Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Về Bến Tre thăm mộ cụ đồ Chiểu và lăng Nguyễn Thị Định

Về Bến Tre thăm mộ cụ đồ Chiểu và lăng Nguyễn Thị Định
Copy từ http://kst.vn/community/forum.php?mod=viewthread&tid=133745 , đăng ngày 12/01/11 .
Lăng Nguyễn Thị Định
Nguyễn Thị Định (1920-1992) sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Từ năm 1936 bà đã tham gia hoạt động cách mạng và năm 1974 bà được phong hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1980, bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bà là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến 1992 - năm bà qua đời.
Lăng Nguyễn Thị Định
Nhân dân yêu quý bà không vì chức cao, quyền trọng mà vì tấm lòng nhân ái và trong sáng của bà. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết về bà như sau: 'Chị Ba Định ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là 'sống làm tướng, chết thành thần'. Ngày 2-9-1995, bà đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.
Lăng Nguyễn Thị Định tọa lạc tại Lương Hòa, huyện Giồng Trôm trên khuôn viên 1,5 mẫu. Trong đền thờ có tượng đồng bán thân bà cao 1,75m, nặng hơn 1 tấn do Trung tá Nguyễn Phước Tùng ở Bộ Tư lệnh quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng tạc. Đây là tác phẩm điêu khắc có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.
Lăng Nguyễn Đình Chiểu
Qua chợ Ba Tri, điểm dừng chân đầu tiên của du khách là khu lăng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), cách thị trấn Ba Tri chừng 1km trên đường về An Đức.
Khu lăng mộ có diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972. Gây ấn tượng cho khách là cổng tam quan với kiến trúc mang phong cách truyền thống của các đình chùa Việt Nam. Tam quan có hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ; trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ son... Đi vào bên trong lăng là một khoảng sân rộng, hai bên có nhiều cây kiểng và chậu hoa kiểng như thiên tuế, vạn tuế, cà đam, bùm sụm, kim quýt... Vòng ngoài cùng là những hàng dương cao vút che chắn gió giông và tỏa bóng mát.
Tiền đình lăng là một nhà vuông to, gọn với hai mái chồng, lợp ngói âm dương xanh. Giữa tiền đình là một tấm bia to, kể sơ lược tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của cụ Đồ.
Chính điện là một công trình kiến trúc bề thế. Không gian chính điện có hình khối lăng trụ với ba tầng lợp ngói âm dương xanh, mái dốc, đầu vút cong lên, dáng cứng cỏi nhưng thanh thoát. Sừng sững trong lăng là những cột trụ màu nâu đất, bóng màu thời gian. Vào đến giữa lăng, khách sẽ gặp tượng bán thân của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Hai bên cột có chạm khắc hai câu thơ bất hủ của cụ Đồ.
Nhà lưu niệm trưng bày, triển lãm một số hình ảnh của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cùng với các vị khách quý khác đến thăm lăng vào ngày giỗ cụ Đồ (3-7). Phía sau, bên trái nhà tưởng niệm cũ là phần mộ của cụ Đồ với phu nhân. Gần bên đó là nơi yên nghỉ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái của nhà thơ, bà là một trong những nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ trước.
Đưa lên mạng:snowqueen89; Nguồn:nguoibentre.com
Nhớ dòng sông, nhớ giàn mướp, nhớ góc bếp...

Không có nhận xét nào: