Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Trả lại 10 lượng vàng nhặt được

Trả lại 10 lượng vàng nhặt được
Copy từ http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/592028/ha%CC%83y-so%CC%81ng-vo%CC%81i-nga%CC%80y-hom-nay.html, đăng ngày 26/01/14, mục Nhịp sống trẻ.
Khi khắp đường làng ngõ xóm đã râm ran câu chuyện về ngày tết thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuật và anh Nguyễn Tiến Bắc ở đội 1, thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai (Hà Nội) vẫn quẩn quanh với mớ phế liệu như mọi ngày. Chị Thuật là người đã trả lại hơn 10 lượng vàng nhặt được.
Những ngày giáp tết, công việc của chị Thuật càng bộn bề và sẽ kết thúc vào ngày 30 tết - Ảnh: Việt Dũng
Chị Nguyễn Thị Thuật - người bán ve chai trả 10 lượng vàng nhặt được - nhận gói quà tết của Tuổi Trẻ - Ảnh: Việt Dũng
Chị Thuật gắn bó với nghề mua bán đồng nát đã hơn năm năm. Hằng ngày chị đi khắp thị trấn thu mua phế liệu, còn anh Bắc ở nhà phân loại từng thứ một để mang đi nhập. Giữa năm 2013 trong lúc phân loại phế liệu, anh thấy cả chục lượng vàng rơi ra từ thùng bìa cactông cũ. Chị Thuật không thể nhớ đó là số vàng kẹp trong mớ phế liệu của nhà ai. Chị nói với chồng: “Thôi cứ cất tạm trong nhà, mấy năm nay toàn mua phế liệu của nhà người quen, rồi cũng có người mất vàng tìm đến hỏi”.
Đúng như chị Thuật dự đoán, nửa tháng sau có đôi vợ chồng tìm đến nhà chị ngó nghiêng, dò hỏi. Họ cho biết đã mất hơn 10 lượng vàng là tài sản dành dụm cả đời để sang năm xây nhà. Sau vài câu hỏi xác nhận đôi vợ chồng đúng là chủ nhân của số vàng, chị Thuật nói: “Nếu là 10 lượng thì không phải tìm nữa, em cất đi rồi”. Rồi chị vào nhà lấy hơn chục lượng vàng ra trả trước sự kinh ngạc của cặp vợ chồng nọ. Số vàng đó chị sợ mất không thể trả lại cho chủ nhân nên đã chia làm hai bọc và giấu kỹ ở hai nơi, bọc để trên mái nhà, bọc còn lại kẹp trong mớ quần áo cũ.
Hỏi về những chuyện đã qua, chị Thuật cười ngại ngùng: “Nhiều nhà báo về đăng bài, đi đâu mọi người cũng hỏi, em ngại lắm!”.
Nằm giữa thị trấn của thủ đô nhưng gia đình chị Thuật nghèo thật, chẳng có gì đáng giá, xung quanh nhà ngổn ngang phế liệu. Ngôi nhà ba gian được lợp bằng ngói và thân tre, nền ximăng thủng lỗ chỗ. Bộ bàn ghế, chạn để bát đều được anh Bắc tự tay đan từ tre nứa. Mùa đông lạnh buốt nhưng giường ngủ của anh chị kê giữa nhà vẫn lót đệm bằng những tấm chăn hoa đã cũ. Nghèo khó như thế nhưng suốt câu chuyện, chị Thuật vẫn cười rổn rảng bảo “năm nay làm ăn khó khăn nhưng có niềm vui về tinh thần, vợ chồng em rất phấn khởi”.
Làm công việc “dọn nhà cho người ta” nên tối 30 tết chị Thuật vẫn còn đi thu mua phế liệu. Một cành đào tết với vợ chồng chị Thuật là món hàng xa xỉ mà chị chưa bao giờ có trong nhà. Hỏi chuyện tết nhất, chị Thuật cười: “5 cân bánh, 2 cân thịt, tốn khoảng 2 triệu đồng thế là xong tết thôi”. Ngày 28 tết, anh Bắc sẽ gói bánh chưng và chặt tre để làm đu nhún cho bà con trong xóm. Chị mua vài cân thịt, ít gói bánh kẹo, sắm thêm bộ đồ mới cho hai đứa con, hái mấy trái bưởi chín vàng ngoài vườn vào để thờ cúng ông bà, thế là anh chị đã có một cái tết tươm tất.
Hỏi về ước vọng năm mới, chị Thuật lại cười ngại ngùng một lúc lâu mới nói: “Chỉ mong năm mới đi chợ mua được nhiều phế liệu, giá cả lên, làm ăn được là tốt”. Còn anh Bắc nhìn lên tấm lịch treo tường in hình ngôi trường đại học mà cậu con trai đang học ở Hà Nội rồi vui vẻ nói: “Con tôi học trường khang trang như thế nhưng mỗi năm chỉ phải đóng có 3,5 triệu đồng học phí, là Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Kinh tế khó khăn nhưng đỡ khổ hơn trước nhiều rồi, Nhà nước đầu tư cho dân nhiều từ điện, đường, trường, trạm nên cuộc sống mới được ấm no như hôm nay...”.
TÂM LỤA

Không có nhận xét nào: