôm gặp trở ngại dọc đường, tôi cũng cố về cho đến nhà, dù giữa đêm khuya cũng không ngại. Axen bao giờ cũng đợi tôi, tôi chưa về thì nàng cứ lo lắng không chịu đi ngủ. Chúng tôi đã bắt đầu sắm sửa đồ đạc trong nhà được ít nhiều. Nói tóm lại, cuộc sống dần dần ổn định. Chúng tôi quyết định là Axen sẽ đi làm, chính Axen cũng một mực đòi đi: là một người con gái lớn lên trong thôn xóm, nàng vốn quen làm lụng.
Nhưng chúng tôi bỗng có một tin mừng đột ngột: nàng sắp làm me... Hôm Axen sinh cháu, tôi vừa tải hàng sang Tân Cương về. Tôi hối hả, cuống cuồng lên: Axen đang nằm ở nhà hộ sinh Narưn. Tôi đến thì nàng đã sinh cháu trai! Dĩ nhiên họ không cho tôi vào thăm. Tôi lên xe và phóng khắp đồi núi. Dạo ấy là mùa đông. Chung quanh chỉ toàn tuyết và đá. Trước mắt cứ loáng thoáng hai màu đen, trắng chen nhau: hết đen lại trắng, hết trắng lại đen. Tôi phóng lên đỉnh đèo Độ Long cao ngất. Mây bay là là sát đất, những ngọn núi ở phía dưới trông như một lũ lùn. Tôi nhảy ra khỏi buồng lái, hít mạnh không khí cho căng cả lồng ngực và gào to lên:
- Ê ê núi ơi! Tôi vừa đẻ con trai!
Tôi có cảm giác như núi đồi rung chuyển. Chúng nhắc lại lời tôi, và tiếng vọng ấy vang mãi hồi lâu không tắt, chuyển từ hẽm núi này sang hẽm núi nọ. Chúng tôi đặt tên cho cháu là Xamát. Tên ấy do tôi nghĩ ra. Bao nhiêu câu chuyện chúng tôi nói đều xoay quanh nó: thằng Xamát, thằng Xamát của chúng tôi, Xamát biết cười, Xamát mọc răng. Nói chung cũng như tất cả các ông bố, bà mẹ trẻ tuổi. Chúng tôi sống rất hoà thuận, thương yêu nhau, nhưng rồi được ít lâu tai họa đã đổ xuống đầu tôi...
printed flower pot- Chậu hoa đỏ
Xin mời xem tiếp Chương 3
Sưu tầm từ http://vanhoc.xitrum.net/tieuthuyet/513_ch3.html

Không có nhận xét nào: