Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Học Yoga: quan trọng chọn thầy

Học Yoga: quan trọng chọn thầy
Copy từ http://sgtt.vn/Tieu-dung/184495/Hoc-Yoga-quan-trong-chon-thay.html, đăng ngày 28/10/13, mục Tiêu dùng .
SGTT.VN - “Không có con số chính thức, nhưng hiện TP.HCM có tới hàng trăm trung tâm dạy yoga. Đặc biệt thời gian gần đây, tháng nào cũng có vài trung tâm mới mở ra. Người ta tìm đến với yoga ngày càng đông. Mục đích trước hết là giữ gìn vóc dáng và làm đẹp, sau đó là để tìm sự quân bình tinh thần và cả để cải thiện tình trạng bệnh tật”, bà Nguyễn Kim – quản lý kiêm huấn luyện viên Shri Yoga nhận xét.
Chọn loại hình nào?
Câu lạc bộ Yoga Secret hiện tại đã phát triển thành ba trung tâm. Một ở Hà Nội và hai ở TP.HCM, riêng ở TP.HCM số lượng học viên thường xuyên đã lên tới khoảng 600 người. “Những năm đầu hoạt động đa phần là học viên nữ nhưng nay học viên nam cũng tham gia nhiều, khoảng 30%. Độ tuổi tham gia nhiều nhất đối với nam là trên 40, đối với nữ thì từ 30 – 45”, theo Master Sridevi Tố Hải – huấn luyện viên Yoga Secret Club.
Ở trung tâm Shri Yoga thì người học đa số trên 40 tuổi, chiếm 60 – 70% số lượng đăng ký học.
Tuỳ theo nhu cầu và lứa tuổi mà các khách hàng có thể chọn cho mình những bài yoga phù hợp như Hatha yoga, yoga beauty, yoga bà bầu, yoga dance, yoga trẻ em, yoga cười, yoga đàn ông, Sridevi yoga, hot yoga, yoga dành cho người lớn tuổi, vinyasa... Theo đó, mỗi bài tập yoga được phân theo cấp độ từ cơ bản là lớp Body, lớp Mind và đến nâng cao là lớp Soul.
Các lớp yoga ở những câu lạc bộ quận huyện có học phí phần lớn khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng/khoá/tháng. Các trung tâm khác có nơi như ở YMC Yoga học phí từ 599.000 – 720.000 đồng/tháng/3 buổi (tuỳ theo số buổi cố định hay không). Cao hơn như ở Shri Yoga hoặc Yoga Secret Club học phí dao động từ 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng/tháng. Một số nơi kết hợp giữa học yoga và các loại hình khác như thể dục, gym, spa… thì giá còn cao hơn nữa.
Và, cũng có thể mời riêng huấn luyện viên về nhà hướng dẫn. Chi phí được tính theo giờ với mức từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/giờ.
Đối với huấn luyện viên cũng có nhiều dạng. Bên cạnh các huấn luyện viên được cấp bằng trong nước, có khá nhiều huấn luyện viên có bằng từ các nước khác. Đồng thời một số nơi sử dụng huấn luyện viên ngoại mà đa số là huấn luyện viên Ấn Độ.
Những lưu ý cần thiết
“Yoga ai tập cũng được, không hạn chế độ tuổi, tình trạng bệnh tật, thể trạng… Thế nhưng, vấn đề là tập thế nào, tập với ai mới là quan trọng”. Hầu hết những huấn luyện viên yoga mà chúng tôi trao đổi đều cho lời khuyên như vậy.
Do gia tăng số lượng người đến với yoga, dẫn đến nhiều trung tâm thuê những huấn luyện viên có bằng cấp nhưng chưa có thâm niên kinh nghiệm và kiến thức chưa sâu nên có những trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc cho người tập.
Chị Dung, quận 9 kể: “Lúc trước tôi học yoga ở một trung tâm bình dân, sau vài tháng tập tôi thấy đau hơn, đi khám thì phát hiện mình bị “lệch” đĩa đệm L4 – L5. Từ đó, tôi sợ tập yoga luôn”.
“Đối với những trường hợp có bệnh lý về tim mạch, huyết áp, sai khớp hay những bệnh về cột sống như thoát vị đĩa đệm… cần tránh học những lớp đông học viên vì như vậy huấn luyện viên sẽ không có thời gian theo dõi để đưa ra bài tập phù hợp với bệnh lý thể trạng của người có bệnh. Cần chọn huấn luyện viên có kinh nghiệm để được tư vấn và có những phương pháp luyện tập riêng. Nhiều người sau một thời gian luyện tập đúng, tìm được huấn luyện viên phù hợp thì sức khoẻ cải thiện rất tốt, những bệnh về xương khớp cũng được đẩy lùi”, bà Hải cho biết.
Bên cạnh đó cũng có những chấn thương gây ra do người tập cố gắng quá sức. “Đối với những người mới học, trong quá trình tập những động tác khó, nếu cơ thể chưa thích nghi với động tác đó mà vẫn cố tập thì dễ bị chấn thương. Chẳng hạn với người bị thoát vị đĩa đệm “ngầm” (chỉ mới nhẹ), khi tập động tác xoay cột sống, nếu giáo viên không được biết trước mà để học viên cố xoay tư thế cho giống học viên khác thì bệnh sẽ nặng thêm”, bà Uyên Phương – huấn luyện viên trung tâm yoga YMC chia sẻ.
Hơn nữa, nhiều người tìm đến những trung tâm có chi phí dạy thấp, lớp học quá đông (trên 20 người), dù huấn luyện viên có kinh nghiệm cũng sẽ không thể theo dõi hết và sửa những động tác sai cho tất cả học viên được.
Vì yoga kết hợp cả thể xác và tinh thần nên cần xem như một môn thể dục và duy trì đều đặn để đảm bảo sức khoẻ, suy nghĩ tích cực hơn. Tùy theo thể trạng và độ mềm dẻo của cơ thể để chọn bài tập phù hợp. “Trong quá trình tập phải luôn lắng nghe cơ thể, phải tỉnh táo, dung hoà, không nóng vội và không tập quá sức chịu đựng. Nếu thấy đau thì ngưng tập. Tốt nhất, phải hiểu sức khoẻ của mình như thế nào, cũng nên kết hợp dinh dưỡng trong yoga. Ăn cân bằng giữa các chất đạm, sắt, tinh bột và chất xơ… Chỉ ăn trước khi tập từ 3 – 4 tiếng”, bà Kim lưu ý.
Ngọc Hoài

Không có nhận xét nào: