Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Giới thiệu bộ tranh dân gian Oger

Giới thiệu bộ tranh dân gian Oger
Nguyễn Dư
Copy từ http://chimviet.free.fr/dangnet/anh01/nddg057bis.htm , đăng ngày , mục .
Nhiều người đã nghe nói, đã được biết bộ tranh Oger.
Bộ tranh được in trên giấy dó khổ lớn 65 x 42 cm, dày 700 trang và được xuất bản tại Hà Nội năm 1909. Đây là một bộ ký họa gồm hơn 4500 bức vẽ, trong đó có 2529 bức có người. Kích thước các tranh không đều, có vài tấm chiếm hết mặt giấy, nhiều tấm chỉ lớn không quá 4 cm. Số lượng ấn hành rất hạn chế : chỉ được 15 bộ. Mỗi bộ được đóng thành 7, 8 hay 10 quyển. Hiện nay chỉ mới thấy có 2 bộ tại Việt Nam và 1 bộ tại Pháp (bộ này thiếu 50 trang).
Trong nước đã có nhiều người quan tâm tới bộ tranh này. Thư Viện Trung Ương Hà Nội đã chụp vi phim năm 1979, Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh chụp vi ảnh năm 1975. Năm 1962 Viện Khảo Cổ Sài Gòn cũng đã chụp vi ảnh.
Vi phim và vi ảnh rất tiện lợi cho việc lưu trữ, bảo quản nhưng đồng thời cũng rất phiền toái cho việc tham khảo, khai thác tranh.
Tri Thức Bách Khoa (Viện Từ Điển Bách Khoa) đã giới thiệu một số tranh. Nhưng vì điều kiện vật chất quá thiếu thốn nên các bức vẽ chỉ được can lại với ít nhiều trung thực. Nguyễn Mạnh Hùng (Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Trẻ, 1989) cho đăng ký làm đề tài nghiên cứu bộ tranh, đề nghị ngành mỹ nghệ sơn mài khai thác một số tranh.
Tình cờ tôi được xem một bộ tranh Oger bằng âm bản cỡ 3,5 x 5,2 cm chụp trên phim 6 x 9 cm. Chỉ nhớ mang máng là hôm ấy thích quá, tôi bị những tấm âm bản thôi miên, lôi cuốn đến...nổi da gà !
Phản ứng đầu tiên của tôi là xin phép được phóng lớn mấy tấm tranh gà, tranh lợn quen thuộc, treo chơi trong nhà. Ảnh rửa ra rồi mới thấy chưa được hoàn toàn vừa ý. Một phần vì vật liệu, một phần vì kỹ thuật in nên có rất nhiều nét bị gẫy, nhiều chỗ mực bị mờ, bị mất. Phải tu sửa thêm. Dùng mực đen tô những nét bị hư hỏng, bị mờ, dùng màu trắng bôi xóa những vết lem của in ấn.
Sau gà, lợn, tôi tò mò khám phá thêm leo dừa, đánh vật, tổ tôm xóc đĩa... Phóng thêm vài tấm. Cố thêm vài tấm nữa...
Bụng bảo dạ xong mấy tấm này thì ngừng. Khổ một cái là ngừng thì lại thấy tiếc, thấy ngứa tay muốn cố làm thêm.
Thế rồi cứ hết thêm lại cố, cố xong lại thêm. Rốt cuộc thêm với cố đến...hết cả bộ tranh.
Không ngờ tôi đã lần mò trong buồng tối, giữa thanh thiên bạch nhật, hết sờ soạng cái máy phóng nhà nghề, lại đến hiện với hãm, rồi rửa cho sạch, phơi cho khô, rồi lại phải tô điểm, tẩy xóa, cứ như vậy trong suốt một thời gian dài hơn 10 năm. Sở dĩ lâu như vậy vì đây chỉ là thú vui nằm ngoài những lúc kiếm cơm (mặc dù giờ giấc nhà giáo công chức đôi lúc, đúng hơn là nhiều khi cũng lỏng lẻo). Mỗi tấm tranh được phóng lớn ra giấy ảnh (tấm nào nhiều chi tiết thì phóng ra 21 x 29, đơn giản thì 9 x 12 cm). Tu sửa xong tôi cẩn thận chụp lại tấm tranh hoàn chỉnh bằng phim đặc biệt để có một âm bản cỡ 24 x 36 mm.
Bên cạnh bộ âm bản tôi làm thêm một bộ tranh 9 x 12 cm, đóng thành tập (khổ A4, mỗi trang 4 tranh) để tiện tra cứu, ngắm nghía cho vui.
Một điều không ngờ khác là bộ tranh tôi khai thác bị thiếu, bị mất một số trang. Thế mới gay, làm thế nào để bổ sung đây ? Bây giờ tôi vẫn còn tự trách mình đã vụng về, thiếu khôn khéo ngoại giao, có thể còn nhiều yếu kém khác mà chính mình chưa biết, để đến nỗi vấp phải nhiều khó khăn như vậy. Cũng may là sau nhiều năm kiên trì đeo đuổi vừa đi xin, đi mượn (rất trơ trẽn, vô duyên, chả ai thèm...), vừa đi mua (tuy biết rằng mua bán văn hóa là không nên), sau cùng là nham nhở đi nhờ (thì ra giữa thời buổi kinh tế thị trường tình bạn tuy hiếm nhưng vẫn còn), rồi đâu cũng vào đấy. Cuối cùng tôi cũng có được những trang bị thiếu. Chỉ tiếc rằng đã mất cả chục năm chờ đợi. Thời gian chờ đợi dài ngang với thời gian làm việc (hữu ích ?).
Nhiều lúc chán nản, mệt mỏi, muốn bỏ rơi bộ tranh, nhưng rồi lại nghĩ người xưa đã có công, nay mình chỉ tiếp tay vớ vẩn, ăn thua gì ! Thế là lại tiếp tục lủi thủi...vác ngà voi !
Bao nhiêu bực dọc hôm nay xin gác qua một bên để báo tin vui, để khoe với bạn bè rằng tôi đã hoàn thành việc chuyển hơn 4000 tấm tranh lớn nhỏ khác nhau của bộ tranh Oger ra âm bản 24 x 36 mm và ra tranh dùng liền 9 x 12 cm (ta đã có món mì ăn liền, vậy tạm đặt tên tranh dùng liền cho món ăn tinh thần này). Bộ tranh mới này gọn gàng, sạch sẽ, rõ ràng và dễ tham khảo. Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh là các tranh vẫn giữ được trọn vẹn nét vẽ của các nghệ sĩ dân gian.
Công việc tu sửa, thay đổi kích thước tranh của bộ tranh dân gian Oger, vừa được làm xong. Tuy lâu và tốn kém, nặng về kỹ thuật nhiếp ảnh, nhưng xét cho cùng thì cũng tương đối dễ. Giai đoạn tiếp theo có thể còn khó hơn và cần phải làm càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ đến vài việc như :
- dịch tên tranh ra nhiều thứ tiếng và phổ biến rộng rãi bộ tranh tới nhiều người, trong và ngoài nước.
- sắp xếp tranh theo đề tài, có thứ tự.
- lập bảng mục lục để tìm kiếm cho dễ.
- khai thác kho chữ nôm bình dân của bộ tranh để tìm hiểu đời sống xã hội và một số phong tục xưa của ta.
Có người hỏi : làm để làm gì ? Xin tâm sự : Thích thì làm, ngoài ra thì...chả làm gì cả.
Vài ảnh về sinh hoạt,phong tục người Việt xưa
Ông tiến sĩ vinh quy.
Đi thi
Người xưa ra đường gặp nhau thì vái chào rất lễ nghĩa.
Đây là cặp nam nữ "hủ hóa" bị cạo trọc trói vào bè chuối thả trôi sông
Đẻ rơi ngoài đường
Vấn danh (Chạm ngõ)
Tang ma- Cải táng.
Xin xem thêm tranh tại đây: Dang net Que Guong (http://chimviet.free.fr/dangnet/beogiatx.htm)
Copy từ http://chimviet.free.fr/dangnet/

Không có nhận xét nào: